*Bài viết được trích, dịch từ cuốn Das Kind in dir muss Heimat finden (Stefanie Stahl)
Kết quả hình ảnh cho das kind in dir muss heimat finden


Nếu một đứa trẻ nhận được quá ít sự chú ý và thấu hiểu từ bố mẹ mình, nó sẽ tìm mọi cách nhằm lôi kéo sự quan tâm cũng như giải tỏa các hiểu nhầm với bố mẹ. Trẻ nỗ lực hết sức để thu hút tình yêu thương từ bố mẹ. Nếu người bố người mẹ gặp hạn chế trong việc bộc lộ tình cảm hay thấu hiểu những ước muốn và xúc cảm của con, thì chính bọn trẻ sẽ phải gánh lấy trách nhiệm tạo dựng mối quan hệ này.
Ví dụ như, bố mẹ quá nghiêm khắc và luôn kỳ vọng rằng con mình sẽ biết nghe lời, biết cư xử ngoan ngoãn, vậy thì đứa bé sẽ bị cuốn vào việc phải đáp ứng những đòi hỏi của bố mẹ mình, để khiến họ vui lòng hoặc ít nhất là không bị phạt. Nhằm giúp cho sự thích nghi được tốt hơn, trẻ buộc phải kìm nén những nhu cầu của mình, nếu như chúng trái ngược lại với mong mỏi từ phía phụ huynh. Điều này dẫn đến những hệ quả lớn, điển hình như trẻ sẽ không học được cách xử lý cảm xúc giận dữ sao cho hợp lý. Cơn giận đóng một ý nghĩa riêng trong cái muôn màu của cuộc sống. Nó thể hiện rằng ta có thể bộc lộ chính mình và biết bảo vệ ranh giới riêng của bản thân. Nếu chính kiến của một đứa trẻ bị buộc phải quy phục trước quyền uy của cha mẹ, hiển nhiên trẻ nghiệm ra rằng tốt hơn hết nên giấu nhẹm cơn giận đó đi. Và từ đó, chúng không có cơ hội để học cách sống cùng cảm xúc này cũng như biết bộc bạch cái tôi đúng mực. Qua trải nghiệm đó, trẻ dần hình thành những giáo lý bên trong như “Mình không được phép chống cự!” “Mình không được phép giận dữ” “Mình phải tự điều chỉnh bản thân” “Mình không được có những ước muốn riêng”. Và cả khi tuổi dậy thì đến, trẻ bắt đầu chống đối, nổi loạn phản ứng lại những áp lực và kỳ vọng của bố mẹ, thì chúng vẫn không thoát khỏi việc bị điều khiển, lập trình bởi họ. Bởi lẽ, sống trong tư thế kháng cự thường trực cũng tù túng hệt như phải sống để thõa mãn người khác. Cái bóng của đứa trẻ bị tổn thương ám ảnh ta trong thời niên thiếu và cả sau này khi đã lớn lên – nó được thành hình qua những trải nghiệm bên bố mẹ quá áp đặt. Qua lăng kính của đứa trẻ nằm bên trong, họ nhanh chóng cảm nhận những người xung quanh cũng đầy quyền uy và thống trị. Rồi theo đó, phản ứng lại theo hai cách, hoặc quy phục, thích nghi hoặc chống trả quyết liệt. Chỉ khi những người này biết được sự tồn tại của đứa trẻ tổn thương trong mình, hóa giải những ấn tượng sai lầm và các niềm tin lệch lạc, thì họ mới tự tin giao tiếp với người xung quanh trong vai vế ngang bằng nhau.

1. Mẹ hiểu con đi! Sự cảm thông của cha mẹ

Những bố mẹ ít khi đồng cảm với các nhu cầu của con mình thường gặp khó khăn trong việc nhận thức đúng đắn về cảm xúc và mong muốn của chúng. Bởi vậy, trẻ thường nhận lấy những trải nghiệm “thứ mà mình đang cảm thấy và nghĩ đến đều sai lầm”, cho dù thực sự chúng đang có những xúc cảm đó thật. Các bậc phụ huynh bị yếu kém trong vấn đề thấu hiểu trẻ đều không biết cách điều hòa chính cảm xúc của mình, bởi sự liên kết cảm xúc chính là điều kiện tiên quyết để biết đồng cảm với người khác. Nếu trẻ buồn vì bạn của em không muốn chơi với em nữa, người mẹ cần phải kết nối mình với cảm xúc buồn bã, nếu không thì bà sẽ không tài nào hiểu được thứ đang diễn ra với bé trong hoàn cảnh đó. Nếu bà vốn hay lờ đi chính nỗi buồn của bản thân, thì lẽ đương nhiên bà cũng sẽ làm vậy với con mình. Bởi bất lực, họ có thể đưa ra những lời răn dạy khắc nghiệt, cấm trẻ hành xử yếu đuối và bảo rằng bạn của chúng thật ngu ngốc. Thông qua lối dạy dỗ này, trẻ cho rằng cảm thấy buồn bã là điều không ổn tí nào và chúng đang chọn nhầm bạn. Giá như người mẹ (hoặc cả những người thân khác) biết cách đối diện với cảm xúc của mình, thì họ sẽ cho phép trẻ được sống thật với nỗi buồn của chúng và giành thời gian cho nó. Họ có thể nhẹ nhàng bảo với con mình là: “Ồ con yêu, mẹ hiểu, chắc con đang buồn lắm bởi Jonas hôm nay lại không muốn chơi với con nữa.” Sau đó có thể dần dần giải thích cho trẻ hiểu tại sao bạn Jonas làm vậy, đồng thời thảo luận cùng trẻ tìm ra giải pháp cho tình huống này. Nhờ vậy, trẻ có thể học cách nhận biết cảm xúc của mình đang có, biết chắc rằng trẻ sẽ không bị bỏ rơi khi cần tới sự cảm thông từ người khác. Và trẻ cũng qua đó nhận ra rằng ta có thể tìm ra giải đáp cho vấn đề này.
Nhờ những hành động giàu sự cảm thông của bố mẹ, trẻ biết cách phân biệt cảm xúc của mình và gọi tên chúng. Và vì bố mẹ ra tín hiệu cho trẻ biết những xúc cảm đó không có gì là kỳ lạ cả, nên chúng cũng học được cách tiếp nhận, đối diện và điều chỉnh các trạng thái cảm xúc hợp lý.
Sự đồng cảm của bố mẹ bởi vậy được xem như một yếu tố quan trọng nhất trong năng lực giáo dục con cái. Có thể nói, đây là phương tiện quyết định ta có những ấn tượng xấu hay tốt.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

2. Từ gen đến tính cách: những nhân tố ảnh hưởng đến đứa trẻ bên trong ta

Vào những năm 1960 trong lĩnh vực tâm lý học và giáo dục đã có kết luận rằng trẻ được sinh ra trên đời như một “Tabula rasa” nghĩa là “một tờ giấy trắng”. Họ cho rằng, tính cách và quá trình phát triển của một con người phụ thuộc hoàn toàn vào môi trường và phương pháp giáo dục. Tuy nhiên, ý kiến này đã thay đổi trong những thập niên gần đây nhờ các tiến bộ trong nghiên cứu gen và hệ thần kinh. Ngày nay, người ta biết được rằng Gen cũng tham gia quyết định tính cách và trí thông minh của một con người. Để minh chứng cho điều này, tôi muốn đề cập tới những khuynh hướng bẩm sinh của những người hướng ngoại và hướng nội do gen mà ra.
Nhân cách mỗi người có tương quan với vô số các đặc điểm: người nội tâm thường nạp lại năng lượng nhờ việc ở một mình, họ thường bị kiệt quệ khi phải giao tiếp nhiều với người khác nhanh hơn người hướng ngoại và cũng không có nhu cầu cao trong việc kết giao. Nếu họ nhận được một câu hỏi bất kỳ, họ có xu hướng tập trung vào nó để tìm ra câu trả lời rồi sau đó mới thảo luận. Người hướng ngoại ngược lại có thể vừa nói chuyện vừa suy nghĩ về nó, và bởi vậy thi thoảng – theo cả mặt tốt lẫn mặt xấu – gây bất ngờ với thứ họ mang lại. Họ có được năng lượng khi ở trong một môi trường thân thiện và không mấy khi thích một mình. Tựu chung lại, họ cần có những tiếp xúc lớn hơn, rộng hơn với bên ngoài so với người hướng nội, để từ đó cảm thấy phấn khích và khơi gợi niềm hứng thú. Người sống nội tâm ngược lại phản ứng có phần nhạy cảm hơn với các tác động bên ngoài và vì thế dễ cảm thấy căng thẳng, quá tải hơn…Một người có khuynh hướng hướng ngoại dễ cảm thấy cô độc và nhàm chán hơn khi họ phải ở một mình. Và điều này không phụ thuộc vào việc họ được giáo dục như thế nào và những ấn tượng nào mà đứa trẻ tuổi thơ vẫn lưu lại bên trong họ.
Kể cả tính nhạy cảm và những nỗi sợ cũng được tạo lập sẵn trong gen của ta và nó quyết định cách ta thể hiện sự tự tin của mình. Một số trẻ khi sinh ra đã có tâm hồn mạnh mẽ hơn hẳn người khác. Theo nghiên cứu, trên thế giới thậm chí có đến 10% “những đứa trẻ bất khả xâm phạm” – chúng là những người không bị tổn thương bởi ký ức tuổi thơ khó khăn và luôn mang trong mình sự tự tin nguyên vẹn.
Những dấu ấn tuổi thơ nào sẽ đi theo đời trẻ, phụ thuộc vào nguồn lực xuất phát từ đặc điểm tính cách của trẻ và bố mẹ trẻ. Các nhà tâm lý học gọi đây là sự ăn khớp giữa trẻ và bố mẹ. Ví dụ như, nếu một đứa trẻ bẩm sinh rất nhạy cảm lại có mẹ không giỏi thông cảm với người khác, thì có thể bà mẹ này sẽ mang lại cho đứa trẻ nhiều tổn thương hơn so với một bé sinh đã khá lì lợm. Tương tự, bố mẹ của những đứa trẻ hay khóc hay trẻ tăng động thường gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc hơn những bố mẹ có con “dễ nuôi”.
Trẻ có khuynh hướng tăng động phải chật vật để tiết chế năng lượng quá tải của mình. Điều này dẫn đến việc trẻ hay bị trêu ghẹo và xúc phạm bởi người khác. Thông qua các hành động nghiêm khắc hay khó chịu từ những đứa trẻ khác hay từ giáo viên, trẻ nhận được những lời cảnh cáo: Trẻ không ổn! Từ đó hình thành nên thói tự ti bên trong, kể cả khi bố mẹ trẻ rất yêu thương vỗ về. Tất nhiên không chỉ có mỗi bố mẹ mới gây tác động lên sự phát triển của một đứa trẻ mà còn có cả những người thân cận khác như bạn cùng lớp, giáo viên hay ông bà.
Những ấn tượng mà chúng ta mang theo từ lúc còn nhỏ không chỉ phụ thuộc vào lối giáo dục của gia đình mà còn liên quan đến những tương tác qua lại của các nhân tố khác nhau. Tuy nhiên, bố mẹ vẫn đóng một vai trò quyết định. Bởi một đứa trẻ càng bị bất ổn bởi những mối quan hệ trong gia đình, thì lại càng dễ chịu tổn thương từ người thân xung quanh. Ngoài ra, một đứa trẻ có bố mẹ luôn ân cần, cảm thông lại dễ trở nên nhạy cảm bởi chính điều đó hơn là so với các trẻ mà bố mẹ chúng ít khi hiểu rõ cảm xúc của chúng, ví dụ như khi bé bị bạn bè trêu ghẹo.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

3. Cái bóng của đứa trẻ tuổi thơ và niềm tin của riêng chúng

Nếu chúng ta muốn giải quyết những vấn đề của mình đang xảy ra trong đời sống ngày nay, ta buộc phải hiểu nó một cách sâu sắc hơn, tìm xem vẫn đề thật sự của bản thân đến từ đâu. Yếu tố quan trọng trong quá trình tìm kiếm này là việc chúng ta cho phép cái bóng của đứa trẻ tuổi thơ được lên tiếng, để từ đó chúng ta phát hiện ra điểm yếu hay còn gọi là cái ngòi kích hoạt của ta nằm ở đâu. Rất nhiều người tỏ ra lẩn tránh những liên hệ sâu vào chính con người mình. Họ không muốn cảm nhận những tổn thương nội tâm và cả nỗi sợ hãi sâu thẳm trong họ. Đó thật ra là cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể và là một ước muốn dễ hiểu. Ai mà thích cảm thấy buồn, sợ hãi, tự ti hay tuyệt vọng cơ chứ?
Chúng ta đều có niềm hứng thú trong việc cố gắng tránh né những cảm xúc đó hết sức có thể và chỉ chấp nhận những xúc cảm tích cực như hạnh phúc, vui vẻ và sự yêu thương. Vì vậy, rất nhiều người luôn kiềm chế tổn thương bên trong mình. Hay nói cách khác: họ ném cái bóng của đứa trẻ tuổi thơ sang một bên, mỗi khi nó muốn cất tiếng nói. Vấn đề nằm ở chỗ là họ luôn hành xử với cái bóng đó như với một đứa trẻ trong đời sống thực: chúng càng khẩn cầu sự chú ý từ người khác, thì người xung quanh lại càng ngó lơ. Nếu một đứa trẻ nhận được đầy đủ sự quan tâm cho những thỉnh cầu của mình, thì chắc hẳn nó sẽ lại vui vẻ và tiếp tục chơi một mình thay vì làm khó dễ bạn.
Ta cũng đối xử với cái bóng đứa trẻ tuổi thơ tương tự vậy: Nếu nỗi sợ, sự xấu hổ hay giận dữ không được bộc lộ ra, chúng sẽ gây ảnh hưởng sâu sắc tới nhận thức của ta. Ở đó, ta chẳng thể nào chữa lành nó mà không để cho cái tôi trưởng thành biết tới sự tồn tại của đứa trẻ… Trong các tài liệu chuyên ngành và tư vấn, chỉ có các cảm xúc được xếp vào phần tính cách của đứa trẻ bên trong. Tuy nhiên tôi cho rằng, đứa trẻ bên trong (gồm cả phần bóng tối và phần sáng của trẻ) đều được tạo nên bởi những đức tin bên trong – thứ chủ yếu là tiền phong của cảm xúc. Như tôi đã từng nói, người ta hiểu được những niềm tin sâu thẳm về giá trị bản thân và các mối quan hệ với người xung quanh nhờ đức tin. Ví dụ, nếu một đứa trẻ cảm thấy nó được yêu thương và được chấp nhận bởi bố mẹ, thì những đức tin sẽ nảy nở bên trong nó như “Mình được chào đón”, “Mình được yêu quý”, “Mình quan trọng” – nó củng cố thêm sức mạnh cho đứa trẻ “mặt trời” bên trong. Ngược lại, nếu bố mẹ hay tỏ lạnh lùng và xa cách thì bé sẽ tin vào những điều như “Mình trở thành ghánh nặng”, “Mình bị đối xử bất công” – nó tạo nên đứa trẻ “bóng tối”. Những đức tin đó hình thành trong quãng thời gian tuổi thơ, nhưng vẫn lưu chặt lại trong tiềm thức chúng ta tới ngày nay. Vì vậy, một cách vô thức chúng được chấp nhận như một chương trình tâm lý học ở tuổi trưởng thành. Nó tác động tới cách chúng ta nhận thức, cảm nhận, suy nghĩ và hành động.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

4. Cái bóng của đứa trẻ bị nuông chiều

Những niềm tin tiêu cực không chỉ được hình thành nên từ sự cướp quyền, bỏ rơi hay nghiêm khắc. Những cặp phụ huynh quá chú ý tới con mình và nuông chiều nó cũng có thể để lại cho trẻ những niềm tin sai lầm rằng mọi thứ phải đúng với mong muốn của riêng chúng, mà không cần phải cố gắng làm gì cả. Chúng có thể không chịu những suy nghĩ mang tính hạ thấp ý nghĩa bản thân, nhưng ngược lại sẽ hình thành đức tin tự cao tự mãn. Chúng vì vậy sẽ ưỡn ngực cho rằng mình sẽ luôn có được thứ mình muốn và phản ứng hết sức gay gắt dữ dội nếu không được đáp ứng. Những đứa trẻ được nuông chiều thường không dễ gì chấp nhận thất bại. Chúng sẽ xem việc bị từ chối những yêu cầu của bản thân là điều gì đó cực kỳ tồi tệ. Trong khi những đứa trẻ thiếu thốn tình thương rất giỏi thích nghi, điều chỉnh mình thì với trẻ nuông chiều, khả năng này lại thiếu hụt trầm trọng. Chúng gặp khó khăn trong việc học cách hòa mình vào cộng đồng chung – tuy nhiên lại là xếp hay công chúa của ba mẹ. Những niềm tin của chúng có thể là: “Mình sẽ có bất cứ thứ gì mình muốn.” “Mình luôn luôn được chào đón” “Tất cả đều thuộc về mình” “Mình tuyệt vời hơn những người khác” “Mình là kẻ có quyền nhất ở đây” Những câu như trên có thể vẫn ảnh hưởng tới trẻ khi ở trường hay sau này khi đã trưởng thành, trẻ gặp phải khó khăn trong việc hòa nhập và thường bị xúc phạm bởi những người xung quanh. Vì vậy, điều đầu tiên trẻ phải học được là trong cuộc sống không có gì là cho không cả và trẻ buộc phải cố gắng. Điều này đôi khi sẽ tạo nên sự suy sụp hay sự xuống dốc trong quá trình học, cũng như dẫn đến việc bỏ dở giữa chừng. Trong vài trường hợp khác, họ có thể vẫn hòa hợp rất tốt trong cộng đồng của mình và là người có năng lực, nhưng họ lại không thể chịu đựng được thất bại hay đổ vỡ. Nếu như một mối quan hệ tình cảm bị rạn nứt, nó có thể làm họ hoàn toàn tuyệt vọng và gục ngã, đơn giản chỉ vì họ không còn được chiều chuộng nữa, cũng như không còn nhận được thứ mà họ cực kỳ khao khát.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

5. Phê phán bố mẹ mình? Không hề đơn giản như thế!

Nếu chúng ta suy nghĩ về tuổi thơ và bố mẹ của mình, một số người bắt đầu chống lại việc nhìn nhận bố mẹ như người có trách nhiệm trong một số vấn đề của bản thân. Tôi đã chứng kiến rất nhiều lần khách hàng mình vướng phải sự xung đột về lòng trung thành khi họ có cái nhìn phê phán bố mẹ. Họ yêu và biết ơn hai đấng sinh thành ra mình. Họ cảm thấy có lỗi khi kể với tôi về những lối cư xử không mấy hay ho của bố mẹ. Sau đó họ sẽ bị đè nặng bởi cảm giác đã phản bội lại cha mẹ mình. Bởi vậy, tôi muốn giải thích rõ tình huống này, nó không nhằm mục đích phủ nhận mọi nỗ lực của phụ huynh trong việc dạy con và đổ hết trách nhiệm lên họ vì những vấn đề mà ngày nay – khi trưởng thành ta gặp phải, mà là mang lại một sự thấu hiểu sâu sắc hơn về những tác động vô hình mà chúng ta vẫn mang theo từ khi còn trong vòng tay họ. Ở đây, nó không chỉ về phần phê phán mà còn đề cập tới những mặt tích cực mà bố mẹ đã mang lại cho ta. Ngoài ra ta cũng cần phải nhận thức rõ rằng, bố mẹ mình cũng được nhào nặn nên từ bố mẹ của họ, vì vậy đôi khi họ cũng là nạn nhân của lối giáo dục sai lầm. Bố mẹ tôi là một ví dụ như thế, họ luôn đong đầy tình yêu thương. Tôi từng là một đứa trẻ đáng mơ ước với những trải nghiệm tuổi thơ vô cùng hạnh phúc. Nhưng mẹ tôi rất kém trong khoản bộc lộ cảm xúc ủy mị. Bà là chị cả trong gia đình 9 chị em và khi bà lên 11 thì Thế chiến II bùng nổ, vậy nên chẳng có chỗ cho yếu đuối, sợ sệt. Bà phải làm việc. Và bởi bà không biết cách xoay xở với những cảm xúc đó bên trong mình, đôi khi bà trở nên bất lực khi thấy tôi buồn. Từ đó, trong tôi luôn tồn tại một niềm tin rằng “Mình phải trở nên mạnh mẽ” và “Khóc lóc thật xấu hổ”. Thế đấy, kể cả là những bố mẹ đầy tình yêu thương thì cũng không khỏi mắc sai lầm.
Quan trọng là câu hỏi: hình mẫu nào bố mẹ đã đưa lại cho con? Ví dụ, nếu một bé gái có một bà mẹ rất thương con nhưng lại vô cùng yếu đuối, hoàn toàn dựa dẫm lệ thuộc vào người chồng gia trưởng, vậy thì qua quá trình quan sát, nhận biết bé sẽ cho rằng “Phụ nữ thật yếu đuối” “Mình phải tự xoay sở”, “Mình không được phép chống đối”. Hoặc trẻ nhằm phân định ranh giới với mẹ mình, sẽ bắt đầu có những đức tin như “Mình phải tự bảo vệ bản thân” “Mình không bao giờ được phép luồn cúi ai” “Đàn ông thật nguy hiểm”.
Kể cả các giá trị đạo đức trong gia đình cũng đóng vai trò quan trọng. Bởi vậy, trong một gia đình giàu tình yêu nhưng lại rất khắt khe về mặt tình dục, đứa trẻ có thể sẽ được giáo dục tương ứng như vậy, từ đó sẽ gặp phải những trở ngại lớn sau này để hình thành một mối quan hệ tự nhiên với cơ thể mình và với các hoạt động tình dục. Và cả những người luôn sống trong cảm giác biết ơn bố mẹ mình, cũng sẽ gặp phải một vài niềm tin gây cản trở tới cuộc sống họ.
Tuy nhiên, một số người thấy khó khăn để tạo dựng một bức tranh tả thực bố mẹ mình. Nó có thể rơi vào trường hợp khi cái nhìn của họ về một trong hai vị phụ huynh bị tô điểm quá nhiều bởi sự thao túng của người còn lại. Nếu một bà mẹ rót vào tai con mình những lời than vãn về một người “bố tồi”, thì đứa trẻ đó sẽ nhìn bố mình qua lăng kính của mẹ nó. Nhờ công việc trong nhiều năm làm một quan sát viên của tòa án gia đình, tôi biết được những ấn tượng đó có thể ảnh hưởng sâu sắc đến nỗi đứa trẻ sẽ duy trì một mối quan hệ cực xấu hoặc gần như cắt đứt hoàn toàn với bố mình trong suốt cuộc đời. Điều tương tự cũng xảy ra với những người bố kể xấu về mẹ của con mình.
Ngoài ra còn có một lý do nữa khiến nhiều người thấy khó khăn để có một hình ảnh thực về bố mẹ mình, và điều này lại gắn liền với xu hướng lý tưởng hóa bố mẹ của những đứa trẻ. Trẻ được dạy tin tưởng vào bố mẹ mình và xem đó là một điều đúng đắn. Trẻ buộc phải lý tưởng hóa bố mẹ chúng, nếu không thì một nỗi sợ kinh khủng sẽ tràn ngập trong trẻ rằng, chúng có bố mẹ đầy khuyết điểm hay thậm chí là xấu xa. Và sự lý tưởng hóa này đôi khi vẫn còn theo họ đến tận khi trưởng thành. Điều này vô tình gây cản trở cho họ trong việc có được một cái nhìn thực tế về bố mẹ, bao gồm cả mặt xấu lẫn mặt tốt. Tuy nhiên, khi lớn lên nếu tôi vẫn nhìn nhận bố mẹ dưới lăng kính lý tưởng, thì tôi rõ ràng không thể độc lập khỏi họ theo hướng tích cực được. Và khi tôi không thể làm vậy, sẽ thật khó khăn để tự tôi tìm thấy con đường riêng cho chính mình. Nếu tôi muốn tự khám phá bản thân – như một điều kiện tiên quyết cho sự phát triển cá nhân mình, vậy thì một cái nhìn trung thực nhất có thể về chính tôi và bố mẹ tôi là điều tối quan trọng. Một bức tranh hiện thực không hề đi ngược lại những tình cảm ẩn sâu bên trong. 

Tôi vẫn có thể yêu thương và trân trọng con người họ đã là và họ bây giờ, bởi họ chẳng cần hoàn hảo mới nhận được điều đó. Luôn luôn là thế, nó luôn là về tình yêu trong cuộc sống này: Nếu như tôi chỉ biết yêu những điều hoàn hảo, thì đó chẳng phải một tình yêu đích thực.