Chung sống với " sự lịch sự"
Chào mọi người. Kể lể một chút về tình trạng bản thân, suốt hơn 2 tuần qua tôi đang ở "Thành phố đáng sống nhất thế giới năm 2017"...
Chào mọi người.
Kể lể một chút về tình trạng bản thân, suốt hơn 2 tuần qua tôi đang ở "Thành phố đáng sống nhất thế giới năm 2017" là Melbourne, Australia- hay chính xác hơn là một khu dân cư cách nơi ấy 40 phút tàu xe- và tôi đang trải qua một mùa đông trái nghịch với mùa hè ở Việt Nam. Có lẽ với một chuyến đi vừa có nghỉ ngơi lẫn tìm kiếm những cơ hội mới, trải nghiệm mới thế này làm tôi có nhiều thời gian hơn và gắn bó với Spiderum nhiều hơn, bù lại được hết những tuần bị "bỏ phí" không hoàn thành được chỉ tiêu một tuần một bài mà các writers chúng tôi vẫn thường kháo nhau. Trước khi có gì để bàn bạc sâu xa thêm về nước Úc, thì ấn tượng đầu tiên của tôi đó là cách ứng xử vô cùng lịch sự của người dân nơi đây.
Thật ra đây cũng chẳng phải lần đầu tiên tôi đặt chân đến Úc Đại Lợi để mà chứng kiến điều này lần đầu và tỏ ra vô cùng bất ngờ, việc đấy đã xảy ra hai năm trước rồi, khi William "Bill" Hùng Lý chưa là một blogger hay thậm chí chẳng có Spiderum để tham gia, thế nên chỉ cuốn nhật ký cũ kỹ là còn vài dòng ngắn gọn về việc đấy. Kể lại đầy đủ thì thế này :
"Bất ngờ khi có một chiếc xe quẹo đến gần mình đang bước xuống lòng đường, không có đèn tín hiệu của người đi bộ, nhưng trước khi mình kịp thụt lùi để né (như vẫn hay làm ở Việt Nam khi thấy có con xế nào ào tới) thì chiếc xe dừng hẳn lại, anh tài xế vui vẻ phất tay và kéo hẳn kiếng xe xuống kêu lên 'Go, mate.' Và mình chạy ào qua, cảm nghĩ nên quay lại cảm ơn cái, thì mình vẫy tay và đưa ngón cái lên, anh tài xế cũng làm tương tự rồi vui vẻ chạy đi."

Và bạn biết gì không, cách đây 5 hôm tôi đi siêu thị mua tí đồ cũng gặp một cô ngừng xe lại còn trước khi tôi đến mép đường, tôi vẫy tay cảm ơn cô cũng làm tương tự... Hay hôm trước tôi vừa qua đường đến Queen Victoria Market vừa 'Thank you' một người chủ động nhường tôi đi trước dù đèn xanh đã lên khi tôi đang ở cách lề khoảng 1/3 đoạn đường và anh ta còn đáp lại 'No prob bro'... Qua đường là thế. Lên xe lửa hay trung tâm mua sắm hay đi đâu thì dù chỉ sượt qua vạt áo khoác thôi cũng là câu "Excuse me/ Sorry" mà đến giờ tôi nghe đến quen cả tai không như mấy ngày đầu- thành phản xạ là bây giờ dù ai đụng ai thì cả hai cùng đồng loạt lên tiếng. Đứng ở quầy mua một ly cocktail mà anh kế bên nhận đồ uống trước tôi cũng xoay qua "Have fun, bro." Và đỉnh điểm, trực chỉ trên môi họ mỗi khi đi lướt qua nhau là một câu "Hello" dù đôi khi tôi thậm chí còn không nhìn họ. (Còn đi mua hàng thì họ ân cần khỏi nói rồi)
Tôi không còn bất ngờ, nhưng chính xác là tôi đã nhớ lại rằng tại sao khi ấy tôi lại thích thú khi được nhận và đáp lại những điều như vậy. Một niềm vui rất đơn giản.
Đừng nói tôi sính ngoại, tôi không có cái tính đó lắm, nhưng thật sự thì việc giao tiếp, ứng xử như vậy hằng ngày như vậy khá là tuyệt vời. Tôi cũng biết có thể "bề ngoài" là thế thôi chứ lối sống của họ khác ta. Tôi vẫn biết rằng khi sống ở một khu dân cư thì hàng xóm đôi khi họ còn chẳng biết nhau là ai và "Đèn nhà ai nấy sáng" rất phũ, nhưng trong những điều thường nhật, những câu xã giao nhẹ nhàng hay ứng xử nhường trước nhường sau như vậy rất là thoải mái. Những câu "Cảm ơn", "Chào", "Xin lỗi" thậm chí cả câu "Chúc mừng năm mới" khi đúng dịp nó rất dễ làm cho tinh thần của con người ta phấn chấn hẳn khi bước ra đối diện với xã hội xô bồ, đưa đẩy đến những điều khó đoán. Tôi còn nhớ năm ngoái khi cảm ơn và chúc mừng năm mới một bác bảo vệ đã giữ xe cho tôi mà bác ấy tươi cười hẳn lên mặc cho cái sương gió lúc 4 giờ sáng đầu năm.
Nó dễ vậy đấy, mà tại sao đôi khi tôi nhìn quanh ở đất nước tôi sinh sống tôi lại thấy chúng ta, thậm chí cả chính bản thân tôi lại quá "kiệm lời" những điều như vậy dành cho nhau. Cơ mà nhiều người lại không hề tiếc 5 giây để chửi một thầy giáo bản địa đang chỉ dạy những giáo viên nội địa cách phát âm cho chuẩn, càng không tiếc lời chỉ để bàn tán về một cô người mẫu nào có scandal gì đấy, hay nói cho trắng ra chẳng ai tiếc một câu "Đan Mạch" dành cho nhau ngay trên đường phố dẫu lỗi của ai đi nữa, đến cả xếp hàng cũng chen lấn hay cắt ngang như đúng rồi... Sự len lỏi và tồn tại của những điều tiêu cực luôn mạnh mẽ hơn những điều tích cực nhỉ?
Thật ra thì, chỉ nói riêng thành phố của tôi, những chủ cửa hàng tươi cười "Sao em?" hay khi ra về thì người ấy cũng "Cảm ơn em" (Và dĩ nhiên tôi luôn đáp lại, từ 2 năm trước tôi đã tự tập thói quen này thường xuyên hơn) nhưng ngoại trừ những cửa hàng tiện lợi có sự đào tạo thì số những nơi như trên chắc đếm trên đầu ngón tay. Tức là cũng có chứ không phải không, nhưng việc này lại không hề là một điều đương nhiên, để rồi khi ra về chúng ta ấn tượng "Oh chỗ này lịch sự dễ thương, mai mốt tới nữa" như đó là một nơi lạ lẫm chứ cách ứng xử như vậy lại không hề là một tiêu chuẩn cần có ở... khắp mọi nơi! Nếu bạn nói tôi sai vì những nơi như vậy tồn tại rất nhiều, thì quả thực tôi sẽ mở mang hơn hẳn nhưng trước hết thì tôi chỉ nói lên những gì chủ quan tôi đã trải qua thôi.
Có một bài viết nào đấy về những gã đã 20 chưa đến 25 thì đừng viết hết tất cả những gì mình nghĩ ra. Nhưng tôi chẳng quan tâm điều đó cho lắm vì tôi nghĩ đây là điều mọi người nên biết và nên tạo thành một thói quen mới. Tôi viết ra như thế này cũng chẳng phải là tôi chỉ trích những bạn chưa từng làm như vậy là xấu, bạn hoàn toàn có thể bắt đầu ngay sau khi đọc bài này nếu có thể bởi vì hoàn thiện bản thân không bao giờ là muộn. Chẳng có gì khó khăn, chỉ cảm ơn khi mua xong một món hàng gì, nếu có thể thì chào hỏi một tí những ai nhìn mình hay đi lướt qua (dù tôi biết đôi khi sẽ bị nhìn như một anh chàng hay cô nàng ngáo ngáo) và chấp hành việc xếp hàng, nhường nhịn nhau một tí (trừ phi bị gây sự) là chắc cũng đủ rồi.

Tôi không biết rằng chỉ có tôi và Spiderum thôi thì liệu có đủ để thay đổi những thứ đã đóng cốt bê-tông trong văn hoá ứng xử bao lâu nay của dân thành thị xứ Việt hay không, nhưng nếu không thể thay đổi cả xã hội thì thay đổi bản thân lịch sự như thế cũng khiến cho ngày của chúng ta trở nên tươi đẹp hơn và hoàn toàn có thể vỗ ngực rằng "Mình là người lịch sự, văn minh."
Những lời tâm sự của tôi đến đây đã hết rồi, tạm biệt mọi người và hẹn sẽ trở lại sớm nhất có thể.
William "Bill" Hùng Lý

Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

Huskywannafly

Mình có tìm hiểu về mặt lịch sử của vấn đề này.
Thật ra có một thời dân mình rất lịch sự và thanh lịch, nhưng sau đó chúng ta bắt đầu cải cách văn hóa. Áo dài là trang phục của bọn tiểu tư sản, phải bị phá bỏ (bạn cứ để ý hình xưa chỉ có người miền Nam mặc áo dài, không tin bạn cứ tìm), con nít cúi đầu chào người lớn là lễ nghi phong kiến cần phải xóa bỏ, không còn xưng hô lịch sự giả tạo kiểu tư sản, chỉ còn đồng chí thôi. Đấy là tư tưởng thời miền Bắc sau năm 54 và sau này là cả nước sau năm 75, học tập từ Trung Hoa. Ở Trung Quốc trong thời kì Đại Cách Mạng Văn Hóa người ta còn phá bỏ đền chùa, dẹp hết lễ nghi cũng như các thói quen đạo đức "giả tạo", "tiểu tư sản". Dân ta cũng học theo, từ đó cảm thấy lịch sự với nhau có gì đó là giả tạo, kiểu cách. Giờ không ai nói vậy nữa nhưng di chứng để lại đời sau là rất lâu.
"Năm 1947 trong bối cảnh Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới tuyên bố độc lập và các phong trào "diệt giặc đói, giặc dốt" đang được phát động, nhằm phát động phong trào tiết kiệm, ngày 20 tháng 3 năm 1947, Hồ Chí Minh, với bút hiệu Tân Sinh, đã viết một cách vắn tắt rõ ràng và dễ hiểu bài "Đời sống mới" trong đó vận động người dân bỏ thói quen mặc áo dài để thay bằng áo vắn vì mặc áo dài đi đứng, làm việc bất tiện, lượt thượt, luộm thuộm. Áo dài tốn vải, khoảng hai cái áo dài may được ba cái áo vắn, nếu chỉ mặc áo vắn có thể sẻn được 200 triệu đồng/năm. Áo dài không hợp với phụ nữ Việt Nam đời sống mới. Cuộc vận động này dần đã được người dân hưởng ứng và áo dài không còn là trang phục thông dụng của phụ nữ Việt Nam trong một thời gian dài ở miền bắc vĩ tuyến 17."
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C3%81o_d%C3%A0i
- Báo cáo

HelloWorld!
William "Bill" Hùng Lý thích nói lời tử tế lắm nhỉ? Câu hỏi đặt ra và cũng không khó để trả lời, ít nhất là lúc này, đó là: Tại sao mình không phải là người đầu tiên nói năng, hành xử như một người lịch sự, văn mình? Nếu như một mình bản thân là chưa đủ thì lôi kéo thêm người bạn đời, rồi con cái, cháu chắt? Rồi nếu có cơ hội thì lôi kéo luôn cả những người được tiếp xúc với mình để cùng thực hiện luôn nhỉ?
Ôi mấy câu hỏi ở trên nếu triển khai ra thêm nữa thì chắc phải viết thêm một bài về vấn đề này quá, nhưng vốn từ có hạn và tâm trạng cũng còn chưa tốt nên chưa thể viết được, ngại quá.
Cảm ơn William "Bill" Hùng Lý vì bài viết này nhé. Chúc sức khỏe và may mắn tới William "Bill" Hùng Lý nhé.
- Báo cáo

Viet Anh Tran

Melbourne chất vãi bro, tôi nhớ Úc quá
"Xin lỗi", "Cảm ơn" tôi cũng thành thói quen và luôn nói, cảm giác nói xong thấy vui vui :))
Mà ở VN thì ghét nhất mấy ông quệt xe hay gì gì đó vào mình xong nhìn mình trơ trơ kiểu "Bố không quan tâm, kệ mày". Nói 1 câu "Xin lỗi" với nhiều ông có vẻ hơi bị khó :))

- Báo cáo

KyrosGlande
Một trải nghiệm lịch sự mình từng được trải nghiệm không đến từ đâu xa mà xuất phát ngay từ ông anh em hàng xóm Camphuchea. Cũng giống như trường hợp anh Hùng Lý kể ở trên, ở Phnom Penh lúc mình sang đường, dù đường rộng hay hẹp, toàn bộ xe cộ từ xe đạp đến tuk tuk đến ô tô đồng loạt dừng hẳn lại để nhườn đường cho người đi bộ đi qua.
Cảm giác rất lạ chưa bao giờ cảm nhận được ở xứ mình :))
- Báo cáo
Ninthinh
Cảm ơn Hùng Lý về bài viết, cho tôi hay như những bạn chưa một lần được đặt chân đến nơi mà " sự lịch sự" trở nên bình thường như vậy. Cũng như tôi không biết tự lúc nào mà câu "cảm ơn" hay "xin lỗi" trở thành phản xạ tự nhiên. Lúc đầu bạn bè còn bảo sao mày khách sáo quá. Sau thời gian cả bọn mở miệng đều "cảm ơn", "pls", "sorry". Nói lòng vòng để chốt rằng mỗi người cứ làm tốt việc của mình, nói năng không chỉ lịch sự mà còn nhẹ nhàng vui vẻ tí, điều tốt luôn có sức lan tỏa mà, có thể có chút ngại ngùng lúc đầu nhưng sau đó trở thành thói quen lúc nào không hay. Một thói quen giúp mỗi người gần nhau hơn giữa cái nơi rộng lớn này nhỉ.
- Báo cáo