Từ quán ăn ven đường cho đến phương tiện giải trí, đâu đâu người ta cũng nghe thấy tiếng chửi thề…
 
Thời gian qua, khi người ta vẫn chưa quên vấn nạn bún mắng cháo chửi trong quán ăn bình dân phố Ngô Sĩ Liên, thì những lời nói tục đã bước lên truyền hình trong gameshow Thách thức danh hài, và khi khán giả vẫn chưa hết “bội thực” về món ăn khó xơi ấy thì cuốn tản văn Chuyện của Pín suồng sã, thô tục ngay từ bút danh của tác giả, ra đời với sự cấp phép của NXB Hội Nhà Văn.
Như vậy là những ngôn từ thiếu văn hoá đã có một bước tiến dài kể từ dấu mốc đầu tiên của nó. Ở hàng quán đường chợ người ta ậm ừ cho qua mỗi khi nghe thấy một từ bậy bạ, và lại tiếp tục với món ăn vật chất của mình. Nhưng khi những từ ngữ thô tục đã bước qua ranh giới ấy để bước vào món ăn tinh thần - những chương trình truyền hình - thì người ta không thể coi như không nghe thấy, bởi chính nó là thứ để gây cười, nó chính là nội dung. Sau cùng, văn chương dù hướng tới mục tiêu hướng Chân - Thiện - Mỹ cũng bị xâm nhập bởi những ngôn từ “nhảm nhí". 
Thế nhưng sự thô tục không có chân để tự đi. Thứ dắt nó đi lên chính là phản ứng của cộng đồng. Nhờ những cái tặc lưỡi cho qua mà quán bún mắng cháo chửi còn mở cửa và vẫn đắt hàng, nhờ những tiếng cười xuề xòa và lợi nhuận lớn mà những gameshow tục còn tồn tại, và nhờ hàng nghìn lượt like và share trên Facebook mà những cây viết không chính thống tạo dựng được danh tiếng và bước chân vào văn đàn.
chui 1.jpg


 
Chúng ta hẳn đã thống nhất với nhau chửi thề nói bậy là xấu xí, nhưng tại sao chúng ta vẫn ném ra những từ ngữ ấy ở mọi nơi?
Theo Richard Stephens, nhà khoa học của đại học Keele, chửi chề là một cơ chế giảm căng thẳng cho cơ thể, khi chửi thề nói riêng và bộc phát những hành động bạo lực nói chung, cơ thể gia tăng lượng Adrenaline trong máu. Adrenaline có thể coi như một thứ thuốc giúp bạn giảm bớt đau đớn về cả thể chất và tinh thần cho đến khi cơ thể ổn định trở lại.
Điều này có thể là một phần lý do vì sao mọi người ưa chuộng chửi thề đến thế. Xã hội ngày nay có quá nhiều áp lực, sự phát triển trong mọi mặt đời sống cũng đi đôi với trạng thái mất cân bằng. Một bộ phận không nhỏ công chúng bị kìm kẹp giữa những trái tai gai mắt trong đời thường và khái niệm thuần phong mỹ tục mơ hồ, khi con người không được tự do làm theo ý chí của mình thì nảy sinh bất mãn là tất yếu. Số người bất mãn với thời cuộc càng gia tăng, nhu cầu thuốc giảm đau cho tinh thần càng nhiều lên.
Lý do tiếp theo là bởi nói tục chửi thề gần gũi với đời thường. Phần đông những thực khách và khán giả của những sản phẩm trên là tầng lớp lao động bình dân, đánh vào tâm lý ăn nói bỗ bã và lười suy nghĩ của đa số người, những cây viết tạo được cho họ tâm lý gần gũi và dân dã. Nhiều khi người đọc chia sẻ một nội dung nào đó không hẳn vì nội dung hay hoặc người viết có lý, mà chỉ vì cách hành văn của người viết nghe “hợp tai”.
 
chu 3.jpg


Chửi thề có hại không? Ta đã biết chửi thề là một thứ thuốc giảm đau. Cũng như mọi thuốc giảm đau khác, dùng thường xuyên sẽ bị nhờn thuốc và nghiện thuốc. Hành động nhiều sẽ tạo thành thói quen, người chửi thề sẽ quen miệng và nói tục ở bất cứ nơi đâu làm xấu xí cho bản thân cũng như gây khó khăn trong việc giao tiếp. Không những vậy người chửi thề không còn nhận được lợi ích của nó mỗi khi tổn thương, vì giờ đây việc chửi đã bị “nhờn thuốc”. Cũng theo Richard Stephens, một nghiên cứu của ông đã đăng trên tạp chí Journal of Pain cho thấy người chửi thề chỉ chịu đựng được ngâm tay trong nước đá bằng một nửa thời gian so với người không chửi thề.
Xưa kia, chúng ta có cây bút trào phúng Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Tú Mỡ. Văn chương của tiền nhân vô cùng đẹp mà sâu cay, Tú Mỡ làm thơ khen thơ chúc mà như thơ chửi, thế nhưng vì ông dùng tiếng Việt khéo quá nên không ai lấy cớ bắt tội ông được.
Trong đình quan khách cỗ bàn.
Vòng ngoài dân đói hàng ngàn xúm đông
Há mồm lố mắt đứng trông
Chúc thầm các cụ các ông muôn đời
Xưa kia là vậy nhưng ngày nay chúng ta có gì? Cây viết Pín cũng sử dụng tiếng Việt nhưng người đó dùng những từ ngữ thô tục để thể hiện quan điểm. Viết văn khác với dạy khoa học, nếu nhân cách người viết không đủ thì dù cuốn sách dù có được kiểm duyệt sạch cũng chỉ khiến người đọc thấy thói đạo đức giả. Hơn nữa, với mạng xã hội như hiện nay, chỉ vài thao tác là người đọc cũng được thấy những gì tác giả viết trên mạng xã hội, sẽ ra sao nếu người trẻ ngày nay lấy đó làm tấm gương?
Liệu xã hội có tốt lên nhờ những tiếng chửi hay không?
 
Tornad