Chia đôi một chiếc bill với người lạ
Chuyện tiền bạc trong đối nhân xử thế vẫn là chuyện nhạy cảm. Đặc biệt là khi bắt đầu mối quan hệ với một người mới. Đó có thể là quan...
Chuyện tiền bạc trong đối nhân xử thế vẫn là chuyện nhạy cảm. Đặc biệt là khi bắt đầu mối quan hệ với một người mới. Đó có thể là quan hệ yêu đương, đối tác hay bạn bè bình thường. Vấn đề không phải là phép chia mà là cách nghĩ và ứng xử đằng sau phép chia đó.
Nếu bạn rủ ai đó đi ăn hoặc chấp nhận lời mời đi ăn của ai đó, cái trân quý không nằm ở giá trị những món ăn và thức uống mà là thời gian mỗi bên bỏ ra cho nhau. Nếu bạn đã bỏ thời gian ra cho ai đó chắc hẳn không phải chỉ vì một bữa no (nếu như bạn không nghèo đến mức đói). Mục đích của bạn có thể là để tìm kiếm một cơ hội trong tình yêu, kinh doanh hay chỉ đơn giản là để giải khuây hoặc tìm cảm giác mới mẻ với một người lạ - “một người không biết gì về đôi ta không kêu lên sao anh ngốc quá vẫn còn yêu cô ta” (xin lỗi hơi lạc đề).
Người ta đã tranh cãi nhau rất nhiều về vấn đề thanh toán ở các cuộc hẹn đầu tiên. Đặc biệt là khi liên quan đến phạm vi hẹn hò giữa nam và nữ. Các bạn nam cần sự công bằng, các bạn nữ cần sự ga lăng. Công bằng và ga lăng ở đây thực sự là một cuộc chiến một mất một còn chứ không giống như sự giàu có và sự vĩ đại mà mình đã viết ở đâu đó (lại lạc đề).
Nếu xét chung chứ không riêng ở tình huống hẹn hò thì chúng ta có 2 phe ở đây: người mang tư tưởng công bằng và người xem xét thiện chí của đối phương. Nghe có vẻ như là hai đường thẳng song song không bao giờ gặp nhau. Nhưng họ đều có chung một mục đích là để đánh giá và nhận định, chỉ là hệ quy chiếu không giống nhau. Người mang tư tưởng công bằng cho rằng sự công bằng là nền tảng để phát triển tiếp mối quan hệ (if not, game over), còn người xem xét thiện chí của đối phương thì tất nhiên là căn cứ vào sự thiện chí họ đang mong đợi để quyết định có duy trì mối quan hệ (if not, game over). Chẳng ai đúng, chẳng ai sai. Đơn giản là hai tư tưởng không hoà hợp thì không match nhau. Những người có tư tưởng công bằng gặp nhau thì sẽ tiếp tục tiến triển lâu dài. Những người xem xét thiện chí gặp nhau cũng vậy. Oái oăm là trong cuộc sống chúng ta không dễ dàng match nhau như thế. Thực tế, những người khác tư tưởng nhau về vấn đề này thường gặp nhau và họ thường nhấn nút thoát game sau đó. Nhưng nếu họ tiếp tục vẫn có khả năng họ xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với nhau. Bởi vì những người mang tư tưởng công bằng 50-50 có xu hướng trở thành người thiện chí 100% và những người đánh giá thiện chí có xu hướng nhận được 1 thì cho lại >=1.
Cho và nhận mỗi người đều có quan điểm và cách thức không giống nhau. Nhưng suy cho cùng thì một mối quan hệ là một khoản đầu tư. Lãi hay lỗ thì vẫn phải bỏ vốn ra mới biết được. Tiền là tiền của bạn, bạn cho hay không, cho bao nhiêu đó là quyền của bạn, không nói đến hành vi phạm pháp hay vô đạo đức, chẳng ai lấy được tiền của bạn nếu bạn không muốn.
Nếu trong một mối quan hệ bạn cảm thấy mình bị lợi dụng tiền bạc thì bạn có quyền dừng đầu tư. Bị lừa hay không nó ở khía cạnh khả năng đoán định và phân biệt tốt xấu của chúng ta mà thôi. Cùng lắm cũng chỉ là vài bữa ăn, vài món quà chẳng đáng để chấp nhặt với một người hào sảng. Còn bạn không đầu tư đồng nghĩa không có cơ hội tìm được người đáng quý. Thật ra nói cách khác, bạn không xứng đáng có được mối quan hệ tốt nào với những suy nghĩ hẹp hòi.
Bạn thật ra tiền không thiếu. Chỉ là thích thú cảm giác được người khác bao ăn hay cho tiền. Rồi sau đó tiền đó cũng là để đáp lại người đã cho bạn. Những gì bạn cho lại họ thậm chí còn tốn nhiều hơn số tiền bạn nhận từ họ.
Nhưng con người, đa nghi và tính toán là bản năng (hoặc kĩ năng được tiếp thu tốt). Vì vậy khi gặp gỡ một người thì liền sợ bị lừa. Lúc cho đi lại sợ thua thiệt.
Đòi hỏi sự công bằng không sai, nó cũng là một yêu cầu chính đáng nhưng nó khá khắc nghiệt và trong thế trận này nó thường đem về sự thất bại nhiều hơn. Việc một người quá rạch ròi với một người về những tờ bill sẽ giết chết cảm xúc giữa chúng ta ngay từ những ngày đầu xây dựng mối quan hệ.
Cuộc hẹn đầu tiên là một phép thử và mới chỉ là một trong số chuỗi phép thử. Nếu bạn thất bại trong phép thử đầu tiên thì sẽ không còn phép thử nào nữa. Nhân sinh không giống như là quỳ tím nhận biết axit và bazơ. Đối phương sẽ không biến màu sang xanh hay đỏ mà chỉ có biến mất hoặc trở lại trong cuộc sống của bạn.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất