Một bài viết nháp từ năm 2022.
Định viết nhiều thứ nhưng mà lười quá nên chẳng viết được gì ra hồn. Mấy nay ngồi lưới Spiderum chủ yếu để phát triển cái chức năng ẩn phản hồi vẫn còn dang dỡ và sẵn kiếm gì đó để đọc. Trong cái lúc đó thì vì nhìn thấy một số bình luận cũng như bài viết làm tôi nhớ về câu chuyện mà tôi hay gọi là "chuyện thanh niên người Thượng".
Thanh niên người Thượng là ai?
Nói đến người Thượng thì có thể nhiều anh em sẽ suy nghĩ đến cái bối cảnh ở nơi những tỉnh thành heo hút, chốn cư ngụ của những đồng bào thiểu số. Nhưng chuyện thanh niên người Thượng của tôi thì diễn ra ở ngay tại Sài Gòn và trong một buổi trò chuyện về lịch sử. Theo trí nhớ của tôi thì đó là một buổi trò chuyện về quá trình nam tiến của người Việt qua sự dẫn dắt của một thầy phó giáo sư đến từ đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn. Thầy dẫn dắt rất hay, rất thân tình và tôi có được một trãi nghiệm rất quý báu và bổ ích. Nhưng trong buổi hôm đó có một câu chuyện làm tôi cứ lâu lâu lại nhớ về. Theo tôi nhớ thì sau buổi nói chuyện thì như thường lệ sẽ có phần hỏi đáp. Rất nhiều câu hỏi được đưa ra thông qua những cánh tay đưa lên, trong số đó tôi để ý thấy một cậu trai có vẻ là sinh viên, cậu ta liên tục giơ tay lên và ánh mắt chứa một sự khát khao được đặt ra câu hỏi của mình. Cho đến khi được đặt ra câu hỏi thì cậu ta lại đặt một câu hỏi không mấy liên quan đến chủ đề nam tiến lắm (thí dụ như các câu hỏi về văn hóa, khoa cử, tôn giáo, quân sự...). Cậu ta hỏi về người Thượng, về những vị vua huyền thoại nơi Tây Nguyên đại ngàn, cậu ta nói về việc người Thượng của cậu ta rất thiện chiến, không bao giờ sợ bất kì dân tộc nào, họ chỉ ngán người Chăm thôi chứ chưa bao giờ sợ người Việt, người Việt cũng chưa bao giờ khuất phục được họ, cả người Pháp cũng sợ họ... Rồi kết lại cậu ta chỉ mong thầy xác nhận sự thật đó. Thú thiệt, tôi không nhớ rõ thầy đã trả lời thế nào. Tôi chỉ nhớ khi ra về thằng bạn tôi vẫn cười hề hề "Tội thanh niên người Thượng vãi =))", có vẻ thầy đã không cho cậu ấy một câu trả lời mà cậu ta mong chờ. Đến nay tôi vẫn chưa một lần gặp lại tay người Thượng đó, tôi cũng không biết cậu ta giờ ra sao.
Cho đến gần đây trong một trang Facebook nói về lịch sử, có một bài viết ngắn nói về việc các quân chủ của Việt Nam như Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lý Công Uẩn, gia tộc học Trần, Lê Lợi và ba anh em Tây Sơn không hề nghèo khổ đến mức dân đen như ta vẫn nghĩ. Nói thật đó là một bài viết mang tính mở mang nhẹ nhàng và không hề chứa một ẩn ý đả phá gì ai cả. Nhưng ở phần bình luận thì gặp ngay một thanh niên có vẻ học nhiều và biết nhiều. Nhưng vì bài viết chỉ đơn thuần là một bài viết nhẹ nhàng và không có gì sâu sắc đến mức có thể bắt bẽ được. Thế nên thanh niên tung một đòn tất sát ra:
Thế mà cũng lôi cái "áo vải" ra mà đâm chọt được
Nhưng có vẻ đòn thế đầy hung hiểm đó lại hóa lố bịch nên bị mọi người dội nước ngược lại nhìn thảm như mèo mắc mưa (ở miền tây bọn tôi thì không ai gọi là thảm như "mèo mắc mưa" hết mà gọi là cái khác mắc mưa). Thế là thanh niên lại quay về cái dinh thự trên Facebook mà kêu gào về sự ngu nguội của thế nhân. Nhìn cảnh đó tôi lại nhớ về thanh niên người Thượng năm nào. Thế những kẻ này là ai mà xuất hiện trong cái cõi đời ô trọc này nhỉ?
Họ đại diện cho điều gì?
Dùng từ đại diện thì thiệt sự hơi đao to, búa lớn vì họ chẳng đại diện cho một điều gì cả nhưng do tôi bí từ quá nên đâm ra dùng đại, nếu sai sót thì hy vọng anh em có thể đóng góp giúp. Nào lấy thanh niên người Thượng ra làm thí dụ nào. Trở lại tới tiêu đề phần này thì theo tôi là cậu ta thuộc về nhóm những người tin rằng bản thân mình đang nắm giữ những kiến thức, niềm tin đúng đắn và quý hiếm. Thứ kiến thức và niềm tin mà hầu như những kẻ vô minh xung quanh chẳng ai biết. Họ nghĩ rằng những người xung quanh đang mù mờ, đắm chìm trong những niềm tin và kiến thức đại trà như kiểu một loại đồ uống nhạt toẹt. Do thế mà họ cho mình là những người minh triết và nắm giữ được những kiến thức mà người đời không có được. Họ luôn dè biễu hoặc coi thường số đông vì "tôi cười họ quá giống nhau". Nhưng điều kì lạ rằng họ luôn cố gắng hoặc thậm chí là khao khát có được sự công nhận của số đông. Giống như cậu thanh niên người Thượng ở trên, cậu ta cố gắng giơ cánh tay mình lên thật cao, đôi mắt lộ rõ sự mong mỏi để được nói lên suy nghĩ hay chính xác hơn là nói lên những kiến thức cho những người vô minh bênh dưới. Nhưng rồi thì thứ đọng lại hôm đó chẳng có gì đặc biệt ngoài việc mọi người dù vẫn lịch sự nhưng phần nào lộ rõ sự khó hiểu. Họ khó hiểu về một "câu hỏi" có phần lệch pha đó. Hoặc như thằng bạn tôi sau này lâu lâu vẫn cười hề hề về việc đó. Còn thanh niên kia thì tôi đoán cậu ta chờ một câu trả lời, một sự xác nhận từ thầy. Chờ một sự trầm trồ từ những người vô minh xung quanh. Nhưng thường thì điều đó ít khi xảy ra mà thay vào đó là sự xa lánh và phản cảm từ phía mọi người. Đương nhiên là không chỉ có một vài thanh niên như thế mà hằng ngày chúng ta có thể gặp vô vàn những người như vậy từ trong công sở, trường học hay nhiều nhất là ở trên mạng xã hội. Sẽ không lạ gì nếu hàng ngày ở những diễn đàn chúng ta thấy những bài viết chỉ trích số đông và nêu lên những quan điểm, cách nghĩ của họ. Họ sẵn sàng cười cợt, đá đểu hay nhục mạ những thứ họ xem là đại trà và thấp kém. Họ tìm mọi nơi, mọi phương thức để quảng bá sự thông tuệ của bản thân để mong chờ những lời khen và sự đồng cảm. Nói theo một cái meme từ rapper B Ray là "Chắc có mình tui là thấy thằng này rap như cc" và chờ đợi những sự hưởng ứng như kiểu "bạn không một mình đâu!". Đôi lúc nghĩ lại thì cái cái hình tượng này nó có thể len lỏi ở trong mỗi chúng ta, dù ít hoặc nhiều và bất kể nghề nghiệp, thế hệ. Đồng thời như đã nói ở trên là chúng ta có thể gặp những người như thế ở khắp nơi thì nên cư xử sao cho đúng? Nên nhìn nhận những thứ hành động đó ra sao?
Nếu nói cư xử ra sao thì tôi chỉ có thể đáp là hãy cho họ một chiếc mặt cười ":)" tươi thấm rồi "Let That Shit Go" thôi. Tôi vốn lười và vị lợi nên sẽ không làm gì mà không có lợi đâu. Còn nếu hỏi chúng ta nhìn nhận hành động của họ ra sao thì có lẻ phải đi đến phần kế thôi.
Vì đâu họ đến trong cõi thế trần vô minh này?
Dùng từ thế trần với vô minh nghe cũng đạo phết nhỉ? Nhưng mà quay lại với câu hỏi trên, sao lại có cái đám này nhỉ? Đầu tiên đó là yếu tố xã hội. Xã hội ngày nay đến đi đến một giai đoạn mà có nhiều mặt trở nên bằng phẳng (ít nhất là trong mắt mấy tay người "cõi trên"). Thí dụ như mặt bằng chung về gu âm nhạc, gu phim ảnh, gu ẩm thực hoặc đơn giản là kiến thức chung ở một mặt nào đó như lịch sử, chính trị, thể thao của đại đa số dân chúng đang ở một mức tương đương nhau. Để dễ biết cái dấu hiệu của thời "mạt thế" đó thì chúng ta có thể chốc chốc nghe được mấy câu như "tụi nó giờ toàn vậy không á", "tụi này giờ có biết cái gì đâu". Nhưng rồi thì trong cái thời mạt vận ấy có vài người chợt ngẫm ra như cố nhà thơ Lưu Quang Vũ từng ngẫm:
Người ta bảo: có lẽ hắn cũng có chút tài. Mà lầm lẫn mà buồn mà trơ trọi.
Nhưng nếu như ở trong cái làng nhỏ có đôi ba mạng thì đúng là có chút tài cũng chỉ đáng để cho bản thân thấy buồn và thấy trơ trọi thôi. Nhưng sẽ ra sao nếu giờ hắn được mở cánh cổng ra thế giới bên ngoài? Khôn hơn hai ba thằng thì chả có gì nhưng mà khôn hơn cả vài triệu người lầm lạc trên cái cõi mạng ô trọc thì khác nha. Ôi thế rồi họ nhận ra rằng họ sẽ và phải là một đấng Messiah thôi. Thế là ta có được những thanh niên mang theo niềm tin mãnh liệt đó tiến vào cõi mạng. Nhưng nếu như thế thì có gì lạ nhỉ? Thời nào cũng có những người như thế mà? Có lẻ cái lạ cũng như cái buồn cười của những tay người "cõi trên" này đến từ cái cách họ đứng lên rao giảng. Thay vì mở ra đạo quán hay am chùa gì đó của mình thì họ lại rất thích hiên ngang bước vào nơi chốn của những kẻ mà họ cho là vô minh và rao giảng những thứ... chẳng mấy liên quan. Như đang nói về quá trình nam tiến thì thanh niên người Thượng lại xổ một tràng về các vị vua xứ thượng ngàn và việc họ chả thèm ngán mấy lão Gia Long, Quang Trung với Minh Mạng. Cho đến cố chấp như thanh niên "lại khịa áo vải" kia, cố gắng tạo ra cái gì đó để mọi người để ý đến. Để rồi cuối cùng thì họ tung ra một chiêu tối thượng đó là "các bạn không hiểu đâu" hoặc "tự mà tìm hiểu thêm nhé". Cái đòn thế này làm tôi nhớ năm tôi học cấp hai, có thằng bạn tôi đi học đến cổng trường thì bị một thằng khác ra gạ đấm nhau. Thế là thằng bạn tôi liền nói:
- Đi ra cầu chợ đi, ra đó tao chơi với mày.
- Chơi ở đây thì tao chơi với mày.
Cứ thế mà hai thằng "listen and repeat" vài bận thì ai về nhà nấy. Sau những cú vô thưởng, vô phạt ấy thì các tay người "cõi trên" kiểu gì cũng trở về thiền am của mình mà khấn những bài kinh kệ đầy bi ai để than khóc cho cái sự mạt thế của nhân trần (tôi không bịa chuyện đâu, thanh niên "chuyên sử yêu sách giáo khoa" kia sau mỗi bận bị "kệ" thì lại quay về hang mà viết vài bài sớ). Chà, viết tới đây tôi chợt nhận ra là mình lại kể chuyện một cách sa đà và quên nói về ý chính của phần này: Những tay này từ đâu mà có? Thôi thì qua thêm một phần mới chứ phần này bị loãng mất rồi, cáo lỗi vô cùng.
Vì đâu họ đến trong cõi thế trần vô minh này? (Again)
Như đã nói ở phần trên thì việc có những tay người "cõi trên" hoặc Messiah tự phong này đến từ việc xã hội đang bước vào giai đoạn mà mặt bằng chung của nhiều mặt đang tương đối bằng phẳng, đại đa số ai cũng như ai (dù theo tôi thấy là thời nào cũng vậy). Vì cái sự ngang phè đó mà làm cho những cá nhân có tí năng lực cao hơn mặt bằng chung một chút (dù chỉ là một chút thôi) có cái cảm giác đứng trên vạn người. Điều đó thôi thúc họ phải nhanh chân mà đạt lấy vị trí hiệu triệu ngu dân trước khi có kẻ khác làm điều tương tự. Nhưng đó chỉ là những yếu tố bên ngoài, thế còn yếu tố bên trong thì như thế nào?
Theo tôi thì đều đó đến từ việc ảo tưởng về thứ vũ khí vô hình mà họ đang sở hữu. Ngày nay, chúng ta vẫn hay nói về những nhà sáng tạo nội dung đang bị "ngáo quyền lực". Nếu phải nói về những nhà sáng tạo nội dung này thì có thể mô tả rằng họ đang sở hữu một thứ vũ khí trong tay và họ đang ảo tưởng về sức mạnh của thứ vũ khí đó. Còn với những tay người "cõi trên" thì cũng chẳng khác gì mấy, họ cũng ảo tưởng giống hệt như vậy, chỉ khác là họ chẳng hề sở hữu một thứ gì hữu hình trong tay cả và điều buồn cười là những tay người "cõi trên" luôn xem những người có được nhiều sự quan tâm như là những món mồi ngon cho việc công kích. Vậy tại sao nhỉ? Thứ nhất có lẻ chính là tâm lý ganh tỵ im lặng. Nghĩa là họ ganh tỵ với những người khác nhưng luôn trốn tránh chuyện đó, ngoài chối bay, chối biến khi có người cáo buộc thì đồng thời chính trong suy nghĩ của mình họ cũng nghĩ như thế. Họ cho rằng chẳng có gì mà họ phải ganh tị khi mà họ sở hữu những món bảo bối còn chất chơi hơn những kẻ kia rất rất nhiều. Họ chẳng thèm gì mấy miếng đất của bọn người Kinh đâu, đập nhau với bọn Nguyễn lẫn bọn Pháp họ còn không ngán mà. Họ cũng chẳng cần so đo gì với cái bọn học sử lôm côm, họ có cả bụng lịch sử từ đông sang tây mà còn chả thèm khoe kia kìa. Ôi, giá như và giá như họ thật sự nghĩ như thế và hành động như thế thì đã chẳng có mấy cái dòng chữ hý hoáy này của tôi. Vì đáng buồn... cười đó là thay vì nghĩ và hành động như thế thì họ chỉ nói như thế thôi. Để rồi họ làm đủ mọi cách dù phần nhiều là cố chấp và đôi lúc lố bịch để trưng ra cái thứ vũ khí tối thượng của họ. Như với anh chàng người Thượng là cố gắng giơ tay cả buổi chỉ để phát biểu về sức mạnh người Thượng và tay sử gia đương thời cố sức tìm hai chử "áo vải" để hạ bệ người khác.
Vậy tại sao họ lại hành động như thế? Nếu từ đầu đến giờ tôi vẫn đùa cợt về trình độ thật sự của những người này thì từ đoạn này về sau hãy mặc định rằng họ có trình độ thật sự và thứ vũ khí tối thượng kia hoàn toàn có thật. Sở dĩ họ làm như thế bởi vì chính sự tham lam và sự sợ hãi cùng tồn tại bên trong họ. Thường thì tham lam làm cho người ta liều lĩnh và sự sợ hãi làm cho người ta trở nên nhút nhát. Nhưng ở những người này mang trong mình cả hai yếu tố đó nên tạo ra những giây phút lố bịch đến buồn cười. Đầu tiên nói về sự tham lam, họ tham lam điều gì? Đương nhiên là tham lam những lời chúc tụng, những lời khen ngợi và sự sùng bái từ những kẻ mà họ đang cho là ngu nguội, vô minh rồi. Như thanh niên người Thượng thì mong rằng sẽ nghe những câu như "Người Thượng chiến quá nhỉ? Giờ mình mới biết luôn. Nhờ bạn nói đó." hoặc là tay sử gia cõi mạng kia sẽ mong chờ những bình luận như "Cuối cùng cùng có người nhìn ra được cái ý đồ của bọn lật sử này", "Mình thấy nhưng không dám nói, sợ bị cắn, giờ có bạn lên tiếng rồi". Nhưng mà tham thôi thì cũng đâu nhất thiết phải làm liều theo kiểu vô nhà người đạo Hindu mà thuyết giảng về độ ngon của món bò né. Thứ đầu tiên kéo họ đến với sự làm liều này chính là khả năng đóng góp kiến thức yếu kém. Nhắc lại là "khả năng đóng góp" yếu kém chứ không đề cập gì đến kiến thức mà họ đóng góp. Họ không biết nơi nào, khi nào và cách nào để có thể thể hiện được những kiến thức cao thâm của mình. Điều đó làm họ bị mắc kẹt với mớ kiến thức đang ứ động trong người. Khiến họ khao khát được giải phóng những kiến thức đó. Giữa cái sự tù túng, bí bách đó thì nỗi sợ cùng bắt đầu xuất hiện trong họ. Thế họ sợ cái gì? Họ sợ bị mất những thứ họ không có nhưng họ tin chúng đáng thuộc về họ. Đó là những lời ngợi khen, những tiếng tung hô và hàng hàng những tín đồ trên cõi mạng. Họ chưa có những điều đó những luôn nghĩ rằng mình sẽ và phải có những điều đó như một sự hiển nhiên. Bởi lẻ họ đã thấy những kẻ phàm phu, tục tử, những tên sáng tạo nội dung rẻ tiền đã và đang có được những điều trên một cách dễ dàng. Thế thì hà cớ gì họ, những người đứng trên cao hơn vạn lần lại không có được? Nếu chậm chân, họ sẽ lỡ mất cái núi gia tài mà đáng lý ra thuộc về họ. Nỗi sợ đó thôi thúc họ phải liều mình là làm mấy chuyện buồn cười như thanh niên người Thượng và tay sử gia mạng đã làm.
Thứ cuối cùng cũng là thứ liên kết hai điều đối lập trong họ lại với nhau chính là một tấm áo lý tưởng. Một tấm áo của thầy tu, của nhà tư tưởng và nhà giải phóng hoặc bất cứ mỹ từ nào đó họ có thể nghĩ ra. Một tấm áo phũ trên tâm trí của họ, thứ mà ai mặc vào cũng nghĩ mình là đấng Messiah. Nếu có lần gặp những tay này thì chắc hẳn chúng ta sẽ nghe những câu như những bậc hiền nhân, họ làm vậy làm vì muốn cải tạo, muốn cứu chúng ta ra khỏi cái bể của sự ngu dốt, tầm thường. Và tôi tin rằng họ chẳng hề dối trá về những điều đó, họ tin tưởng điều đó một cách hoàn toàn. Thế nên họ cứ thế mà nói chuyện như ở cõi trên với thái độ của những kẻ ban phát dù rằng như tôi đã nói, nó giống như là vô nhà người theo đạo Hindu mà thuyết giảng về bò né vậy. Chính tấm áo này làm cho họ chẳng nhìn thấy tất thảy những sự tham lam, ganh tị bên trong họ. Cứ thế mà họ cứ đi khắp nơi để rao giảng cái lý tưởng của mình cùng với cái tôn chỉ cũ rích rằng "Người khôn ăn nói nửa chừng. Để cho kẻ dại nửa mừng nửa lo". Khổ nổi kẻ dại không mừng cũng chả lo, họ tũm tỉm cười hoặc họ kệ luôn. Để rồi có lẻ kẻ nửa mừng, nửa lo lại chính là người khôn. Cơ mà có sao đâu, họ có cái áo lý tưởng rồi, đủ để trùm đầu lại trước mấy cái cảm xúc đó.
Rồi chúng ta sẽ phải làm gì với họ nhỉ?
Đương nhiên là cười vào mặc tụi nó rồi, như cách ai cũng kín đáo cười cậu sinh viên người Thượng. Hoặc là dùng mấy câu phản pháo để đấm vào mồm chúng như cách tay sử gia cõi mạng bị đấm đến mức ôm theo cục tức về cái đạo tràng của hắn mà xổ ra một bài văn tế dài thòng lòng.
Đương nhiên ở trên là tôi dựa theo cách thiên hạ làm thôi. Chứ nếu là tôi thì tôi sẽ im lặng để lắng nghe họ. Như đã nói thì họ có lẻ cũng có một cơ số người giỏi và có kiến thức thật. Sau khi nghe rồi thì nếu cái nào họ nói mà tôi chưa biết hoặc còn mù mờ thì tôi sẽ ghi chú lại. Kế đó là về nhà để mà tìm hiểu thêm về những sự thật cũng như những góc nhìn đó. Biết đâu sẽ lụm nhặt được cái gì đó hay ho mà mình chưa biết thì sao. Bổ sung thêm kiến thức hoặc góc nhìn chẳng bao giờ là thừa thải cả. Nhưng tôi vốn là kẻ phàm phu nên nghe xong thì tôi cũng thu vén cho mình thôi. Tôi chẳng dại gì góp ý cho họ mấy việc như "bạn nên chọn cách hay hơn để đưa ra ý kiến như...". Thứ nhất là như tôi đã nói ở trên, họ là thánh nhân, là đấng cứu thế mà. Mà mấy đấng đó có bao giờ chịu nghe mấy thằng u mê vô minh đâu. Nói ra cũng chẳng được cái lợi gì. Cái thứ nhì đó là để họ như vậy thì tốt hơn. Cứ xem như là có một thuộc địa nho nhỏ, nơi lâu lâu lại đào lên được vài cục vàng hoặc đá quý. Dù cho chính quyền cũng như dân trí ở đó có tệ một chút nhưng cũng chẳng sao, mình có lợi và chẳng mất gì cả. Giúp họ thì đến một lúc nào đó nó thông minh lên thì mình lại mất đi cái nguồn cung miễn phí này. Lợi bất cập hại thì dẹp đi. Có lẻ nếu rãnh tôi sẽ viết về chủ đề này, đại loại lại "cách xây dựng những mối quan hệ thuộc địa".
Kết
Thế thôi, chỉ là một bài viết được viết dỡ từ tận năm 2022. Tới giờ vô Spiderum thấy nó cứ nằm mãi ở mục nháp nên ngứa mắt mà viết cho xong thôi.
Bài viết này ngoài hai tay ở trên và vô vàn những kẻ tôi gặp trong đời như thế thì tôi còn lấy cảm hứng từ hai nhân vật khác ở trong văn hóa. Thứ nhất là người Pharisees trong dụ ngôn về người thu thuế. Thứ nhì chính là câu chuyện của vị bồ tát ở núi Bạch Linh trong truyện InuYasha.
Tái bút: Có lẻ hơi xấu hổ khi viết những dòng tái bút này. Bởi vì khả năng truyền tải và chọn thí dụ chưa được chuẩn xác nên làm nhiều bạn nghĩ về chủ nghĩa dân tộc hoặc tương tự vậy. Bài này thật sự tôi viết mà còn chẳng nghỉ đến những người đó. Nói toạt ra thì tôi chỉ muốn nói đến những người nghĩ mình khác biệt với số đông và thể hiện điều đó một cách lộ bịch đến buồn cười (thí dụ như Lợn Cưới Áo Mới).
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất