Chiếc xe đò thắng kịt trước cửa khách sạn, anh lơ xe nhanh nhảu nhảy vùng xuống xe, hỗ trợ tôi vác cái va-li xuống. Với một giọng rặt miền Bắc cao chót vót, anh ta chúc tôi có một kì nghỉ vui vẻ ở Sa Pa. Sau khi sắp xếp đồ đạc ở khách sạn, tôi bắt đầu kì nghỉ của tôi ở xứ lạnh lẽo này.
Sa Pa với tôi trước đây chỉ hiển hiện qua lời kể, qua những tấm ảnh chụp các bạn tôi đăng trên mạng xã hội, những lời trầm trồ tán thán không ngớt về độ thơ mộng và tuyệt vời của nơi đây. Tuy nhiên tôi tin tưởng hơn cả là lời văn của Nguyễn Thành Long trong Lặng Lẽ Sa Pa. Ngay từ khi còn bé tôi được học bài tuỳ bút ấy, tôi đã khao khát đặt chân lên nơi này, thưởng thức sự lặng lẽ bình yên của nó, nhìn ngắm những con người miệt mài lao động cống hiến. Niềm ao ước đó mãi đến mười năm sau tôi mới thực hiện được.
Tôi chẳng lên một kế hoạch cụ thể nào cho chuyến đi này, đơn giản vì tôi vốn dĩ thế đấy. Hơn nữa, đây thực chất là một cuộc trốn chạy.
Tôi trốn chạy khỏi cuộc đời.
Cuộc đời tôi hoàn toàn được đan dệt nên từ những cuộc trốn chạy. Lúc nhỏ, tôi trốn chạy khỏi tiếng sấm đì đùng mỗi khi trời mưa. Đến mùa trung thu, tôi sợ hãi trốn chạy khi thấy gương mặt mà tôi cho là ghê tởm của ông Địa, Tề Thiên và luôn cả con lân, tức là tôi thấy ghê sợ cả cái đoàn lân. Tôi thường xuyên trốn tránh nói về điểm số cho cha mẹ tôi, tôi sợ họ sẽ thất vọng về những con điểm thấp lè tè. Mối tình đầu, tôi trốn chạy khi cậu ấy đi tìm tôi vào ngày tốt nghiệp. Giờ đây, tôi mệt nhừ người với những bài viết cứ dồn dập vào mặt tôi. Công việc biên tập viên bắt tôi phải đọc kĩ từng từ từng chữ, đến cả những dấu câu thật kĩ càng trước khi đăng báo. Đôi mắt tôi đã từ không cận lên đến 2 đi-ốt sau hai năm làm việc. Tôi không còn hứng thú với cái việc nhàm chán này nữa. Cái thú duy nhất là tôi sẽ biết trước nhất những tin tức nóng hổi mà mọi người đến sáng mai mới đọc được trên báo. Hai năm qua tôi cũng được lên lon lên lương, nhưng đã bị nhiều đồng nghiệp chỉa mũi dùi vì tôi bắt họ những lỗi ngữ pháp nhỏ nhặt nhất, có đôi khi còn huỷ luôn cả bài họ viết. Thế rồi gần đây tôi cảm thấy một áp lực vô hình, tuồng như cả toà soạn đang liên hiệp với nhau chống lại tôi. Đến Tổng biên tập cũng mười phần khó chịu. Tôi đồ rằng tôi sắp phải cắp đít đi tìm công việc mới. Chả sao! Tôi cũng muốn bỏ lắm rồi. Làm việc mãi trong môi trường hạnh hoẹ nhau thế này thì cũng sớm vong thân. Vậy là trước khi nghỉ việc, tôi tận dụng luôn nửa tháng nghỉ có lương để đi Sa Pa.
Thời tiết có vẻ không tốt lắm. Sương mù giăng kín mọi nẻo, tôi chỉ có thể nhìn thị trấn Sa Pa trong cự li gần, và nếu những con phố không dốc lên dốc xuống thì tôi còn không cho rằng mình đang ở vùng cao nhất nước Việt Nam bởi sương đã che phủ đi cả những mảng núi xanh xanh. Nhiệt độ có khi chỉ trên dưới mười hai mười ba độ. Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi phải chịu đựng cái lạnh đến như thế. Nó cắt vào da vào thịt, lạnh đến từng tế bào, phổi tôi, tim gan tôi đều lạnh cả. Không lẽ lại quay về khách sạn trùm chăn? – tôi tự hỏi, rồi quyết tấm đi tiếp.
Xem như là tôi biết chọn mùa để lên. Khách du lịch đến Sa Pa mùa này không nhiều, có lẽ là vì thời tiết. Nhìn quanh tôi không thấy một ai độc hành như tôi. Phía trước mặt tôi là một nhóm các anh chị tuổi cỡ hơn ba mươi, có cặp đã có con nhỏ. Bên đối diện đường đi ngược hướng là một cặp tình nhân trẻ đang khoác tay nhau, đứng sát vào nhau cho đỡ lạnh. Sau họ, ba cô nàng thật xinh xắn đang tung tăng cười nói với nhau. Bọn họ thật vui vẻ và hạnh phúc. Tôi cảm thấy ganh tị với những niềm vui nhỏ nhặt như thế. Tôi lầm lũi bước trong cái lạnh buốt xương của Sa Pa, tự vấn trốn chạy xong sẽ làm gì. Tôi nhìn về phía trước, cố gắng tìm kiếm một thứ gì đó mới mẻ và lạ kì. Tôi cần lắm một chuyển biến, một điều khác đi trên lối mòn tôi đang bước. Tôi cứ bước mãi, bước mãi về phía trung tâm thị trấn. Một cơn mưa phùn lất phất thả nhẹ xuống. Những hạt mưa bé xíu thấm ngay vào quần áo tôi. Giờ thì tôi chỉ có thể nhìn với khoảng cách của một cái phòng.
Tạt vào một quán cà phê có tầm nhìn ra công viên, tôi gọi ngay một cốc Capuccino nóng. Đây là thức uống duy nhất tôi có thể gọi khi bước vào một quán cà phê nào đó, nếu quán không có, tôi đành tìm nơi khác. Thức cà phê Ý này mang một sức quyến rũ đến mê người, ít nhất là đối với tôi. Tôi không cho thêm đường vào, cái vị đăng đắng chua chua dịu nhẹ cà phê pha loãng với sữa cùng thêm vị béo của bọt váng sữa giống như một sự vỗ về ấm áp những lúc ta buồn khổ. Có lần tôi đã ngồi suy ngẫm về chuyện này: một cốc Capuccino cũng giống như một đời người vậy. Lúc mới pha chế xong tương ứng với lúc ta mới ra đời, cốc cà phê còn rất nóng, uống sẽ không ngon. Cũng vậy, con người lúc mới sinh chưa là gì cả, dù có mang tiềm lực to lớn vẫn chưa đủ khả năng để phát huy. Ba đến bảy phút sau, cốc cà phê nguội dần đến một nhiệt độ âm ấm, có thể uống được, ta nên tranh thủ uống lúc đó vì cà phê sẽ ngon nhất. Đó là tuổi trẻ, là lúc xông pha, tận dụng hết những thứ mình đó, là thời gian đẹp nhất của con người. Hai mươi phút, cốc cà phê trở nên nguội hẳn đi, ba mươi phút nó sẽ nguội lạnh. Khi ấy dù cà phê còn lại trong cốc khá nhiều tôi cũng không buồn uống. Tôi sẽ thấy vui nếu đã uống cạn nó vào khi nó còn ấm, thấy tiếc khi tôi mải mê suy nghĩ mà quên dùng. Tuổi già đấy!
Cốc Capuccino làm nóng người tôi trở lại và thúc đẩy tôi tiếp tục khám phá. Trời đã tạnh, cảnh vật đã quang đãng hơn dù vẫn không biết mặt trời đã trốn biệt xứ nào. Tiếp tục đi, tôi phát hiện có một tấm bản đồ du lịch lớn đặt ở giữa phố. Dù gì cũng phải biết nên đi đâu, nên tôi ngó sơ qua đó, lẩm nhẩm trong đầu những địa điểm nên đến tham quan: núi Hàm Rồng, bản Tả Phìn, nhà thờ đá, chợ đêm Sa Pa…
Tôi rẽ vào một con phố nhỏ có bảng hướng dẫn chỉ đường lên núi Hàm Rồng. Hai bên đường lên núi người ta bày những sạp bán những món đồ lưu niệm cũng như là đặc sản của Sa Pa, nào nấm linh chi, táo mèo, thịt trâu gác bếp… Thậm chí cả dao rựa của người dân tộc thiểu số cũng được bày bán, có cả loại được thiết kế giống trường kiếm tôi xem ở những bộ phim chưởng Trung Quốc. Mưa lại bắt đẩu nhỏ giọt nhưng không nhiều như vừa rồi, vả tôi đã đi được một đoạn nên không có ý định quay đầu tìm chỗ trú (tôi vừa sực nhớ có mang theo một chiếc ô). Ngọn núi này, giống như bao ngọn núi khác được khai thác làm du lịch, được đặt những phiến đá to làm bậc thang cho du khách dễ bề trèo lên trên, nhưng cũng là mất đi vẻ hoang sơ của thiên nhiên. Tôi không có quá nhiều cảm khái về việc này vì đã từng đi leo núi vài lần. Đến một tầm khá xa, tôi nhận ra xung quanh được bao phủ bởi những đụn núi màu xanh tươi mát. Một tấm bia khắc sự tích núi Hàm Rồng gợi ý rằng tôi có thể nhìn thấy ngọn núi có hình con mãnh long đang lao lên trời. Tuy nhiên tìm cả buổi tôi chẳng thấy, thế là thôi. Núi không quá dốc, không quá mất sức để di chuyển. Tôi thoải mái bước đi như một kẻ lạc đường nhưng lại không mong tìm được lối về. Thanh bình là hai tiếng tôi dùng để miêu tả cảm nhận lúc này. Có những bảng chỉ đường đến những khu mọc đầy cỏ dại dù thoáng mờ có thể nhận ra được những tảng đá lót đường nhân tạo. Tôi quyết định lần theo những con đường ấy. Hình như người ta đã quá lâu không quan tâm đến những lối đi đó. Có khi chúng không dẫn tới đâu, hoặc chúng không đẹp, hoặc người ta chỉ muốn đi đến những nơi nổi tiếng được nhiều đánh giá gợi ý trên các trang mạng. Chắc họ vội, tôi nhủ. Một chuyến đi một hai ngày là quá ngắn để khám phá một vùng đất. Tôi chẳng vội.
Ảnh: hyun_hhi
Nơi thú vị nhất ẩn mình sau những lối đá chẳng ai đi là một cái hang tên là hang Trao Duyên. Trên đường đi tôi nghe phong thanh từ những du khách khác rằng lên đến sân Mây có thể ngắm nhìn được toàn thị trấn. Vậy là tôi cũng muốn tìm đến sân Mây. Lận đận mãi trong những bụi lá tảng đá, tôi vẫn chưa tìm được sân Mây, nhưng tôi phát hiện lối đi đến hang Trao Duyên. Lối đi có lẽ vẫn thường xuyên đón du khách, nhưng chắc chỉ trong những mùa cao điểm, người ta toả đi nhiều hướng để khám phá. Còn giờ, nhìn trước sau chỉ mỗi tôi chú ý đến nó. Leo lên một đoạn, tôi bắt gặp một cái hang nhỏ sức chứa khoảng mười người, trước hang là một vòm cây hình trái tim. Không biết vòm cây này ngẫu nhiên ghép thành biểu tượng của tình yêu nên hang mới gọi là Trao Duyên, hay người ta uốn nó thành hình như vậy với ý đồ thu hút du khách. Tôi ngồi xuống một tảng đá ở giữa hang nghỉ ngơi, ngoái vọng ra cửa hang hình trái tim mà thơ thẩn về mối tình vừa đổ vỡ cách đây không lâu. Tôi nhớ Thư. Bầu trời trong xanh ẩn mình dưới lớp sương mù mờ nhạt gợi tôi đôi mắt của nàng, chúng trong vắt như thiên không ngày thu nhưng nét buồn đã che giấu vẻ đẹp ấy. Một dịp vào tiệc sinh nhật người bạn chung, chúng tôi vô tình ngẩn ngơ nhìn sâu vào mắt nhau, tôi bỗng muốn trở thành người vén tấm màn nơi cửa sổ tâm hồn của nàng. Hai đứa sau đó bật cười, và tình yêu đến với tôi đơn giản thế đấy. Những dồn dập của cuộc sống, những đống uế thối tha của nó ném không thương tiếc vào tôi đã khiến tôi quạu quọ với bất kì ai tiếp cận tôi. Sự cáu bẳn ấy đã thay tôi đóng chốt cửa sổ tâm hồn nàng. Nàng chẳng có một lỗi lầm nào. Mọi sự tại tôi.
Lạy trời phật cuối cùng tôi cũng thấy được đường lên sân Mây. Ngay dưới sân có một bác trai bán nước giải khát tận tình chỉ dẫn người khách du lịch hướng đi. Cũng bởi vì sự vui vẻ tử tế đó mà tôi không ngăn mình mua ủng hộ bác một chai nước khi bác mời lúc đi xuống. Sân Mây là một khoảng sân không phải quá lớn, nhưng tầm nhìn rộng và thoáng đãng, được lắp bằng những miếng gỗ nhỏ hướng về phía thị trấn Sa Pa. Từ sân Mây, Sa Pa thu bé lại hoàn toàn trong tầm mắt. Mặc dù hôm ấy sương mù mịt mờ tứ phương, những công trình nhấp nhô phía dưới vẫn vươn thẳng lên bầu trời. Đằng xa, một vài khu nghỉ dưỡng cao cấp đang được gấp rút xây dựng để khai thác. Hai ba cặp đôi đến để chụp ảnh rồi mau chóng rời khỏi, còn tôi vẫn đứng đấy ném tầm nhìn ra nơi xa xăm. Tôi chẳng vội.
Bình yên quá. Tôi trốn chạy để tìm kiếm sự bình yên. Nơi chốn bình yên. Tâm hồn bình yên. Bão biển Đông chưa bao giờ chạm gót Sa Pa. Khi tôi ở đây, bão lòng ơi xin đừng tìm đến tôi, cho tôi xin một phút lặng gió thôi!
Những ngày tiếp theo diễn ra khá yên ả. Suốt hơn mười ngày trời, không đi loanh quanh thì tôi tắp vào quán cà phê lần đầu để ngồi đọc sách, đọc sách mệt rồi tôi lôi cuốn sổ ra nguệch ngoạc vài dòng. Tôi đã cho rằng mình sẽ không thích gì hơn nữa là cảm giác khoan khoái khi được đọc sách ở một nơi khí hậu như thế này, tuy lạnh nhưng nếu mặc đủ ấm thì không quá tệ, ít ra vẫn tốt hơn nhiều so với cái oi quanh năm suốt tháng của miền Nam. Tôi dành ra một khoảng không gian trong va-li để đem theo ba cuốn sách. Chính chúng nó đã giúp tôi lấp đầy thời gian rỗi rãi. Thân xác đã trốn thì tôi cũng muốn cho đầu óc tôi trốn cùng, để nó nhập tâm vào từng con chữ, hoà cùng nhịp thở với nhân vật, thoả sức tưởng tượng theo những miêu tả và dạo chơi cùng thế giới nội tâm nhân vật. Cuốn sổ tay mỏng cũng giúp tôi rất nhiều. Tôi viết lên đó những lời miêu tả, cảm nhận về vùng đất Sa Pa, về những con người tôi đã trò chuyện cùng, những thứ tôi đã gặp được. Tôi còn quay ngược trở về thời nhỏ, ghi lại những hồi ức đáng nhớ. Tất cả những chuyện đó chỉ có một mục đích duy nhất: tránh né khoảng thời gian đáng nguyền rủa của tuổi trẻ.
Nhưng rồi, ngay đến đêm trước ngày về, tôi viết đến trang cuối cùng của cuốn sổ. Ba quyển sách đã được đọc hết. Tôi không còn công cụ để lẩn trốn nữa. Đêm nay tôi phải xuống phố thôi…
Tôi bỗng lạc đến một con đường dốc chúi xuống, nơi mà tôi chưa từng phát hiện trước đây. Thật lạ, mười ngày trong một thị trấn bé tí, tôi vẫn chưa đi hết được. Đâu đó có một bảng hiệu thông báo với tôi rằng đây là khu cũ của chợ Sa Pa. Trong cơn mưa lâm râm, tôi lùi lũi tản bộ về phía dưới. Có khá nhiều hàng quán được mở, từ quán cà phê, tiệm bánh ngọt, cho đến tiệm mát-xa, tiệm lưu niệm. Hai bên lề đường là địa bàn của nhiều phụ nữ người dân tộc thiểu số bày bán các mặt hàng thủ công như quần áo, khăn choàng, giỏ xách. Tôi vô cùng xấu hổ khi thấy bọn họ dù đang trong thời tiết khắc nghiệt, vẫn vừa buôn bán vừa thoăn thoắt đôi tay đan đan, móc móc những sợi vải lại với nhau. Họ dường như làm việc cả ngày lẫn đêm không khi nào dừng. Khắp cả vùng thị trấn Sa Pa, hay luôn cả những vùng miền nùi Tây Bắc khác mà tôi đã đi ngang qua, tôi luôn thấy những cô, những bà, những chị, thậm chí cả những em gái nhỏ người đồng bào vùng cao mang vác một cái gùi sau lưng mà đi tới. Họ đi bộ qua những đoạn núi đồi xa xôi, băng suối vượt đèo, phải một ngày hai ba chục cây số là ít. Họ vẫn sống, vẫn tồn tại qua từng thế hệ cho đến hôm nay. Con người thật có tiềm năng phi thường. Có vẻ tôi chưa khai phá được chút tiềm năng nào của giống loài. Tôi uỷ mị và nhu nhược. Tôi đổ lỗi và lười biếng. Nếu tôi phải sống ở nơi khó khăn thế này, không chắc tôi có vượt qua được một tháng hay không. Tôi ghé vào một sạp hàng lựa mua bốn chiếc khăn choàng thổ cẩm với ý định một dùng, một tặng mẹ, hai chiếc còn lại sẽ tuỳ ý mà tặng bạn bè.
Xen kẽ với vùng vỉa hè thiếu ánh sáng là vài cửa hàng hào nhoáng. Trong đó có đầy đủ đèn điện, máy điều hoà, máy sưởi, chỗ ngồi, chỗ trú mưa tử tế, nhưng lại thiếu sinh khí. Những cặp mắt dán chặt vào màn hình điện thoại thông minh. Tôi phát bực vì họ luôn mở miệng mời mọc tôi dùng dịch vụ với một âm điệu tẻ nhạt và máy móc. Một nửa con mắt ngước lên nhìn vật thể đang chuyển động là tôi, họ chạy một chương trình được cài sẵn, câu chào khách được phát ra và vụt tắt ngau sau. Thiên đường và địa ngục thật ra chỉ cách vài bước đi.
Ngao ngán thả bước, tôi để cho những hình ảnh và âm thanh lướt qua. Đôi tay tôi bỗng vô thức đưa lên; tay phải cong hờ, ngón cái chạm nhẹ vào đốt giữa ngón giữa; tay trái đưa lên ngang ngực, ba ngón tay ở giữa xuống theo nhịp điệu ấn xuống, trong khi tay phải thì đẩy tới kéo lui. À, một tiệm đâu đó đang phát bản giao hưởng số 14 cho dương cầm của Beethoven, bản xô-nát Ánh Trăng, đã là chương thứ hai (*) rồi. Tôi đã phản xạ với âm điệu đó bằng những nốt vĩ cầm tưởng tượng. Đêm đó tôi không phát hiện được ánh trăng, cứ để cho âm nhạc làm ánh trăng của lòng tôi vậy. Tôi bước ngắn lại, đập chân theo nhịp nhạc. Chương thứ hai vừa kết thúc, chương ba cất lên cũng là lúc tôi chú ý đến một chiếc ô con con được bung ra nằm trên vỉa hè, một góc tấm nhựa lót lộ ra gợi ý chiếc ô đang che cho thứ gì đó. Hẳn là che đậy hàng bán rồi, tôi đoán. Âm nhạc gần như kéo tôi ra khỏi thực tế, do đó tôi như làm ngơ với sự việc trước mắt thì một đôi dép tổ ong tí hon hiện dần ra khi tôi bước tiếp. Trong khoảnh khắc, tôi buông thỏng tay, tiếng dương cầm vẫn phát tiếp những đoạn nồng nhiệt và cháy bỏng của chương Presto Agitato. Đó là một em bé nhỏ xíu, chỉ khoảng bốn năm tuổi đang ngồi chơ vơ giữa chợ trời Sa Pa mưa phùn rỉ rỏ. Thân hình em đã bé nhỏ, nay càng bé hơn khi em co ro vào một góc cho trọn chiếc ô. Đầu em tựa sát vách tường phía sau gật gù nhắm mắt ngủ. Em đang mơ giấc mơ gì đó em gái bé nhỏ? Có phải em đang mơ về ngôi nhà ấm với lò sưởi quây quần không? Ánh trăng của Beethoven có sưởi ấm được em không?

Một lực vô hình nào đó kéo tôi đi tiếp. Chân tôi bỗng dưng không dừng được. Tiếng nhạc đã khuất dần. Dù không quay lại nhìn nhưng đầu tôi vẫn không thôi tái hiện hình ảnh ấy: một mình em gái bé bỏng lọt thỏm trong khu chợ cũ, với quầy hàng nhỏ xíu bên cạnh, đôi dép tổ ong được xếp ngay ngắn, và chiếc ô đang cố làm tốt nhiệm vụ của nó. Cha mẹ em đâu? Người ta thường dặn dò trên mạng Internet rằng người dân tộc thiểu số có thể lợi dụng lòng thương của du khách để họ cho tiền hay mua hàng từ những đứa bé đáng yêu. Chắc là mẹ em đã mang em ra đây, dặn dò đôi câu rồi đi mất. Sao tôi vẫn đi tiếp!
Con đường vắng dần bóng người. Tiếng nhạc xập xình vẫn vang ra. Tôi phải quay lại thôi, hết đường rồi. Có lẽ tôi sẽ đến chỗ em ấy, chọn mua một món đồ lưu niệm giúp vậy. Có mục đích, tôi bước nhanh hơn, thoáng chốc đã đến. Em vẫn ngồi khép nép ở đấy. Khung cảnh bỗng im lặng không tả nổi. Tiếng nhạc dừng trong chốc lát. Tôi chậm rãi ngồi xuống bên em. Em choàng tỉnh từ từ mở đôi mắt ra. Tôi yêu những đôi mắt, chúng nó thật sự biết nói nếu ta nhìn đủ lâu vào chúng. Tôi đọc được vẻ mệt mỏi trong mắt em, cả nét ngây thơ và cam chịu. Số phận đã đưa em chịu rét ở nơi này.
“Cái chuông nhỏ này có giá bao nhiêu vậy em?” Tôi hỏi.
Giọng nói nhỏ xíu như thân hình em vậy, tôi nghe em đáp “mười nghìn”. “Thế cho anh lấy hai cái nhé. Là hai mươi nghìn phải không?” Em gật đầu. Nếu sinh khí là một ngọn lửa, tôi chỉ thấy trong em như một que diêm sắp tắt. Giá như em là cô bé bán diêm của Andersen, em còn có cơ hội thắp sắng lên thêm. Em ở đây, nơi sơn cước Sa Pa, lạc lõng giữa phố thị đèn điện sáng chói, nhưng em không cháy sáng hơn nữa. Toan trả tiền, tôi phát hiện mình không có tiền lẻ, hỏi thì em bảo không có tiền thối. Nhìn quanh, cứu tinh của tôi là tiệm bánh ngay sát bên.
Đây ắt hẳn là nơi đã phát bản xô-nát Ánh Trăng ban nãy, vì giờ tôi nghe rõ ràng một bản giao hưởng khác của Lizst. Một tiệm bánh sang trọng với thiết kế châu Âu, bên trong tương đối nhiều khách Tây. Một vài gia đình Việt cũng thưởng thức bánh và nhâm nhi một tách trà nóng. Quả là tuyệt vời trong thời tiết như thế này. Mọi thứ hoàn toàn khác so với đêm lạnh giá ngay trước hiên. Tôi gọi một chiếc tiramisu đem về. Quán sang trọng nhưng phục vụ không đi kèm với giá cả. Phải đến hơn năm phút sau bánh mới đến được tay tôi. Lấy được bánh và tiền lẻ, tôi quay về lại thế giới ngoài kia. Em vẫn ngồi đấy không động.
Tôi cười nhìn em, tay đem hai mươi nghìn đưa cho em và lấy hai cái chuông nhỏ cho vào ba-lô. Tôi thật muốn nắm lấy bàn tay em, và tôi đã làm thế. Nụ cười tắt ngúm. Trời ơi! Bao lâu nay tôi đã nắm lấy đôi bàn tay của biết bao đứa trẻ lên năm lên sáu, tất cả bọn chúng đều mềm mại, trơn láng, cầm thật thích. Nhưng giờ đây, tôi nhớ đến đôi bàn tay của mẹ tôi, chúng chai sạm và thô ráp vì những việc khổ sở bà đã làm từ khi còn bé cho đến tận lúc về già. Bàn tay tôi đang cầm đây, nào phải của một đứa bé tuổi em, nó đã phải làm những việc cực nhọc gì nào ai biết.
“Em có lạnh không?” Tôi nghẹn ngào hỏi. Em gật đầu yếu ớt. Đôi mắt em không biết nói dối. Lục lọi trong chiếc ba-lô, tôi rút ra một tấm khăn choàng, nhẹ nhàng quàng cổ cho em.
“Em ăn gì chưa?”
“Rồi.”
“Em ăn ở nhà hả?”
Gật.
“Mẹ em đâu?”
Mắt ngước về phía xa, rồi lắc đầu.
“Thôi, cho em chiếc bánh này, khi nào đói hãy lấy ăn nhé!”
Gật gật.
Tôi đi ngay. Tôi phải đi ngay. Tôi không thể làm gì thêm được nữa. Mà tôi có thể làm gì chứ? Tôi sợ rằng tôi sẽ khóc ngay ở đấy. Số phận tôi là gì so với em. Em đã ở đấy hằng đêm không chừng. Mai tôi về rồi, sẽ không phải thấy những cảnh ngộ thế này nữa. Tôi đã làm hết sức có thể. Tôi đã làm sai nguyên tắc rồi. Đáng lẽ tôi không nên mềm lòng với những điều như thế. Mọi người đã dặn dò nhiều rồi mà. Lắc đầu rũ bỏ những hạt mưa đọng trên tóc cũng như để cho tỉnh táo, tôi về khách sạn.
Sáng hôm sau, tôi dậy sớm sửa soạn và trả phòng. Không biết mình có đạt được mục đích của chuyến đi hay không, nhưng đến lúc tôi phải về. Chuyến xe về xuôi sẽ khởi hành lúc tám giờ nên tôi phải ăn sáng ngay cho kịp giờ. Mọi thứ hoàn tất vào lúc bảy rưỡi, vẫn còn kịp cho một tách Cappucino. Như mọi quán cà phê khắp nơi trên thế giới, người ta ngồi tán dóc những chuyện trên trời dưới đất. Để không phải suy nghĩ vẩn vơ, tôi chăm chú lắng nghe những câu chuyện về con heo, về cái máy giã gạo, hay về cả luật An ninh mạng đang gây xôn xao. Và rồi một tin tức khiến tôi ngẩn người: có một đứa bé chết rét trên vỉa hè khu chợ cũ. Tôi bật ngay dậy và chạy về phía chợ cũ. Không phải là em, không phải em ấy. Không phải cô gái bé nhỏ mà tôi đã mua chuông. Tôi bỗng nhận ra tiếng chuông kêu leng keng sau lưng, tối qua tôi đã đính nó lên ba-lô. Tiếng chuông như báo hiệu thời gian đã hết làm tôi càng chạy nhanh hơn. Tới đầu khu chợ, tôi khuỵ xuống mặt đường ướt át. Có một nhóm người đang vây quanh nơi tôi đã ghé ngang đêm qua…
Cố gắng lê mình đến đám đông, tôi thấy một hình hài quen thuộc đang ngồi đó. Em vẫn bất động như đêm qua. Chiếc ô con đã hoàn thành nhiệm vụ của nó. Đôi dép nhỏ xếp ngay ngắn. Hình như không ai đến mua những món hàng nhỏ xinh sau khi tôi rời đi. Mẹ em đã quên rằng em đã chiến đấu với thần gió ác ôn cả đêm qua, khi mọi người rú mình trong tấm chăn dày cộm. Hộp bánh đã mở, nhưng bánh còn đến quá nửa. Chiếc khăn choàng vẫn trung thành ôm sát cổ em. Em đi qua bên kia chắc sẽ không lạnh nữa. Bỗng xô-nát Ánh Trăng lần nữa vang lên, là chương Adagio sostenuto, giai điệu êm dịu dập tan bão tố trong lòng tôi. Hai vệt nước mắt lăn dài trên má. Giá như bây giờ trời mưa hay giá như tôi có thể cho em chút nước ấm hay giá như tôi có thể cho em một chiếc áo khoác hay giá như tôi có thể ôm em vào lòng mà càng giá như tôi khóc càng dữ dội khiến một vài cặp mắt nghía sang và vài ba cô gái cũng khóc theo. Hôm nay trời đổ nắng, đổ những giọt sáng rực rỡ xuống gò má không thể nào ấm áp trở lại của cô bé. Tôi trông thấy em hồng hào và yên giấc, dường như một giấc ngủ ngon và dài sau chuỗi chiến đấu cùng buốt giá mệt mỏi. Y tế đến đưa thân thể bé bỏng ấy đi. Khi quay người về hướng họ, tiếng chuông lại vang lên leng keng. Đoàn người tản mát dần bỏ lại tôi và những gì còn lại của em trên vỉa hè kia. Tôi thấy mình có nhiệm vụ giữ gìn những món đồ này cho đến khi có người đến lấy. Lau khô nước mắt trên mặt, tôi ngồi xuống nơi mà tôi đã ngồi tối qua, bên cạnh em.
Lát sau, tôi mò tay tìm chiếc điện thoại đã tắt nguồn những ngày qua và bật nó lên. Tôi bấm một dãy số quen thuộc và chờ đợi tiếng hồi âm từ bên kia. Tút…tút…tút… A-lô…
Tôi không nhớ rõ tôi đã nói những gì, nhưng tôi nhớ mình đã khóc như một đứa trẻ đòi sữa mẹ. Tôi đòi một vòng tay vỗ về, một nơi tôi được ấm áp không phải chịu gió rét của cuộc đời. Lần đó tôi gọi Thư.
Đến tận chiều, khi hoàng hôn đã buông rèm cam, một người phụ nữ lặng lẽ bước đến bên tôi với đôi mắt đỏ hoe và sưng tấy. Bà nhẹ nhàng thu dọn những món đồ của em. Tôi bước đến ngỏ ý muốn mua cây dù, nhưng bà ra hiệu rằng tôi cứ lấy nó, không phải trả tiền. Rồi bà lặng lẽ đi cũng như đến, trên lưng bà đang địu một linh hồn. Mang cây dù nhỏ chẳng che hết thân thể, tôi bước đi sau hàng giờ ngồi đăm chiêu và nghĩ ngợi. Chiếc chuông khẽ rung lên leng keng, tôi nhớ đến một sinh linh nhỏ bé vừa hoá thân. Kiên cường lắm, xinh đẹp lắm. Ngồi trên chuyến xe cuối cùng về lại Hà Nội, tôi ngắm thấy Sa Pa dần xa với một nỗi buồn. Sa Pa chưa bao giờ thay đổi, nơi mà những con người vẫn âm thầm đối chọi với sự vô tình của thời tiết mà tận tuỵ làm việc, như anh thanh niên trạm khí tượng, như anh bạn trạm đỉnh Fansipan, hay ông kĩ sư vườn su hào trong truyện Lặng lẽ Sa Pa, đến cả những cô gái, cậu trai bé nhỏ vác trên lưng cái gùi từng bước một tiến về phía trước. Nơi này là nơi tôi chọn để trốn tránh thực tại, nhưng nó còn thực hơn cả mọi nơi. Nó đem đi mất người em mà tôi đã chọn giúp đỡ chỉ trong vài giờ. Tôi ngó xuống chiếc ô mang những sắc màu sặc sỡ đã cố gắng che chắn cho em và khẽ cựa người. Tôi nhớ ra tôi vẫn còn hai chiếc chuông nhỏ. Mãi sau khi tôi về đến nhà, một chiếc tôi vẫn treo trên ba-lô, một chiếc tôi treo lên trước mặt mình, chiếc ô thì được treo ngay kệ sách để nhắc nhở sự kiện ngày hôm ấy. Còn giờ đây, tôi đang từ giã Sa Pa để trở về với đời sống của mình, tìm lại bản thân và tình yêu đã bị đánh mất. Nhưng quan trọng hơn, nỗi xúc động trong tôi trở thành một niềm cảm hứng bất tận cho cuộc đời mới. Chiếc chuông nhỏ ở Sa Pa lại khẽ leng keng.
(*) Xô-nát Ánh Trăng: là bản giao hưởng dành cho dương cầm nổi tiếng của Beethoven, gồm có 3 chương:
Chương 1: Adagio sostenuto
Chương 2: Allegretto
Chương 3: Presto agitato