Nếu bạn là một giáo viên tiếng Anh dạy học sinh cấp 3, thì xin chúc mừng: bạn đang có một cơ hội tuyệt vời để tu tâm dưỡng tính. Một lớp học đầy những thiếu niên đang trong giai đoạn tìm kiếm chính mình, cộng với các thì và động từ bất quy tắc, chính là nơi hoàn hảo để áp dụng triết lý Khắc kỷ (Stoicism).
Bài học đầu tiên: Phân biệt điều ta có thể kiểm soát và không thể kiểm soát
Chủ nghĩa Khắc kỷ dạy rằng, ta chỉ nên tập trung vào những thứ nằm trong tầm tay. Ví dụ, bạn không thể kiểm soát việc học sinh của mình sẽ nói “I was go to school.” thay vì “I went to school.” Nhưng bạn có thể kiểm soát cách bạn phản ứng. Hãy mỉm cười như Seneca khi ông bị lưu đày và nhẹ nhàng sửa sai:
“Wow, một cách sáng tạo mới để diễn đạt! Nhưng trong tiếng Anh, chúng ta dùng “went” để diễn tả hành động "go" trong thì quá khứ đơn. Hãy thử lại nhé!”
Nếu vẫn không cải thiện, bạn có thể thiền vài giây trước khi tiếp tục.
Bài học thứ hai: Xem thử thách là cơ hội
Epictetus từng nói:
“Khó khăn không làm ta tổn thương, chỉ cách ta phản ứng mới khiến ta tổn thương.”
Vậy hãy nhìn học sinh dùng tiếng Anh bập bẹ không phải là thách thức, mà là cơ hội để phát triển lòng kiên nhẫn. Một buổi học ngữ pháp đầy những câu hỏi như “Cô ơi, tại sao chỗ này em viết “bạn của em” là “my you” lại không đúng, “you” là bạn mà ạ?” là lúc để giáo viên phát huy kỹ năng giảng giải của mình. Nếu học sinh không hiểu, đừng hoảng loạn. Có lẽ, đây là cơ hội để bạn phát minh một cách giải thích mới – hoặc phát hiện rằng mình có cơ hội trải nghiệm một nghề nghiệp mới.
Bài học thứ ba: Memento Mori – “Hãy nhớ rằng ta sẽ chết”
Memento mori là một câu thành ngữ, tiếng Latin có nghĩa là "Hãy nhớ rằng ta sẽ phải chết", là một lời nhắc nhở mang tính nghệ thuật hoặc biểu tượng về việc không thể tránh khỏi cái chết. Không, bạn không cần phải bi quan đến mức nghĩ rằng lớp học tiếng Anh này sẽ là dấu chấm hết của đời mình. Nhưng hãy nhớ rằng mọi điều rồi sẽ qua, kể cả tiết học dài 45 phút. Dù hôm nay học sinh của bạn không thể phân biệt their, there, và they're, thì hãy nhớ lời của Scarlett O'Hara trong truyện “Cuốn theo chiều gió” sau khi cô trải qua cuộc Nội chiến nước Mỹ và ba đời chồng: “After all, tomorrow is another day. ” (Sau tất cả, ngày mai là một ngày mới). Tương tự, sau khi bạn trải qua tiết học 45 phút, bạn luôn có “another day”, với cơ hội sửa sai – hoặc ít nhất là để nghỉ ngơi sau những giờ phút khắc nghiệt.
"After all, tomorrow is another day" - Scarlett O'Hara - Sau tất cả, ngày mai là một ngày mới. (tràn đầy niềm tin và hy vọng.)
"After all, tomorrow is another day" - Scarlett O'Hara - Sau tất cả, ngày mai là một ngày mới. (tràn đầy niềm tin và hy vọng.)
Bài học thứ tư: Sống trong hiện tại
Marcus Aurelius từng viết:
“Cuộc sống chỉ là một khoảnh khắc. Vì vậy, hãy sống cho hiện tại.”
Điều này nghĩa là gì trong lớp học? Hãy tận hưởng từng khoảnh khắc – enjoy cái moment này, ngay cả khi nó hỗn loạn. Khi học sinh của bạn đọc từ "bus” thành "bút's" và cả lớp cười ầm lên, đừng tức giận. Thay vào đó, hãy tận dụng cơ hội để dạy về phát âm chính xác. Cũng giống như khi học sinh gây ồn vì nói chuyện riêng , hãy coi đó là âm nhạc cho tiết học thêm sinh động. Đừng quên đảm bảo rằng ca sĩ đó được nêu tên ngay lập tức trước lớp để nhắc nhở và lưu danh sử sách, cụ thể là cuốn “Sổ ghi đầu bài”.
Lời kết: Làm một giáo viên Khắc kỷ
Dạy học tiếng Anh không chỉ là công việc truyền đạt kiến thức, mà còn là một chuyến hành trình nội tâm. Chủ nghĩa Khắc kỷ không biến bạn thành siêu nhân, nhưng nó giúp bạn không hóa điên khi học sinh dùng "your" thay vì "you're". Với một chút triết lý và rất nhiều kiên nhẫn, bạn có thể không chỉ giảng dạy mà còn thực sự tận hưởng hành trình này – hoặc ít nhất là sống sót qua nó với một nụ cười. Tặng bạn ca khúc này để bạn luôn vững tin nha.
Hãy nhớ: cuộc đời ngắn ngủi, nhưng quan trọng là important.