[Cảm nhận sách] Khi hơi thở hóa thành hư không
Bạn sẽ cảm thấy thế nào khi chạm vào bộ não của một người đang sống ở ngay trước mặt mình? Thứ bộ phận nhầy nhụa chỉ nặng khoảng 1.3kg,...
Bạn sẽ cảm thấy thế nào khi chạm vào bộ não của một người đang sống ở ngay trước mặt mình? Thứ bộ phận nhầy nhụa chỉ nặng khoảng 1.3kg, với chằng chịt các dây thần kinh ấy, đang chứa tất cả những thứ tạo nên cuộc sống của người ấy. Thứ bạn chạm vào có thể là kí ức tuổi thơ của người ấy, cây kéo y tế của bạn có thể đang đụng đến hình ảnh của cô con gái của người ấy. Liệu người ấy còn có thể cử động được tay chân hay không phụ thuộc vào độ chính xác của đôi tay bạn. Thứ bạn chạm vào không chỉ là một bộ phận cơ thể với đầy rẫy mạng lưới dây thần kinh, mà là tất cả những gì tạo nên sự sống cho con người ấy: niềm vui, nỗi buồn, tình yêu, sự đau khổ, những bí mật thầm kín, những khát khao...tất cả đều được đóng gói trong đó. Đó là khoảng cách gần nhất bạn có thể chạm đến ý nghĩa cuộc sống.
Bộ não ấy quá nhỏ bé nhưng cũng chứa quá nhiều thứ to lớn. Cũng giống như quyển sách Khi hơi thở hóa thành hư không của Bác sĩ giải phẫu Paul Kalanithi vậy. Nhỏ bé nhưng chứa quá nhiều thứ to lớn.
Những câu hỏi không lời giải đáp
Paul Kalanithi không hề dự định trở thành bác sĩ. Cái thứ anh muốn được chạm đến là ý nghĩa cuộc sống. Bố anh là bác sĩ tốt nghiệp từ trường Y Harvard nhưng ông đã chọn đưa gia đình rời chốn đô thị phồn hoa đến vùng Arizona để sinh sống, để tạo ra một phòng mạch lớn nhất vùng. Arizona là một vùng đất nghèo với một hệ thống giáo dục tồi, do đó mẹ anh đã phải bỏ nhiều công sức để đảm bảo Paul vẫn được hưởng một nền giáo dục hoàn thiện: mua sách cho anh đọc, đăng kí cho anh học các lớp AP, ôn thi SAT,.... Và sau những nỗ lực ấy, Paul đã đậu vào được đại học Stanford. Nhưng Paul vào Stanford không phải để học những ngành kiếm ra tiền, anh vào đấy để mong tìm ra được câu trả lời cho câu hỏi đặt ra từ thời thơ ấu, hình thành qua những trang tiểu thuyết cổ điển: Thế nào là ý nghĩa cuộc sống? Thế nào là sống? Cái chết đáng sợ như thế nào? Đạo đức là gì? Paul do đó đăng ký học về văn học và triết học vì anh tin nó sẽ giúp anh tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi lớn đó.
Nhưng rồi Paul nhận ra rõ ràng những câu hỏi đó quá là lớn và anh chỉ ngồi nghĩ về nó mãi thì mãi mãi nó chỉ là một khái niệm hư cấu, trừu tượng, xa vời. Nếu một người muốn hiểu thế nào về sự sống và cái chết, người đó phải đối mặt với nó. Một người phải chứng kiến nó, phải gặp những người đang vật lộn với cái chết. Đạo đức là sinh ra từ hành động hằng ngày, chứ không phải chỉ là từ suy ngẫm:
“Augustine’s voice in the garden commanded, ‘ Take up and read’ but the voice I heard commanded the opposite: ‘Set aside the books and practice medicine’.
[...]
It would mean setting aside literature. But it would allow me a chance to find answers that are not in books, to find a different sort of sublime, to forge relationships with the suffering, and to keep following the question of what makes human life meaningful, even in the face of death and decay.”
(Giọng nói của Augstine vang lên trong vườn như một mệnh lệnh: ''Cầm sách lên và đọc đi'', nhưng giọng nói mà tôi nghe được lại ra lệnh ngược lại: "Đặt sách qua một bênh và hãy đi học Y đi."
[...]
Và điều đó có nghĩa là đặt sự nghiệp văn chương qua một bên. Nhưng từ đó tôi có thể có cơ hội để tìm ra được những câu trả lời không có trong sách, để tìm thấy một niềm hân hoan khác, để tạo nên sự thấu hiểu với sự khổ đâu, và để tiếp tục theo đuổi câu trả lời cho câu hỏi rằng điều gì khiến cuộc sống có ý nghĩa, thậm chí ngay cả lúc thập tử nhất sinh và lúc cuộc sống suy tàn.)
Và thế là chặng đường làm bác sĩ của Paul bắt đầu.
Chạm tay vào sự sống
Trong quyển sách Paul kể chi tiết, nhưng ngắn gọn, những gì anh trải qua khi ở trường Y, từ việc mổ xác cho đến những ca phẫu thuật và đỡ đẻ đầu tiên của mình. Nhưng xuyên suốt quyển sách không phải chỉ là những tự sự của một sinh viên trường Y và những khó khăn chuyên ngành của một bác sĩ, mà còn là những suy ngẫm về cuộc sống.
Một ngày nọ Paul làm bài thi và anh phải rạch cơ hoành, nhưng người giám thị đã kinh ngạc khi thấy anh rạch. Đó không phải là vì anh đã làm sai hay phá nát tiêu bản, đó là vì anh đã quá tỉnh khi làm như thế. Việc cắt xẻ chân tay trên xác người thường xuyên đã khiến cho sinh viên Y quên mất rằng thứ trước mặt họ từng là một con người, chỉ mới 48 giờ trước còn cười nói, còn khóc, còn ôm người họ yêu. Các sinh viên Y không còn coi thứ trước mặt họ là con người, cái đẹp của sự sống bị tiêu giảm đi và chỉ gói gọn trong các thuật ngữ: cơ, gân, sụn, tim, gan, mạch máu, tá tràng. Không còn gì là tôn trọng, không còn gì là con người.
Có nhiều người đã kinh hãi và tự hỏi rằng đây là điều mà hậu thế đối xử với họ sau khi họ chết đi sao. Có sinh viên ngành y khi trải qua điều này, vì cảm thấy như người thân bị xúc phạm, đã yêu cầu bệnh viện trả lại xác mẹ mình, dù khi còn sống bà đồng ý hiến xác, và đem cái xác đã bị rạch phân nửa ấy về chôn.
Anh ghi lại trong một buổi thực hành mổ xác của một người chết bị ung thư tuyến tiền liệt (pancreatic cancer):
“Once, while showing us the ruins of our donor’s pancreatic cancer, the professor asked, ‘How old is this fellow?’
‘Seventy-four’, we replied.
‘That’s my age,’ he said, set down the probe, and walked away.”
(Một lần nọ, trong lúc cho tôi thấy những phần bị hư hỏng trên xác người hiến tạng, giáo sư hỏi, 'Ông ấy mấy tuổi vậy?'
'Bảy mươi tư', chúng tôi đáp.
'Vậy là bằng tuổi tôi', ông ấy nói, bỏ ống khám xuống, và bước đi.)
Và vấn đề đó không hề biến mất đi, mà nó chỉ biến đổi sang dạng khác khi anh thành bác sĩ trong bệnh viện. Những bác sĩ non trẻ thường chỉ tống vào mặt bệnh nhân số liệu và dữ liệu:
“Tôi phải báo tin buồn là chị bị ung thư gan và chỉ còn sống khoảng 1 năm.”
“Khả năng sống sót sau ca mổ là rất thấp, chỉ có 10%.”
“Anh ta sẽ sống sau ca mổ nhưng là sống đời sống thực vật.”
Họ đối xử với người bệnh như là một vấn đề cần phải giải quyết, và họ áp dụng phân tích thiệt - hơn của một cuộc giải phẫu như là phân tích chiến lược kinh doanh: “Về ngắn hạn là thế này, về lâu dài là ra sao....”, “Nếu anh không nghe tôi thì ráng chịu.”
Nhưng Paul dần nhận ra rằng trị bệnh không phải chỉ là như thế. Trị bệnh không phải là quăng một mớ thuốc vào mặt người đó và bắt họ uống theo đúng lịch trình như một con robot, hay là đưa ra phân tích thiệt hơn cho họ. Cuộc sống không phải chỉ thể hiện qua những con số 5%, 10%, qua các dữ liệu nghiên cứu. Vai trò của bác sĩ là hơn thế. Vai trò của bác sĩ là giúp bệnh nhân tìm được ý nghĩa của cuộc sống, phải giúp bệnh nhân có động lực sống và giúp họ giữ niềm tin trong cuộc sống, dù là đang trong giai đoạn hiểm nghèo.
“Rather than saying, “Median survival is eleven months” or “You have a ninety-five percent chance of being dead in two years,” I’d say, “Most patients live many months to a couple of years.” This was, to me, a more honest description. The problem is that you can’t tell an individual patient where she sits on the curve: will she die in six months or sixty?
[...]
Those apocryphal doctors who gave specific numbers (“The doctor told me I had six months to live”): Who were they, I wondered, and who taught them statistics?”
(Thay vì nói rằng, "Thống kê thì tuổi thọ trung vị của người bệnh là 11 tháng" hay là "Khả năng tử vong của chị là 95% trong vòng 2 năm", thì tôi sẽ nói, "Phần lớn người bệnh sống sót từ nhiều tháng đến vài năm." Và đối với tôi, như thế là lời nói thành thật. Vấn đề là bạn không thể biết được trường hợp của người bệnh này nằm đâu trên biểu đồ thống kê: liệu bà ấy sẽ chết trong vòng 6 tháng hay là 60 tháng?
[...]
Những gã bác sĩ tự tin thái quá vào năng lực của mình và đưa ra số liệu cụ thể ("Bác sĩ nói với tôi tôi chỉ còn 6 tháng để sống"): Bọn họ là ai cơ chứ, và tôi tự hỏi là ai dạy họ môn xác suất thống kê?)
Paul không nói thẳng với bệnh nhân của anh rằng bà ấy bị ung thư não. Anh mời cả nhà bệnh nhân vào, giải thích cho họ mọi thứ, giúp họ chuẩn bị tinh thần và anh tránh hoàn toàn việc nói ra ba chữ “ung thư não”:
“Vẫn chưa thể khẳng định khối u này là gì, cần phải kiểm tra và giải phẫu mới biết được.”
Đối với bác sĩ như anh, nhìn vào là biết rằng khối u này là khối u lành và hoàn toàn có thể chữa được, nhưng ba chữ “ung thư não” đối với một người bệnh thông thường thì anh biết nó sẽ như là một tin sét đánh. Anh đã chứng kiến nhiều người bị sốc mà ngất, hay là rơi vào trạng thái mất hồn, khi cầm tay họ lên và thả xuống, họ chỉ đủ sức lực để giúp tay tránh đập vào mặt. Vào lúc đó anh nhận ra rằng nắm tay người bệnh cũng là một cách giao tiếp.
Paul đã có thứ anh muốn khi làm bác sĩ, đó là trải nghiệm trực tiếp với sự sống, cái chết và ý nghĩa cuộc sống. Anh đã thấy được nó mong manh thế nào và anh cũng đã hiểu được đạo đức sinh ra từ hành động ra sao. Trong ngành y, tay nghề cao là đạo đức cao. Một ngày nọ anh phải thực hiện một trong những ca phẫu thuật não thuộc dạng khó nhất trong ngành với đồng sự của mình. Anh cảm thấy rất tự tin sau nhiều năm đứng mổ và do đó, dù biết ca này khó, anh vẫn không cảm thấy đáng sợ. Anh chuẩn bị đưa dụng cụ y tế vào phần não thì người đồng sự của anh ngăn anh lại:
“Paul, chuyện gì sẽ xảy ra nếu cậu cắt sâu hơn hai milimet qua bên phải ở phần này?” Anh ấy chỉ vào.
Những bài giảng bay vòng trong đầu tôi.
“Gây ra chứng song thị?”
“Không”, anh ta nói. “Hội chứng khóa trong.” Chỉ chệch hai milimet thôi, thì bệnh nhân sẽ hoàn toàn bị tê liệt, chỉ còn có thể chớp mắt. Anh ấy vẫn cứ nói mà mắt không rời kính hiển vi. “Và mình biết điều này là vì lần thứ ba mình thực hiện ca phẫu thuật như vậy, chuyện đó đã xảy ra.”
Trải nghiệm cái chết
Paul chỉ mong muốn được tiếp xúc với cái chết nhằm hiểu về cuộc sống, nhưng số phận cho anh nhiều thứ hơn anh mong đợi: anh sẽ phải đối mặt với cái chết, và không chỉ chết mà còn là một cái chết dài và đau đớn: ung thư phổi.
Phần nửa sau của quyển sách không chỉ nói về việc anh vật lộn với căn bệnh ung thư, về tình yêu của anh và Lucy, về việc từ bác sĩ trở thành bệnh nhân và những suy ngẫm về cuộc đời khi ở trên giường bệnh. Việc trở thành bác sĩ đã khiến cách nhìn của anh về căn bệnh vô cùng khác, anh may mắn vì đã được tận tâm chăm sóc bởi bác sĩ đồng nghiệp cũng như người anh yêu thương, và anh may mắn vì thấy mình được đối xử như người bệnh chứ không phải chỉ như một con số thống kê trên biểu đồ:
“Có một nữ bệnh già luôn mang vớ đẹp đắt tiền trong bệnh viện. Bà hi vọng rằng bác sĩ, không biết được bà là người thế nào, nhưng nhìn thấy vớ của bà thì sẽ nghĩ là bà là người có địa vị và do đó sẽ đối xử tử tế với bà.”
Hơi thở cuối cùng của Paul biến thành hư không nơi cách con gái anh sinh ra vài mét 8 tháng trước, trong cùng một bệnh viện. Quyển sách tự truyện ngắn như phản ánh cuộc đời ngắn ngủi của anh nhưng nó chứa tất cả những gì anh muốn gửi gắm đến người đọc về cuộc sống và tình yêu.
Husky, 07/09/17
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất