Nguồn hình: Unsplash <a href="https://unsplash.com/@jakobdalbjorn">Jakob Dalbjörn</a>
Nguồn hình: Unsplash Jakob Dalbjörn
Tôi học một trường chuyên cấp 3 có tiếng ở TPHCM. Hồi cấp 3, có một từ mà những người không giỏi networking để gọi những người giỏi thiết lập mối quan hệ, đó là từ “la liếm”.
Nói ngắn gọn, sự ghen tị khiến những người này xem những networker thành thạo là những kẻ lợi dụng.
Nhưng khi lên đại học, cũng chính họ trở thành những người luôn khen ngợi, lấy lòng giáo sư để đạt được quyền lợi gì đó.
Như vậy, cốt lõi của networking là gì?
Bài này, một networker tập sự, xin viết tặng Gen Z, hoặc bất cứ ai cần, để họ đừng mua Đắc Nhân Tâm và cũng đừng tải bản ebook của nó.

Networking là la liếm, nhạc nào cũng nhảy, hội nào cũng chơi?

Trí nhớ và thời gian của con người có hạn. Đôi khi, một người bạn trong friendlist hiện lên trên newfeed và bạn tự hỏi đó là ai.
Thiếu chức năng nhắc sinh nhật của Zalo, Facebook và lịch Google, với bao bộn bề cuộc sống, bạn còn không nhớ nổi sinh nhật người thân là ngày mấy.
Vậy nên, nếu ai cũng chơi, bạn đang dàn mỏng sức lực của mình quá nhiều, trong khi chất lượng bao giờ cũng hơn số lượng.
Vì mỗi hội có một sở thích riêng, vòng tròn riêng, lượng thông tin riêng.
Hãy chọn lọc những gì phù hợp với mình.

Nịnh hót dù khéo vẫn là nịnh hót

Có thể bạn nghĩ, chỉ cần khen thì ai cũng thích. Nhưng, tôi sẽ cho bạn một ví dụ.
Tôi đã tương tác rất nhiều trên Facebook với chị nhà văn Hiền Trang. Đương nhiên là tôi auto khen chị ấy với những lời khen thực tế và được customize dành riêng cho chị Trang.
Cho đến chị ấy chia sẻ rằng: “Không phải người khác nói bạn là nhà văn thì tức là bạn là nhà văn.” Một câu nữa: “Phải tỉnh táo khi được khen để biết nó không có thật.”
Có thể chị theo thuyết hư vô, nhưng điều đó làm tôi thức tỉnh.
Có thể tôi khó mà dừng được việc hay khen người khác, nhưng tôi nghĩ bản thân cần tiết chế điều này với chị Trang và tập trung những điều thực tế hơn, vì kiểu chị ấy là như thế.
Sau khi hỏi rất nhiều, tôi ngại ngùng đưa sách cho chị ký. Chị ồ lên khi thấy những tấm giấy đánh dấu của tôi. Điều đó chứng tỏ tôi có đọc sách, có ghi nhớ những gì chị viết.
Những người thông minh luôn tỉnh táo trước những lời khen và chỉ chú ý những gì thiết thực, ý tôi là vậy đấy.
Đôi khi khen mấy cũng vào hư vô.

Tôi từng bị kêu là kẻ “liếm giày” người khác, nhưng tôi mặc kệ

Như tiêu đề, tôi từng bị kêu là “liếm giày”, thuật ngữ tiếng anh là bootlicker, dịch ra tiếng Việt là người “bợ đ*t” người khác hòng đạt được lợi ích gì đấy.
Nhưng tôi lại là người mua sản phẩm của chị ấy chứ người này chưa mang lại lợi ích gì cho tôi.
Ngoại trừ số content vô tận của chị.
Nhà văn đoạt giải Pulitzer người Mỹ gốc Việt Nguyễn Thanh Việt từng phát biểu rằng:
“Tôi không nghĩ rằng tất cả các cuốn sách đều dành cho tất cả mọi người. [...] Tôi nghĩ rằng bất kỳ cuốn sách nào mà tác giả thực sự chân thực và cam kết với một phong cách rất riêng, sẽ tìm thấy những người yêu và ghét tác phẩm của họ. Tôi thà để mọi người yêu và ghét tác phẩm của tôi hơn là chỉ thích nó.”
Hãy suy rộng ra, nếu thay “sách” bằng “người” trong câu này, nó cũng không quá sai. Một người chân thực sẽ có người thích kẻ ghét, làm sao mà hoàn hảo được.
Vậy nên, từng ở gần những người gọi networker là “la liếm”, khi bị gọi là kẻ “liếm giày”, thậm chí không phải kêu, cô ta là gen Z 2000 trở đi, chỉ comment 2 emoji: "👅 👢-er".
Tôi mặc kệ, vì tôi biết đó chỉ là một người lạ thoáng qua và sau này cũng sẽ đi “liếm giày” sếp hoặc giáo sư để đạt được điều em ta muốn.
Cứ trải đời thêm đi em.

Người khác sẽ nhận ra bạn thảo mai

Con người là một sinh vật tinh vi, vì vậy, sự giả dối nếu có của bạn như cái kim trong bọc, chưa lộ ra đã bị phát hiện.
Giống như chị KOL Liên Anh Nguyễn từng nói một ý rằng thế giới những kẻ thao túng sẽ nảy sinh những con người thao túng giỏi hơn. Vỏ quýt dày có móng tay nhọn.
Như vậy, thảo mai có lẽ chỉ để không ai phát hiện ra kẽ hở của mình, nhưng sự hiệu quả của nó không khác gì việc lấy kem che khuyết điểm bồi lên nốt mụn đang mưng mủ, ngày qua ngày.
Rồi cũng đến ngày bạn không thể che được nữa và phải để những chất bẩn trong mụn, hoặc trong tâm hồn của mình được thở.

Vậy chìa khóa của networking là gì?

Không gì khác là sự chân thành và năng lực. Chân thành đi trước, năng lực đi sau, nhưng cũng là yếu tố khá quan trọng.
Hãy xem thử ví dụ sau:
VD 1: “Anh viết hay quá ạ.” - Đây là một câu nói chatGPT cũng viết được.
VD 2: “Anh ơi, những gì anh viết quả thực sâu sắc. Đây là những điều mà chính em cũng trăn trở. Em định reply anh bằng Google Docs vì Threads giới hạn ký tự, nhưng cứ lần lữa ngày này qua ngày khác. Hôm nay em phải nhắn tin liền cho anh kẻo quên. Cảm ơn anh vì đã tóm tắt cuộc đời em chỉ trong vòng mấy nghìn chữ.”
Nó khác biệt liền đúng không? Và nó chân thật, nó cho thấy cái tâm và sự tìm hiểu của người nhắn tin.
Một ví dụ khác, nếu bạn để người khác đợi lần đầu, bạn có thể nói: “Cảm ơn vì bạn đã đợi mình.”
Nhưng lần hai, lần ba, thì bạn phải xin lỗi, chứ việc cảm ơn không che lấp được tình hình là bạn không xem trọng thời gian của người khác đâu.
Tương tự với sự lươn lẹo, lý do lý trấu của một số bạn gen Z. Nói xin lỗi không khó, thậm chí giúp bạn trở nên khác biệt trong thế giới người trẻ tìm cách thao túng gừng đã già và cay.
Một ví dụ khác, các bạn phải hiểu rằng, bạn có khen giáo sư đến đâu, nếu bạn không có năng lực, làm sao giáo sư có thể cho bạn tốt nghiệp được?
Chẳng lẽ đi tặng quà, khen ngợi người peer review mãi à?
Người ta nói, nhiệt tình cộng ngu dốt bằng phá hoại.
Vậy nên, hãy trau dồi cho mình sự chân thành để không tấm mặt nạ nào vỡ, và năng lực để sự chân thành được đi xa, đó là cách để Dark Nhân Tâm tốt nhất mà không biến mình thành một người luôn chiều lòng đón ý người khác.

Networking là một lĩnh vực thuộc về năng lực quản trị

Một cánh én không làm nên mùa xuân. Những người thành công không làm mọi thứ một mình. Ở khía cạnh rộng hơn, thành công của một doanh nghiệp không chỉ do CEO, vì nếu chỉ do CEO thì ông ta/bà ta sẽ dành cả ngày để làm lính, chiến lược có lẽ chỉ nghĩ trong thời gian rảnh, trong khi chiến lược lại là linh hồn, đầu tàu của công ty.
Hãy xem xét một ví dụ vi mô sau, một sinh viên năm 4 cần tốt nghiệp loại giỏi, giải quyết nợ một môn vì anh ta lỡ dùng “phao” và bị giám thị phát hiện, đồng thời cũng cần duy trì việc đi thực tập để có 1,2 kinh nghiệm khi tốt nghiệp.
Đương nhiên việc dồn nhiều sức lực nhất vẫn là đi làm. Để giảm sự bất định trong lúc đi làm, một công việc anh này có nhờ tận dụng những mối quan hệ từ câu lạc bộ trong trường, anh ta nhờ sếp của mình cho lời khuyên. Trên lớp, anh ta nhờ đàn em của mình, người anh ta quen trong câu lạc bộ, điểm danh giùm. Nhưng về nhà, để không phạm phải sai lầm quay bài nữa, anh ta phải học bài nghiêm chỉnh. Nội dung bài vở có thể không phải thế mạnh tự thân, vậy nên người này nhờ một người trong nhóm bạn đại học mạnh về môn đó giảng bài giùm. Như vậy, dự án tốt nghiệp của người con trai này cần ít nhất ba người trong network đã xây dựng từ lâu của anh ta.
Ở góc độ vĩ mô hơn, một người lãnh đạo thành lập công ty sẽ tuyển người để làm cho mình. Họ sẽ dò hỏi trong network xem ai giỏi trong những lĩnh vực cô ta cần. Giả sử cô ta giỏi nấu ăn, cô ta sáng lập ra quán nhậu, và cần một người anh em của mình đứng tên giám đốc công ty. Để quán nhậu hoạt động ổn định, cần thêm một người quản lý quán, kiêm nhân sự và kế toán, cùng một người khác làm quản lý Sales & Marketing. Trước khi đăng tuyển dụng, đương nhiên người phụ nữ này sẽ dò hỏi trong sự quen biết của mình xem có ai phù hợp với những vị trí này không. Công ty dần dần phát triển, thuê thêm người để doanh nghiệp hoạt động ổn định và lớn mạnh. Đấy là chưa kể cô ấy sẽ vận động hết network của mình trong việc lấp đầy chỗ trống của quán trọng dịp khai trương. Sau đó, công ty sẽ xem xét những network phải trả phí như kênh đăng tin tuyển dụng chẳng hạn.
Đó là tầm quan trọng của network đối với một nhà quản trị.

Ranh giới giữa Dark Nhân Tâm và việc chiều lòng đón ý người khác

Chị Chi Nguyễn từng làm một podcast về việc chiều lòng đón ý người khác, về việc mẹ của chị luôn phải tất bật ở tất cả phương diện, nhưng đôi khi, giúp người, người chẳng trân trọng, và chẳng mảy may ghi nhận nỗ lực của mình, thậm chí cho rằng mình phải làm hơn thế họ mới ghi nhận.
Đôi khi tôi bức bối vì lối sống cộng đồng, vậy nên tôi chuyển sang lối sống cá nhân hơn một chút. Giúp người, nhưng phải biết trân trọng bản thân mình.
Đó là khi tôi thấy đi một sự kiện, sau khi đã network cạn năng lượng, tôi sẽ chào hỏi và đi về trước để chạy deadline, để bảo tồn năng lượng của mình, và đảm bảo deadline đúng tiến độ.
Tôi lấy lý do tôi phải về ăn với gia đình. Có người không thấu hiểu, có người nói hộ tôi rất khéo: “Bữa cơm gia đình rất quan trọng.”
Tôi đi về và trân trọng sự khéo léo của con người sau khi đã dành sự khéo léo của mình cho họ.

Người chúng ta nên giữ mối quan hệ nhất

Đừng khôn nhà dại chợ.
Hôm qua mẹ tôi nhờ tôi quay tiktok. Tôi quay cho mẹ, tải ứng dụng quay 4k để chiếc điện thoại không tân tiến có thể rõ nét hơn một chút, dặn dò mẹ cái này quay cho vui thôi chứ nếu muốn lọc tạp âm các thứ thì mẹ có thể phải dùng những app trả phí.
Mẹ tôi cười. Lúc về hưu, bà tìm vui trong việc trang trí thức ăn.
Bà hay cho tôi mượn tiền những lúc khốn khó. Tôi trả lại đủ.
Nhưng tôi thương bà, tôi giúp bà, vì bà là mẹ của tôi.
Tôi cân đối giữa công sức mình bỏ ra để giúp mẹ quay tiktok và việc làm của mình.
Có thể tôi chẳng giúp được mẹ tôi quá nhiều, nhưng tôi tìm cách tối ưu nhất, cách edit đỡ cực nhất, quay một cách tối ưu thời gian để mẹ đỡ chỉnh, mà tôi nghĩ mẹ sẽ nhờ tôi chỉnh vì mắt bà không quá rõ, bà cũng không rành điện thoại.
Dẫu bận rộn, tôi vẫn muốn bà vui.
Chúng ta dành cả cuộc đời khôn với chợ, nhưng dại với nhà, dành hơn 8 tiếng mỗi ngày chăm chút cho mối quan hệ công ty và về hét ầm lên với gia đình.
Để rồi khi bị bệnh, công ty yêu cầu bạn báo trước 2 ngày, kèm giấy bác sĩ mới được nghỉ. Chỉ có mẹ bạn là ép nước cam, mua thuốc men và nấu tô cháo hành Thị Nở chăm bạn ốm.
Chúng ta nên biết điều gì quan trọng mà làm, đừng vì vài giọt nước lã mà quên đi ao máu đào của mình.
NARCY NGUYỄN