So kèo văn hay chữ tốt giữa em giai và chị gái về một đề văn nghị luận xã hội cấp trung học cơ sở.
Đề bài:
Nghị luận xã hội : Suy nghĩ về câu chuyện Người ăn cắp cừu
NGƯỜI ĂN CẮP CỪU
Tại một vùng nông thôn nước Mỹ, có hai anh em nhà kia vì quá đói kém, bần cùng đã rủ nhau đi ăn cắp cừu của nông dân trong vùng. Không may hai anh em bị bắt. Dân làng đưa ra một hình phạt là khắc lên trán tội nhân hai mẫu tự “ST”, có nghĩa là quân trộm cắp (viết tắt từ chữ stealer) (có bản ghi là “Sheep theft”).
Không chịu nổi sự nhục nhã này, người anh đã trốn sang một vùng khác sinh sống bằng cách chôn chặt dĩ vãng. Thế nhưng anh chẳng bao giờ quên được nỗi nhục nhã mỗi khi ai đó hỏi anh về ý nghĩa hai chữ “ST” đáng nguyền rủa này.
Còn người em, anh tự nói với bản thân mình: “Tôi không thể từ bỏ sự tin cẩn của người xung quanh và của chính tôi”. Thế là anh tiếp tục ở lại xứ sở của mình. Chẳng mấy chốc anh đã xây dựng cho mình một sự nghiệp cũng như tiếng thơm của một người nhân hậu. Anh sẵn sàng giúp đỡ người khác với tất cả những gì mình có thể. Tuy nhiên, dẫu thời gian có qua đi, hai mẫu tự “ST” vẫn còn in dấu trên vầng trán anh.
Ngày kia, một người lạ mặt hỏi cụ già trong làng về ý nghĩa hai mẫu tự này. Cụ già suy nghĩ một hồi rồi trả lời: “Tôi không biết lai lịch của hai chữ viết tắt ấy, nhưng cứ nhìn vào cuộc sống của anh ta, tôi đoán hai chữ đó có nghĩa là thánh nhân (Saint)”.
I. Toàn bài văn của em giai:
Trang 1
Trang 1
Trang 2
Trang 2
Trang 3
Trang 3
Trang 4
Trang 4
II. Toàn bài văn của tôi
Tôi xin phép được bắt đầu bằng một suy đoán cá nhân: Tất cả chúng ta khi sinh ra đều mang trong mình những định kiến từ những người xung quanh. Ngay cả những đặc điểm bẩm sinh, từ màu da, quốc tịch, giới tính,... cũng có thể trở thành những cái cớ để người khác quàng vào bạn những nhận định không thể thay đổi. Và lẽ thường nhất, tất cả những hành vi tốt lẫn xấu của chúng ta đều có thể trở thành cái cớ để người khác phán xét con người ta. Hai chàng trai trong câu chuyện “Người ăn cắp cừu” cũng đã buộc phải mang trên mình những định kiến từ người đời. Cách hành xử của những nhân vật trong câu chuyện này mang đến cho ta bài học về cách đánh giá về con người và thái độ ứng xử đối với những định kiến trong cuộc sống. 
Câu chuyện kể về hai chàng trai vì quá đói nghèo mà đi ăn cắp cừu của dân làng nơi họ sinh sống. Hành vi này đã đem đến vết nhơ cho hai anh em khi họ bị khắc kí tự “ST” (sheep theft) trên trán cả đời. Trong khi người anh vì nhục nhã mà bỏ đi biệt xứ, người em vẫn nhất mực ở lại quê hương, làm việc thiện, sống tốt để sau đó không những xây dựng được cơ nghiệp của mình mà còn có được sự kính trọng, quý mến của mọi người xung quanh. Kí tự “ST” trên trán của người em trong hiện tại được người trong làng coi đó là “Saint”, tức thánh nhân. 
Tôi không rõ câu chuyện có dựa trên sự kiện có thật hay chỉ là một tưởng tượng, dù sao, đây cũng là câu chuyện tuyệt hay về cách đánh giá của dư luận về một con người. Vì một tội ăn cắp mà dân làng khắc một dấu ấn không thể xoá đi lên hai chàng trai trẻ nghèo khó. Tôi không định tưới một cái nhìn quá phán xét về “trình tự công bằng” (due process) trong khoa học pháp lý lên hành động của dân làng vì xét cho cùng, một câu chuyện tách ra khỏi ngữ cảnh hiện đại thì cũng không nên bị phán xét bằng con mắt đương thời. Còn theo quan điểm thông thường về sự khoan dung đồng loại, hành vi đó của dân làng thật quá hà khắc, dù ở thời đại nào trong lịch sử. Hai anh chàng, xét vì hoàn cảnh khó khăn, lại trẻ người non dạ nên mới phạm tội. Dễ thấy đây cũng là lần lầm lỗi đầu tiên của họ, vậy mà cả tương lai của hai chàng trai trẻ cũng không làm rung động lòng trắc ẩn của dân làng (tôi suy đoán có nhiều người lớn tuổi hơn hai anh em), khiến họ “phong ấn” một cái nhìn ác cảm về hai anh em tội nghiệp. Dấu khắc “ST” là một “vệt sẹo” trên khuôn mặt của hai thanh niên, nó trực tiếp bứt hai người ra khỏi sự sinh hoạt chung của cộng đồng và bầu không khí đạo đức mà họ đang sinh sống. Dấu khắc biểu trưng cho định kiến mà người đời gán cho hai anh em. Dấu khắc còn mãi như định kiến mãi mãi không thể thay đổi. Lấy một hành vi trong một thời điểm nhất định trong hiện tại để đánh giá, “gán mác” cả một con người phức tạp trong hiện tại lẫn tương lai là cách đánh giá sai lầm cả về lý và tình. Cách đánh giá đó không gì hơn là nỗ lực triệt tiêu mọi cố gắng của cá nhân để chuộc lại lỗi lầm, không còn chút khoan dung. 
Cách đánh giá phiến diện, đầy cảm tính và định kiến này có thể kết cục bằng những hậu quả khôn lường. Những cái “mác” hữu hình và vô hình khiến cho người khác có thể sống với định nghĩa cố định đó, dần dần tin và sống đúng như những định kiến đó. Câu chuyện của hai anh em trong câu chuyện trên tương đồng nhưng có lẽ còn chưa tàn khốc bằng câu chuyện của anh mõ trong “Tư cách mõ” của Nam Cao. “Tư cách mõ” kể câu chuyện về một chàng trai trẻ, dân ngụ cư, thật thà, chất phác, lương thiện. Anh được già làng giao phó nhiệm vụ trở thành “lềnh” (cũng như “mõ”, chỉ khác cách gọi) do dân làng sợ tai tiếng chẳng ai muốn làm cả. Vì hiền lành và cũng đang túng thiếu, anh nhận lời, trở thành một “mõ” chính hiệu. Thế nhưng do danh xưng “tham như mõ” đầy tai tiếng in hằn trong tiềm thức người dân xưa, người ta cứ dần dần xa lánh, bài xích anh trong tất cả mọi công việc trong làng. Anh chàng hiền lành xưa kia bị miệt thị, đàm tiếu và đối xử bất công rồi cũng cố gắng “tham” như đúng “kì vọng” mà người ta gán vào anh: anh cũng tham, cũng xấu, cũng ăn tục, cũng đi xin không còn chút tự trọng. Anh mõ vẫn là người lương thiện cho đến khi được trao chức danh “mõ” - thậm chí còn chẳng phạm tội lỗi ăn cắp như hai anh em ăn cắp cừu mà vẫn chịu sự kỳ thị khủng khiếp của người đời. Danh xưng “mõ” tự nó đã là một cái tội, thậm chí còn hơn một cái tội thông thường, là một “dòng tội” vì những định kiến mà người ta đặt vào do những tội lỗi mà những người đi trước. Điều đó còn tiêu cực trong những ngành nghề, những chức danh khác như cứ người mẫu, hoa hậu, chân dài,... là đi với những tội lỗi về xác thịt vậy. Đó đều là những định kiến rất khó thay đổi, và chính vì thế mà nó rất độc ác và nguy hiểm. Suy cho cùng, phẩm giá, tư cách là thứ của riêng mỗi người, nhưng cách đánh giá được công nhận lại là của người khác. Thay vì nhìn vào hành vi thực tế của con người trong thời gian dài thì nhiều người lại có xu hướng nhìn vào một hành vi trong một thời điểm để đánh giá cả người đó. Tồi tệ hơn, họ còn có thể gán vào người khác những nhận định trước cả khi chứng kiến bất kì hành vi nào của người khác. 
Câu nhận định của cụ già đoạn cuối câu chuyện đã có phần khác biệt. Thay vì đánh giá bằng một hành vi cụ thể và gán cho người khác danh xưng không hay, người già nọ không nhìn vào lai lịch quá khứ mà nhìn vào hành động cụ thể của người em trong hiện tại và suy đoán ý nghĩa của hai kí tự “ST”. Thực ra cách đánh giá đó vẫn khá giống với cách cũ - nhìn người trong thời hiện tại và hành vi hiện tại, không quan tâm quá khứ và tương lai, tuy nhiên người già trong làng bây giờ nhìn vào một chuỗi hành động của người em trong hiện tại để đánh giá, và lấy những hành động đẹp đó để định nghĩa lại “định kiến” - ngược lại với dân làng khi xưa là lấy định kiến để dự đoán hành động và bản chất của con người. Thứ tự được lập lại dẫn đến cái nhìn hoàn toàn đổi chiều. Điều đó cho thấy hai sự thật: con người đã dễ dàng gán cho người khác những định kiến nhưng cũng dễ dàng quên đi hậu quả của những hành vi đó, hoặc người đời nhiều khi cũng chẳng quan tâm mà chỉ có những người hứng chịu định kiến mới cảm thấy rõ hậu hoạ. Thứ hai, cách nhìn nhận thay đổi có thể thay đổi phẩm giá của cả một con người. 
Không chỉ về cách đánh giá con người, câu chuyện “Người ăn cắp cừu” còn mang đến thông điệp về cách ứng xử đối với với những định kiến. Trong cùng một hoàn cảnh bị khắc dấu “ST” lên trán, người anh thì chọn bỏ xứ ra đi, mãi mãi bỏ chạy khỏi quê hương thì người em lại chọn cách ở lại, kiên định trong việc lấy lại lòng tin của mọi người và của chính bản thân về mình “Tôi không thể từ bỏ sự tin cẩn của người xung quanh và của chính tôi”. Người anh chọn cách trốn tránh quá khứ, người em chọn cách đối mặt thực tại và tương lai. Không thể nói cách ứng xử nào là đúng, cách nào là sai nhưng với tôi cách ứng xử của người em thật dũng cảm. Dũng cảm bởi lẽ không dễ gì mà sống được trong một cộng đồng đã gán lên mình những định kiến khó xoá bỏ. Người em chắc hẳn đã phải trải qua những tháng này vô cùng khổ sở, nỗi khổ sở có lẽ không kém tồi tệ hơn những gì mà anh mõ phải trải qua trong truyện của Nam Cao. Vậy mà người em đã xây dựng sự nghiệp và có lại niềm tin và sự kính trọng của người đời. Đó quả là một quá trình không dễ dàng gì. Còn với người anh, cũng không thể suy đoán rằng anh có cuộc sống kém tốt đẹp hơn người em. Anh ta có thể chuyển đến một nơi ở mới, gặp những con người mới, lập lại mọi thứ từ đầu và có thể thành công không kém gì em trai. Thế nhưng điều đó lại quá dễ dàng so với người anh. Anh ta không phải gán lại những mảnh vỡ của niềm tin và sự kính trọng của người khác, không phải đối diện với sự sỉ nhục và kỳ thị của mọi người. Và quan trọng hơn cả, anh ta phải bỏ quê hương, bỏ gia đình để làm lại cuộc đời mà không có một cơ hội để chuộc lại lỗi lầm. Anh ta đã “từ bỏ sự tin cẩn của người xung quanh” và của chính anh ta. Nỗi canh cánh trong lòng khi là một người mang tội phải chăng sẽ ám ảnh lương tâm của anh ta cả một đời. 
Dũng cảm đối diện bằng lòng dũng cảm, sự lương thiện là cách ứng xử hiệu quả nhất với những định kiến hà khắc. Điều đó vừa khiến chính con người cảm giác được “sám hối”, làm lại cuộc đời sau những tội lỗi, vừa khiến cho cộng đồng, xã hội ngày càng vị tha, bao dung. Con người, nhất là những người trẻ rất dễ phạm phải những sai lầm đáng tiếc. Đó là những bài học đắt giá trong quá trình hình thành và hoàn thiện nhân cách. Phải đối mặt với những sai lầm của chính bản thân là hình phạt nặng nề nhất nhưng cũng là phương cách duy nhất. Chỉ có cách đối diện với sai lầm của bản thân, tự nhận ra lỗi sai, cố gắng làm lại bằng tất cả sự chân thành, sự hối lỗi và tình yêu thương, con người mới có thể tiến lên. Không chỉ giúp ích cho cộng đồng anh ta sinh sống bằng những hành động tốt đẹp, anh ta cũng giúp ích cho chính mình bằng sự thanh thản trong tâm hồn. Tạm quên đi những lời khuyên răn về nghiệp báo hay nhân - quả, hành động đối mặt với lỗi lầm và hậu quả của lỗi lầm nên được xem là một phản xạ có điều kiện của một con người có lòng tự trọng. Sẽ rất ngoa nếu nói rằng những hành vi sau này của người em là “trả nghiệp” cho tội lỗi anh ta gây ra trong quá khứ. Tôi cho rằng, ngay cả khi anh ta không giành lại được sự tin cẩn của người khác, anh ta vẫn sẽ kiên định ở lại, ở lại vì chính anh ta chứ không ai khác. Tất nhiên, cũng không rõ người em trong chuyện có thực sự đạt đến trạng thái “thanh thản trong tâm hồn” sau rất nhiều những hành động tốt chuộc lại lỗi lầm, có thể anh vẫn canh cánh trong lòng nỗi xấu hổ, nhục nhã khi xưa, nhưng dù sao cũng đã có ít nhất một người cho rằng anh ta không phải là một tên trộm, mà là một thánh nhân. 
Đấy cũng là cái nghịch lý của định kiến - đánh giá xã hội và sự cải tạo của cá nhân: Chúng ta cải tạo bản thân cho chính chúng ta nhưng sự đánh giá lại ở người khác. Và cũng có khi sự chuộc tội lại không đảo ngược được định kiến mà chỉ có thể thay đổi định kiến xấu bằng một định kiến xấu, hoặc ít xấu hơn, hoặc đẹp khác. Nhận định của cụ già cuối truyện thực tế lại là một định kiến, có điều nó tích cực hơn đối với người em. Do đó thì với tôi nó cũng không hẳn là một ý kiến khách quan gì cho lắm. Nên cái kết của câu chuyện có vẻ là có hậu nhưng thực tế thì chưa hẳn. Sẽ ra sao nếu người em sau cả môt thời gian dài làm người tốt, là một “thánh nhân” như lời cụ già lại bỗng chốc rẽ trái để hành động còn xấu hơn hành vi trộm cừu trong quá khứ? Nếu ai đó nói tôi bi quan thì có lẽ còn chưa hiểu về sự khôn lường của đời sống và sự phức tạp của bản chất con người. Dĩ nhiên tôi cũng chưa từng trải hơn ai để dạy ai phải đánh giá người khác như thế nào, nhưng thực tế thì quá rõ ràng. Cái ác dễ dàng đầu thai trong hình hài của những điều rất đẹp, rất thiện. Cũng là một câu chuyện truyền miệng, lần này là về người mẫu Chúa Jesu và kẻ phản bội Judas trong tranh của Leonardo da Vinci. Ngài da Vinci tài năng tìm được một anh thanh niên trẻ trung với gương mặt thánh thiện, hiền lành để vẽ Chúa Jesu trong bức tranh nổi tiếng “Bữa tối cuối cùng” mà không biết rằng, cũng chàng trai đó sau 7 năm lại là người duy nhất phù hợp cả về ngoại hình và tâm tính để trở thành hình mẫu cho tội đồ Judas. 
Kết lại, một cách bi quan, tôi cho rằng, chúng ta cũng chỉ có thể đánh giá một con người trong một khoảng thời gian nhất định, khi đánh giá thì nhìn vào chuỗi hành vi của người đó trong một thời gian dài chứ không phải định kiến trong quá khứ. Chẳng ai xứng đáng là một tên trộm hay một thánh nhân trong cả cuộc đời vì thời gian trong cuộc đời mỗi người là sự cộng lại của những khoảnh khắc từ trước ra sau. Cái sự biện chứng ấy không ngoại trừ bất cứ cá nhân nào. Vậy nên sự không suy chuyển trong nhận định về một con người là đi ngược lại cái logic triết học đấy. Tuy nhiên, con người luôn có những phẩm chất ổn định. Một người tốt thì có thể vượt đèn đỏ hay cãi vợ mắng con vài khi mà không mảy may ảnh hưởng gì đến phẩm chất và cách đánh giá của mọi người về anh ta. Anh ta vẫn có thể là người tốt từ đầu đến cuối. Tôi công nhận. Tiếp nữa, không phải tội lỗi nào cũng có thể sửa chữa, nhưng trong sự bao dung nhất của con người, hãy cho người khác cơ hội sửa sai nếu còn có thể. 
Đối mặt với định kiến, con người có thể có nhiều con người, dũng cảm chấp nhận và sửa sai, phá vỡ định kiến hay trốn chạy không đối mặt, đều chẳng có gì sai. Nhưng lựa chọn làm sao để bản thân cảm thấy bình yên, để xã hội được tốt đẹp hơn là lựa chọn của người đáng trọng.
III. Một vài suy nghĩ ngoài lề
1. Sự so kèo này nhằm mục đích giải trí, tương tác qua lại giữa hai chị em, khuyến khích đứa em tôi học hành cẩn thận hơn.
2. Sự so sánh này cũng không cân kèo lắm, do tôi lớn tuổi hơn, đã từng học qua và làm qua rồi. Thứ hai, em tôi chịu áp lực thời gian để viết còn tôi thì không.
3. Tôi thấy đề bài này quá sâu sắc và khó, không phù hợp cho học sinh cấp Hai, dù là học sinh giỏi. Âu cũng là một cách để thử thách học sinh thôi, đặt hai bài văn ở cạnh nhau để thấy khoảng cách 7 năm là thế nào (em giai trẻ hơn chị gái 7 tuổi).
4. Về đề văn và hai bài làm, rất mong nhận được sự góp ý của bạn đọc.
5. Nếu bạn đọc đến đây thì chị em tôi cảm ơn rất nhiều.
Mikodmi.