Cuối năm 2010 trường tôi có một vụ tự tử. Đường vành đai ba đang thi công, khói bụi mờ ảo như Sapa đầu thu. Trên báo là tượng đài nghìn tỉ và sự trong sáng của tiếng việt. Kim Jong Il còn sống và còn bắn tên lửa. Tôi chưa bị đuổi học, ơn trời, và như những người trẻ 17 tuổi chán học và chán đời, chúng tôi hay nói về cách mạng.
Mùa xuân năm 2011, chúng tôi bỏ học với tần suất đến 40%. Chúng tôi dành phần lớn thời gian đạp xe quanh quẩn. Chúng tôi hay đạp đến The Manor và tháp Keangnam - lúc đó vẫn là đống lùng bùng thỉnh thoảng có người rớt xuống. Chúng tôi hay ngồi lại ở quán trà gần đó và cố gắng mường tượng cảnh rơi xuống sẽ như nào. Một cảm giác nghèn nghẹn và lớn lao, và khi ngắm nhìn thì chúng tôi thấy việc sai vài câu trắc nghiệm cũng chẳng vấn đề gì. Dù sao thì người vẫn cứ rơi và tháp vẫn cứ cao. Và cách mạng sẽ thành công, tôi sẽ hùng hồn kết thúc bài diễn thuyết với đám bạn như vậy. Sau đó cả đám nhất trí bỏ học buổi chiều và chui vào quán điện tử quen thuộc.
Trong nhóm chúng tôi có một đứa, tạm gọi là xanh. Ông bà xanh là địa chủ thời xưa, còn bố mẹ xanh là người lương thiện thời nay, có cửa hàng buôn bán to nhất nhì phố. Từ bé xanh đã đọc Adam Smith và để ảnh Nữ Thần Tự Do đầu giường. Không biết có bao giờ xanh say giấc mà nằm đè lên Nữ Thần Tự Do không?
Một đứa khác, tạm gọi là trắng. Trắng có bố mẹ đi học nước ngoài, tính tình trầm lặng, bình thường sẽ không nói nhưng khi nói thì luôn bắt đầu bằng câu: mày đéo biết gì. Bố trắng là trưởng ban phụ huynh, tóc muối tiêu, áo sơ mi quần tây theo bộ, và điều này làm tôi rờn rợn. Bố trắng hay thay mặt lớp tặng hoa các thầy cô, và có một lần vô tình gặp ở hành lang bố trắng đã hỏi tôi: cháu có phải là G không. Chỉ một câu vậy thôi mà tôi ớn lạnh. Hồi đó tôi đọc truyện nga hơi nhiều, và cứ đinh ninh rằng sớm hay muộn tôi sẽ bị bắt đến Siberia và phân huỷ trong một đám bùn lạnh. Về sau tôi đổi tông đọc truyện nhật, và nghĩ lại rằng chết như thế thì cũng không đáng sợ lắm.
Rất thường xuyên, xanh và trắng tranh cãi với nhau, và với tôi. Chúng tôi cãi nhau rất hăng, thường bắt đầu từ những cái vĩ mô như liệu Keangnam có phải là xiềng xích của tư bản, liệu đường sắt cao tốc có phải phúc lợi xã hội... rồi mọi thứ sẽ dẫn về những câu hỏi tu từ về nhân cách con người. Tôi không thật sự quan tâm, nhưng nếu hai đứa mà cãi nhau thì thế nào bọn nó cũng lôi nhau về lớp để cãi tiếp. Điều này thực sự ngớ ngẩn. Nhiệm vụ của tôi, với tư cách trưởng nhóm, là phải làm sao để cả nhóm kết thúc trong hàng điện tử. Vì đó tôi đọc Marx đọc Smith đọc Nietzsche đọc văn kiện đảng... mỗi thứ 1 chương, để đứa nào yếu thế thì tôi bồi. Bên hứng bên nâng làm sao cho đến hàng điện tử thì mọi thứ kết thúc trong hoà bình hữu nghị và sự thấu hiểu hoàn toàn. Rồi sau đó các lực lượng đấu tranh, dù cho thị trường mở tự do hay giai cấp cần lao, sẽ cùng nhau chơi điện tử đến tối mịt mới về.
Một ai đó chưa nổi tiếng đã nói: Ở tuổi 17 ai cũng cần một cuộc cách mạng. Tôi đồng ý luôn không cần xem nguồn. Không có cách mạng thì làm gì với cuộc đời này. Nhưng mà đấu tranh cho cái gì đây. Xanh đỏ tím vàng thì bọn bạn tôi nhận phe đủ rồi, tôi vào sau thì sao làm lãnh đạo được? Rồi tôi nhận ra dù bảy sắc cầu vồng nhưng bọn bạn tôi đều có chung một điểm: ghét trung quốc. Liên xô và mỹ cãi nhau chán chê rồi đồng thuận: ít nhất là tao và mày còn hơn thằng trung quốc. Vậy là tôi chọn phe trung quốc. Thật sự là khó khăn thời gian đầu. Các bạn chửi tôi theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, là hủ nho, là con cháu cụ Trường Trinh, là vân vân và mây mây. Tôi phải đọc thêm nhiều sách, từ ngôn tình đến Nho học, để có thể cầm cự giai đoạn này. Về sau tôi phản công, biến thành thế lực thứ ba tạo thế chân vạc, mang đến sự ổn định cho hoà bình thế giới. Từ đó tôi có thêm biệt danh là đỏ.
Rồi dần khi lòng nhiệt thành cách mạng đã nguội, tôi vẫn giữ một cảm tình tương đối với đất nước trung quốc. Một ngày gần đây thôi, một người bạn cũ gửi tôi một cái clip tiếng hoa, trong đó ghi hình một gái xinh bị vợt lên xe như vịt trong chuồng. Gái vừa xinh vừa khóc vừa kêu, rồi tiếng hét lúc cái cửa sắt đóng sầm lại làm tôi bừng tỉnh. Ôi lý tưởng làm mù mắt. Hoá ra tôi chẳng thích trung quốc và cũng không nhiệt thành cách mạng. Hoá ra cái duy nhất tôi thích là gái đẹp.
Không biết thích gái đẹp là chủ nghĩa gì, là tả hay hữu là cấp tiến hay bảo thủ. Tôi hỏi ông anh điều này, ông bảo đây là chủ nghĩa toàn cầu, là globalism. Tôi nắm nón ghi dòng chữ: G - globalism lên quyển nhật kí cá nhân. Một chương mới của tôi đã bắt đầu.