Hồi tôi còn đi học, Tây Bắc là một nơi nào đó xa xôi thoáng hiện lên qua những vần thơ, lơ mơ khi ngủ gật giờ văn. Tôi học không giỏi môn văn, cả tôi và các cô giáo dạy văn đều ngầm hiểu điều đó nhưng lạ là họ vẫn quý mến tôi, phải chăng họ nhìn thấy được điều gì trong tâm hồn của tôi?
Somewhere in Tay Bac
Somewhere in Tay Bac
Đầu năm lớp 10, tôi tạo được ấn tượng tốt với cô giáo dạy văn khi đứng lên đọc một bài thơ của Hàn Mặc Tử dù nó không có trong SGK. Tôi vẫn nhớ rõ cái cảm giác thích thú từ lần đầu tiên đọc được một bài thơ hay, đó là một dạo mẹ tôi mang về quyển sách "Góc sân và khoảng trời" của chú Trần Đăng Khoa, tôi say mê lắm, biến những vần thơ thành những ảo mộng rồi đưa vào trong tâm trí. Mặc dù làm nghề giáo nhưng mẹ tôi không thích tôi đọc quá nhiều sách, bà cho rằng nó viển vông, như "chú Thắng". Trong con mắt của nhiều người ở làng tôi, chú Thắng là một người thích đọc tiểu thuyết lãng mạn, nên tôi hiểu được điều mà mẹ tôi lo sợ. Trái ngược với người lớn, bọn trẻ chúng tôi rất quý chú, hay nhờ chú đẽo quay, có lần ông anh họ của tôi đã nghe lời xui dại của chú mà "dũng cảm" chặt phăng cây hồng xiêm đang độ xuân thì trong vườn chỉ để nhờ chú làm con quay oách nhất xóm. Tất nhiên là câu chuyện chẳng đi tới đâu, người thì khoái chí, người thì lằn đít, chỉ có cây hồng xiêm đến giờ vẫn còn ngơ ngác.
Tôi có một người bố tuyệt vời! đến giờ tôi vẫn luôn tự hào về điều đó. Bố không đẽo quay cho tôi như chú Thắng, thay vào đó ông chặt cả cây ổi bên bờ ao rồi mang ra tiệm tiện quay. Cả nhà tôi ai cũng vui sau chiều hôm đó, cho đến khi chợt nhận ra từ giờ không còn được ăn ổi nữa. Cũng vì lẽ đó mà tôi thích bài thu sang của Hữu Thỉnh hơn mức bình thường. Tôi thích học văn, nhưng không thích cách học văn ở trường - chim mẹ mớm mồi cho chim non, đàn con non đói ăn gân cổ lên mà há miệng chờ. Tính tôi không háu ăn nên tôi rất "gầy", tôi thích hiểu theo ý của tôi, bằng một tư duy non nớt chưa vỡ bọng c**.
Đến khi đủ lông đủ cánh, được thả mình giữa núi rừng Tây Bắc, tôi nghĩ tới cô giáo dạy văn cấp 3, có một điều gì đó thôi thúc tôi gọi cho cô, rồi tôi sẽ kể cô nghe về chuyến đi của tôi tuyệt vời như thế nào, sự hùng vĩ của thiên nhiên trong bài giảng của cô tôi đã cảm nhận được ra sao và những dự định của tôi - tôi muốn biến những bài giảng của cô thành những thước phim chân thực nhất, kể chúng bằng một trái tim chân thành như cách mà cô say sưa với bài giảng. Nhưng cuối cùng, tất cả chỉ ở trong suy nghĩ của tôi, cô giáo đáng mến của tôi sẽ không bao giờ biết được chuyện này.
Hái chè tại Tây Bắc
Hái chè tại Tây Bắc
Tôi không hề biết trước khi nào mình sẽ đi Tây Bắc, mọi thứ đến thật tình cờ, như cách mà anh Sony đã từng nói "em đang ở tầng nào sẽ gặp được những con người ở cùng tầng đó". Tôi tin vào điều đó! Nên tôi đi lãng du khắp thế gian để kết nối với những con người giống mình, khác gì đâu Quách Ngọc Ngoan đi qua giông bão. Đó là suy nghĩ của sau này, trước mỗi chuyến đi tôi không nghĩ ngợi gì nhiều, nhưng cứ như thể những con người đó, họ ở đó, vào thời điểm đó chỉ để chờ tôi tới như một mối nhân duyên lạ kỳ. Tôi trân trọng điều đó, đón nhận những tình cảm của họ rồi lại đối xử tốt với mọi người.
Gần đây, niềm tin của tôi được củng cố hơn khi tiếp nạp thuyết của Trang Tử, điều gì đến rồi sẽ đến, cứ vui vẻ mà đón nhận. Tôi đang chờ một điều gì đó sắp đến!
Chắc bởi vì tôi sắp phải đối diện với một nghĩa vụ thiêng liêng đối với đảng và nhà nước nên mới có động lực viết ra những dòng suy nghĩ ngẩn ngơ này. Bài viết này mà nộp cho cô giáo dạy văn của tôi, tôi nghĩ cô sẽ lại phê là lạc đề, nhưng tôi vẫn cứ viết, viết cho "Hanoi kiều diễm" của tôi, viết cho ngày mai chưa tới, viết cho những dòng chữ này nhòa đi vì những cơn mưa của Sài Gòn. Hệt như cách Zima đã đi tìm kiếm sự thật, phiêu du khắp thế gian, đàm đạo với vũ trụ, sau cùng cũng chỉ để trở về "nhà".