Catch-22 là gì ?
Catch-22 là một thuật ngữ xuất phát từ tiểu thuyết cùng tên của Joseph Heller, xuất bản lần đầu vào năm 1961. Trong ngữ cảnh này, Catch-22 được định nghĩa là một điều kiện hoặc quy tắc vô lý hoặc đối ngược nhau, khiến cho việc thoát khỏi hoặc giải quyết vấn đề trở nên bất khả thi.
Trong tiểu thuyết, Catch-22 được áp dụng trong ngữ cảnh của quân đội Mỹ trong Thế chiến II. Nó nói về một quy tắc quân sự đặc biệt mà không ai có thể trốn thoát được: Bất cứ ai muốn nghỉ ngơi khỏi nhiệm vụ không an toàn phải xem mình sẽ mất trí và không đủ sức khỏe để tiếp tục nhiệm vụ, nhưng việc yêu cầu người ta tự ý xin nghỉ ngơi chứng tỏ họ không phải là người điên và vì vậy phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Điều này tạo ra một tình huống bắt buộc người ta bị mắc kẹt trong vòng xoáy của quy tắc vô lý và không thể tìm ra giải pháp.
Từ đó, thuật ngữ "Catch-22" đã được sử dụng rộng rãi để chỉ các tình huống mâu thuẫn, vô lý, không thể giải quyết hoặc thoát khỏi vì cách giải quyết của vấn đề cũng là nguyên nhân của chính nó.
Tiền mã hoá hoạt động trên các mạng phi tập trung bằng cách sử dụng công nghệ blockchain. Các dự án vài năm gần đây đã thu hút rất nhiều sự chú ý và đầu tư nhưng họ cũng phải đối mặt với nhiều thách thức và bấp bênh trong môi trường pháp lý. Một trong những thách thức này là vấn đề mà một số người gọi là Catch-22 crypto currency
Bản chất thị trường
Từ ngày đầu bitcoin và thuật ngữ crypto currency mới xuất hiện, các nhà làm dự án vẫn luôn tập trung nói đến công nghệ mà họ phát triển và cách nó sẽ thay đổi nền kinh tế tập trung của thế giới như thế nào. Tuy nhiên chúng ta cũng không thể nào xoá bỏ hiện thực rằng Crypto ngay thời điểm hiện tại chỉ là money game với background là cuộc đua công nghệ tiếp sức cho lòng tin của người dùng để họ xuống tiền đầu tư, dĩ nhiên có ngoại trừ một vài nền tảng đã và đang thực sự phát triển công nghệ như ETH và Chainlink. Hãy bước ra ngoài và hỏi bất cứ ai sở hữu tài sản mã hoá thử xem họ mua token vì họ là người sử dụng chúng hay chỉ mua vì tiềm năng tăng giá dựa trên "background" ? Trước khi các bạn hỏi xoáy, mình xin trả lời luôn mình thuộc kiểu thứ 2, mình mua token để đầu cơ.
Thị trường có chút tương đồng với bong bóng dotcom những năm 2000 khi đa phần nền tảng chỉ tập trung làm website thật cuốn hút và chọn một tên miền thật oách và dùng toàn bộ số tiền của nhà đầu tư để marketing để họ mua cổ phiếu và các nhà phát triển lại dùng số tiền đó để tiếp tục marketing như một vòng tròn. Đến nay các website trên internet vẫn đang là một hệ điều hành song song cho thế giới thực và mình tin Crypto trong tương lai cũng có thể làm nên chuyện nhưng hãy để thời gian cho bạn câu trả lời chính xác.
Vì sao lại có các tình huống catch-22 với nền tảng blockchain ?
Sự xuất hiện của các tình huống catch-22 trong lĩnh vực công nghệ blockchain và các dự án crypto phần lớn là kết quả của tốc độ phát triển nhanh chóng. Bitcoin và blockchain chỉ mới được biết đến từ năm 2008, bắt đầu lan rộng vào những năm 2014-15 và thực sự bùng nổ vào năm 2021 nhờ sự tăng giá của bitcoin lên hơn $60k. Phi tập trung và phi truyền thống là điều mà các nhà phát triển công nghệ hướng tới nhưng trong khi đang cố gắng giải quyết những khó khăn sẵn có trong nền thông tin/kinh tế tập trung thì họ lại bị vướng vào những mâu thuẫn riêng trong chính cơ chế của họ khi thay đổi hệ thống hiện có.
Thị trường blockchain và crypto có sự đa dạng lớn về dự án, giao thức, quyền lực và quy định. Mỗi dự án và giao thức có quy tắc và hệ thống riêng, không đồng nhất và có thể xung đột lẫn nhau, kể cả với hệ thống điều lệ quốc tế. Điều này tạo ra tình huống Catch-22 khi cần phải tuân thủ các quy tắc và tiêu chuẩn chung, trong khi vẫn cố gắng duy trì tính đa dạng và sự tự do sáng tạo.
Ngoài ra, Blockchain và crypto thường liên quan đến các mạng lưới xã hội, cộng đồng và cơ cấu phân cấp. Những tương tác này đòi hỏi sự thỏa thuận, sự đồng thuận và sự tin tưởng giữa các bên tham gia, khi có các lợi ích và quyền lợi riêng biệt, các tình huống mâu thuẫn có thể phát sinh khi các bên không đồng ý với nhau hoặc không thể đạt được sự thỏa thuận. Điều này được gọi là khả năng tương tác xã hội.

Crypto Currency Catch-22

Tự do và tuân thủ pháp lý
Như các bạn cũng biết, các dự án blockchain đưa ra giải pháp cho nền kinh tế tập trung bằng những từ khoá như bảo mật, ẩn danh, chi phí thấp, phi biên giới và phi chính phủ. Điều này thoạt nghe có vẻ tương lai nhưng lại khó khăn trong việc tiếp cận user bởi người dùng chỉ cần đảm bảo được tài sản của họ trong khi giao dịch bằng crypto có nhiều rủi ro như giá token biến động, scam bằng lỗi người dùng, các chính phủ "khó tính" còn yêu cầu làm rõ nguồn gốc số tiền.
Các nhà phát triển dự án crypto muốn tạo ra một môi trường phi tập trung và không phụ thuộc vào các cơ quan trung gian. Tuy nhiên, để được công nhận và chấp nhận rộng rãi, crypto cần tuân thủ các quy định pháp lý hiện có và nếu họ tuân thủ pháp lý của một quốc gia/tổ chức thì có phải là phi tập trung ? Điều này gây ra một tình huống mâu thuẫn giữa việc tuân thủ pháp lý truyền thống và mục tiêu phi truyền thống của crypto. Đó cũng là một trong những lý do mà các sàn CEX chiếm phần lớn khối lượng giao dịch trong thị trường vì ít/nhiều người dùng cũng được bảo vệ tài sản bằng pháp lý quốc gia hoặc nội quy giao dịch của sàn, hướng đi có lợi nhất cho người dùng theo mình là cân bằng cơ chế phi tập trung phù hợp với điều kiện pháp lý quốc tế (quốc gia) để đặt tính an toàn tài sản người dùng lên hàng đầu nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc các dự án phi tập trung phải thay đổi đường lối mà họ đang theo đuổi ngay thời điểm hiện tại. Đồng thời người dùng chúng ta cũng phải khắt khe hơn đối với các nhà phát triển, chính phủ của mỗi nước cũng phải có khung pháp lý cho các tài sản mã hoá (cryptoassets).
Phí giao dịch và quyền ưu tiên
Các blockchain phổ biến và được nhiều user sử dụng như ethereum sử dụng cơ chế đấu giá phí gas để các lệnh swap trên mạng được đẩy nhanh hơn, ai đưa phí cao hơn thì lệnh của người đó được thực thi trước.
+ Để giành quyền ưu tiên giao dịch trên chuỗi được xử lý, người dùng thường sẵn sàng trả phí cao hơn cho một giao dịch.
+ Người dùng mong muốn có mức phí giao dịch hợp lý và các nhà phát triển cũng đang từng ngày giải quyết vấn đề phí giao dịch lớn trên blockchain.
phí giao dịch ETH đạt mức đỉnh trong năm 2021 đến 23USD, mức cao nhất trong năm 2022 là hơn 40USD
phí giao dịch ETH đạt mức đỉnh trong năm 2021 đến 23USD, mức cao nhất trong năm 2022 là hơn 40USD
Việc này nảy sinh khi việc tăng phí giao dịch có thể đảm bảo ưu tiên xử lý, nhưng đồng thời cũng làm tăng gánh nặng phí cho người dùng. Điều này tạo ra một mâu thuẫn giữa quyền ưu tiên và tính công bằng/khả năng tiếp cận.
Khi mạng blockchain đang chịu áp lực giao dịch cao, người dùng thường cần trả mức phí cao hơn để đảm bảo giao dịch được xử lý nhanh chóng. Tuy nhiên, việc tăng phí giao dịch cũng làm tăng chi phí cho người dùng, đặc biệt là trong các mạng blockchain có tính linh hoạt thấp trong việc điều chỉnh phí. Hơn nữa, việc tăng phí giao dịch có thể tạo ra sự bất công cho những người dùng có tài chính hạn chế, vì họ có thể bị xếp sau trong hàng đợi xử lý giao dịch do không có khả năng trả phí cao hơn việc này đi ngược lại với đường lối mà các nhà phát triển xây dựng.
Quyền riêng tư và an ninh
Mâu thuẫn về quyền riêng tư và an ninh trong thị trường crypto là một vấn đề phức tạp và đang được nhiều người quan tâm, đây là hai yếu tố quan trọng trong ngành công nghiệp tiền điện tử và đời sống thực nhưng cũng có những thách thức và rủi ro liên quan đến chúng. Đa phần các loại coin/token đều có thể bị điều tra qua hệ thống blockchain nhưng một số tiền điện tử có tính năng bảo mật cao, giúp người dùng che giấu danh tính và số lượng giao dịch của họ như Monero, Zcash hay DASH (Privacy coin) đồng thời một số người còn đặt ra loại tiêu chuẩn kép khi còn đặt ra việc sử dụng các privacy coin đồng thời phải ngăn chặn được các hành động phi pháp qua blockchain.
Việc sử dụng các loại crypto ẩn danh sẽ chắc chắn gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn các hoạt động phi pháp, như rửa tiền, tài trợ khủng bố hay trốn thuế. Do đó, một số quốc gia đã ban hành các quy định nhằm kiểm soát và giám sát thị trường crypto, nhưng cũng phải đối mặt với những vấn đề về kỹ thuật, pháp lý và hợp tác quốc tế. Đối với mình, không giống như 2 trường hợp trên mà tìm kiếm điểm cân bằng/giải pháp, đây là một trường hợp mà chúng ta - người dùng công nghệ phải đánh đổi ( trade-off) 1 trong 2. Nếu muốn an ninh quốc gia được đảm bảo, bắt buộc privacy coin phải bị cấm nhưng nếu chúng ta cho phép chúng hoạt động ( hoặc không cấm) hoặc không có khung pháp lý rõ ràng , đồng nghĩa với việc các hoạt động tài chính phi pháp có thể diễn ra. Hiện tại, những hoạt động này đã và đang xảy ra nhưng với mức độ chưa cao vì giới hạn của người dùng và nền tảng nhưng trong tương lai, khả năng rất cao khi cả người dùng và hệ thống blockchain ẩn danh hoàn thiện, tần suất sẽ cao hơn rất nhiều.
Tính ứng dụng thực tế và thay đổi cấu trúc hệ thống
Các nền tảng Crypto muốn áp dụng công nghệ blockchain vào nhiều lĩnh vực khác nhau như tài chính, bất động sản, y tế, nghệ thuật, game, chúng ta hay gọi quy trình đó là số hoá các sản phẩm ngành truyền thống.
Khái niệm blockchain được định nghĩa ban đầu như một hệ thống phi tập trung, nghĩa là không có một tổ chức, cá nhân hoặc thực thể nào kiểm soát toàn bộ mạng lưới. Tuy nhiên, trong thực tế, lại có thêm mô hình blockchain tập trung được kiểm soát bởi một cơ quan tổ chức nào đó nắm quyền, họ có thể cho phép thêm/bớt các node, phân bổ tài nguyên ...v..v ( ví dụ: CBDC)
SEC - cơ quan có sự theo dõi đặc biệt với các dự án blockchain, những cáo buộc được đưa ra thường là các token được xem như cổ phiếu của những công ty phát hành.
SEC - cơ quan có sự theo dõi đặc biệt với các dự án blockchain, những cáo buộc được đưa ra thường là các token được xem như cổ phiếu của những công ty phát hành.
Ripple vs SEC: Ripple là một công ty phát triển mạng thanh toán có tên RippleNet, sử dụng token có tên là XRP làm tiền tệ cầu nối cho các giao dịch xuyên biên giới. Vào năm 2020, SEC đã kiện Ripple và các giám đốc điều hành của công ty vì cáo buộc tiến hành chào bán chứng khoán chưa đăng ký bằng cách bán XRP cho các nhà đầu tư. Ripple phủ nhận rằng XRP là một chứng khoán, mà là một mã thông báo tiện ích hỗ trợ thanh toán trên mạng của nó. Vụ kiện vẫn đang tiếp diễn và đã gây ra những biến động và tranh cãi đáng kể trên thị trường cho token XRP.
Vấn đề của việc áp dụng công nghệ blockchain vào các lĩnh vực khác nhau là cần một bộ quy tắc và công cụ mới để quản lý crypto currency và cryptoassets những loại tài sản thường được sử dụng để tạo điều kiện cho rửa tiền, tấn công mã độc tống tiền và các tội phạm tài chính khác. Thách thức của việc thay đổi hệ thống hiện tại là phải vượt qua sự kháng cự và trì trệ của các tổ chức và cơ quan tài chính hiện có, những người có thể không muốn mất quyền kiểm soát và ảnh hưởng đối với nguồn cung tiền và giao dịch. Do đó, có một tình huống Catch-22 nơi mà Crypto cần áp dụng công nghệ blockchain để cải thiện hiệu quả, tiện lợi và an toàn, nhưng cũng cần tuân thủ các quy định hiện có mà hạn chế sự đổi mới và áp dụng của nó. Đồng thời làm rõ rằng việc blockchain hoá các ngành truyền thống do ai quản lý ? Chính phủ hay các công ty tư nhân khai thác rồi đóng thuế vào ngân sách.
Việc này gây ra một vấn đề lớn hơn đó là thách thức về quyền lực và lợi ích tài chính. Sự thay đổi cấu trúc và quyền lực trong việc áp dụng blockchain có thể đối mặt với sự chống đối từ các bên có quyền lực và lợi ích tài chính trong hệ thống hiện tại. Hơn nữa, các ngành công nghiệp truyền thống có cấu trúc và quy trình đã được hình thành qua nhiều thập kỷ, và việc áp dụng công nghệ blockchain đòi hỏi sự thay đổi trong cách thức hoạt động hiện tại và tích hợp với hệ thống và cơ sở hạ tầng hiện có.
Ví dụ, trong lĩnh vực tài chính, việc tích hợp blockchain với hệ thống ngân hàng và các quy tắc pháp lý đang tồn tại có thể gặp phải khó khăn và chậm trễ. Ngân hàng trung ương Mexico đã ban hành các quy định ngăn cản các tổ chức tài chính giao dịch hoặc cung cấp dịch vụ dựa trên các loại tiền ảo như Bitcoin, trong khi một số tỷ phú và doanh nghiệp Mexico đang thúc đẩy việc sử dụng crypto. Điều này tạo ra một bế tắc cho ngành công nghiệp crypto và các nhà quản lý ở Mexico, khi họ phải cân bằng giữa sự đổi mới và rủi ro.
Cuối cùng
Catch-22 Crypto currency là một vấn đề phức tạp và chưa được giải quyết, ảnh hưởng đến nhiều công ty và nền tảng tiền điện tử ở riêng Hoa Kỳ( quốc gia có độ hoàn thiện tư pháp rất cao) và toàn thế giới . Nó tạo ra sự bấp bênh và nhầm lẫn cho cả cơ quan quản lý và các nhà đổi mới trong không gian crypto đồng thời cũng cản trở sự phát triển và áp dụng các tài sản và công nghệ tiền điện tử có thể mang lại lợi ích và cơ hội cho các ngành và lĩnh vực khác nhau.
Để giải quyết vấn đề này, một số người đã đề xuất luật hoặc khuôn khổ mới có thể làm rõ tài sản tiền điện tử nào là chứng khoán và tài sản nào không, đồng thời nhận ra rằng một số token có thể thay đổi theo thời gian khi mạng hoặc nền tảng của chúng phát triển. Những người khác đã đề nghị đối thoại và hợp tác nhiều hơn giữa các cơ quan quản lý và các nhà đổi mới để tìm ra giải pháp và điểm chung.
Cuối cùng, tiền điện tử catch-22 không chỉ là một vấn đề pháp lý mà còn là một vấn đề kinh tế và xã hội đòi hỏi phải cân nhắc và cân bằng cẩn thận giữa việc bảo vệ các nhà đầu tư và thúc đẩy đổi mới. Blockchain là một trong những lĩnh vực năng động và sáng tạo nhất trên thế giới, nhưng nó cũng phải đối mặt với nhiều thách thức và quy định không rõ ràng. Một số trường hợp các nền tảng phải hoà hợp giữa tính phi tập trung và các quy định để bảo vệ người dùng khỏi những hành động phi pháp nhưng đối với một số khác, người dùng chúng ta bắt buộc phải lựa chọn 1 trong 2 mà không có điểm cân bằng.