img_0
“Ông hoàng thuốc nổ” là tên gọi được gắn liền với nhà phát minh Alfred Nobel. Là người sáng chế ra thuốc nổ đầu tiên, Nobel không chỉ góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành công nghiệp mà còn để lại những hệ lụy tiêu cực từ phát minh của mình.
Tên tuổi của ông nhanh chóng đặt dấu ấn lớn mạnh trong lịch sử với 355 bằng sáng chế. Không chỉ vậy, điều khiến người ta nhớ nhất về Nobel có lẽ là việc ông sử dụng số tài sản khổng lồ để thành lập một quỹ giải thưởng cộng đồng, giải thưởng Nobel ngày nay.
Giải Nobel ra đời nhằm vinh danh những cá nhân có đóng góp xuất sắc cho nhân loại, là biểu tượng cho sự hy vọng và nỗ lực hướng đến một thế giới tốt đẹp hơn. Những đóng góp to lớn của Nobel đã mở ra một chương hoàn toàn mới cho lịch sử nhân loại.
Bài viết hôm nay sẽ khám phá cuộc đời, sự nghiệp và bản di chúc của “ông hoàng thuốc nổ” Alfred Nobel. Mời bạn đọc bài viết về Alfred Nobel của mình ở đây nhé!

II. Thời thơ ấu

Alfred Nobel sinh ngày 21 tháng 10 năm 1833 tại Stockholm, Thụy Điển. Ông là con trai của Immanuel Nobel, một kỹ sư đồng thời là một nhà phát minh; mẹ ông là thiếu nữ được sinh ra trong một gia đình giàu có. Gia đình Nobel thuộc tầng lớp trung lưu khá giả và là hậu duệ Olof Rudbeck, một thiên tài kỹ thuật nổi tiếng nhất ở Thụy Điển vào thế kỷ 17.
Cha mẹ ông sinh được bốn người con: Robert và Ludvig Nobel là hai con đầu, Alfred Nobel là con thứ ba, Emil Nobel là con út. Một biến cố lớn xảy ra đúng năm Alfred ra đời: cha ông bị phá sản, khiến gia đình rơi vào hoàn cảnh túng thiếu.
Sự nghiệp sa sút, nợ nần chồng chất, dù cố gắng cứu vãn nhưng tình hình không mấy khả thi. Trong khi đó, Alfred Nobel vừa mới sinh đã là một đứa trẻ yếu ớt. Chứng kiến cảnh vợ con phải sống trong khó khăn, lòng Immanuel Nobel quặn thắt. Cảm thấy khó có thể gầy dựng lại sự nghiệp ở Stockholm, cha của Nobel quyết định ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội thay đổi vận mệnh.
Để nuôi sống gia đình, Andriette Nobel (mẹ Nobel) ở lại đã mở một cửa hàng tạp hóa với mức thu nhập khiêm tốn. 5 năm xa nhà, Immanuel Nobel đã lập một doanh nghiệp mới tại St. Petersburg, Nga. Ông mở một xưởng cơ khí cung cấp thiết bị cho quân đội Nga, ông thuyết phục được Sa hoàng cùng các tướng lĩnh sử dụng mìn để ngăn chặn tàu hải quân của đối phương đe dọa thành phố.
Thiết kế của  Immanuel Nobel chủ yếu là các loại mìn hải quân đơn giản, bao gồm thùng gỗ chứa đầy thuốc súng, được đặt dưới bề mặt Vịnh Phần Lan. Mìn do ông sáng chế đã ngăn chặn hiệu quả Hải quân Hoàng gia Anh tiếp cận St. Petersburg trong chiến tranh Crimea (1853-1856). Cha của Nobel là người tiên phong trong sản xuất vũ khí và thiết kế động cơ hơi nước. Nhờ thành công trong kinh doanh, Immanuel Nobel nhanh chóng trở nên giàu có. Ông trả hết nợ nần, đón mẹ con Nobel đến St. Petersburg vào năm 1842. Tại đây, ông tạo điều kiện để các con nhận được sự giáo dục tốt từ các gia sư tài giỏi nhất, với chương trình học bao gồm khoa học tự nhiên, ngôn ngữ và văn học.
Từ thời niên thiếu, Alfred Nobel sớm bộc lộ sự thông minh khác thường qua việc học tập. Nobel học giỏi các môn như hóa học, vật lý đặc biệt rất yêu thích văn học. Vì ốm yếu nên Nobel không thể ra ngoài khám phá như các anh nên phần lớn thời gian Nobel ở trong phòng đọc sách. 
Thấy con mình hứng thú học tập, cha mẹ Nobel rất vui mừng, đặc biệt là cha. Tuy nhiên cha Nobel lại không mấy hài lòng với việc Nobel đam mê văn chương, trong lòng ông chỉ muốn con trai nốt gót mình trở thành kỹ sư hóa học. Khoảng thời gian sau đó khi Nobel trở nên khỏe mạnh hơn, cha nhanh chóng gửi Nobel ra nước ngoài học tập.
Nobel hồi còn trẻ |Internet|
Nobel hồi còn trẻ |Internet|
Trong hai năm du học, Nobel sớm bộc lộ tư duy khoa học và khả năng nghiên cứu chuyên sâu.  Nobel cũng du lịch qua Thụy Điển, Đức, Pháp, Hoa Kỳ. Tại Paris, nơi ông yêu thích nhất, ông làm việc trong phòng thí nghiệm của Giáo sư T.J. Pelouze, một nhà hóa học nổi tiếng. Tại đây, ông cũng có cơ hội gặp gỡ Ascanio Sobrero, nhà hóa học người Ý, người đã phát minh ra Nitroglycerin ba năm trước đó.
Không chỉ tài năng trong nghiên cứu, Nobel còn thông thạo năm ngôn ngữ: Thụy Điển, Nga, Pháp, Anh và Đức. Khả năng thông thạo nhiều ngôn ngữ đã giúp ông kết nối được với giới nghiên cứu và các văn sĩ nổi tiếng cùng thời đó. Giỏi ngôn ngữ là lợi thế vô cùng lớn giúp Nobel mở rộng công việc kinh doanh của mình ở nhiều nước trên thế giới về sau này. 

III. Sự nghiệp

Khi Chiến tranh Crimea kết thúc, công việc kinh doanh của cha Nobel gặp biến cố, lần nữa đứng trên bờ vực phá sản. Hai anh trai ông là Robert và Ludvig đã ở lại Nga để cứu vãn tình hình, họ nhanh chóng lật ngược tình thế và dần phát triển công việc kinh doanh lớn mạnh ở miền Nam nước Nga. Trong khi đó, Alfred và em trai Emil theo cha về Thụy Điển tiếp tục gây dựng sự nghiệp. 
Vào năm 1863, sau khi công việc kinh doanh của cha dần khôi phục, gia đình lấy lại sự ổn định. Nobel tập trung toàn bộ sức lực vào việc nghiên cứu và phát triển Nitroglycerin thành chất nổ. Tuy nhiên, thử nghiệm của ông đã gây ra một vụ nổ lớn làm thiệt hại bốn mạng người: một người bạn của Nobel - nhà hóa học trẻ, một người tạp dịch, một người qua đường và Emil - em trai của Nobel. Sau tai nạn thương tâm này, Nobel đã bị nhiều người chỉ trích, thậm chí nguyền rủa, chính phủ cũng lo lắng về sự an toàn của các cuộc thử nghiệm thuốc nổ nên đã ban hành quyết định cấm các thí nghiệm thuốc nổ tại Stockholm.
Quá sốc trước cái chết của con trai út, cha Nobel lâm bệnh nằm liệt giường. Nobel vô cùng đau đớn và luôn day dứt lương tâm trước cái chết của những người vô tội, đặc biệt là em mình. Mặc dù rất khổ sở, Nobel không cho phép mình gục ngã. Sau khi tìm hiểu nguyên nhân, ông phỏng đoán vụ nổ xảy ra do người làm thí nghiệm không chú ý đến việc điều chỉnh nhiệt độ. Nitroglycerin là hợp chất rất dễ nổ nếu có sự sơ suất hay va chạm nhẹ. Hiểu được nguyên nhân, trong lòng Nobel lại càng sục sôi ý chí chế tạo ra một loại thuốc nổ an toàn hơn.
Vậy nên khi bị cấm chế tạo thuốc nổ trên đất liền, Nobel quyết định chuyển các thí nghiệm của mình sang một chiếc sà lan trên Hồ Malaren. Đến năm 1864, ông bắt đầu sản xuất hàng loạt Nitroglycerin, không ngừng thử nghiệm với các chất phụ gia để làm cho quá trình sản xuất trở nên an toàn.
Thông qua nhiều cuộc thí nghiệm lớn nhỏ, Nobel phát hiện rằng khi trộn Nitroglycerin với cát mịn, gọi là Kieselguhr, chất lỏng này sẽ trở thành dạng sệt, cho phép tạo thành các thanh thuốc nổ an toàn hơn rất nhiều. Phát minh của Nobel nhanh chóng được thử nghiệm thực tế nhiều lần vào năm 1866. Ngay sau đó ông đã nhận được bằng sáng chế thuốc nổ đầu tiên. Ông đặt tên cho loại thuốc nổ này là "Dynamite" (từ “Dynamite" trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là "quyền lực").
Thuốc nổ do Nobel chế tạo đã nhanh chóng trở thành công cụ ưa chuộng trong ngành xây dựng. Thuốc nổ khổng chỉ là một phát minh đột phá ứng dụng cho ngành công nghiệp mà nó còn giúp ông trở thành một trong những thương nhân giàu bậc nhất thời bấy giờ. Nhờ vào khối tài sản khổng lồ tích lũy từ việc kinh doanh thuốc nổ, Nobel đã xây dựng một đế chế sản xuất với 90 nhà máy trên khắp thế giới. Ông liên tục mở rộng hoạt động kinh doanh và đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau, từ việc chế tạo cao su tổng hợp đến tơ nhân tạo, các loại thuốc nổ với nhiều công năng khác nhau. 
Ông sống ở Paris, thường xuyên đi công tác đến các nhà máy của mình ở hơn 20 quốc gia. Người ta thường gọi ông là "kẻ lang thang giàu có nhất châu Âu" Xuyên suốt sự nghiệp Nobel đã nhận được 355 bằng sáng chế.
[Một lưu ý quan trọng mặc dù nổi tiếng với việc phát minh và cải tiến Nitroglycerin, Nobel không phải là người đầu tiên phát hiện ra hợp chất này. Người phát hiện ra hợp chất Nitroglycerin có thể gây nổ là nhà hóa học người Ý: Ascanio Sobrero. Vào năm 1847, Sobrero nhận ra tiềm năng phát nổ của nitroglycerin, nhưng ông đã nghi ngại và đã cảnh báo rất nhiều lần về tính không ổn định của nó. Nobel với tư duy táo bạo và tham vọng lớn, muốn thử nghiệm Nitroglycerin để chế tạo ra một loại chất nổ có thể kiểm soát được tình an toàn của nó nên ông đầu tư công sức vào các cuộc nghiên cứu.]
Những phát minh về thuốc nổ đã đem đến nhiều lợi ích to lớn cho ngành công nghiệp và khai thác, nhưng không phủ nhận nó đã tạo vô vàn  hệ lụy tiêu cực.
Rất nhiều vụ nổ thương tâm đã xảy ra làm thiệt hại vô số mạng người trong quá trình vận chuyển và sử dụng thuốc nổ do công ty Nobel cung cấp. Không những vậy, điều khiến cho nhiều người căm thù Nobel gọi ông “thương gia tử thần”. Vì theo họ, Nobel đã chế tạo ra một loại vũ khí giết người, cướp đi hàng triệu mạng sống những con người vô tội trong cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất và chiến tranh thế giới thứ hai. Quả thực khi thuốc nổ sử dụng trong các cuộc xung đột, nó trở thành lưỡi gươm tử thần giết người không thương tiếc.
Tuy nhiên, nếu nhìn theo góc độ tiến hóa thì ta sẽ thấy rằng việc chế tạo ra thuốc nổ là bước tiến quan trọng trong lịch sử nhân loại. 
Internet
Internet
Thuốc nổ do Nobel sáng chế đã đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng. Nó giúp phá vỡ những khối đá lớn trong các dự án quy mô như kênh Panama, đường hầm xuyên núi, điều mà nếu chỉ dựa vào sức người phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Việc việc ra đời của thuốc nổ đã nhanh chóng thay đổi cảnh quan địa lý, thúc đẩy giao thương, kết nối các vùng miền, tạo điều kiện cho thương mại phát triển. 
Ngoài ra, thuốc nổ còn được áp dụng trong khai thác mỏ, giúp con người tiếp cận các nguồn tài nguyên quý giá như vàng, than đá và dầu mỏ. Việc khai thác hiệu quả những tài nguyên này cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp, góp phần thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu. Cho nên qua những sáng chế về thuốc nổ của Nobel, ta có thể thấy rằng mọi thứ trên đời này đều có hai mặt, điều gì tạo ra lợi ích càng lớn thì hệ lụy đi kèm cũng không nhỏ.

IV. Đời tư

Gia đình Nobel là một mái ấm nhỏ nhưng tràn đầy tinh thần đoàn kết. Cha và các anh em của Nobel đều tập trung vào công việc kinh doanh thuốc nổ, vậy nên dù không thường xuyên ở bên nhau, họ vẫn luôn dành cho nhau tình yêu thương và sự hỗ trợ đồng lòng. Sự gắn kết này giúp họ vượt qua mọi khó khăn và đạt được những thành công lớn.
Từ nhỏ vốn là đứa trẻ ốm yếu và khá nhạy cảm nên Nobel là người gần gũi và gắn bó nhiều nhất với mẹ. Lớn lên với tài năng và đam mê nghiên cứu thuốc nổ khiến Nobel dành nhiều thời gian trong phòng thí nghiệm hơn bất kể nơi nào khác. Hầu hết các thành viên đều hiểu về trọng trách mà Nobel đảm nhận nên mọi người luôn để ông được toàn tâm toàn ý với việc nghiên cứu. Họ chỉ lo lắng Nobel vì quá hăng say với công việc mà bỏ bê việc chăm sóc bản thân.
Qua các tài liệu viết về cuộc đời Nobel, Nobel là một nhà nghiên cứu toàn năng và giàu có nhưng đơn độc. Người ta phỏng đoán rằng vì ông đã dành quá nhiều thời gian cho công việc, nên chẳng còn thời gian để  suy tính cho hạnh phúc cá nhân.
Trong cuốn sách “Alfred Nobel và bản di chúc bất hủ” thì thực ra Nobel cũng từng có một mối tình. Ông gặp mối tình đầu trong quãng thời gian đi du lịch tại Pháp, đó là một cô gái tóc vàng. Họ gặp gỡ nhau tại một công viên khi Nobel ngẫu hứng đọc lên một đoạn thơ của nhà thơ người Anh. Hai người bắt đầu gặp gỡ, trò chuyện với nhau. Cả hai dần nhận ra giữa mình và đối phương có sự đồng điệu trong tâm hồn. Tình yêu giữa đôi trai gái nhanh chóng phát triển, dù chưa ai nói với ai về lời yêu. 
Nhưng vào một chiều, Nobel cảm thấy đất trời cuồng quay khi có một ông già báo rằng cô gái tóc vàng đã qua đời vào chiều qua sau cuộc gặp gỡ với Nobel. Đớn đau đến tận tâm can nhưng chẳng còn biết bày tỏ nỗi lòng cùng ai. Đêm về, mỗi khi nỗi đau dày xéo tâm can, Nobel lại nhớ đến lời cô gái tóc vàng từng nói với ông: “Trong cuộc sống này không có ai là luôn luôn mất và cũng không có ai là luôn luôn được. Đó chỉ là sự chuyển giao từ cái này sang cái khác. Chính vì vậy mà không được mất lòng tin vào mỗi sự thay đổi trong cuộc đời mà qua mỗi lần thay đổi đó, mình phải tự gieo vào lòng mình niềm tin và ý chí để nuôi dưỡng ý tưởng cao đẹp.”
img_1
Lời nói đó đã mang đến sức mạnh giúp Nobel dần dần vượt qua nỗi đau mất tình yêu đầu đời, thời gian cũng là một yếu tố giúp ông lấy lại sức mạnh tập trung vào công việc nghiên cứu. 
Cũng kể từ đó, Nobel chỉ chuyên tâm phát triển sự nghiệp chế tạo thuốc nổ và công việc kinh doanh. Phải tận đến năm 43 tuổi, Nobel bắt đầu cảm nhận được sự già nua trong mình, có nhã ý muốn tìm một người vợ nên ông đã đăng một tin tuyển trên một tờ báo: “Quý ông lớn tuổi, giàu có, có trình độ học vấn cao đang tìm kiếm một người phụ nữ trưởng thành, thông thạo ngôn ngữ, làm thư ký và quản lý gia đình”.
Vừa hay có một người phụ nữ người Áo, Nữ bá tước Bertha Kinsky đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn Nobel. Nhưng chỉ làm việc trong thời gian ngắn, Nữ bá tước Bertha Kinsky nhanh chóng trở về Áo kết hôn với Bá tước Arthur von Suttner. Dẫu vậy Nobel và Bertha Kinsky đã trở thành bằng hữu thân thiết, hai người thường xuyên trao đổi thư ngay cả khi nữ bá tước đã có cuộc sống riêng.  Được biết, chính nữ bá tước Bertha Kinsky là người có ảnh hưởng lớn mạnh đến việc gây quỹ hòa bình trong bản di chúc sau khi ông qua đời.
Tiếp tục chặng hành trình một mình, nhưng đã dần thấm mệt với những thăng trầm của cuộc sống. Vẫn dành thời gian cho việc nghiên cứu và giải quyết vấn đề liên quan đến kinh doanh nhưng Nobel cũng dần trở nên kín đáo và lặng lẽ rút lui vào trong thế giới riêng.
Nobel có nhiều ngôi nhà khác nhau trong những thập kỷ cuối đời. Năm 1891, ông rời Paris để sống ở San Remo, Ý, sau những mâu thuẫn với chính quyền Pháp (ông bị buộc tội chống phá chính quyền, phải đi tù). Kể từ đó, ông không còn yêu mến Paris như cách ông đã từng. Bốn năm sau, ông mua nhà máy sản xuất vũ khí và đồ sắt Bofors ở Thụy Điển và xây lên ngôi nhà ở gần đó. Mọi ngôi nhà đều đều trở thành phòng thí nghiệm hay nói cách khác phòng thí nghiệm chính là nhà của ông. 
Trong suốt cuộc đời của mình, Nobel nổi tiếng nhờ thành tựu khoa học và công việc kinh doanh, nhưng thực tế ông cũng có rất nhiều thành tựu liên quan đến nghệ thuật. Ông yêu văn chương và viết lách. Sau khi qua đời, ông để lại thư viện riêng với 1500 tập sách với các thể loại khác nhau, từ thơ ca, tác phẩm văn học kinh điển, tiểu thuyết, trong đó cũng có một số tập thơ, kịch do chính ông sáng tác nhưng chưa bao giờ được công khai. Có lẽ khi chứng kiến thư viện văn chương đồ sộ Nobel để lại, người ta sẽ cảm nhận sâu sắc hơn về sự phức tạp và phong phú trong thế giới nội tâm của Nobel.

V. Di sản

Nobel đã qua đời tại San Remo vào ngày 10 tháng 12 năm 1896. Khi qua đời ông để lại một bản di chúc do tự tay ông viết và biên soạn. 
Bản di chúc của ông đã khiến cho người người sửng sốt. Trong di chúc, Alfred Nobel quyết định dành hơn 90% tài sản của mình — khoảng 31 triệu kronor Thụy Điển, tương đương với 2,805,430 đô-la Mỹ — quyên góp vào quỹ giải thưởng cho cộng đồng, chỉ dành con số ít ỏi cho người thân trong gia đình.
Theo ý nguyện của Nobel, khối tài sản sẽ được dành tặng cho những cá nhân có đóng góp xuất sắc cho nhân loại trong các lĩnh vực khoa học, văn học và hòa bình. Giải thưởng Nobel (được lấy theo tên ông) là di sản vĩ đại của nhân loại mà chúng ta biết đến ngày hôm nay: giải Nobel. Giải thưởng bao gồm năm lĩnh vực: Giải Nobel Vật lý, Giải Nobel Hóa học, Giải Nobel Y học, Giải Nobel Văn học và Giải Nobel Hòa bình.
Giải Vật lý, Hóa học, Văn học được quyết định bởi Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển. Giải Y học/Sinh học do Ủy ban Nobel của Viện Karolinska, Thụy Điển đảm nhiệm, còn giải Hòa bình được quyết định bởi Ủy ban Nobel thuộc Quốc hội Na Uy.
Không phải ai cũng hài lòng với bản di chúc mà Nobel để lại. Di chúc của ông bị người thân phản đối và bị chính quyền ở nhiều quốc gia chất vấn. Phải mất bốn năm để những người thi hành di chúc thuyết phục tất cả các bên tuân theo nguyện vọng của Nobel.
Năm 1901, giải Nobel Vật lý, Hóa học, Sinh lý học hoặc Y khoa đầu tiên và Văn học được trao lần đầu tiên tại Stockholm, Thụy Điển và Giải thưởng Hòa bình được trao tại Kristiania (nay là Oslo), Na Uy.
Đến tận bây giờ, vẫn có nhiều cuộc thảo luận về lý do tại sao Alfred Nobel, "ông hoàng thuốc nổ," người đã khơi mào cho nhiều số phận tang thương, lại tạo ra bản di chúc với mục đích thúc đẩy hòa bình và tri ân những cá nhân có đóng góp lớn cho nhân loại.
Có lẽ đã đến lúc cần có những góc nhìn khách quan hơn về Alfred Nobel.
Theo nhiều nguồn tài liệu về Nobel thì ý định ban đầu của ông khi sáng chế ra thuốc nổ không phải là để sử dụng trong chiến tranh, mà để phục vụ cho các mục đích tốt đẹp. Ông mong muốn chế tạo ra một loại thuốc nổ an toàn và hiệu quả hơn để cải thiện công việc trong ngành xây dựng và công nghiệp, phục vụ cho việc khám phá khoa học. Tuy nhiên, phát minh của ông đã nhanh chóng bị sử dụng cho mục đích quân sự, điều này nằm ngoài quyền kiểm soát của Nobel.
Thêm vào đó, nếu để ý kỹ, ta sẽ thấy rằng xuyên suốt cuộc đời mình, Nobel phải chịu không ít sự đả kích về những sáng chế của mình. Ông trải qua không ít những thăng trầm và chứng kiến nỗi đau do thuốc nổ gây ra. Với một tâm hồn nhạy cảm đã luôn che giấu, tận sâu trong tâm hồn có lẽ ông đã luôn bị dằn vặt khi nhận ra tính hai mặt của những phát minh của mình. Bên cạnh đó, nhiều người tin rằng chính Nữ bá tước Bertha Kinsky (thư kỹ cũ của ông, sau này là bạn) chính là người có ảnh hưởng quyết định đến cuộc đấu tranh vì hòa bình trong những năm tháng cuối đời của Nobel, trong đó có bản di chúc chấn động quốc tế của ông. 
Chính những quan điểm về hòa bình của nữ bá tước (bà cũng là người phụ nữ nhận được giải Nobel Hòa Bình đầu tiên) truyền cảm hứng cho Nobel, khuyến khích ông tham gia vào phong trào hòa bình, góp phần định hình những suy nghĩ của ông về ý nghĩa của cuộc sống và trách nhiệm của một nhà phát minh. Trong đoạn ghi chép trong một lá thư Nobel thông báo với bá tước thông báo về quyết định của ông. Nữ bá tước vui vẻ hồi âm lại: "Tôi có ở đó hay không, không quan trọng; những gì chúng ta đã trao tặng, bạn và tôi, sẽ sống mãi".
Nữ bá tước (Internet)
Nữ bá tước (Internet)
Có lẽ chính sự kết nối thân tình giữa hai người đã mở ra một hướng đi mới trong tư tưởng của Nobel, từ một nhà sáng chế vĩ đại đến một người ủng hộ hòa bình. Việc sáng lập ra giải thưởng Nobel Hòa bình không chỉ là cách Nobel đã chuộc lỗi cho những phát minh của mình mà còn mong muốn khuyến khích những cá nhân có thêm những đóng góp hữu ích cho nhân loại, tạo ra một di sản bền vững cho các thế hệ sau.

VI. Kết bài

Qua những phát minh của Nobel, ta sẽ thấy được tính hai mặt của một vấn đề. Phát minh về thuốc nổ là bước tiến quan trọng nhưng nó cũng mang đến những hệ quả khôn lường.
Nhưng có một điều chắc chắn không ai có thể phủ nhận tài năng và những đóng góp của Nobel. Giá trị và sự trao tặng của ông đã thay da đổi thịt cho toàn nhân loại.
Giải Nobel vì hòa bình trở thành biểu tượng cho hy vọng và nỗ lực xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, nó nhắc nhở chúng ta rằng tiến bộ khoa học cần đi đôi với trách nhiệm xã hội đồng thời cũng khuyến khích từng cá nhân có thêm nhiều đóng góp ý nghĩa và cao cả cho xã hội.