(Có một cuốn sách có tựa đề như trên nhưng tôi chưa đọc cuốn đó).

Kinh tế học vĩ mô là đề tài thú vị và được quan tâm từ khá sớm. Nhưng đến bây giờ những kiến thức có được chỉ đủ cho ta hiểu một số tính chất của nền kinh tế và...dự đoán. Mà dự đoán thì cũng giống như "dự báo thời tiết", đúng sai rất khó nói, dù ta đã có những thiết bị hiện đại như vệ tinh đi nữa.
CÂU CHUYỆN VỀ 2 ANH CHÀNG ĐI BÁN RƯỢU
Có 2 anh chàng vô công rỗi nghề, có vợ rồi mà chẳng chịu làm gì cả. 2 người vợ mới bàn tính với nhau, gom góp một chút vốn để đưa cho 2 anh đi mà kiếm gì đấy để buôn bán!
Sau khi bàn tính, 2 anh chàng quyết định mua...1 hũ rượu to để lên chợ huyện bán! Đường lên chợ huyện phải đi đường sông, 2 anh phải chèo thuyền vào ban đêm để sáng sớm bán ở chợ.
Đường thì xa, đêm khuya thanh vắng, tiết trời lành lạnh, chèo thuyền cũng mỏi, anh chàng ngồi phía đầu thuyền vô tình chạm vào túi áo, tiếng leng keng nhắc anh nhớ là trong túi vẫn còn 10 cắc sót lại, để làm chi phí đi đường. Bỗng một "sáng kiến" chợt lóe lên trong đầu, anh ta nói anh ở cuối thuyền dừng lại và...bán cho anh ta 10 cắc rượu! Anh ở cuối thuyền thấy không có vấn đề gì, vì rượu là để bán mà! Thế là 2 người múc ra 10 cắc rượu, cùng nhau cụng ly, uống, rồi anh đầu thuyền đưa 10 cắc cho anh cuối thuyền.
Câu chuyện vẫn tiếp tục như thế, tức là anh cuối thuyền dùng 10 cắc để mua rượu của anh đầu thuyền để cả 2 cùng uống, rồi anh đầu thuyền lại tiếp tục mua rượu.
Trời gần sáng, hũ rượu cạn queo, 2 anh chàng say chí tử, để mặc cho dòng sông đưa thuyền đi đâu thì đi.
----
Câu chuyện trên cho thấy một "nền kinh tế" hoạt động hết sức nhộn nhịp. Nhu cầu tiền để trao đổi chỉ là 10 cắc (cứ cho là nhỏ so với giá trị của hũ rượu) nhưng nếu cứ mua đi bán lại liên tục thì 10 cắc thậm chí ít hơn cũng đủ rồi!
Thế rồi nền kinh tế kiểu này sẽ sụp đổ như hủ rượu kia, mà những gì còn lại là 10 cắc không có mấy giá trị!
BONG BÓNG BẤT ĐỘNG SẢN
Đất không thể sinh sôi thêm, người thì mỗi ngày một đông hơn, hoặc nhu cầu tập trung mật độ cao ở các thành phố phát triển khiến giá đất ngày càng cao lên là chắc chắn.
Tuy nhiên giá đất không chỉ tăng theo nhu cầu thực như thế mà còn tăng do dân mua bán, kinh doanh bất động sản. Luôn có những dự án bất động sản mới hoặc các "nhà môi giới" luôn chào bán nhà đất ...ở ngã tư! Đây là ngành hàng có thể mua đi bán lại, càng mua bán thì giá lại càng cao những người môi giới tiếp tục kiếm ra tiền. Người ta không chỉ mua bằng tiền để dành mà còn bằng tiền đi vay. Người ta luôn muốn bán giá cao hơn....cứ thế, giá trị nhà đất sẽ tăng đến một lúc nào đó đùng một phát rất nhiều người mắc nợ, phải bán tháo nhà đất, nợ xấu tràn lan. Nhưng giá đất thì đã thiết lập một "mặt bằng" mới rồi, và khi giá giảm đi "một ít" thì sẽ có những người "có sẵn tiền" mua vào để "giữ giá".

Bất động sản ảnh hưởng hầu như tất cả các ngành hàng khác. Bởi vì người ta phải sống trong nhà của mình(dù là mua hay thuê) và các công ty cũng cần văn phòng, kho bãi hay cửa hàng để kinh doanh. Chi phí cho bất động sản tăng đồng nghĩa với giá thành sản phẩm cũng tăng theo và điều này làm người ta nghĩ tới lạm phát hay tiền bị mất giá! Tiền bị mất giá thì giá bất động sản càng phải tăng hơn nữa vì nó thường được neo theo giá vàng hay giá đô la. Thế là cái vòng lẩn quẩn như thế sẽ khiến nền kinh tế mãi giậm chân tại chỗ hoặc suy thoái.
GIÁ TRỊ THẶNG DƯ
Giá trị thặng dư được "nổi tiếng" từ khi Mark nhắc đến nó:
Nguyên liệu (tiền) + sức lao động < Hàng hóa (Tiền thu về từ việc bán hàng.)
Vấn đề ở đây là vì sao người ta đồng ý trả nhiều tiền hơn (có giá trị thặng dư) cho giá thành của hàng hóa?
Ví dụ, 1 ly cà phê sau khi cộng hết tất cả chi phí lại chỉ có vài k VND. Nhưng người ta có thể bán nó với giá hơn 10k hoặc gần 100k?
Giá trị của sức lao động (đúng đắn) sẽ mang lại giá trị to lớn hơn. Ở đây không bàn chuyện ai bóc lột ai, mà nói đây là cái cách nền kinh tế trở nên..."giàu có hơn", vì đã sinh ra thêm giá trị.

THẾ CÒN CỦA CẢI HAY SỰ GIÀU CÓ?
Về mặt cá nhân, một người nếu kiếm được nhiều tiền hơn nhu cầu xài tiền (thu nhiều hơn chi) thì sẽ dần trở nên giàu có. Tức là đến một lúc nào đó người này không cần lao động để kiếm tiền mà chỉ cần xài tiền đã kiếm được cho đến khi .... qua đời!
Tuy nhiên, tiền thì lại mất giá (có thể do...bất động sản tăng giá). Vậy thì người này không thể giàu nếu chỉ tích lũy tiền. Mấu chốt của sự giàu có không phải là sự tích lũy tiền! Vậy thì tích lũy vàng ?(Bởi vì đô la cũng là tiền và cũng bị mất giá). Vàng có thể lên xuống trong một lúc nào đó nhưng nhìn chung không bị mất giá. Người ta nói "miệng ăn thì núi lỡ", dù có nhiều vàng mà cứ xài mãi cũng sẽ hết.
Vậy các quốc gia giàu có là vì cái gì?
Trước tiên cứ nhìn để so sánh xem họ có cái gì hơn chúng ta? Cơ sở hạ tầng của họ rất phát triển, dân họ có thể lái xe hoặc đi tàu điện hàng trăm cây số mỗi ngày để đi làm. Khoa học công nghệ của họ phát triển, vì thế năng suất lao động của họ cao, chất lượng sản phẩm cao. Họ có nhiều tiền, và sử dụng tiền hiệu quả để sinh thêm lợi nhuận. Đó là sự giàu có, những giá trị được tích lũy rất lâu dài trong cơ sở hạ tầng, trong khoa học công nghệ, trong con người, cho phát minh, sáng chế...
Vậy muốn giàu có, thì phải tích lũy giá trị (sức lao động, tiền bạc) vào những thứ đem lại sự giàu có như đã nói ở trên.
VẬY CẦN LÀM GÌ ĐỂ ĐƯỢC GIÀU CÓ
Trước tiên xin bàn về một loại bình luận trên các báo kiểu như:
- Đánh bắt hải sản là...sát sinh! Và những người này cần bỏ nghề đi!
- Ăn chay là tốt cho sức khỏe, nhân đạo với động vật và...văn minh!
Tôi từng "phản pháo" rằng: nếu những ngư dân không đánh bắt hải sản thì cả hàng loạt các bộ phận kinh tế liên quan đều mất công ăn việc làm. Xăng dầu không bán được, xưởng đóng tàu không hoạt động, những người khuân vác, bán buôn bán lẻ cá, những nhà vận chuyển, chế biến, những người buôn bán ở chợ, những quán ăn, nhà hàng, kể cả du lịch....đều thất nghiệp hoặc giảm mạnh doanh thu dẫn đến sa thải hàng loạt nhân viên!! Con số "ăn không ngồi rồi" này sẽ lớn khủng khiếp và ai sẽ là người nuôi gia đình họ?!
Những người có những bình luận ở trên vẫn "ngoan cố" nói rằng những người bị mất việc ấy sẽ tự tìm được việc khác thôi! Nhưng vấn đề ở đây là nền kinh tế bị mất một "chuỗi giá trị" (nếu các bạn còn nhớ, thì mỗi lần "sang tay" từ người này sang người khác thì sẽ tạo ra giá trị). Nếu những người thất nghiệp chuyển sang ngành khác thì sẽ tạo thêm áp lực cho ngành khác, giá tiền lương chắc chắn sẽ rẻ đi trong khi nhu cầu mua hàng của ngành khác chưa chắc sẽ tăng tương ứng.
Như vậy, mấu chốt của sự giàu có là phải liên tục làm ra những sản phẩm "có giá trị cao", ít nhất là cao hơn giá thành rất nhiều. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, vì những giá trị này cần có sự lan tỏa tích cực kiểu như:
- Nếu chi phí ăn uống rẻ đi, thì tôi sẽ có nhiều tiền hơn để đầu tư cho sức khỏe hay học tập.
- Nếu công nghệ phát triển thì nó sẽ thúc đẩy năng suất ở tất cả các ngành, dẫn đến tăng lợi nhuận.
KINH TẾ PHÁT TRIỂN CẦN SỰ VẬN ĐỘNG, NĂNG ĐỘNG
Dòng tiền cần lan tỏa một cách trơn tru qua các ngành kinh tế. Nếu bị chững lại ở đâu đó, ví dụ như chi phí bất động sản quá cao, chi phí vận tải cao, thiếu công nghiệp phụ trợ, thiếu chuyên gia (con người), phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu (máy móc, nguyên liệu)...thì tốc độ phát triển lập tức bị ảnh hưởng.
Kinh tế cần năng động, cần luôn tìm kiếm những lĩnh vực mang lại giá trị cao, hiệu quả đầu tư cao. Tức là phải luôn giữ cho thu vượt chi.
Cuối cùng, những giá trị mà nền kinh tế tạo ra phải được tích lũy vào những thứ căn bản, hữu ích như: hạ tầng, khoa học công nghệ, con người (chuyên gia)... đây là những cơ sở, điều kiện vững chắc để giảm chi phí đầu vào, từ đó có lợi thế cạnh tranh, dễ kiếm được lợi nhuận cao hơn.
KHAI THÁC TÀI NGUYÊN ĐỂ LÀM KINH TẾ
Ráng nói thêm một chút, nhiều người lo ngại rằng nền kinh tế quá phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, ví dụ như: khai thác thủy hải sản, khai thác mỏ, dầu, khai thác rừng... đến một lúc chúng ta không còn tài nguyên thì làm thế nào?
Đây là vấn đề cần khoa học công nghệ giải quyết và người ta cũng không đứng nhìn. Năng lượng tái tạo, năng lượng thay thế đã và đang được nghiên cứu. Các nguyên liệu có thể tái chế, sử dụng lại sẽ được (hay buộc) phải được tái chế. Những tài nguyên có thể phục hồi như rừng thì phải lo mà trồng. Còn thủy hải sản có thể chuyển sang nuôi trồng hoặc giảm cường độ khai thác....
Sẽ có khó khăn, nhưng tin rằng con người sẽ vẫn "sống sót" nhờ vào khoa học và công nghệ. (Đây là lý do tôi luôn tự hào vì mình là người "trong ngành" :D ).