" Nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các bạn spiders về bài viết lần trước, tớ thực sự cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi không ngờ rằng một bài viết vui vui đăng lên chỉ để bày tỏ quan điểm cá nhân của tớ mà đã được nhiều người đón đọc như vậy. Điều đó làm tớ có thêm động lực để chia sẻ tiếp với các bạn spiders ở đây về những trải nghiệm ít ỏi của mình khi tham gia vào thị trường chứng khoán trong suốt 6 tháng vừa qua nhé. "  
VN index là gì - Cách Xem, Cách Tính Biểu Đồ & Báo Giá Chỉ Số ...


Tớ - 21 tuổi, đang là sinh viên đại học của khối nghành kỹ thuật, chẳng liên quan gì đến kinh tế cả. Sáng đi học, chiều đi làm thêm, tối về lại mờ mắt với đống đồ án loằng ngoằng đến nửa đêm mới xong. Mặc dù bận vậy nhưng tớ vẫn luôn dành một sự quan tâm đặc biệt đến thị trường tài chính - đặc biệt là chứng khoán. Tớ đã tìm hiểu chúng từ hồi năm 2 đại học rồi. Hằng ngày vẫn đọc tin tức, sách vở, tìm hiểu các kiểu đấy nhưng tớ vẫn chưa thực sự tham gia vào kênh đầu tư này chỉ với lý do đơn giản rằng :" Không có tiền", giá cổ phiếu trong khoảng thời gian đấy là cực kỳ đắt, rõ ràng chẳng phù hợp với nguồn vốn ít ỏi của một ông sinh viên đói rách như tớ cả. Tài khoản chứng khoán mở đã lâu nhưng không một lần nạp, sách vở thì nhiều đấy nhưng chưa một lần mang ra thực hành. Mọi thứ cứ như vậy cho đến khi chị "Nhung" bất ngờ mang con viruss corona về Việt Nam. Tớ vẫn nhớ rõ hôm đó là tối thứ 7, ngay sau khi có thông báo chính thức của chính phủ về việc nước ta chính thức bước vào một giai đoạn phức tạp của đại dịch thì mọi diễn đàn, từ các nhóm Facebook cho tới Zalo chuyên bàn luận về chứng khoán đã nổ ra một làn sóng hô hào nhau bán tháo, cắt lỗ. Ai cũng hoảng sợ, họ không chỉ sợ cho sức khỏe, tính mạng mà họ còn lo cho cái túi tiền của mình. Mọi người đều dự đoán rằng sự kiện lần này sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta. Và quả đúng là vậy, ngay sau khi phiên giao dịch sáng thứ 2 mở cửa, thị trường chứng khoán đã lao dốc không phanh, sắc đỏ ngập tràn trên tất cả các mã cổ phiếu, khối lượng giao dịch cũng từ đó mà tăng lên chóng mặt. Đa số các nhà đầu tư đều cố bán lấy, bán để tất cả số cổ phiếu mình có để tránh tài khoản bị bốc hơi quá nhiều, thậm chí tớ còn biết có một ông anh còn không thể bán nổi cổ phiếu của mình chỉ vì chẳng có ai mua nên đành ngậm ngùi mất trắng . Sau phiên thứ hai điên rồ đó, những ngày hôm sau vẫn tiếp tục là những pha bán ra không thương tiếc, giờ đây không chỉ là nhà đầu tư nội mà nhà đầu tư ngoại, các quỹ nước ngoài cũng bắt đầu bán tháo những danh mục của mình. Điều này đã kéo chỉ số VNINDEX từ hơn 900 điểm xuống tới thủng mốc 800. (Chỉ số VN-Index (tiếng Anh: VN-Index) là một chỉ số phản ánh biến động giá cổ phiếu, và được tính theo phương pháp bình quân vốn hóa thị trường của tất cả các cổ phiếu niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM ). Hàng nghìn tỷ đồng của thị trường đã bốc hơi chỉ trong 1 tháng. Thực sự, lúc đó tớ cảm thấy khá là thích thú vì lần đầu tiên đượ tận mắt chứng kiến một sự kiện "thiên nga đen" không kém gì khủng hoảng kinh tế năm 2008 như vậy, bởi một đời người thì được mấy lần  có cơ hội như thế này.
Hiện tượng thiên nga đen là gì? Bệnh dịch, bong bóng kinh tế có là ...
Hiện tượng thiên nga đen (Black Swan) là một sự kiện khó lường và không được dự báo trước, gây ra ra những hậu quả nghiệm trong cho nền kinh tế, thị trường tài chính và thị trường chứng khoán toàn cầu. Thuật ngữ này được giới thiệu bởi Nassim Taleb trong cuốn sách cùng tên (The Black Swan) năm 2007

Nhưng khi thị trường bắt đầu chạm mốc 750 điểm, các "chứng sỹ" trên mạng lại bắt đầu nổ ra một làn sóng mới, đó là làn sóng"bắt đáy". Thật vậy, khi mà thị trường đã rơi quá sâu, giá cổ phiếu có dấu hiệu không phản ánh đúng giá trị thực của nó thì đúng như câu quote của cụ Warren Buffet nói rằng: " Hãy  tham lam khi người khác sợ hãi", một số người đã bắt đầu có những động thái mua vào lại nhằm câu được những cổ phiếu chất lượng ở vùng giá thấp. Và tớ cũng không phải ngoại lệ, một thời cơ chín muồi như vậy rồi không đớp thì hơi phí. Lúc đó là tầm giữa tháng 3, tớ bắt đầu nạp tiền vào tài khoản với số vốn ít ỏi mà tớ đã tích góp từ việc làm thêm trước đó ( bao nhiêu thì tớ không nói được vì nó ít quá). Đây quả là thời điểm thích hợp để vận dụng mọi kiến thức mà mình đã mất công trau dồi trong suốt 1 năm qua. Đầu tiên, tớ phải lập cho mình ngay 1 bảng nguyên tắc mua bán nhằm giảm thiểu rủi ro cháy tài khoản như là : khi bị lỗ 8% thì phải bán ra bằng mọi cách, lãi tầm 10% thì chốt lời, chỉ chọn những công ty tốt với dòng tiền ổn định... bla bla... Nói chung khá là nhiều vì tớ là một người cẩn thận mà. Xong xuôi đâu đấy,  tớ mới bắt đầu chọn mã cổ phiếu, tầm này thì giá cổ phiếu rẻ lắm, mua gì cũng được, quan trọng là được bao nhiêu thôi. Đọc báo cáo tài chính, tham khảo thông tin từ các trang báo kinh tế, phân tích chỉ số tài chính, thậm chí là phân tích kỹ thuật là tất cả những gì tớ làm để chọn ra 1 công ty tuyệt với cho mình. Sau 2 ngày lưỡng lự, thế quái nào tớ lại chọn ra 2 mã Vingroup (VIC) với Viettelpost (VTP). Vụ mua bán đầu tiên này của tớ mang nhiều phần cảm tính chỉ vì thấy rằng 2 doanh nghiệp này là những doanh nghiệp đứng đầu Việt Nam, nó hùng mạnh vậy kiểu gì chả đi lên nhưng tớ đã nhầm, mãi đến bây giờ tớ mới nhận ra mua Vin lúc ấy quả là sai lầm đáng tiếc. Tớ bắt đầu mua cổ phiếu của Vin ở mức giá 88.000 đồng / 1cp , khớp lệnh đâu đấy rồi mới quay sang tìm mua Viettelpost (VTP) bên sàn UPCOM và chợt nhận ra rằng bên sàn UPCOM phải mua theo lô 100 cổ phiếu một lúc, mà mỗi cổ VTP lúc bấy giờ hơn 100k/ 1cp tức là tối thiểu tớ phải có 10 triệu mới mua được 1 lô của nó. Tài khoản không đủ tiền nên tớ vét nốt số còn lại mua tiếp cổ phiếu của VIN. Sau 15 phút, cổ phiếu VIC ( Vingroup) đã về tài khoản của tớ. Chính thức từ thời điểm đó ,tớ cũng là một cổ đông của Vin, mặc dù chỉ là " cổ đông hạt cát" nhưng tớ vẫn cảm thấy khá là oai và hãnh diện khi đã cầm 1 phần cổ phần của tập đoàn hùng mạnh nhất Việt Nam. 
Nhưng sự hãnh diện đó bị dập tắt ngay lập tức, khi mà phiên giao dịch ngày hôm sau mở cửa, giá cổ phiếu VIC ngay lập tức lao dốc vì số lượng bệnh nhân nhiễm COVID 19 ở Việt Nam tiếp tục tăng cao. Chỉ trong nửa ngày, tài khoản của tớ đã bay mất 7,15%. Sợ tím mặt, tớ bắt đầu phải tính kế bán ra để tuân thủ theo nguyên tắc 8% mà tớ đã đề ra trước đó. Nhưng rồi nghĩ đi, nghĩ lại, tớ tự trấn tĩnh mình rằng : "Chắc là giảm nốt hôm nay thôi, mai chắc chắn sẽ lên bởi giá cổ phiếu này giảm sâu quá rồi, không thể sâu hơn nữa"( lúc đó giá cổ phiếu là tầm 81.000 thì phải) . Tớ tiếp tục chờ đợi đến phiên hôm sau và mọi thứ còn tệ hơn. Nó vẫn tiếp tục giảm. Mọi quy tắc, các dấu hiệu kỹ thuật tớ đã mất công nghiên cứu đều trật lất, giá của cổ phiếu VIN giờ chỉ còn 76.000 đồng/ 1 cp và tớ buộc phải cắt lỗ trước khi quá muộn. Tớ không muốn số tiền vất vả dành dụm của mình bị bốc hơi trong vỏn vẹn 2 ngày được. Tớ đặt lệnh bán và chịu khoản lỗ đầu tiên trong lần giao dịch đầu tiên của mình. Tớ luôn có suy nghĩ rằng đầu tư thì nên giữ lâu lâu một chút, tầm 1 tháng hay 6 tháng gì đó, nhưng tin tớ đi, khi mà đã dùng tiền thật vào rồi thì ở đấy mà suy nghĩ. Khốn nạn hơn là sau phiên tớ bán tầm 3 ngày, thị trường bắt đầu lật kèo. Giá cổ phiếu của VIN bắt đầu đổi chiều tăng. Tức là tớ đã vô tình bán cổ phiếu của mình vào đúng đáy. Lúc đó tớ có hơi buồn một chút nhưng lại nghĩ rằng "Thua keo này ta bày keo khác",đang có sóng lên thì sợ gì không đu theo, coi như số tiền lỗ đó là để dạy cho mình một bài học kinh nghiệm xương máu." Thế là tớ tiếp tục đâm đầu vào tìm kiếm những mã cổ phiếu mới với hi vọng phục thù thị trường. Và thật may mắn, phi vụ thứ 2 này đã khả quan hơn rất nhiều. Nỗ lực của tớ cuối cùng cũng đã được đền đáp. 
Nhưng có lẽ bài cũng dài rồi nên tớ xin ngừng viết tại đây. Đây là bài chia sẻ trải nghiệm đầu tiên của tớ trên đây. Nếu được các bạn ủng hộ thì tớ sẽ chia sẻ tiếp về phi vụ thứ 2 của tớ. Cảm ơn các bạn đã lắng nghe.
12/7/2020