Gần đây tôi đã xem một phim tuyệt vời của Li Băng - Capernaum (đạo diễn Labaki - 2018) và nó khiến tôi suy nghĩ về những sự lột tả của phim ảnh về nghèo đói cùng khổ. Capernaum là một bộ phim tuyệt đẹp, nhưng nội dung của nó có gì đó khiến tôi bận tâm. Sau thời gian ngẫm nghĩ, tôi cho rằng đó chính là những nhận xét về giá trị đạo đức mà đạo diễn đưa ra về nhân vật.

Về cơ bản, các nhân vật được phim chia thành hai nhóm riêng biệt - 'tốt' và 'xấu'. Các nhân vật tốt là trọng tâm của bộ phim; cậu bé 12 tuổi và người mẹ gốc Ethiopia cùng đứa con. Các nhân vật xấu là cha mẹ của cậu bé kia, chủ nhà bóc lột của họ và những kẻ buôn người tham nhũng.

Sự phân chia diễn ra như sau: Nhân vật tốt thì tốt hẳn - xấu thì xấu hẳn. Những nhân vật tốt luôn làm điều đúng đắn về mặt đạo đức (trừ khi họ thực sự không còn lựa chọn nào) - xấu, điều sai trái. Những nhân vật tốt có con vì họ "yêu nhau" mặc dù không đủ điều kiện chăm sóc cho đứa trẻ - nhân vật xấu có em bé vì ngu ngốc hoặc ham muốn tình dục. Nhân vật tốt không hút thuốc lá - xấu xả như ống khói.
Capernaum
Xuyên suốt Capernaum, tôi cảm giác như mình bị bắt phải nhìn nhận tiêu cực về cha mẹ của cậu bé và như thể đạo diễn đang hướng dẫn tôi làm điều này. Người mẹ hút thuốc lá cạnh đứa con của mình trên xe buýt - một tín hiệu để coi là 'Người mẹ tồi'. Cô và chồng có quan hệ tình dục đằng sau tấm màn mỏng manh trong khi con cái lắng nghe. Họ tiêu tiền vào rượu và thuốc lá. Tất cả chỉ quy về một mục đích là gắn cho khán giả một góc nhìn tiêu cực. Điều tương tự không bao giờ xảy ra trong việc miêu tả các nhân vật 'tốt', khi tất cả những gì ta phải làm là thông cảm và ngưỡng mộ.

Đúng là Labaki đã dành cho cả Mẹ và Cha một bài phát biểu trước tòa để giải thích mọi thứ từ góc nhìn của họ (và đối với tôi, là cảnh thu hút nhất về mặt cảm xúc trong phim). Nhưng tôi cảm giác như cổ (Labaki) thêm hai cảnh 'lạc quẻ' đấy vào vì cổ nhận thức được rằng nếu không có chúng thì bộ phim sẽ trở thành sự lên án một chiều về những nhân vật đó, đồng thời thần thánh hóa những người 'tốt'.

Tôi nhận ra sự đối lập tương tự trong I, Daniel Blake của Ken Loach. Ở trường hợp này, tất cả các nhân vật nghèo khó đã được thần thánh hóa. Không ai mang vẻ nhu nhược, không ai từng làm điều 'sai', không ai hút thuốc lá. Tất cả đều tốt, tử tế, thiện lành và hoàn hảo về mặt đạo đức. Sự lãng mạn hóa nghèo đói thậm chí còn trắng trợn hơn trong bộ phim này so với ví dụ đầu tiên của tôi.

Tại sao điều này là một vấn đề đối với tôi? Những bộ phim như thế này thường được ngưỡng mộ vì mục đích đạo đức của chúng. Chúng ta coi chúng như ánh sáng chiếu rọi những số phận cùng cực và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, rằng nó góp phần xây dựng một cái nhìn bao quát về xã hội. Và chúng ta cảm thấy tự hào khi làm như vậy. Khi người ta xem phim và bộ phim đó lay động được cảm xúc của họ, cảm giác như thể họ đang góp phần tạo ra một thế giới đầy cảm thông hơn vậy.

Nhưng sự thật là trong cuộc sống, những con người ở bên lề xã hội thường hiếm khi là thánh, cũng như họ chả mấy khi là quỷ. Cứ hỏi bất cứ ai đã làm việc trong bảo trợ xã hội mà xem. Thực tế, họ cũng giống như mọi người khác thôi - một sự pha trộn khó hiểu giữa tốt và xấu, đôi khi dễ cảm thông, nhưng thường là dễ phán xét và lên án.

Tôi thực lòng thấy rằng việc miêu tả các nhân vật này như các vị tử đạo Kitô giáo khiến mọi thứ nên quá dễ dàng đối với khán giả. Nó chĩa mũi nhọn phán xét lệch khỏi chúng ta. Ai mà không thông cảm cho họ và muốn làm bất cứ điều gì để giúp họ chứ? Không ai cả - tất cả chúng ta đều thấu cảm cho họ và chúng ta làm điều này một cách khá dễ dàng.

Cuộc sống thực không dễ dàng như vậy, và trong thế giới thực, sự cảm thông chân thực phải được thử thách. Sự cảm thông thực sự, đáng giá là khi nhìn thấy sự hỗn loạn, ích kỷ và thậm chí là xấu xa của người khác và vẫn tiếp tục quan tâm. Đây mới là loại cảm thông sẽ cải thiện thế giới của chúng ta.

Không có thách thức này, tôi sợ rằng với những bộ phim như thế này, dù chúng được làm đẹp đến đâu, chỉ có một mục đích duy nhất là để cho khán giả cảm thấy tốt về bản thân. Chúng ta đã chứng kiến và chúng ta đã quan tâm. Chúng ta là những người tốt. Chúng ta đã không được thử thách.

Điều này đưa tôi đến The Florida Project (đạo diễn Baker - 2017). Đây là lý do tại sao tôi rất ngưỡng mộ bộ phim này. Phim kể một câu chuyện về những con người nghèo khổ và cuộc sống như cuộc chiến cho sự sống còn ngày qua ngày của họ, một sự miêu tả chân thực đến tàn bạo. The Florida Project mới là bộ phim thực sự thách thức được khả năng thấu cảm của chúng ta - nó như thể muốn đưa sự cảm thông của bạn đi tập gym vậy (trong khi hai bộ phim kia có thể coi như ngâm lòng thấu cảm của bạn trong một cái bồn tắm ấm áp).

Tôi có biết những người cảm thấy thỏa mãn với cái kết của Florida, cảm thấy rằng các nhân vật đã 'nhận được những gì họ xứng đáng'. Họ thấy việc bỏ thời gian xem những người này quá khó khăn. Vì lý do này mà tôi đã thấy nhiều người phân vân với quan điểm chính trị của phim. Những ví dụ trước của tôi nằm ngay ngắn bên cánh trái. Nhưng với FP, mọi người bị lẫn lộn - đây là phim cánh phải hay cánh trái?

Đó mới là cách phim nên được làm. Ngay từ gốc rễ, sự quan tâm đến đồng loại của con người không phải là một phản ứng chính trị. Baker hiểu rõ điều này, và vì thế, trong ba đạo diễn mà đã đề cập, tôi cho rằng ông là người dành sự quan tâm sâu sắc nhất đến các nhân vật mà ông thể hiện. The Florida Project là bộ một phim mang nhiều giá trị đạo đức hơn.

*Bài viết được mình dịch từ Reddit.