Trẻ em sử dụng mạng xã hội quá nhiều thì dễ bị mất khả năng tập trung, dễ tiếp xúc với những văn hóa phẩm đồi trụy/phản xã hội, ảnh hưởng bởi những tư duy sai lệch, dễ cận thị, mất khả năng đánh giá tình huống thực, thiếu trải nghiệm, bla…bla… Đó là một vài trong số hàng tá tác hại của việc sử dụng đồ công nghệ nói chung và mạng xã hội nói riêng lên trẻ em mà chúng ta nghe ra rả ngoài kia (mình tạm gọi đây là hiện tượng “ngộ độc mạng xã hội”). Nhưng bên cạnh trẻ em thì còn đó một đối tượng mà khi tiếp cận mạng xã hội quá nhiều cũng gây ra những tác hại không kém, thậm chí còn nguy hiểm hơn so với trẻ em đó là người cao tuổi. Vâng, các bạn không nhầm đâu, người cao tuổi khi lạm dụng những sản phẩm công nghệ còn nguy hiểm hơn trẻ em nhiều nữa là khác. Hôm nay mình sẽ đào sâu hơn về vấn đề này, và tại sao việc người lớn tuổi nghiện sử dụng thiết bị điện tử có hại nhiều hơn chúng ta tưởng.
Ảnh minh họa - China Daily
Ảnh minh họa - China Daily

Một vài trường hợp mình đã chứng kiến:

Chính những trường hợp về việc ngộ độc mạng xã hội xảy ra đối với những người thân của mình mà chính mình đã tận mắt chứng kiến là động cơ để mình nhìn lại vấn đề trong bài viết này. Vào khoảng 7 – 8 năm trước, tất cả các thành viên bên gia đình họ ngoại của mình đều sử dụng smartphone rất thành thạo, đi song song với đó là các tài khoản trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo được tạo ra. Thậm chí gia đình ngoại mình còn có cả một nhóm được tạo bởi người lớn. Thời gian ban đầu thì mình cùng mấy đứa em cảm thấy rất thích thú về việc người lớn có thể tiếp cận một kênh truyền thông của giới trẻ như Facebook. Điều này giúp tụi mình có thể tương tác với gia đình bằng chính công cụ dành cho thế hệ tụi mình rồi còn giúp cho người lớn có thể hiểu hơn về thế giới của bọn trẻ nữa, qua đó mình với ba mẹ cũng như mấy dì, mấy cậu trong nhà có nhiều thứ hơn để nói trong những bữa cơm gia đình. Tuy nhiên, mọi chuyện bất ổn bắt đầu khoảng 5 năm trở lại đây khi những tác động của mạng xã hội đến với góc nhìn, tư duy của người lớn ngày càng hiện rõ. Dưới đây sẽ là hai trong số hàng loạt câu chuyện chính bản thân mình đã chứng kiến.
Quay về những năm 2018, những người lớn trong gia đình mình đến tuổi nghỉ hưu, thời gian sử dụng điện thoại của mọi người tăng lên đáng kể. Người lớn trong nhà mình bắt đầu share lên trang cá nhân rất nhiều bài viết về đủ thứ mọi lĩnh vực trên đời, từ xã hội, chính trị, khoa học, tôn giáo, sức khỏe. Ban đầu chỉ là những bài khích lệ, những lời dạy của phật, những quote cảm xúc. Về sau những thứ mà mình thấy được chia sẻ lên trang cá nhân của người lớn ngày càng lệch xa một thông điệp bình thường. Điển hình nhất là một lần đó, một người dì của mình đã chia sẻ trên cả tường nhà và nhóm gia đình một bài post về ung thư có nội dung như sau:
Những thông tin vô cùng thiếu tính khoa học đã từng một thời tràn lan trên mạng xã hội và được rất nhiều người lớn tuổi chia sẻ.
Những thông tin vô cùng thiếu tính khoa học đã từng một thời tràn lan trên mạng xã hội và được rất nhiều người lớn tuổi chia sẻ.
Thông tin của bài này vô cùng thiếu căn cứ khoa học và kiến thức về y khoa nhưng được hàng nghìn người chia sẻ vào thời điểm đó. Lúc đó mình đã nhờ đến một người quen của gia đình đang làm bác sĩ tại địa phương để khuyên bảo dì mình xóa đi nội dung đó và củng cố lại kiến thức đúng đắn hơn.
Không chỉ đối với những thông tin về lĩnh vực khoa học – sức khỏe, người lớn tuổi cũng dễ bị các thông tin liên quan đến quan điểm xã hội, chính trị dẫn dắt. Lần ấn tượng nhất của mình khi một người lớn trong nhà bị quan điểm chính trị dẫn dắt là khi dự luật về đặc khu được thảo luận ở Quốc Hội. Điều nguy hiểm trong thời gian này là một số luồng thông tin cho rằng nhà nước bán nước cho Trung Quốc trong 99 năm. Và chỉ cần bao nhiêu đó thông tin là đủ để nhiều người lớn xung quanh mình bao gồm cả những người thân trong gia đình chia sẻ hàng loạt bài viết về vấn đề này, hầu hết đó là những bài viết với ngôn từ kích động rất mạnh đến lòng yêu nước và sự xấu xa của Trung Quốc chứ thực sự chẳng có bài nào phân tích rõ ràng về dự luật trên như thế nào, điểm cộng là gì, điểm trừ ra sao, bla…bla… Và đặc biệt, đã có một thành viên trong gia đình mình thường xuyên chia sẻ những dòng trạng thái phản đối về vấn đề này rất gay gắt, như là bài viết dưới đây:
Những dạng thông tin đánh vào lòng yêu nước hay công lý cũng thường được sử dụng để kích động những người lớn tuổi.
Những dạng thông tin đánh vào lòng yêu nước hay công lý cũng thường được sử dụng để kích động những người lớn tuổi.
Những dạng thông tin bị cắt xén như thế rất thường được sử dụng để định hướng dư luận theo một mục tiêu nào đó. Đặc biệt đối với những người cao tuổi hạn chế về khả năng tìm hiểu thông tin thì những người đưa ra thông tin dạng này càng dễ dàng đạt được mục đích của họ.
Đây là hai trong số rất nhiều trường hợp mình biết về ảnh hưởng của mạng xã hội lên tư duy, suy nghĩ của người lớn tuổi. Bên cạnh đó còn có một số trường hợp người lớn tuổi đã bị lừa tiền khi tin vào một số đối tượng lừa đảo trên mạng xã hội nhưng đó là những câu chuyện mình chỉ được nghe kể lại từ bạn bè, người thân nên mình sẽ không cập nhật trong khuôn khổ bài viết. Đây là hai ví dụ điển hình cho hai nguyên nhân lớn nhất của hiện tượng này ở người lớn tuổi – thứ mình sẽ phân tích ở dưới đây.

Tại sao mạng xã hội lại nguy hiểm với người lớn tuổi?

Tuy mạng xã hội giúp cuộc sống của người lớn tuổi trở nên dễ dàng kết nối hơn và đầy màu sắc hơn nhưng không gian này cũng mang lại những tiềm tàng to lớn cho đời sống của người lớn tuổi và gia đình. Dựa vào những quan sát của mình trong thời gian vừa qua thì có nhiều lý do mà người lớn của chúng ta lại dễ dàng bị ảnh hưởng bởi các thông tin ảo đến thế, trong đó có hai nguyên nhân quan trọng nhất theo mình là người lớn thiếu kỹ năng kiểm chứng thông tin cùng tư duy phản biện, thứ hai là việc khá nhạy cảm với những vấn đề xã hội, đặc biệt liên quan đến lòng yêu nước và công lý.
Nguyên nhân đầu tiên mà cũng là quan trọng nhất, theo mình đó là do thiếu kiến thức, khả năng kiểm chứng thông tin và hạn chế về tư duy phản biện. Vấn đề có thể gây ra do thế hệ ông bà, cha mẹ của chúng ta (thế hệ 5X – 6X) gặp nhiều hạn chế trong việc tiếp cận nền giáo dục khai phóng. Thời thế của những thập niên 60 – 80 là thời điểm đất nước bất ổn, đời sống người dân còn thấp và tỷ lệ người dân được tiếp cận giáo dục vẫn còn khá khiêm tốn. Theo một số nguồn tham khảo, trong những năm đầu thập niên 1970 tại miền Nam Việt Nam, chỉ có 24% thanh niên từ 12 đến 18 tuổi được đi học [1]. Trong đó, theo báo cáo của Unicef vào năm 2022, tỷ lệ người hoàn thành cấp học trung học phổ thông là 59% [2]. Sự chênh lệch này cho thấy được sự khác biệt to lớn về tính phổ cập giáo dục của thế hệ cha mẹ, ông bà so với thế hệ trẻ của chúng ta hiện nay. Hơn nữa, tính khai phóng và tư duy phản biện chưa được xem trọng, thậm chí là không được xem xét trong quá trình đào tạo, vì vậy khả năng kiểm chứng phản biện của người lớn thuộc thế hệ này phần nào hạn chế. Bên cạnh đó vấn đề thiếu đói làm cho mọi người tập trung vào việc kiếm sống hơn là phát triển tri thức và tư duy, những người sinh ra vào thế hệ trên đa phần bước vào xã hội với mục đích thoát nghèo nên chuyện phát triển tư duy phản biện và khả năng tìm kiếm thông tin gần như không được nhìn nhận đến.
Lấy ví dụ như trường hợp gia đình ngoại mình, theo mình tìm hiểu thì gia đình nhà ngoại ngày xưa là một gia đình kiểu mẫu tại vùng đô thị miền tây. Mẹ mình cùng anh chị em được sinh ra vào thập niên 60, 70 của thế kỷ trước – thời điểm đất nước còn bị chia cắt, tuổi thơ lúc đó của mẹ là những ngày tháng tránh bom đạn và lo cái ăn từng ngày cùng ông bà ngoại. Lớn hơn một tí khi học được đến lớp 6 – 7 gì đó thì đất nước giải phóng thế là mẹ cùng mấy dì, mấy cậu lại phải tiếp cận với một nền giáo dục mới khác biệt hoàn toàn, đời sống và chế độ kinh tế - chính trị cũng khác biệt hoàn toàn so với trước đó. Rồi đến tuổi đôi mươi thì làm việc cho nền kinh tế bao cấp, cả nhà ngoại mình lúc đó chỉ có một chiếc xe đạp và một cái radio là tài sản lớn nhất của gia đình. Thời thế như vậy nên mục tiêu của mẹ và cả gia đình chỉ là thoát nghèo, tìm mọi cách có được cái ăn cái mặc là được. Dù gia đình nhà ngoại mình thời điểm đó đều tốt nghiệp trung cấp trở lên, so với bấy giờ cũng thuộc tầng lớp có học thức cao nhưng do sự thay đổi trong quá trình học cũng như sự bất ổn của thời đại mà hầu như nền tảng kiến thức và tư duy khoa học cũng như khả năng tự tìm hiểu thông tin của cả nhà bị hạn chế. Điều này có thể thấy được dẫn đến việc những người lớn dễ dàng tin vào những lập luận ngụy biện, thiếu căn cứ đầy rẫy trên mạng mà điển hình là trường hợp dì của mình chia sẻ những nội dung phản khoa học về ung thư như trên.
Lý do thứ hai mình nghĩ không thực sự quá rộng rãi trong thế hệ người lớn nhưng nếu ai có trong trường hợp như gia đình mình có thể sẽ gặp phải. Đó chính là lòng yêu nước và công lý. Như mình đã đề cập ở trên, thế hệ 5X – 6X là một thế hệ từng trải với chiến tranh, mâu thuẫn chính trị sâu sắc ngay trong lòng đất nước thế nên họ rất dễ bị kích động mỗi khi lòng yêu nước và yêu công lý được khơi dậy để dẫn dắt vào một chủ đề nào đó. Như trường hợp của một thành viên trong gia đình mình về vấn đề thuê đất được ở trên thì chỉ cần khơi dậy lòng yêu nước hay cái gì đó liên quan đến công lý thì rất dễ làm người lớn tuổi bị kích động. Mình quan sát những người bà con và ba mẹ của bạn bè mình ở thế hệ đó thì điều này diễn ra rất thường xuyên.
Bên cạnh những lý do mang tính chủ quan, một lý do khách quan cần được xét tới đó là các công cụ và thủ đoạn hiện tại của các kênh thông tin vô cùng tinh vi và hiệu quả, chúng đánh thẳng vào khả năng kiểm chứng và phản biện thông tin bị hạn chế của người lớn tuổi cũng như tinh thần yêu nước và công lý như đề cập ở trên. Những lập luận vô cùng nông cạn và thiếu tính khoa học được sử dụng lập đi lập lại cộng với hình ảnh một bác sĩ nào đó hoặc đơn giản hơn là đặt tên fanpage sao cho uy tín là dễ dàng câu được một lượng tương tác khổng lồ từ những người thế hệ cha chú chúng ta.
Ngoài ra có thể kể đến một số nguyên nhân khách quan thứ yếu khác như người lớn có rất nhiều thời gian rảnh so với giới trẻ và lối sống chậm cũng có thể là chất xúc tác cho việc người lớn dễ tiếp cận với nội dung trên không gian mạng hơn. Nhưng nhìn chung những lý do trên đa phần đều xuất phát từ một điều cốt lõi cơ bản là những người lớn tuổi khó cập nhật kịp với sự thay đổi về xu hướng truyền thông và sự phát triển của không gian mạng cũng như không kịp cập nhật đề kháng đối với những độc hại online và sự dư dả thời gian của người lớn tuổi.
Ngộ độc mạng xã hội ở người lớn và trẻ em, ở đâu nguy hiểm hơn?
Để so sánh được sự nguy hiểm đến từ thế giới ảo ảnh hưởng đến người lớn tuổi và trẻ em chúng ta hãy so sánh hai trường hợp như sau:
Trường hợp đầu tiên: có một fanpage bán đồ chơi đăng bài quảng cáo về một loại súng đồ chơi rất giống với súng ngoài đời thật. Bằng một cách nào đó con bạn có thể tiếp cận được với loại súng đó và rồi nó đòi bạn mua cho cây súng đó. Bạn xem qua quảng cáo về súng thì thấy rằng món này có khả năng sát thương khá cao vì vậy mua súng về cho con bạn chơi có thể gây nguy hiểm cho chính con bạn và bạn bè của bé. Nhưng con bạn vẫn đòi bạn mua cho bằng được. Hiện giờ bạn có thể lựa chọn cách giải quyết là giải thích nhẹ nhàng từ tốn với con rằng món này rất nguy hiểm và không phù hợp với con để chơi đùa cùng bạn bè hoặc là bạn có thể dùng quyền lực của ba mẹ để không mua cho con. Chỉ cần bạn không xuống tiền thì con bạn sẽ không phải tiếp cận với món đồ chơi nguy hiểm như vậy.
Trường hợp thứ hai: nhà bạn đang có ba hoặc mẹ mắc bệnh tim mạch. Bằng một cách nào đó ba hoặc mẹ của bạn tiếp cận được với quảng cáo của một thầy lang nói rằng có thể chữa bệnh của ba mẹ bạn và ba mẹ yêu cầu bạn dẫn đi đến nơi trong quảng cáo để khám và mua thuốc. Khi bạn xem qua quảng cáo thì bạn nhận thấy rằng đây là một phương thức lừa đảo để trục lợi hướng đến người già nhưng ba mẹ bạn vẫn đòi đi cho bằng được. Trong trường hợp này bạn có thể giải quyết bằng cách nào? Bạn lớn tiếng với ba mẹ hay chọn cách nói nhỏ nhẹ, giải thích từ tốn? Cách nào tùy bạn nhưng vấn đề ở đây ba mẹ bạn sẽ nắm quyền quyết định. Bạn không cung cấp tiền? Ba mẹ tự bỏ tiền đi. Bạn không chở đi? Ba mẹ tự mướn xe đi. Và rồi chỗ đó scam thật thì ba mẹ bạn sẽ mất tiền và mang tật.
Đây chính là lý do tại sao người lớn tuổi lạm dụng công nghệ lại nguy hiểm hơn trẻ em nhiều lần. Chúng ta không thể và không có quyền kiểm soát bố mẹ như cách mà chúng ta kiểm soát con em mình, những quyền quyết định kiểu như trên cũng không nằm trong tay chúng ta mà nằm trong tay bố mẹ. Hơn nữa ở một số gia đình truyền thống ở Việt Nam hiện nay vẫn còn tư duy cổ hủ, độc tài, trứng không được khôn hơn vịt, thế nên dù chúng ta có khuyên nhủ hay làm lớn thì tình hình cũng không được giải quyết.
Bên cạnh đó, những mặt trái của mạng xã hội đến với trẻ em đã được nhìn nhận trong thời gian dài và hiện nay đã có rất nhiều cách để ngăn chặn tình trạng này đến từ các ứng dụng mạng xã hội cũng như cộng đồng. Tuy nhiên, vấn đề này ở người lớn tuổi hầu như chưa được nhìn nhận một cách nghiêm túc và hiện cũng không có nhiều cách để đối phó như ở trẻ em.
Đối với trẻ em, hiện nay có rất nhiều các ứng dụng cho phép phụ huynh có thể theo dõi nội dung con em mình tiếp cận cũng như các công cụ để lọc những nội dung phù hợp với trẻ em, ta có thể kể đến những ứng dụng như Messenger kids hay Youtube kids trong số này. Không chỉ các công cụ, ứng dụng online, hiện nay có rất nhiều các lớp năng khiếu thể thao, nghệ thuật, các câu lạc bộ để cho con em chúng ta có thể tham gia thay vì cắm mặt vào điện thoại, máy tính bảng.
Ngược lại, ở người lớn hiện nay không có bất kỳ ứng dụng hay công cụ nào hỗ trợ về nội dung tiếp cận, những công nghệ hỗ trợ người cao tuổi đa phần chỉ tập trung vào hạn chế nghe nhìn nhưng không hề có sự cân nhắc nào về nội dung độc hại có thể tiếp cận đến người lớn tuổi. Đối với cộng đồng thì hiện nay những hội nhóm hỗ trợ người lớn tuổi vẫn còn hạn chế rất nhiều so với những hội nhóm dành cho trẻ em. Nếu nhìn qua một lượt đa phần đó là những CLB của người lớn tuổi có cùng đam mê như chim cảnh, cây cảnh,… hoặc một số cộng đồng dưỡng sinh, yoga. Tuy nhiên các cộng đồng này đa phần chỉ được chú trọng ở những vùng thành thị, đối với các vùng nông thôn thì gần như không tồn tại.
Thế mới nói đối với cùng một dạng nội dung độc hại trên mạng xã hội thì người lớn tiếp cận nguy hiểm hơn nhiều so với trẻ em và sự hỗ trợ nhắm đến người lớn tuổi trong việc tránh nghiện mạng xã hội vẫn hạn chế rất nhiều. Vì vậy với riêng cá nhân mình vấn đề ngộ độc mạng xã hội ở người lớn nguy hiểm hơn rất nhiều ở trẻ em và chúng ta cần phải nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc hơn.

Những người trẻ có thể làm gì?

Thế thì với vai trò của người trẻ của chúng ta hiện nay, chúng ta nên làm gì để người thân tránh rơi vào những tình trạng như thế? Mình sẽ chia ra 2 trường hợp để có cách ứng phó tốt hơn với vấn đề này.
Gia đình có người lớn chưa tiếp cận mạng xã hội
Trường hợp đầu tiên là đối với gia đình có người lớn chưa từng sử dụng mạng xã hội, trường hợp này theo mình dễ xử lý hơn nhưng có vẻ khá hiếm hoi ở các gia đình đang sống ở thành thị. Đối với những bạn có ba mẹ, cô chú đang có ý định tham gia mạng xã hội thì chúng ta nên trang bị những kiến thức nền tảng về an ninh thông tin và sự nguy hiểm của thế giới ảo ở ngoài kia. Chúng ta cần cho người lớn nhận thức được rằng những gì tiếp cận trên thế giới ảo có thể mang lại những hiểm nguy thật thông qua nguồn thông tin sai lệch để rồi dẫn đến những sai lầm của chúng ta. Bên cạnh đó khi người lớn bắt đầu sử dụng chúng ta nên quan tâm nhiều hơn về nội dung người lớn tiếp cận và hướng dẫn cụ thể hơn để người lớn có thể tránh được những thông tin nguy hiểm.
Gia đình có người lớn đang sử dụng thiết bị công nghệ
Đối với trường hợp này thì khó hơn nhiều, đặc biệt là khi ba mẹ bạn đã hình thành được một nền tảng tư duy nhất định từ những thông tin trên Facebook hay Tiktok, và càng khó hơn khi bạn rơi vào gia đình gia trưởng. Trong hoàn cảnh này thì cách giải quyết tùy thuộc vào mối quan hệ trước giờ của các bạn với gia đình thế nào, làm sao để ba mẹ có thể hiểu được những gì bạn nói, văn hóa riêng của gia đình,… Với mình, mình khá may mắn khi ba mẹ đều chịu lắng nghe ý kiến của mình, đặc biệt là về những vấn đề mình có kiến thức sâu rộng hơn như khoa học, công nghệ. Thường thì mình chỉ cần ngồi lại để nói chuyện nhẹ nhàng với ba mẹ và giải thích cho ba mẹ nghe theo cách hợp lý nhất là mọi việc được giải quyết.
Tóm lại:
Việc người lớn lạm dụng công nghệ nói chung và mạng xã hội nói riêng nguy hiểm hơn chúng ta nghĩ nhiều, và nếu so sánh với những tác hại của mạng xã hội lên trẻ em thì theo mình còn khó kiểm soát và giải quyết hơn. Tuy nhiên, đa phần chúng ta vẫn còn xem nhẹ những rủi ro do không gian mạng mang lại cho người lớn tuổi. Đối với người trẻ thì việc này khá nhạy cảm do truyền thống của một số gia đình Việt Nam ngăn cản việc người trẻ góp ý và xây dựng ba mẹ. Và với vai trò của một thế hệ trẻ, chúng ta nên quan tâm hơn và cần có những hành động hiệu quả đến từ cộng đồng và gia đình nhằm tránh rủi ro cho mỗi gia đình và tạo dựng một cộng đồng mạng an toàn cho người lớn tuổi.
Nguồn tham khảo:
[1]: Embassy of Viet-Nam, "Secondary Education in Viet-Nam", Viet-Nam Bulletin, No 36, Oct 1970. Washington, DC
[2]: Unicef, Báo cáo tóm tắt giáo dục Việt Nam 2022.