Bài này tôi dịch lại từ một bài gốc (link cuối bài) có tên: A tale of two hemispheres (Câu chuyện về hai bán cầu - não). Đây là bài review về cuốn sách The Master and his Emissary (Chủ nhân và Sứ giả) của Ian McGilchrist. Lý do tôi dịch bài này vì đây là một trong những tài liệu tham khảo để đọc trong Bài giảng số 1 Khóa Discovering Personality mà tôi đã đăng ký học của GS. Jordan Peterson. Tôi cũng từng biết đến tác giả McGilchrist trong một buổi đàm luận của ông và giáo sư Peterson, mà ở đó có thật sự rất nhiều kiến thức hay dã man. Hoan nghênh mọi người tìm xem. Với những ai muốn tham gia khóa Discovering Personality mà còn e dè vì tiếng Anh thì hi vọng bài dịch này sẽ giúp bạn thấy nhẹ nhàng được phần nào trong quá trình học. Bắt đầu nhé!
Tôi chẳng hề được ai yêu cầu viết bài đánh giá (review) này cả, tôi đã hỏi xin để được phép viết đấy. Tôi đã đặt ngay một cuốn sau khi đọc xong bài review của Mary Midgley trên tờ Guardian và cực kỳ nóng lòng đợi nó được giao. Khi cuốn sách được giao đến, tôi đã đọc nó trong tất cả những lúc có thể tranh thủ, thậm chí cả trong những lúc ngập việc, cuối cùng thì toàn gạch chân và thỉnh thoảng là những dấu chấm than đầy hưng phấn được tôi vẽ bằng bút chì vào hầu như mỗi trang sách: tổng cộng 462 trang, không bao gồm 123 trang chữ nhỏ gồm ghi chú và danh sách tài liệu tham khảo. Những chỗ "bút chì" đó (sáng lên trong tôi khi tôi đọc) rất quan trọng: bút chì bản chất có thể chỉnh sửa được, vì vậy nó giữ nguyên được trải nghiệm đọc sách. Nói cách khác, nó ít nhất cũng là một nỗ lực để ngăn sự phấn khích của lần đọc đầu tiên khỏi bị cái bán cầu não trái của tôi làm cho "vôi hóa". 
Trình độ chuyên môn của Iain McGilchrist cho nhiệm vụ to khổng lồ này là lý tưởng, có lẽ là cả độc nhất nữa. Một bác sĩ tâm thần học đang hành nghề, đã từng là cố vấn và giám đốc lâm sàng tại Bệnh viện Maudsley, nhà sinh lý học thần kinh thực nghiệm tại Johns Hopkins ở Baltimore, cựu giảng viên văn học Anh tại đại học Oxford, ủy viên của All Souls' không ít hơn ba lần, ông ấy quả thực là một "người Phục Hưng" (ý chỉ người tài năng ở nhiều mảng), cực kỳ phù hợp với chủ đề cuốn sách mà ông viết. Ông ấy bắt đầu bằng cách mô tả một loạt những kĩ thuật hiện có để nghiên cứu hoạt động của não bộ, cách mà những vùng não khác nhau "sáng lên" với những hoạt động khác nhau, và cách mà những vùng này liên kết với nhau. Ông cũng không tránh né những hạn chế của các kĩ thuật này. Do đó ông đã ghi chú rằng, trong số hàng loạt những phát hiện đáng ngạc nhiên, phần lớn những liên kết liên bán cầu (giữa các bán cầu) tại thể chai (corpus callosum - là phần chất trắng nằm giữa và nối hai bán cầu não) đều mang tính ức chế (ngăn cản lẫn nhau). Sau đó, ông chỉ ra rằng những bệnh nhân hội chứng não phân chia hầu như không có biểu hiện "tàn tật" rồi đặt một câu hỏi khá thích đáng "Tại sao lại không?"
Câu trả lời của ông ấy bao gồm ý tưởng rằng khả năng có thể mô hình hóa thế giới theo hai cách, cả hai đều thiết yếu nhưng rất khác nhau về chất đến mức không thể dung hòa, đã trao một lợi thế tiến hóa cho những tổ tiên xa xôi của chúng ta (loài người). Vì vậy, chọn lọc tự nhiên đã dẫn đến sự phân tách về cả thể lý cũng như chức năng của mỗi bán cầu trở nên ngày càng hoàn thiện hơn, và sự liên kết giữa chúng thì ngày càng trở nên tinh vi hơn - một "cây cầu phân chia". Do đó, hiểu biết của chúng ta về thế giới bắt đầu ở não phải với sự thu nhận từ những đầu vào thuộc về cảm giác (giác quan), và được truyền qua não trái cho những thứ kĩ thuật như phân tích, đo lường, đặc biệt bằng ngôn ngữ. Nhưng đến cuối cùng, trách nhiệm lại chuyển trở về não phải để tổng hợp và làm nền cho những ý tưởng và hành động của chúng ta. Vấn đề là cả hai bên đều tham gia vào mọi thứ, và sức khỏe của hệ thống phụ thuộc vào sự cân bằng và phối hợp giữa hai bên. Thông điệp cốt lõi của McGilchrist là rằng, bán cầu não phải đương nhiên là chủ nhân, và bán cầu não trái, dù rất thông minh và không thể thiếu được, vẫn là công cụ của người chủ đó; hay nói cách khác, là sứ giả của anh ta. Nhưng trong câu chuyện của Nietzsche mà từ đó cái tên của cuốn sách này ra đời, vị sứ giả tài năng đó đã chiếm ngôi của người chủ nhân thông thái, và kết quả thật sự thảm khốc.   Trong nửa sau của cuốn sách, cán cân quyền lực dao động này được cho thấy là tương ứng với một loạt những sự biến động văn hóa lớn trong lịch sử của nền văn minh phương Tây, theo một cách khá sống động tuyệt đời và cực kỳ thuyết phục. Từ Heraclitus tới Plato, từ Phục hưng đến Cải cách, từ thời kì Khai sáng đến chủ nghĩa lãng mạn, và vâng, tới chủ nghĩa hiện đại, hiểu biết của McGilchrist trong lĩnh vực siêu rộng lớn này, và chiều sâu của cái nhìn nghệ thuật và triết học của ông, thật sự đáng kinh ngạc, đặc biệt với một người vừa mới kết thúc 6 năm học tại Đại học Mở, bằng Nhân văn (người viết). Để tôi lấy một chủ đề nhỏ xíu trong khối tài liệu đồ sộ tuyệt vời của ông ấy: những pha thay đổi hướng tới quyền lực thuộc về bên não trái đã dẫn đến việc chặt đầu những bức tượng thánh trong thời kỳ Cải cách, việc chặt đầu của các vị vua trong suốt Cách mạng Pháp, và có lẽ (đây là suy luận mở rộng của cá nhân tôi) dẫn đến cả phong trào hoạn thiến trong những năm 1990s. Ở trong mỗi trường hợp trên, bên não trái chỉ hiệu và chỉ tấn công vào phần biểu tượng và nhầm hoàn toàn nó với thực tế mà những biểu tượng đó đại diện. AC Grayling, viết trong Tạp chí Văn học thách thức luận điểm của McGilchrist trên hai mặt: Đầu tiên ông nói rằng McGilchrist đang suy diễn quá nhiều trên một thứ thực chất lại là một "kiến thức [sinh lý học thần kinh] khá mong manh". Tôi không đồng ý với điều này - Tôi thấy những bằng chứng trong trích dẫn của cuốn sách liên quan đến vấn đề này cực kỳ thuyết phục. Nhưng cũng chẳng quan trọng, kể cả khi những bằng chứng đó không quá thuyết phục, McGilchrist đã nói rất rõ rằng bản thân ông đã đủ hài lòng nếu luận điểm của mình được nhìn nhận là một phép ẩn dụ. Và trong trường hợp này, nó thực sự là một phép ẩn dụ được việc. Nó hỗ trợ, xác nhận và giải thích toàn bộ những trực giác về cuộc sống và trong khi hành nghề y mà tôi đã từng cảm thấy và cố gắng diễn đạt bằng những từ ngữ không đầy đủ (chắc chắn rồi), những điều mà tôi biết là được chia sẻ rộng rãi. Nó cũng là phép ẩn dụ phù hợp một cách đẹp đẽ để làm sáng tỏ toàn bộ lịch sử văn hóa của chúng ta. Và chính nhà vật lý vĩ đại Paul Dirac đã coi sự đẹp đẽ là dấu hiệu của chân lý trong khoa học.
Hai bản thể song song cùng tồn tại
Hai bản thể song song cùng tồn tại
Lời phê bình thứ hai của AC Grayling là về phần gần phía cuối của cuốn sách (trang 428 - 434), mô tả một xã hội nếu có thế giới quan bán cầu não trái sẽ có xu hướng trông như thế nào. Nó bao gồm một danh mục sởn gai ốc những thứ mà khiến nhiều người trong chúng ta lo lắng nhất về thế giới ngày nay. Nhưng Grayling phàn nàn rằng bức tranh đó không được công bằng lắm bởi một mô tả về một thế giới não phải trông sẽ như thế nào - với những vấn đề cũng rắc rối không kém như mê tín, chuyên quyền độc đoán, tín ngưỡng tôn giáo, vân vân. Nhưng chỗ Grayling bỏ qua là rằng mọi thứ McGilchrist nói đều hướng về sự cân bằng, và về mối quan hệ giữa những thế giới được tạo ra bởi hai bán cầu não. Quả thật, chính xác giả định của Grayling là nhị nguyên, coi đây là vấn đề của cái này-hoặc-cái kia, của chữ "hoặc", và điều này thể hiện rõ tư duy đóng (cố định) của ông ta, và đây đa phần là kiểu tư duy chính thức của ngày nay, đóng trong cái bẫy của bán cầu não trái. Đây là đoạn văn cuối của McGilchrist:"Bản chất phân chia của thực tại đã luôn là một quan sát nhất quán bởi nhân loại đã đủ khả năng tự ý thức để chiêm nghiệm về điều này. [...Ông đưa ra một vài ví dụ chính...] Tất cả những ví dụ này đều chỉ ra bản chất phân chia một cách căn bản của những trải nghiệm tinh thần. Khi kết hợp điều này với sự thật là não người được chia thành hai khối tương đối độc lập, trùng hợp với nhận định về sự phân chia đang được bàn luận ở đây - xa lánh so với gần gũi, trừu tượng so với hiện thân, sự gộp nhóm so với sự độc đáo, tính chung so với tính riêng, một phần so với toàn bộ, vân vân- thì có vẻ như phép ẩn dụ này cũng chứa đựng vài phần chân lý. Nhưng nếu nó cuối cùng "chỉ là" một phép ẩn dụ, tôi cũng sẽ cảm thấy thỏa mãn. Tôi luôn rất coi trọng các phép ẩn dụ. Đó chẳng phải là cách chúng ta hiểu ra thế giới đó sao."  Tôi nghĩ nó phải hơn là một phép ẩn dụ. Hết lần này đến lần khác, những hiểu biết (sâu sắc) mà nó đem lại trùng hợp với những bản năng mà nhiều người trong chúng ta cùng chia sẻ, nhưng lại gặp khó khăn để diễn đạt thành lời - đơn vị tiền tệ bắt buộc của tư tưởng đương đại: trên tất cả là nhu cầu cân bằng, trong nghề y có khi là hơn cả trong mọi lĩnh vực khác, giữa tính cứng nhắc của logic và sự ấm áp của tình người. Tôi biết quá rõ sẽ có nhiều người hoài nghi. Tôi thách thức họ hãy đọc cuốn sách này trước khi bỏ qua những gì não trái của họ nghĩ nó đang nói.
Dịch bởi: Học cùng Linh
Tham khảo:
1. Midgley M. The Master and His Emissary: The Divided Brain and the Making of the Western World by Iain McGilchrist. Guardian. 2010;2 Jan https://www.theguardian.com/books/2010/jan/02/1 (accessed 1 Feb 2010) [Google Scholar]
2. Grayling AC. In two minds. Literary Review. https://literaryreview.co.uk/grayling_12_09.html (accessed 1 Feb 2010)