Tại sao càng gãi càng ngứa?

Dante Alighieri biết rằng ngứa mà không gãi thì đúng là địa ngục. Trong tác phẩm “Inferno” (Hỏa ngục), ông miêu tả một cái mương ở tầng Địa ngục thứ tám, nơi mà bọn giả kim, bọn bịp bợm và những kẻ dối trá bị bắt phải chịu những cơn ngứa vĩnh viễn. Nếu bạn cộng tất cả những lần bị ngứa trong đời lại hoặc ngứa ở những phần cơ thể mà bạn không với tới được, có lẽ bạn sẽ có thể liên tưởng đến tầng Địa ngục này.

Điều may mắn là hầu hết những chỗ ngứa có thể gãi được. Tình trạng ngứa ngáy vật lí – dù từ sợi áo len, một con muỗi hay cây thường xuân độc – cũng chỉ làm cảm giác tạm thời. Trong khi phần lớn những cơn ngứa sẽ tự khỏi thì có 10% dân số trên thế giới phải chịu đựng những loại ngứa ngáy mạn tính trong suốt cuộc đời. Gãi có thể đem lại cảm giác nhẹ nhõm tạm thời, nhưng nó còn làm cơn ngứa ngày càng trầm trọng hơn, và thế là làm bạn gãi mạnh hơn, và bạn lại…. bạn biết tôi định nói gì rồi đấy. Các nhà khoa học gọi đây là chu kì ngứa và mới gần đây thôi họ mới biết được tại sao nó khó chống cự thế.

Hãy thử tưởng tượng sự khác biệt rõ rệt khi gãi một vùng da không bị tổn thương với một vùng không bị ngứa. Cảm giác bạn nhận được sẽ vô cùng khác biệt. “Cơn đau thì thường gây cảm giác đau đớn, trừ phi bạn đang bị ngứa”, theo nhà sinh học tế bào Diana Bautista của ĐH California. “Và nó thực sự có thể làm bạn cảm thấy phê lòi”. Ngứa ngáy dữ dội có thể biến chúng ta thành những kẻ khổ dâm nhất thời, biến những phản ứng đau đớn của cơ thể trở thành khoái cảm.

Bạn có thể thấy cái công tắc bật hiệu ứng đó bằng cách nhìn vào vùng trả lời ngứa của não bộ. Trong một nghiên cứu vào năm 2013 quan sát những người gãi ngứa qua một máy chụp cộng hưởng tử (fMRI), các nhà nghiên cứu nhận ra là không có một “trung tâm phản ứng ngứa” cụ thể trong não bộ, việc gãi có vẻ như kích hoạt phần não bộ có liên quan đến khoái cảm, cảm giác thành công và sự thèm muốn.

Dĩ nhiên, gãi cảm giác thật tuyệt vì nó có tác dụng: Nó tạm thời làm đứt đoạn cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Để hiểu được, bạn cần phải biết một chút về mối quan hệ giữa ngứa và đau. Cho tới gần đây, ngứa ngáy vẫn được coi là một phần tử của sự đau đớn – một loại “đau nhẹ” được gây ra bởi sự kích hoạt các neurons đau. Nhưng khi mà hai thứ cảm giác này có nhiều điểm chung trong hệ thống thần kinh dẫn truyền, nghiên cứu mới chỉ ra rằng ngứa ngáy có những tế bào thần kinh, chất dẫn truyền và các cơ quan thụ cảm chuyên biệt.

“Ít nhất bắt đầu ở cấp độ da, có vẻ như có một đường dẫn truyền cơn ngứa và một đường dẫn truyền cơn đau riêng biệt. Nó cơ bản là hai mạch riêng biệt nhưng vẫn có thể tương tác với nhau.” Và sự liên hệ đó có thể làm bạn hết ngứa, hoặc lúc mà bắt đầu có gì đấy sai sai, nó lại làm cho chu kì ngứa của bạn sống dai hơn.

Các tín hiệu hòa trộn

Những tương tác trên là kết quả của giáo sư Trần Phương Châu, một nhà sinh học thực nghiệm và là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ngứa ngáy của đại học Washington trong một nghiên cứu vào năm 2007. Lúc đó là khi ông và cộng sự vô tình chạm vào một nhóm nhỏ các tế bào thần kinh ở tủy sống có vẻ như làm nhiệm vụ đặc biệt là dẫn truyền cảm giác ngứa. Công trình của họ dẫn tới sự khám phá ra “gen ngứa” đầu tiên, GRPR (gastrin-releasing peptide receptor), là chìa khóa dẫn truyền cảm giác ngứa (và chỉ ngứa) từ xương sống lên đến não.

Nhóm nghiên cứu của chen làm thử một đợt thí nghiệm với những con chuột đột biến không mang gen GRPR và làm chúng bị ngứa. Không phải bằng áo len cỡ-chuột mà tiêm một hợp chất tăng cường của histamine gọi là hỗn hợp 48/80. Những con chuột không có GRPR gãi ít hơn hẳn so với những con chuột bình thường.

Giáo sư Trần biết rằng gãi có vẻ làm cơn ngứa ngáy nhẹ nhõm bằng cách làm cho các tế bào thần kinh ở tủy sống truyền tín hiệu đau tới não thay vì tín hiệu ngứa. Cái mà ông đã không đáon được đó là não phản hồi lại tín hiệu đau lại càng làm trầm trọng thêm chu kì ngứa. Ông và đồng nghiệp đã chỉ ra rằng khi chuột gãi thì não bộ sản sinh ra chất dẫn truyền thần kinh serotonin. Và khi mà tín hiệu giảm đau lan từ não bộ xuống tủy sống, có vẻ như nó nhảy từ các neuron cảm giác đau sang neuron ảnh hưởng đến cường độ ngứa, đặc biệt là các neuron mang gen GRPR.

“Cái mà mọi người không biết là khi mà serotonin được sản xuất ra từ cơn đau và đi tới tủy sống, nó càng làm các neuron GRPR hoạt động mạnh mẽ hơn, và bạn càng cảm thấy ngứa hơn.”

Đọc đến đây có ai cảm thấy ngứa ngáy không :))

Các nhà khoa học đang tìm ra các cơ chế thần kinh giữa ngứa và gãi. Vẫn còn nhiều thứ để nghiên cứu nhưng có lẽ trong tương lai chúng ta sẽ làm giảm cơn ngứa bằng thuốc thay vì dùng móng tay. Đùa, ai lại thích uống thuốc cơ chứ, gãi phê hơn nhiều.

Theo wired.com