Trên đời này, mọi thứ đều có thể làm ta đau.
Mình làm kỹ sư xây dựng, đợt mới đầu đi làm mình chọn làm ngoài hiện trường. Vì theo mình nghĩ hiện trường là sản phẩm cuối cùng, là thực tế trực tiếp tạo ra sản phẩm cầm được nắm được. Mình có thể học được rất nhiều từ cái sự trực quan này. Quả thật học được thật nhiều, nhưng bài học mà để đời nhất vẫn luôn là tính mạng là quan trọng nhất.
Hôm đó mình ngẩng đầu lên gọi ông công nhân đang xây tường trên tầng 5, bỗng một viên gạch rơi trực tiếp từ chỗ mình thấy cựa quậy ở trên tầng. Viên đạn à nhầm viên gạch rơi với tốc độ không thể nhanh hơn và sượt qua người mình. Rơi ngay trước mặt mình. Chạm vào đống cát mềm mềm dưới chân.
Cúi đầu xuống nhìn viên gạch, mình đứng tim, sợ xanh mắt mèo. Là một thằng con trai, lần đầu tiên mình thấy cận kề cái chết như vậy. Mình lấy hết sức bình sinh, theo bản năng nhảy lùi lại, ngước lên trên cố nhìn vào vị trí làm rơi viên gạch. Không có tiếng động gì nữa. Mình hít một hơi thật sâu, gào thật to một câu chửi thề tục nhất có thể. Khốn nạn! Đúng là khốn nạn thật. Sự chủ quan trong bất kì một tình huống trên cao nào đều có thể gây ra chết người như chơi. Mình luôn được nhắc và đi nhắc người ta như thế. Nhưng hôm đó mình mới thấm họ nhắc không có thừa. Nghề nào nghiệp đấy là có thật.
Sau đó còn rất nhiều tình huống căng thẳng nữa, làm mình mất niềm tin vào hiện trường. Mình quyết định làm văn phòng. Văn phòng là làm hồ sơ giấy tờ cho ngành xây dựng. Hồ sơ thanh toán, hồ sơ quyết toán, hồ sơ quản lý chất lượng, hồ sơ dự thầu,… đủ loại hồ sơ. Nếu ai đã từng vào văn phòng của ngành xây dựng chắc sẽ khá bất ngờ về sự … lắm giấy lắm tờ của ngành này. Mình làm đủ lâu thể thấy là nhiều khi trông nhiều thế nhưng mà xem kĩ thì vẫn còn ít lắm. Vẫn còn xơ xài nếu như không hiểu rõ thứ mà mình đang làm.
Làm văn phòng thì có gì có thể làm người ta đau được chứ. Ấy vậy mà có nhé. Hôm đó đang photo hồ sơ quản lý chất lượng để đi nộp với chủ đầu tư. Mình chảy máu.
Nhìn kĩ lại để kiểm tra xem thứ gì làm mình chảy máu. Hóa ra là một tờ giấy vừa mới in xong. Tờ giấy ấy còn nóng hôi hổi. Nhưng nó sắc. Mảnh và sắc như một chiếc dao lam vậy. Từ đó trở đi mình biết rằng nhỏ như tờ giấy cũng có thể làm mình đổ máu.
Tờ giấy có thể làm người ta đau theo nhiều cách. Thậm chí làm đau nhiều người một lúc. Tờ giấy ly hôn chẳng hạn. Tờ giấy cáo phó nữa. Đau một cách quằn quại luôn. Đau ứa nước mắt.
Có một loại giấy làm người ta đau hơn cả. Đó là tiền. Đầu tiên là tiền đâu. Tiền đâu là đau … đầu. Đau đầu để cho mau giầu. Ta phải tính kế để kiếm tiền, kiếm tiền để rồi nghĩ cách tiêu tiền. Tiêu tiền để rồi lại kiếm tiền. Một vòng tròn khép kín. Hồi bé mình nghĩ tiền là thứ phiền chết đi được. Lớn lên mới thấy hóa ra hồi bé mình khôn phết.
Tiền ngăn cách tình yêu đôi lứa. Khiến ta đau lòng. Lúc này tiền là bạc, bạc bẽo. Họ ví mặt lạnh như tiền. Vì tiền là lạnh lẽo.
Hôm đó mình trốn làm ra ngân hàng rút tiền. Mùa hè, ngân hàng bật điều hòa hết công xuất. Chị thu ngân xinh gái niềm nở hỏi mình cần làm gì. Trong khi mình đang làm thủ tục thì chị run run quay sang bảo với chị gái ngồi ở quầy bên cạnh: “Ei tăng độ lên đi lạnh quá rồi, khiếp sao mà bật lạnh thế”
Chị bên cạnh cười khúc khích: “Ừ , chả lạnh thì sao, nhà ‘băng’ mà không lạnh sao được”
Sự lạnh làm người ta đau. Nếu ai đã từng uống nhiều nước đá một lúc sẽ biết cảm giác buốt lên não là như thế nào. Người ta có thể bị bỏng lạnh. Mình từng xem một bộ phim tài liệu về những tai nạn về việc lạnh. Có một ông lè lưỡi liếm cái cột điện bị đóng băng. Kết cục là lưỡi bị dính chặt vào cột điện. Đúng là không cái ngu nào giống cái ngu nào. Sau đó người ta phải dùng đủ cách để gỡ lưỡi ra.
Nhìn là biết đau rồi chứ đừng bảo mình thử. Thốn phải biết.
Nói về việc lạnh thì đợt ấy mình đổ bê tông vào lúc 12h đêm. Hôm đó đi làm từ 6h sáng, đứng từ lúc 6h sáng giám sát công nhân đến tận lúc 12h đêm. Công nhân người đi người về hết. Chỉ có mình mình đứng đó đợi. Gió mùa về.
Công trường mình gần biển, không có một cái gì chắn gió hết. Mình đứng trong gió. Một mình mình với ánh đèn le lói. Sợ ma không? Sợ. Nhưng mình sợ con người hơn. Ma không làm mình đau nhưng người thì có. Gió đầu mùa không thể lạnh bằng lòng người được.
Vì đi làm từ lúc sáng trời nóng nên mình mặc độc một cái áo kĩ sư mỏng dính. Mình xé vội cuộn nilong lấy một đoạn đủ dài và quấn quanh người. Cái này mình học được từ những người công nhân. Gió chợt giật thật mạnh. Mình dựng vội tấm ván khuôn dậy để chắn gió. Phải full giáp mới đỡ được quả này. Mình nghiến chặt răng. Quá mệt không còn sức để thở. Mình ngả lưng lên tấm ván. Nhắm mắt. Thở đều.
Xe bê tông về, bơm cần đã ra chân. Bơm bật và xả cho công nhân đứng cầm vòi đổ. Tiếng bơm hòa vào tiếng máy đầm. Mình yên tâm mà tiếp tục nằm kệ sự đời. Chợt nghe thấy tiếng chửi rủa.
Tiếng chửi càng ngày càng nhiều. Càng ngày càng nặng lời. Mình mặc kệ vì đã quá mệt chỉ muốn thiếp đi.
Chợt tiếng chửi có vẻ hơi quá đà. Mình mở mắt xem thằng nào mà mạnh mồm thế. Hóa ra thằng bên nhà cung cấp bê tông. Nghe tiếng chửi thì hóa ra là đáng lẽ hắn được về rồi nhưng hôm ấy là dịp lễ nào đó mình không nhớ lắm. Người ta được nghỉ hết, còn hắn phải trực, đã vậy còn bị gài cho trực thay đứa khác nên về muộn. Không thấy mình phản hồi nên nó chửi càng lúc càng hăng. Mình nhận ra nó cố tình chọc cho mình tức để mình chửi lại, chửi lại là nó có lý do bỏ về sớm.
Mình quả thực muốn chửi lại, nhưng mình quá mệt mỏi rồi. Nên mình mặc xác nó. Mình nằm cuốn ni lông ngủ tiếp.
Chợt một tiếng chửi khác xen ngang vào. Đó là một ông tư vấn giám sát say rượu đi lững thững về phía mình. Hắn vừa chửi vừa sút vào tấm ván của mình. Vừa đe nạt dọa nạt này nọ. Nào là mày dám ngủ trong giờ làm, nào là tao bảo sếp mày đuổi mày,… đủ thứ tục tĩu trên đời này mà bạn có thể tượng tượng ra.
Mình lục tục bò dậy, trả lời qua loa rồi hắn cũng đi.
Lúc này bê tông đã đổ gần xong. Mình đến và nói chuyện với ông bên nhà cung cấp bê tông. Mình nói nhẹ nhàng: “tất cả chỉ là công việc thôi, em cũng chỉ là làm công ăn lương, anh chửi em thì có ích gì chứ”.
Hắn im lặng một lúc lâu.
Sau khi đổ bê tông xong, hắn quay trở lại xin lỗi mình.
Lúc đó mình nhận ra công việc có thể làm mình đau nhiều như thế nào.
Mình chẳng bao giờ đọc mấy cuốn sách khắc kỷ gì hết. Vì đọc qua thì mình thấy … ủa mình còn khổ hơn sách sao mà phải làm theo sách chứ. Hóa ra khắc kỷ mà mấy người hay nói là … bớt sướng đi. Chứ người ta có thực sự hiểu đau khổ là gì. Khi người ta đã từng sống trong đau khổ đủ nhiều, người ta sẽ tự khắc biết trân trọng từng khoảnh khắc, từng đồ vật, không cần phải nhắc.
Cuộc sống nhiều khi như con súc xắc, hôm nào đó tự nhiên mình lại quay vào ô đau. Thế là đau. Mà kể cả có quay vào ô sướng, thì cũng có nghĩa là đau. Thứ nào càng làm mình sướng thì càng làm mình đau.
Bố mẹ làm ta hạnh phúc, bố mẹ mất đi, ta thật sự rất đau lòng. Tình yêu làm ta hạnh phúc, tình yêu mất đi, ta đau lòng.
Tình dục cũng vậy.
Ngày chưa lớn, mình rất thích sex joke. Như bao thằng con trai đồng trang lứa, mình tự hào về những câu giỡn vô tri của mình về tình dục, về phụ nữ, về tình yêu, về chính mình… Sau này mình mới hiểu, tình dục tự bản thân nó chất chứa một nỗi đau vô cùng lớn. Sau đó, mình không bao giờ đùa một cách vô tội vạ nữa.
Nỗi đau luôn luôn tồn tại, ta không nhận ra không có nghĩa là nó không tồn tại. Những vật sắc nhọn làm ta đau. Sắc dục cũng nhọn như thế.
Hôm ấy mình gặp một cơn gió lạ, mình nghĩ bụng, gió thì sao có thể làm ta đau được chứ. Mình nhầm.
Mình chơi đùa với gió. Gió chơi đùa với mình. Mình ngủ với gió. Gió ngủ với mình. Gió đi mất. Mình … trúng gió.
Hóa ra ngọn gió có độc và có thể làm mình rơi nước mắt. Gió này lại còn ở tầng mây khác nữa chứ.
Từ đó trở đi mình công nhận những cơn gió. Cũng như công nhận nỗi đau mà gió có thể mang lại.
-----
Nỗi đau có nhiều mức độ. Không cơn đau nào giống cơn đau nào. Có những nỗi đau hữu hình, có những nỗi đau vô hình. Có những nỗi đau vừa hữu hình vừa vô hình.
Có những nỗi đau như là gió thoảng qua da, có những nỗi đau như dao lam cứa vào tim, có những nỗi đau thì kinh khủng như là lấy cưa mà cưa qua cưa lại. Có một số khác thì làm người ta đau đến mức ngất lịm đi. Con người luôn có ngưỡng chịu đau. Cả thể xác cũng vậy mà tâm hồn cũng vậy.
Đau quá thì sẽ ngất. Đau quá thì rơi vào trầm cảm.
Có người dùng nỗi đau nhỏ để đè lên nỗi đau to…
Theo mình nghĩ người ta nói về chữa lành nhiều là vì có quá nhiều nỗi đau ở ngoài kia.
Cũng vẫn là theo mình thì để chữa lành được thì phải xác định được nỗi đau của mình là gì. Phải biết độ nông sâu của vết thương. Không thể dán băng urgo lên vết thương sâu được đúng không nào.
Đọc thêm:
02/01/2024
An
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất