Cuộc đời của bất kì một sinh vật nào cũng được gắn chặt với 2 thứ: khởi sinh và bước vào thế giới và kết thúc - cái chết tại cuối con đường.
Từ cổ chí kim cho đến thời đại hiện tại, những bậc hiền triết, những con người đau đáu đi tìm lòng thỏa mãn ham muốn trí tuệ và sự thông hiểu, đã đặt ra câu hỏi mà có lẽ không một con người nào có thể trả lời được: "Cái chết là gì? Nếu một mai ta phải chết do thuận lẽ tự nhiên, thì sao còn sống làm gì?". Cái chết, lúc này đây, không còn là một hiện tượng tự nhiên đơn thuần, mà còn là một bí ẩn mà không ai trả lời được, và cũng không ai có đủ can đảm đi tìm câu trả lời.
Con người vốn là một sinh vật yếu đuối và nhỏ bé, với tầm hiểu biết và lối suy nghĩ hạn hẹp của chúng ta, chắc hẳn dù có cố gắng đến mấy, ta cũng không thể tìm được cách nào để hiểu về cái chết - hoặc đó là những gì nhiều người nghĩ. Họ luôn vất vưởng đi tìm câu trả lời của cái chết, nhưng với mình, có lẽ, con người đã hiểu quá rõ về cái chết tới mức họ không thể chấp nhận được việc một thứ trên cõi đời này có thể đơn giản đến vậy. Và vậy là họ rong ruổi khắp mọi nẻo đường tri thức chỉ để tìm kiếm sự thỏa mãn vốn xuất phát từ sự hụt hẫng của bản thân. Đúng là cái chết có một tầm ảnh hưởng vô cùng quan trọng với con người, và rất nhiều sinh vật khác trong tự nhiên khác nữa. Nhưng vì mục đích đào sâu vào mệnh đề " cái chết đơn giản" của mình ở phía trên, mình xin phép được lấy con người làm chủ đề trung tâm để chứng minh cho mệnh đề.
Tại sao mình lại nói "cái chết đơn giản"? Vì thực sự cái chết chỉ là... cái chết. Thứ mà con người nỗ lực đạt lấy luôn là thứ xuất hiện trước hoặc sau cái chết, cái chết gạt bỏ đi tất cả: thành tựu, tiền tài, danh vọng, đạo đức, ý chí, niềm tin,... Một khi đã chết rồi, thì ai cũng như ai, và lúc này đây, con người ta bình đẳng tuyệt đối. Cái chết gạt bỏ hết tất cả những thứ mà một con người có thể có, vì nó là sự kết thúc, sự tận cùng vĩnh hằng mà dù có cố gắng cách mấy cũng không thể đánh đổi được. Nó đơn giản là vì vậy đấy. Cái chết khiến con người ta chẳng còn gì cả, cái chết chỉ thuần túy là một điều ai cũng phải đối mặt, và một khi nó đến, thì ta không là gì cả. Không là gì hết, ngoài một cái xác lạnh đang dần xanh thâm lại và chờ bị mục ruỗng bởi dòi bọ.
Những gì mà con người ta quan tâm không phải là cái chết của một người, mà là những tác động, những điều mà cái chết ảnh hưởng lên những con người khác. Cái chết gợi nhắc con người ta về sự hữu hạn, chứ nó không phải là sự hữu hạn, và nó cũng âm thầm nhắc nhở rằng cuộc đời của 1 người chẳng mấy tay gang rồi cũng sẽ kết thúc. Cái chết đốc thúc những con người khác hãy nhanh lên, hãy nỗ lực lên, như các y bác sĩ khẩn trương tìm cách cứu lấy bệnh nhân, hay một con người phải biết sống vội lên, sống tích cực để tận hưởng lấy hương vị cuộc đời mình, để khi chết ta không còn hối tiếc. Sự xuất hiện của cái chết khơi gợi trong con người những hỉ nộ ái ố, những cảm xúc có thể dịu nhẹ hay cuồn cuộn trào dâng, những gánh nặng tinh thần đè lên trái tim của người còn sống, những kỉ niệm trong quá khứ, thời gian và thế giới quan,... tất cả đều xảy ra do tác động của cái chết, chứ không hề là cái chết. Thứ mà con người ta quan tâm chính là sự định giá về cuộc đời khi đối mặt với cái chết, chứ chưa bao giờ là cái chết cả. Cái chết thực ra chẳng là gì, mà những thứ nó liên lụy và kéo vào mới đáng quan tâm với con người.
Mình đã đọc nhiều tác phẩm nói về cái chết, sự vật lộn của con người với cái chết, sự thống khổ của họ để tìm ra cách thoát khỏi cái chết, thoát ra một cuộc đời không ý nghĩa, nhưng mình vẫn nghi ngờ: họ đã thực sự nhìn thẳng vào cái chết chưa? Họ nói về nó nhưng lại nói về những hệ quả và sự liên lụy của nó chứ không phải về nó. Về con người, về những sự gắn kết, về ý nghĩa sống, về việc chứng kiến cái chết của người khác,... họ cảm nhận cái chết vây trùm mình theo nhiều cách khác nhau nhưng nó không phải là cái chết.
Mình không nghĩ cái chết cần một định nghĩa hay sự hình dung cụ thể nào cả. Vì con người vẫn đang tận hưởng và suy ngẫm, bao trùm trong cái chết hằng ngày. Nó quá đỗi hiển nhiên nên ta dù có nghĩ đến thế nào cũng không thể giải thích nó, mà nói đúng hơn là không cần phải giải quyết.
Con người là một sinh vật nhỏ bé, đúng vậy. Ta yếu đuối, vô lực trước thiên nhiên và cuộc đời, khi những con người khác cũng yếu đuối và cố gắng chèn ép, chà đạp nhau, khiến ta bị bóp nghẹt và không thể thoát ra. Nhưng nếu ta yếu đuối như vậy, thì sao ta lại không chấp nhận nó nhỉ? Ta đằng nào cũng yếu đuối, vậy hãy cứ sống thật thoải mái, sống với đủ mọi cung bậc cảm xúc để thấy cuộc đời này còn đáng ngắm nhìn, không chỉ vậy, còn thấy rằng có những con người ngoài kia vẫn cần ta, quan tâm ta, và ta là một phần trong cả thế giới mà họ sống. Dù ta nhỏ bé và thế giới rộng lớn này không cần ta, ta vẫn tiếp tục sống vì những con người như vậy.