Đây là hai bài viết cách đây 9 tháng của mình. Nhờ sự lỗi của spiderum mà mình không lưu trữ được, bị bắn thành bài viết mới. Xóa đi thì tội nên mình đăng lại với mục đích lưu trữ.

Các bạn ai có ý kiến vẫn tiếp tục tranh luận bên dưới nhé

=============================================================================

Mình sẽ cố gắng trình bày thật dễ hiểu quan điểm của mình về Phật giáo.
Thứ nhất, chủ nghĩa duy vật trả lời cho câu hỏi "vật chất có trước hay ý thức có trước?" là "vật chất có trước, vật chất quyết định sự tồn tại của ý thức.". Nghe khó hiểu quá, nhưng nôm na nghĩa là khi chúng ta cảm nhận được sự vật, hiện tượng bằng ngũ giác (nghe, ngửi, sờ, nếm, nhìn) và nói lại những thứ chúng ta cảm nhận được thì được gọi là duy vật.
Thứ 2, tại sao mình gọi Phật giáo là duy vật? Vì Đức Thích Ca Mâu Ni cảm nhận được sự vật, hiện tượng bằng giác quan siêu việt của người và người nói lại điều ấy.
Có thể ví dụ như sau:
+ Người thấy những thứ ai cũng thấy:
Đức Phật có nói ai cũng phải trải qua"sinh, lão, bệnh, tử". Chúng ta đều thấy đây là sự thật hiển nhiên.
Kinh Tứ Diệu Đế bắt đầu với Khổ đế: con người sinh ra là khổ. Đau ốm là khổ, nghèo là khổ, già là khổ v.v... Cái khổ của người này khác cái khổ của người kia. Ở đây có ai ko bao giờ buồn, tức giận, đau đớn không?
+ Thấy trước những thứ con người không thấy:
Cách đây hơn 2550 năm, Đức Thích Ca Mâu Ni phát biểu một câu xanh rờn "khi uống nước phải niệm phật siêu độ cho 3 vạn 6 ngàn sinh linh trong cốc nước", và vài ngàn năm sau, khi kính hiển vi ra đời chúng ta thấy được trong nước có vi khuẩn thật.
Hay Đức Phật cũng nói "có hằng hà sa số vũ trụ" và chúng ta ko khám phá nổi hết vũ trụ nhưng cũng biết đây là một sự thật.
Qua đó, có thể thấy, Đức Phật với cái nhìn siêu việt của mình đã thấy những thứ con người chưa thấy được. Cái nhìn ấy cách đây 2550 năm đến giờ mới chỉ xác định được 1 phần nhỏ bằng khoa học, vật lý thực nghiệm.
Như vậy, khi nhìn nhận Phật giáo duy vật và là một môn khoa học, chúng ta có thể tiếp tục tiếp cận các giáo lý khác của nhà Phật như cách chúng ta tiếp cận với vật lý vậy.


=============================================================================

Bài viết bên trên mình đã đưa ra lập luận cho thấy Phật giáo là duy vật.

Sau đó có một bài đăng khác, từ Đại Kỷ Nguyên với tiêu đề Chủ nghĩa duy vật là sai lầm

Trong khuôn khổ bài viết này, mình sẽ trình bày để bảo vệ quan điểm của mình như sau:
Thứ nhất, Duy vật trong bài của mình và bài của Đại Kỷ Nguyên giống nhau ở chỗ cùng trả lời cho câu hỏi "Vật chất và ý thức cái nào có trước? Cái nào quyết định cái nào?". Trong 2 bài đều đưa đến câu trả lời "Vật chất có trước, vật chất quyết định ý thức.".
Như vậy nếu nói 2 bài cùng đúng thì ta sẽ có mệnh đề logic: "Phật giáo là duy vật", "Duy vật là sai lầm" => Phật giáo là sai lầm. Mệnh đề này không đúng với những thứ em trình bày, và cũng không đúng với nhận định trong Đại Kỷ Nguyên "Phúc cho ai không thấy mà tin".


Vậy sai lầm ở đâu? Sai lầm ở "vật chất".


"Vật chất" mình trình bày trong bài viết của mình là vật chất được thấy bởi giác quan siêu việt của Đức Thích Ca Mâu Ni, nghĩa là bao gồm cả cõi vô hình, luật nhân quả v.v...
Trong khi đó, "vật chất" được nhắc đến trong Đại Kỷ Nguyên lại gói gọn khái niệm vật chất trong khái niệm vật lý, là những thành phần được cấu tạo từ những thực thể.


Vậy định nghĩa vật chất nào mới chính xác?


Giờ mình sẽ tiếp tục bám chặt vào thế giới quan duy vật của Mác - Lênin, được coi là chính thống ở VN. Trong triết học Mác-Lênin đã đưa ra khái niệm vật chất như sau:


Vật chất là phạm trù triết học dùng để chỉ thực tại khách quan được đem lại cho con người trong cảm giác, được cảm giác của chúng ta chép lại, chụp lại, phản ánh và tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác

và Lenin đánh giá, vật chất là một phạm trù 

rộng đến cùng cực mà nhận thức luận vẫn chưa vượt qua được

Điều đó cho thấy, với chủ nghĩa duy vật từ sau Mác - Lênin, vật chất được chỉ đến những thứ vô hình, không có cấu trúc vật lý và nằm bên ngoài ý thức của con người.
Như vậy, có thể hiểu được Phật giáo là duy vật mình nói đến là chủ nghĩa duy vật hiện đại. Còn câu nói "chủ nghĩa duy vật là sai lầm" đến nay cần sửa lại thành "Chủ nghĩa duy vật thế kỷ 19 là sai lầm", khi đã thu hẹp phạm vi vật chất vào nhận thức của con người.


Khi mọi người nhận định được "Phật giáo là khoa học duy vật" thì khi tiếp cận tiếp những pháp môn tiếp theo của Phật giáo sẽ khoa học hơn.


P/s: Triết học là khoa học của mọi khoa học, Phật giáo rộng lớn đến mức chỉ đọc hết kinh thôi cũng hết cả đời. Vậy nên tất nhiên mình không thể hiểu thấu đáo, cặn kẽ mọi vấn đề liên quan được, nhưng vẫn đủ để mọi người có cái nhìn khác đi với Luật nhân quả và tất yếu mọi người đều sẽ có được mục tiêu hướng thiện.