Hiển nhiên bất cứ ai nghe nhạc Radiohead cũng biết chủ đề âm nhạc của họ là sự tha hóa (alienation) của con người trong xã hội hiện đại. Và thông điệp của họ có thể diễn giải là: chúng ta không lựa chọn việc sinh ra với cơ thể này và ở thế giới này. Tuy nhiên chúng ta không còn một dạng thức tồn tại nào khác, nên chúng ta không ngừng cảm thấy trong nội tại bản thể mình sự phân tách của tâm hồn và cơ thể… Chúng ta cảm thấy khó khăn để kết nối với người khác. Và cái thật (authenticity) trong chúng ta bị vật hóa (objectification) bởi thế giới vật chất khiến chúng ta không ngừng thấy chính mình trở nên xa lạ với xung quanh.

Trước hết, sự tha hóa thể hiện ở sự phân tách giữa tâm và vật. 

Biểu hiện của nó là cảm giác bất lực với cơ thể mình và muốn thoát ra khỏi nó. Dễ thấy cảm giác này trong bản hit đầu tiên của Radiohead, bài Creep
“I want a perfect body, I want a perfect soul.
(…) I wish I was special.
But I’m a creep, I’m a weirdo.
What the hell I’m doing here,
I won’t belong here”. 
Cảm giác này cũng xuất hiện trong bài Prove yourself: 
“I want to breath, I want to grow
I’d say I want it, but I don’t know how.
(…) I can’t”. 
Việc mắc kẹt với một thân xác vật chất, một thể xác hình thành dưới sự tác động không thể cưỡng lại của thế giới khách quan: “Wax me. Mould me. Heat the pins and stab them in. You have turned me into this. Just wish that it was bullet proof” (Bulletproof) khiến chúng ta đôi khi cảm thấy trống rỗng bên trong: “I need to wash myself again to hide all the dirt and pain/ Cos I’d be scared that there’s nothing underneath” (The Bends); “I’m not here/ This isn’t happening” (How to disappear completely) và tưởng như tan biến: “For a moment there, I’ve lost myself” (Karma Polic). Để lấp đầy sự trống rỗng ấy, chúng ta tìm đến việc thực hiện những hoạt động sống có tính mục tiêu: “Anyone can play guitar and they won’t be a nothing anymore” (Anyone can play guitar), “Still cries at a good film. Still kisses with saliva. No longer empty and frantic like a cat tied to a stick” (Fitter, happier)

Tiếp đó, sự tha hóa thể hiện ở việc khó khăn trong hòa nhập xã hội và kết nối với những người xung quanh. 

Trong bài Creep ta thấy một anh chàng thích một ai đó nhưng lại không thể bày tỏ. Trong bài High and Dry
“Drying up in conversation.
You’ll be the one who cannot talk.
All your insides fall to pieces
You just sit there wishing you could still make love”, 


ta lại thấy sự mệt mỏi của việc tương tác xã hội. Lý do khiến ta không thể kết nối là vì chúng ta không tìm thấy được sự đồng cảm. Không một ai thấy được con người thật bên trong chúng ta mà chỉ nhìn thấy cái lớp vỏ vật chất với ngoại hình, giọng nói, hành vi, địa vị xã hội… mà thôi. Đây là một bi kịch không hồi kết, không lối thoát: “It’s the devil’s way now/ there’s no way out” (2+2=5). Và chúng ta sẽ mãi mãi chỉ thấy mình đơn độc giữa cuộc đời: 
“Drift all you like from ocean to ocean.
Search the whole world.
But drunken confessions and hijacked affairs.
Will just make you more alone” 
(Man of war)

Trong xã hội hiện đại, con người càng đắm chìm trong vật chất và cảm nhận sâu sắc hơn sự tha hóa của mình. 

Radiohead, ngay từ cái tên của nhóm, đã vẽ ra một bức chân dung của những con người hiện đại: những con robot với cái đầu máy móc được lập trình để dự phần vào một cuộc vận hành chung (“This man talks in maths. He buzzes like fridge”, Karma Police). Radiohead nhấn mạnh cái tốc độ vận hành khốc liệt của guồng quay cuộc sống hiện đại trong Ripcord: “A thousand miles an hour. On politics and power. That she don’t understand. No ripcord, no ripcord.” hay trong The Tourist: “They ask me where the hell I’m going. At a thousand feet per second. Hey man, slow down, slow down”. Nhưng càng cố tìm kiếm chính mình bằng cách đắp lên người mình càng nhiều lớp vỏ vật chất, người ta lại chỉ thấy chính mình là những con robot bị chứng hoang tưởng (Paranoid Android).
Photograph by Nitin Vadukul (1993)

Không chỉ phần lời, mà cả phần nhạc của Radiohead cũng thể hiện cái triết lý âm nhạc của mình. 

Trong sự nghiệp của Radiohead, có thể lấy OK Computer (1997) làm cột mốc cho quá trình tiến hóa âm nhạc. Nếu trong những album trước đó như Pablo Honey (1993) và The Bends (1995), Radiohead dùng ca từ đơn giản, dễ hiểu và sử dụng những nhạc cụ cơ bản của rock như guitar lead và guitar rhythm, bass, thì bắt đầu với OK Computer, rồi sau đó là Kid A (2000) và Amnesiac (2001), cấu trúc và thế giới âm thanh của Radiohead phát triển đến một mức phức tạp, tinh vi và nhiều thể nghiệm hơn. 
Thoát ly khỏi format của bản nhạc Pop thông thường (gồm verse, chores và phần bride passage nối lại), nhiều bài hát có cấu trúc tổng hợp khác hẳn với trông đợi. “Paranoid Android” chẳng hạn, có rất nhiều phần khác nhau và những chuyển đổi sang chất liệu mới mà bạn có thể tưởng là ba bài hát nhỏ trong một. Sử dụng keyboards, và những âm thanh điện tử nhiều hơn. Ngoài ra có cả sự tham gia của các nhạc cụ giao hưởng (orchestral) cũng như của nhạc jazz, techno và nhiều những chất liệu âm nhạc khác. Có những bài hát thậm chí khiến người ta phải đặt vấn đề về bản chất của âm nhạc và thế nào mới gọi là một bản nhạc. Chẳng hạn Fitter, Happier là một track trong album OK Computer có rất ít âm nhạc được sử dụng. Hầu như toàn bài chỉ là giọng đọc gấp gáp bị làm méo mó đi bởi hiệu ứng âm thanh để cho giống với tiếng của máy móc. Việc sử dụng nhiều chất liệu điện tử gợi cảm giác về một thực tế trong xã hội là máy móc dần thay thế con người, tới mức họ ít nói chuyện với nhau mà dường như chỉ nói chuyện với máy móc và như một cỗ máy. Chúng ta gửi đi một tín hiệu và nhận lại duy nhất là tiếng trả lời tự động của hộp thư thoại, của các thông báo hướng dẫn trên xe buýt, trên tàu điện, ở sân bay, siêu thị. Con người trở nên xa cách và khô khan.
Những bài như In Limbo, Treefingers, Hunting bears.. trong Kid A và Amnesiac lại không hề có lời mà có những hiệu ứng Ambient thường dùng bởi các nhóm nhạc Space Rock, mở ra chiều rộng về không gian suy tưởng mà âm nhạc khơi gợi. Thêm vào đó, nhiều artwork dùng trong các album này lại thể hiện những hình ảnh không gian ngoài trái đất, với vũ trụ rộng lớn, các hành tinh với sinh vật sống xa lạ. Điều này là sự cùng cực của sự tha hóa, khi chủ thể sáng tạo ra một thực tại thay thế cho thực tại khách quan.

MV Man Of War, album OKNOTOK (2017)

Người ta thường so sánh Radiohead với Pink Floyd. Nhà phê bình nhạc rock Jim DeRogatis từng dùng cụm từ “Pink Floyd của Thế hệ Y” để chỉ Radiohead. Có nhiều cách để lí giải điều này, nhưng từ góc độ triết lý âm nhạc, Jere O’neill Surber trong tiểu luận New Shades đã nhận định rằng sự giống nhau của Radiohead và Pink Floyd nằm ở chỗ thông điệp trong âm nhạc của họ đều mang chủ đề sự tha hóa của triết hiện sinh. Nhưng sự khác biệt giữa hai ban nhạc là ở chỗ, trong khi Pink Floyd chỉ thể hiện sự tha hóa đó ở sự xa cách giữa bản thể và thế giới khách quan, Radiohead đào sâu hơn ở những mâu thuẫn của nội tại bản thể và rơi vào trạng thái mông lung về cái trống rỗng của chính mình.
Cái bối rối của Radiohead không chỉ là cái bối rối của việc giải quyết mâu thuẫn giữa cái tôi và thế giới khách quan, mà còn là ở chỗ bản thân tôi không thể biết được mình thực sự là ai, và phải tìm cứu cánh ở chủ nghĩa vật chất để rồi càng đắm chìm trong nó, càng lạc mất chính mình. Chính đây là suy tưởng đã ám ảnh Radiohead trong suốt sự nghiệp âm nhạc của mình từ những hit đầu tiên, cho đến cả những bài hát chưa xuất bản được thực hiện MV trong thời gian gần đây như I promise, Man of war trong album OKNOTOK (2017). Hiểu hơn về triết lí âm nhạc của Radiohead sẽ khiến ta trân trọng những sáng tác của họ hơn.
Tư liệu tham khảo (Ai muốn đọc thì liên hệ mình nhé):
Radiohead and Philosophy - Fitter, Happier, More Deductive (2009), Edited by Brandon W. Forbes & George A. Reisch.