Hồi nhỏ, nhà tôi chẳng giàu có gì. Mỗi khi không đi học thì tôi ở nhà trông nhà, cổng rào thì đóng. Lúc đấy kinh tế đất nước khó khăn nên thường xuyên thấy ăn xin đến xin tận nhà. Tiền riêng chẳng có mấy đồng, nhưng mỗi lần có người đến xin thì tôi hay "vét" cái gì đấy trong nhà để cho họ. Có khi là vài lon gạo, hay chút quần áo cũ, có khi là mấy quyển tập vở chưa dùng đến...
Nhưng có một lần, nhà tôi quên đóng cổng, cửa nhà thì bằng kính màu - ở trong nhìn ra thì rõ, ở ngoài nhìn vào không thấy gì. Tôi thấy một trong những người ăn xin nọ, vẫn hay ghé nhà tôi, đi vào cổng. Thường thì cổng khóa nên họ không thể vào trong sân bao giờ. Tôi vội đi ra cửa để "đón". Nhưng vừa định mở cửa thì thấy người nọ có dáng vẻ cúi xuống để...nhặt đôi dép mới còn để ngoài sân. Lúc đấy, sẵn trớn nên tôi mở luôn cửa thì người đấy vụt đứng thẳng dậy, vẫn gương mặt ấy, vẫn mở miệng để...xin! Tôi thấy vừa giận, vừa tức cười vì dáng vẻ bất ngờ, mặt "có vẻ xanh" của người nọ mà người ta vẫn "cố" nói ra mấy câu xin.
Đấy là lần đầu tiên tôi từ chối cho người ăn xin. Tiễn người ấy ra tận cổng và hi vọng chẳng bao giờ gặp lại.
Sau này khi đi làm có tiền, mỗi khi có dịp tôi thường cho tiền ăn xin hoặc mua vé số của những người "có vẻ tội nghiệp". Nếu mà tính cho kỹ số tiền này thì chắc chắn vi phạm nguyên tắc tài chính cá nhân về khoản "cho đi", "khoản tích lũy" để dành.
Có dạo tôi tham gia tích cực một nhóm từ thiện. Nhóm này tổ chức mỗi tháng đi một nơi khác nhau để phát quà cho người nghèo. Tôi rất hăng hái góp tiền hoặc khiêng đồ đạc.
Sau này, nhiều chuyện xảy ra, cộng thêm đọc báo chí tôi suy nghĩ về những việc mình đã làm.
- Những nơi nghèo khó cần được hỗ trợ thì đúng rồi. Nhưng nếu chỉ phát quà, đa số là tiền hoặc đồ ăn thì chỉ giúp họ bớt khổ đi vài ngày. Thế cũng được, nhưng thế thì càng không nên mỗi tháng đi một nơi khác nhau. Làm thế có vẻ cũng từ thiện nhưng cứ như muối bỏ bể. Chẳng thay đổi được gì. Sau này tôi thích các hình thức như trao học bổng, mua xe đạp cho học sinh hay mua bò tặng người nghèo. Với hình thức này thì cần mức đóng góp cố định, có thể cao so với "đóng góp tùy tâm" nhưng đem lại lợi ích thực chất hơn.
- Còn với những trẻ em lang thang ăn xin trên đường. Lúc đầu tôi cũng cho. Nghĩ mà ái ngại rằng: cha mẹ nghèo ăn còn chưa no, sao lại nỡ sinh ra một đống con nheo nhóc rồi để chúng đi xin ăn? Nhưng rồi qua báo chí, tôi thấy mình quá ngây thơ, những đứa trẻ đấy đa phần được "chăn dắt" và "hành nghề" chuyên nghiệp. Bởi thế nên có cho bao nhiêu tiền cũng không khiến chúng có cuộc sống tốt hơn, được đi học, được trở thành người có ích...
- Đối với những người bán vé số, tôi thấy nếu đây là hình thức "kinh doanh" thì không thể lúc nào cũng mời chào kêu "ủng hộ". Cái tôi không cần, không hứng thú mà vẫn phải trả tiền để "ủng hộ" để người bán ...tiếp tục bán vé số! Nhiều người "hùng hồn" bảo rằng họ đi "bán", "lao động" chứ không xin! Thế nên họ không nhận tiền tôi cho, họ cứ nằng nặc bắt tôi nhận tờ vé số, không quên nài nỉ...mua thêm vài tờ! Nếu đây là một hình thức "đi xin" thì sao lại "cố nài" để "xin" thêm?! Mà giờ thì bán vé số quá thịnh hành. Ngồi quán cà phê có vài tiếng mà cái đầu mỏi vì lắc quá nhiều để từ chối mua vé số!
Nguyên tắc sống của tôi là luôn để riêng một phần thu nhập, dù thấp đến cỡ nào. Phần đấy có tên là "Cho"(Give). Nhưng tôi giờ đây cố tìm kiếm một địa chỉ hữu ích để sự cho của tôi có ích và có ý nghĩa hơn. Bởi thế nên tôi sẽ không mua vé số, không cho ăn xin ngoài đường nữa. Tiền của tôi sẽ chuyển khoản trực tiếp đến các địa chỉ nhân đạo tin cậy. Ví dụ như chương trình "Cơm có thịt" - "Trò nghèo vùng cao" hay các chương trình học bổng cho học sinh, các chương trình tặng cây con giống, vật tư sản xuất, làm đường - xây cầu cho nông thôn....
Ngoài ra, có những người rất tích cực đi từ thiện nhưng lại rất tính toán với người nhà hay bà con ruột thịt khi họ cần sự giúp đỡ. Nếu cứ cho đi quá nhiều, đến khi chính mình hay chính anh em, cha mẹ mình cần tiền mình lại không đủ khả năng giúp "đến nơi đến chốn".
Tóm lại, "Cho đi" là một nhu cầu về cảm giác của cái "Siêu Tôi". Nhưng cũng cần tỉnh táo để hành động cá nhân này có thể đóng góp thực sự cho xã hội.