[Chia sẻ] Chuyện nguồn cội
Nguồn cội chúng ta vốn như vậy: mộc mạc, giản dị và là người Việt Nam. Chúng ta hãy khích lệ nhau phấn đấu, hòa nhập nhưng đừng dại khờ, đừng hòa tan.
Có nhiều điều để nói về nguồn cội. Nhưng tôi thích tiếp cận theo cách đơn giản nhất: nguồn cội là một phần của chúng ta, cũng như chân và tay. Tuy nhiên vì khó nhìn thấy, cảm thấy nên đôi khi chúng ta lãng quên mất điều này. Có một điều khá thú vị là một bộ phận những bạn trẻ trí nhớ tốt thường quên trong khi những người lớn tuổi vốn hay than vãn về sự đãng trí thì lại nhớ rất rõ.
Vậy nguồn cội, đôi khi được đồng nhất với quá khứ thì có liên quan gì? (hay thiết thực hơn, có ích lợi gì?) với hiện tại? Đó có thể là câu hỏi của không ít bạn trẻ ngày nay. Đối với những bạn này, thì chỉ những thứ có ích lợi cho mình thì mới đáng để quan tâm. Thực ra tôi tin con người ai cũng có tính ích kỷ. Chỉ khác nhau ở mức độ và biến đổi theo năm tháng do sự từng trải. Càng được nuông chiều thì tính ích kỷ, ấu trĩ của con người càng gia tăng. Ngược lại, càng bị thử thách (thực ra là được rèn luyện) thói ích kỷ sẽ càng giảm bớt.
Sau khi đọc tin bài trên các trang như vietnamnet.vn, cafef.vn về việc thí sinh tham gia chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” C.N.Q.V có phát ngôn lạ trên mạng xã hội, tôi bắt đầu thấy rõ hơn vấn đề của giáo dục hiện đại. Đó là thay vì tiếp thu những điều hay lẽ phải, những giá trị tiến bộ thì không ít bạn trẻ đang sùng ngoại quá mức và bài xích những hệ giá trị căn bản làm nên mái ấm che chở cho các em, làm nên ngôi trường cho các em theo học và làm nên đường xá cho các em đi lại, bệnh viện chăm sóc khi các em đau ốm. Chứng quay lưng với truyền thống để vồ vập vươn tới hiện đại đang là một mầm bệnh để lại những lỗ hổng, “mất gốc” không chỉ trong kiến thức mà trong cả nhận thức.
Nhóm trẻ này đang xem những điều chỉ mang tính chất da, lông của những phương trời xa lạ sau đó đối chiếu, so sánh khập khiễng với quê hương. Các em chưa đủ chín chắn để hiểu câu “ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Có những em mang ảo vọng rằng chỉ cần ăn nói như người ngoại quốc, tiêu dùng như người ngoại quốc và sinh sống theo kiểu ngoại quốc là có thể biến mình thành hội viên của những dân tộc tự xem mình thượng đẳng, bác ái. Hãy đến phương trời ấy, không người thân quen, không xu dính túi thì các em sẽ hiểu lòng bác ái của họ lớn đến đâu với một chủng tộc xa lạ thường khiến đa số họ liên tưởng đến con vượn. Họ sẽ chơi với vượn, cho vượn ăn nếu chúng làm trò mua vui cho họ. Nhưng họ sẽ thẳng tay “dạy lại” đám vượn khốn khổ nếu chúng không biết nghe lời. Vì với họ, nhân quyền là dành cho con người, không dành cho vượn.
Tôi đã đi đến “miền đất hứa” chưa để nói vậy? Sự thật là tôi chưa. Nhưng bạn bè, người thân của tôi đã đi đến xứ người. Trong những tâm sự của họ, phần mật ngọt thì ít mà đắng cay thì nhiều. Đắng cay nhất là gì các em có biết không? đó chính là họ không còn biết mình thuộc về nơi đâu nữa, khi đã vội vàng tự tay chặt đứt gốc rễ với quê hương nhưng lại cũng chẳng thể bám rễ nơi xứ lạ.
Bắt chước những công dân ngoại quốc chỉ khiến các em thê thảm hơn trong mắt họ. Một phiên bản “dở tây, dở ta” khiến những cặp mắt xanh bề ngoài tươi cười lịch thiệp nhưng trong đáy mắt lại cười thầm. Vì có một sự thật cơ bản: các em là người Việt gốc tre, máu đỏ da vàng. Một cái cây sẽ chẳng thể vươn cao nếu bộ rễ của nó yếu ớt, bám không sâu, không chắc.
Nói như vậy không có nghĩa là tôi khuyến khích các em bài ngoại thái quá hay trở nên thủ cựu mù quáng. Mà tôi chỉ mong các em biết mình là ai giữa cuộc đời này. Để những năm tháng tuổi trẻ tươi đẹp nhất, nhiệt huyết nhất của các em không trở thành nguyên liệu cho tham vọng đen tối của những thế lực chống phá bên ngoài.
Ở đâu cũng có người hay và người chưa hay. Nhưng nếu muốn gặp người hay, tôi nghĩ trước hết chúng ta đừng nên dở quá. Ngoài ra, nếu trong suy nghĩ một số em đất nước còn những điều chưa hay, thì các em hãy phấn đấu, hành động để giúp đất nước tốt đẹp như: không vứt rác bừa bãi, không đắm chìm vào công nghệ, chăm chỉ học tập, lao động, tự giác tu dưỡng đạo đức, chơi thể dục thể thao, sống lành mạnh. Tuy bé nhỏ nhưng đó hành động thiết thực, cao quý hơn so với việc oán thán, kêu ca. Vì người chỉ toàn thấy điều dở của cuộc đời chưa hẳn đã là người hay. Người tự cho mình hơn chưa hẳn đã là người hơn.
Các bậc cha mẹ cũng đừng nên quá chăm chút cho con trẻ tiếp thu nền văn minh mà quên đi trau dồi văn hóa của con. Bởi nếu không cẩn thận, sau này khi cha mẹ già yếu, không còn khả năng chu cấp ích lợi thì đứa con ấy sẽ tìm cách xa lánh ở phương trời hải ngoại. Lúc tiệc tùng vui vẻ thì “ông bà già lẩm cẩm ở nhà” sẽ trở thành đề tài cho đám thanh niên bỡn cợt, chê bai trong tràng cười do rượu ngoại và cần sa tiếp sức.
Chứng chỉ ngoại ngữ, các bài thi chuẩn hóa quốc tế, các huy chương lấp lánh, giấy chứng nhận v.v. sẽ chẳng đo lường nổi nhân cách. Bản chất chúng là vật vô tri, nếu chỉ biết trang bị, bồi dưỡng cho con những thứ vô tri như vậy thì khó khiến cho một đứa trẻ trở thành con người đúng nghĩa.
Tuần trước trong quá trình dạy học, một bạn học sinh có đặt ra câu hỏi cho tôi. Đó là trong dịp nghỉ hè, bạn được gia đình cho đi thăm thú đất nước mà bạn có dự định du học sau khi tốt nghiệp cấp 3. Ở xứ đó người ta được tự do mua bán cần sa và súng đạn. Bạn có hỏi tôi vì sao ở đất nước chúng ta lại không được như vậy?
Nếu được như vậy, đất nước chúng ta có bình yên như bây giờ không nhỉ?
Nếu chúng ta được trao cho tự do, liệu chúng ta có biết cách sử dụng tự do đó một cách đúng đắn và hữu ích?
Các bạn trẻ không có lỗi, người lớn cũng không có lỗi. Chẳng ai có lỗi khi tin vào điều mình nghĩ là đúng, bất chấp vốn sống, trải nghiệm. Nhưng tôi nghĩ đừng nên đợi “mất bò mới lo làm chuồng”. Những điều các em nghe, xem thấy hàng ngày trên Internet vẫn đang thấm vào nhận thức của các em. Không ít nội dung trong số này là những viên thuốc độc tẩm đường. Trong khi đó, những cuốn sách vốn dĩ là cách thư giãn lành mạnh, tiếp thu kiến thức bổ ích thì nằm chỏng chơ trên kệ. Theo như tôi biết, rất hiếm cuốn sách tử tế nào khuyên con người ta chối bỏ nguồn cội. Cũng giống như tư tưởng chung của các tôn giáo là hướng thiện. Điểm chung của sách là hướng người ta đến với minh triết, các giá trị nhân văn.
Tôi nghĩ chạy theo những tư tưởng ngoại lai là dấu hiệu cho thấy một tâm hồn tự ti, mong manh và không dám sống với bản chất thực (khúm núm, mặc cảm khi cho rằng nguồn gốc mình kém cỏi). Bớt lướt mạng xã hội đi để tăng thời gian đọc sách lên liệu có phải là liều thuốc cho những tâm hồn trẻ tuổi hay hờn dỗi cuộc đời nhưng lại nâng niu bản thân quá mức?
Trong cuốn sách “Một đời như kẻ tìm đường” của GS. Phan Văn Trường, một bậc thầy giàu trải nghiệm thực trên thương trường quốc tế lẫn trường đời, có câu “Ta về tìm lại chính ta, xin làm một chiếc lá đa sân đình”. Câu từ mộc mạc nhưng khiến tôi thấm thía giá trị của nguồn cội và biết trân trọng bản sắc văn hóa.
Nguồn cội chúng ta vốn như vậy: tình nghĩa, giản dị và là người Việt Nam.
Chúng ta hãy khích lệ nhau phấn đấu, hòa nhập nhưng đừng dại khờ, đừng hòa tan.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất