Giọng hát con người với các đặc tính sinh lý học của nó như styles, registers, ranges, intonation, vibrato, choral blend, trước sự tiến hoá phức tạp của âm nhạc, lui về một phần nhỏ trong cái tổng thể đồ sộ của hoà âm phối khí, nghệ thuật trình diễn, và cả cách tiếp nhận, chưa kể sáng tác và mối tương quan phức tạp giữa âm nhạc và văn hoá. 
Nếu quan niệm ca sĩ chỉ là một thợ hát (như Duy Mạnh nói), thì hoàn toàn có thể đặt trọng tâm phê bình ca sĩ ở giọng hát, như cách mà các trang như Shady Vocal Facts, Divo,Diva Fan Vietnam, hay cả các vocal coach chuyên làm video vocal analysis trên mạng đã làm. 
Nhưng như vậy thì chắc chắn chúng ta sẽ có phản biện vô cùng yếu ớt trước quan niệm Chi Pu hát hay hơn Britney Spears, xem ở đây. Mặc dù ngay cả khi xét riêng về giọng hát, thì trường hợp của Britney Spears là cả một câu chuyện dài. Giọng hát Britney là một giọng hát chịu quá nhiều thao túng trong suốt quá trình phát triển của nó:


Trong bối cảnh hiện nay, khi mà người ta không chỉ nghe ca sĩ mà còn xem ca sĩ và bàn luận về ca sĩ, thì nhất thiết phải đánh giá ca sĩ nhiều hơn là qua giọng hát. Ngoài giọng hát, còn phải bàn đến gu, trình độ nhận thức về thanh nhạc, âm nhạc, và rộng hơn nữa là các loại hình nghệ thuật trình diễn, tư cách, sự sáng tạo và tầm ảnh hưởng. Nếu là singer-songwriter thì còn phải bàn về năng lực sáng tác và tư tưởng nữa. Đó chỉ là một số các phương diện mà tôi có thể tạm nghĩ ra. Và tổng thể những phương diện đó mới làm nên tầm vóc của một ca sĩ.
Nếu chỉ xét riêng giọng hát thì không bao giờ ta có một ca sĩ lớn (như cách nói một nhà văn lớn, theo lý thuyết của Thomas Carlyle) mà chỉ có một ca sĩ hát giỏi (đây là chữ dùng của Bạch Yến khi nói về Edith Piaf). Kỹ thuật thanh nhạc tuy có thể giúp một giọng hát phát huy trọn vẹn nét riêng của mình, nhưng không thể tạo nên cái riêng. Nếu tất cả mọi ca sĩ đều có cách lấy hơi giống nhau, cách nhả chữ giống nhau, cách ngân, cách ngắt nhịp như nhau, thì tôi thà tạo ra một con rô bốt chuyên hát đúng kỹ thuật còn hay hơn. 
Nếu hỏi Frank Sinatra và David Bowie ai hát giỏi hơn, thì đánh giá thuần tuý dựa trên vocal analysis và tiêu chuẩn cổ điển về giọng hát, phải kết luận rằng Frank Sinatra hát hay hơn. Nhưng nếu hỏi ai là ca sĩ lớn, thì dựa vào tổng thể các phương diện, tôi kết luận rằng là David Bowie mới là ca sĩ lớn.

Gu (taste)

Việc ca sĩ chọn hát hay chọn không hát bài gì cũng tương tự như việc dịch giả chọn dịch hay không dịch tác phẩm gì, cả hai đều liên quan đến gu (taste). Một người ca sĩ lớn phải có một sự nhạy cảm trong tiếp nhận, họ có thể nói ngay họ có thích hay không thích một bài hát (và lý luận chỉ là câu chuyện đi sau trực cảm). Tôi vẫn nhớ một đoạn trong phim La Môme, khi Edith Piaf (do Marion Cotillard thủ vai), ở tuổi già tật bệnh dường như mất hẳn niềm hứng thú với hát và đã huỷ nhiều buổi diễn, vậy mà lúc đó khi có nhạc sĩ đến muốn cho bà nghe một bản mà anh ta vừa sáng tác, tên là Non, je ne regrette rien, thì chỉ sau vài câu mắt bà đã sáng rỡ lên, và bà nói lớn lên rằng bài hát này nó chính là bà, là cuộc đời của bà, và bà muốn tổ chức show diễn lại. Đó là một ví dụ về cảm năng của người ca sĩ.


Trình độ nhận thức về thanh nhạc hay âm nhạc 

Một việc đơn giản nhất là có thể đọc một cái sheet music nhưng không chắc có nhiều người làm được. Chưa kể để nói được cách hát ả đào, vọng cổ, ca Huế, hay yodelling có những đặc trưng thế nào trong kiểm soát làn hơi, kiểm soát thanh quản, cho đến kiểm soát các vị trí cấu âm ở khoang miệng (lưỡi, môi, răng) thì không dễ. Thường người ca sĩ giỏi có thể mô phỏng được dựa trên trực giác và ký ức sinh lý, nhưng chỉ có một ca sĩ uyên bác mới nói được một cách tường minh cách mà một âm được tạo ra. Chỉ riêng về kỹ thuật thu âm hay xử lý dữ liệu âm thanh cũng đã là một mảng kiến thức rất đồ sộ. Còn các loại hình liên quan đến âm nhạc thì rất đa dạng: vũ đạo, diễn xuất, thiết kế sân khấu, thiết kế ánh sáng, quay phim, thời trang, vân vân. Tất nhiên một ca sĩ không nhất thiết hiểu quá sâu về mọi khía cạnh này, nhưng có ý thức được sự rộng lớn và phức tạp này là rất cần thiết để không trở nên trịch thượng và để biết trân trọng những gì mình làm.

Tư cách

Bàn về tư cách ca sĩ thì ta lại nhớ đến các bình luận về danh ca Hoàng Oanh. Hồ Trường An viết: "Trong hàng ngũ các nữ ca sĩ nổi tiếng thuở xa xưa chỉ có Lệ Thanh, Thanh Thúy và Hoàng Oanh là nhu mì, khiêm tốn, ngoan hiền và biết tự trọng". Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 thì nói: "Hoàng Oanh thật là một con người trung hậu, nghĩa là cô nghĩ đến mình và cả đến người khác. Thêm một yếu tố quan trọng nữa là những cuộn băng, những đĩa hát, những CD, một khi cô đã phát hành cô đều lưu giữ lại và gìn giữ cẩn thận như đó là những đứa con tinh thần của cô". Một ca sĩ lớn nhất thiết là người có tư cách tốt đẹp. 

Sức sáng tạo

Sức sáng tạo của một ca sĩ thể hiện ở cách mà người ca sĩ làm cho một bài hát không chỉ là một sự trả bài, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật được ghi trong sheet music, mà có những sắc thái riêng. Ta thử lấy ví dụ, với bản nhạc kinh điển I dreamed a dream, từng được Ruthie Henshall và Susan Boyle trình diễn rất thành công, gây dấu ấn trong lòng người, nhưng Anne Hathaway đã biết cách để tạo ra một cái phiên bản mà chỉ có riêng cô mới làm được trong phim Les Misérables năm 2012. Thoạt đầu, cách diễn này làm ta hơi khó chịu vì nó có vẻ cường điệu, melodramatic còn hơn cả bản trên sân khấu của Ruthie Henshall, nhưng I dreamed a dream của Anne Hathaway là một bản nhạc trong một bộ phim ca nhạc. Nghĩa là ở đó, diễn xuất và âm nhạc là hai phần hòa quyện, không thể tách rời. Nhất là với treatment của cảnh quay cận Fantine, khi không có chuyển động máy, không thay đổi bối cảnh, mọi thứ giữ yên, thì rõ ràng chủ ý của nhà làm phim là trọng tâm phải nằm ở cảm xúc của diễn viên. Chẳng ai muốn xem một cô Fantine hát về đau khổ mà nét mặt lẫn giọng hát không có chút gì đau khổ. 


Cách hát của Hathaway không dựa trên khuôn mẫu nào trước đó hết. Nếu thử so sánh đoạn đầu, “there was a time when man was kind”, theo cách diễn của Henshall và của Hathaway ta sẽ thấy có sự khác biệt. Với Henshall, đó là lúc mà Fantine hoài niệm về quá khứ hạnh phúc nên mặt cô rạng rỡ nhưng đến câu “then it all went wrong”, khi thực tại kéo cô lại, thì nét mặt trở nên trầm buồn. Nhưng Hathaway thì khác. Hathaway bổ sung vào khoảng trống của kịch bản một tư thế, một bối cảnh: Đó là Fantine đang nằm vô hồn nhìn lên trần nhà như sau một ngày mệt mỏi, và môi mấp máy bật ra thành những câu thì thầm yếu ớt, loạng choạng, rồi cô mới ngồi dậy. Lúc này, trong gương mặt người hồi tưởng không có cảm xúc vui tươi, mà là một nét buồn rười rượi và những run rẩy thể hiện cảm xúc sợ hãi, mệt mỏi trước thực tại. Dường như Fantine này đã quá mệt mỏi để có thể nở một nụ cười.
Đây cũng là một phần trình diễn được tính toán rất kỹ lưỡng, khi mà xuyên suốt bài hát ta thấy cô lựa chọn những cảm xúc và sắp xếp theo trình tự chuyển biến của lời bài hát. Từ thấp thoáng nét hy vọng (“he filled my days with endless wonders”), chuyển sang giận dữ (“he took my childhood in his strides”), rồi tự giễu (“and still I dream he comes to me”), rồi vỡ mộng (“there’re dreams that cannot be”), rồi bất mãn (“so different from this hell I’m living”), và cuối cùng là sự chấp nhận thực tại trong chua chát (“now life has killed the dream I dream”). Fantine của Hathaway trở thành một Fantine vô cùng sinh động.
Tương tự như vậy, hát đúng kỹ thuật sẽ tạo ra một bài hát chuẩn mực, nhưng theo đuổi chuẩn mực chỉ là tài năng, còn thiên tài là người xe đặt ra một chuẩn mực khác (Schopenhauer, Die Welt als Wille und Vorstellung). Chỉ có Thái Thanh mới có cách hát Buồn tàn thu như vậy. Và tôi vẫn nhớ có một video trên mạng quay lại bà Thái Thanh hát trong ngày sinh nhật năm 80 tuổi, lúc trình diễn bài Nửa hồn thương đau của anh trai bà, tôi thấy lúc hát câu đầu “nhắm mắt, cho tôi tìm một thoáng hương xưa”, bà ngân dài chữ “thoáng” và bàn tay bà đưa lên làm một cử chỉ như vén một màn sương thời gian để được nhìn rõ hơn quá khứ, tôi biết rằng đó là Nửa hồn thương đau của Thái Thanh. Cũng như bài Hương xưa của Cung Tiến. Tuy đã có nhiều người hát: Hà Trần, Trần Hiếu, Lệ Thu, nhưng có không ít người chỉ muốn nghe Duy Trác hát. Sáng tạo của người ca sĩ là ở chỗ đó: tạo ra được cái hồn riêng cho bài hát. Thành công của bản Trên đỉnh Phù Vân của Mỹ Linh cũng là do đó.
Có người từng nói, Thái Thanh, Ngọc Lan, và Thanh Lam đại diện cho ba cách hát khác nhau. Trong khi Thái Thanh thì hát với rất nhiều cảm xúc, nhiều luyến láy, thì Ngọc Lan hát rất nhẹ, như MJ giai đoạn da trắng, còn Thanh Lam thì hát rất mạnh. Sự hình thành của một cách hát riêng như thế rất có thể cũng đòi hỏi sự sáng tạo. Và Madonna thậm chí còn mang sự sáng tạo vượt khỏi phạm vi vocal, đi xa chưa từng có qua vô vàn các địa hạt khác, gây ra một sự ảnh hưởng văn hoá sâu rộng đến mức chính Madonna trở thành đối tượng nghiên cứu cho một mảng học thuật vào thập niên 80 ở Mỹ là Madonna studies. Và chính vì vậy, nói đến tầm vóc của Madonna là phải nói đến tầm ảnh hưởng đầu tiên chứ không phải giọng hát. 

Tầm ảnh hưởng

Nhưng tầm ảnh hưởng rất có liên quan đến yếu tố thời đại. Khi bàn về khái niệm cổ điển, có quan niệm cho rằng một tác giả/ tác phẩm đạt đến mức cổ điển khi mà có một đặc tính nào đó mà trước chưa có tiền lệ, nhưng sau thì lại có rất nhiều người lặp lại. Người ca sĩ có ảnh hưởng là người vạch ra một ngã rẽ mới cho dòng chảy tiến hoá của âm nhạc, và bảo trợ cho thế hệ theo sau. Nhiều khi, việc này vấp phải lực cản của cái cũ, và đặt họ vào một vị thế phải bênh vực cho cái mới. 
Britney với Baby One More Time đã vấp phải sự công kích của các bậc phụ huynh Mỹ từng có con em yêu thích Britney cái thuở cô ấy trong The Mickey Mouse Club. Britney tạo ra hình tượng nữ sinh hư hỏng là một sự kiện chưa từng có trong nhạc Mỹ, và trước sự phê bình của các cô bác lớn tuổi, Britney lại vẫn cứ tiếp tục phô da thịt và bảo “oops, I did it again” hoặc đáp trả “I’m not that innocent”, tôi không còn ngây thơ nữa đâu.
but she cries cries cries in her lonely heart
Sơn Tùng, trong cuộc lùm xùm với phía của nhạc sĩ Phó Đức Phương đã đáp trả lại “tôi không phải dạng vừa đâu” với một MV biếm phỏng hai nhạc sĩ lớn tuổi (MV này đã bị gỡ). Cách tiếp nhận và tái tạo của Sơn Tùng (“Immature poets imitate; mature poets steal”, T. S. Eliot, The Sacred Wood: Essays on Poetry and Criticism) khó có thể nói là đạo nhạc. Nhưng dường như sự nổi tiếng của Sơn Tùng, với cái loại âm nhạc bắt tai, sôi động, toàn cầu hoá đó, gây ra một cảm giác đe dọa cho thế hệ của Phó Đức Phương, chính xác hơn là thế hệ của Thanh Lam, Tùng Dương. Nên cái động thái phản kháng của Sơn Tùng cũng là một động thái làm chính trị theo một con đường khác. Chính Sơn Tùng đã mở đầu cho Soobin Hoàng Sơn, hay “reductive” hơn là Jack (“reductive” là từ Madonna dùng để nói về Lady Gaga). “Sơn Tùng M-TP là con sói đầu đàn, là người tạo nên thời thế”, Trịnh Thăng Bình phát ngôn như thế. Sơn Tùng có tài, nhưng đường hãy còn dài để nói Sơn Tùng có phải là một ca sĩ lớn hay không. Bởi để bàn về tầm ảnh hưởng, thì cần nhiều thời gian hơn nữa.
So sánh giữa Chi Pu và Britney về tầm ảnh hưởng thì Chi Pu chẳng có gì. "Britney Spears was one of my biggest inspirations. She taught me how to be fearless. She's a pop music legend and the industry wouldn't be the same without her", Lady Gaga đã nói như thế. Chính Britney đã truyền cảm hứng cho Charlie Puth:


Cả Sơn Tùng lẫn Chi Pu đều học tập từ thành tựu của âm nhạc quốc tế, nhưng trong khi Sơn Tùng chín chắn hơn trong nhận thức về âm nhạc, thì Chi Pu lại từng tuyên bố chỉ cần cầm mic là thành ca sĩ. Giống như Sơn Tùng, Chi Pu cũng đang làm chính trị. Chi Pu đang bảo trợ cho một cách làm nhạc là: Ca sĩ không cần giọng hát và cũng không cần quá nhiều về mọi thứ mình nói ở trên, mà chỉ cần những bản nhạc bắt tai, một hình thức đẹp, và truyền thông hiệu quả. Chính đây là sự cáo chung của vocalist, nên các critics “canh gác” chuẩn mực cổ điển của giọng hát sẽ chống lại Chi Pu. Nếu Chi Pu chiến thắng trong cuộc chiến này, giành được sự ủng hộ của công chúng, thì Chi Pu sẽ thành một ca sĩ lớn và làm thay đổi định nghĩa ca sĩ. 
Nhưng tất nhiên, Chi Pu ngày mai luôn có thể khác đi Chi Pu của hôm nay mà ta biết. Cũng như các chuẩn mực giọng hát cũng không có điều gì chắc chắn là nó sẽ giữ nguyên như thế. Âm nhạc cũng vậy, và mọi thứ đều vậy, bởi vì 500 năm trôi qua thì Ngộ Không từng đại náo thiên cung cũng không đánh nổi mấy con quái nhãi nhép mà. Một trật tự thế giới mới luôn có thể xảy ra, những gì từng rất lớn một thời sẽ trở thành hư vô. 
Bản thân các nhận định chuẩn hay không chuẩn, lớn hay không lớn cũng đã ngầm ẩn trong nó một trật tự quyền lực nào đó. Và rất có thể sau này mọi thứ sẽ bị giải tập trung hoá. Rất có thể sau này các ranh giới thiêng liêng bị vi phạm và các trật tự quyền lực bị lật đổ như trong Blade Runner 2049. Nhưng chẳng nên buồn vì chuyện đó, vì chính trong cái tình thế sinh sôi vô định ấy,  có khi người ta lại hiểu chính mình hơn. Trong vô hạn các hình thức biểu hiện cuộc sống, họ tìm thấy một mạch nối của chính mình. Họ có thể thích một ca sĩ mà không ai quan tâm, chỉ bởi vì đó là “một nét riêng tư gợi nhắc cho ai” không thể nào thay thế. Và lúc đó, cùng là một bài ca, nhưng chỉ có một giọng ca nhất định mới làm ta muốn nghe mà thôi.