Trở thành F1 là điều không ai muốn. Nhưng lỡ như một ngày “đẹp trời” nào đó, bạn hay tin mình phải “khăn gói” để đi cách ly tập trung, vậy thì bạn cần phải chuẩn bị những điều gì?
Quần áo, khăn tắm, xô chậu, bột giặt, móc phơi quần áo, xà phòng, khẩu trang, nước rửa tay, laptop, dây sạc, quạt tay, cho đến cả dụng cụ cắt móng… Danh sách này dài hay ngắn thì tùy thuộc vào các bạn, song nên nhớ, đồ đạc cồng kềnh thì chỉ có cực bạn mà thôi.
Chuẩn bị vật dụng cá nhân là vậy, nhưng còn tinh thần thì phải chuẩn bị như thế nào đây? Liệu cuộc sống trong khu cách ly tập trung có “màu hồng” giống như lời kể của các influencer mà bạn theo dõi? Bài viết này sẽ cho bạn một góc nhìn khác về việc đi cách ly tập trung từ chính người trong cuộc, là mình!
Tháng 4 vừa qua, mình có chuyến phượt miền Bắc dài 11 ngày. Vào đêm 30/4, mình có đến thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc và rời khỏi địa phương này lúc trưa hôm 1/5. Sau khi về nhà thì mình chủ động cách ly tại nhà và theo dõi diễn biến tình hình dịch Covid-19 tại các địa phương mình đã ghé qua.
Và rồi chuyện mình không muốn cũng đã tới!
Theo thông tin được cập nhập lúc 20 giờ, 07/05/2021 thì bất kỳ ai đến từ thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc từ ngày 26/4/2021, tức đi từ địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, sẽ đi cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm.
A-lê-hấp! Mình đã gọi điện thoại cho cơ quan y tế địa phương sớm nhất có thể.

1 – Tâm điểm của sự chú ý

Sáng 9/5, sau khi trình bày với người phụ trách qua điện thoại thì mình lên trạm y tế xã để khai báo y tế. Trong ngày hôm đó, mình được chiếc xe cấp cứu đến tận nhà lấy mẫu xét nghiệm và đưa đến khu cách ly tập trung ở quận 7. Song, các F1 khác ở chung phòng với mình tại khu cách ly tập trung thì hầu hết đều… tự di chuyển đến khu cách ly. Mình cũng không rõ tại sao.
Bạn thử tưởng tượng xem, chuyện gì sẽ xảy ra nếu như có một chiếc xe cấp cứu với đèn chớp và còi hụ (may là đã được tắt trong lúc đợi mình), theo đó là một “binh đoàn” mặc đồ bảo hộ với bình xịt khử trùng xuất hiện trước nhà? Lúc này đây, “các camera chạy bằng cơm” xung quanh nhà bạn sẽ được dịp hoạt động hết công suất. 
Ngay từ lúc bước chân ra khỏi cửa nhà (chứ chưa kịp bước ra khỏi cổng và bước chân lên xe), mình đã bắt gặp hàng tá cặp mắt hiếu kỳ từ những người xung quanh. Xe lăn bánh được khoảng 3 cây số, mọi ánh mắt đều đổ dồn về mình. Điều này khiến cho mình khá… rối bời.

2 – Những tin đồn thất thiệt

Hãy chuẩn bị tinh thần cho những lời bàn tán xôn xao dù là vô ý hay ác ý, từ “Nhà đó có người bị bệnh nên có xe đến rước đi kiểm tra,” cho đến “Nghe đâu nhà đó có người bị nhiễm rồi”.
Những lời đồn này ít nhiều gì cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của bạn và gia đình bạn, cũng như sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc làm của những người gần khu vực bạn sinh sống.
Trong trường hợp này bạn cần phải làm gì? 
Bước 1: Không quan tâm.
Bước 2: Thôi trách móc bản thân mình.
Bước 3: Đặt mối quan tâm của mình đúng nơi, đúng chỗ. 

3 – Sức khỏe là trên hết

Dù ở nhà hay vào khu cách ly tập trung thì bạn cũng đừng quên tăng cường sức đề kháng bằng cách bổ sung vitamin và khoáng chất. Đợt cách ly vừa rồi, mình có đem theo sủi C nhằm bổ sung vitamin vào thực đơn dinh dưỡng hằng ngày. Ngoài ra, mỗi ngày mình cũng đều đặt trái cây qua Grab Food với lựa chọn thay đổi giữa táo, chuối, bưởi, xoài, dưa hấu nhằm giúp cơ thể nhận được đa dạng vitamin cũng như khoáng chất hơn.
Chăm sóc sức khỏe thể chất thôi vẫn chưa đủ. Sức khỏe tinh thần cũng là một trong những yếu tố hàng đầu mà bạn cần phải lưu ý trong suốt khoảng thời gian cách ly. Thời gian này, bạn cần hạn chế tối đa việc tiếp nhận những nguồn tin tiêu cực, cố gắng giữ tinh thần thật ổn định và đảm bảo ngủ đủ 7-8 tiếng/ngày. Riêng mình thì, từ lúc vào khu cách ly, mình đã luôn cố gắng thức dậy lúc khoảng 7h hơn, tập thể dục dưới ánh nắng mặt trời và thiền 7 phút/ngày, đều đặn không sót ngày nào luôn (trước đó ở nhà lười chảy thây…).

4 – Giấc ngủ của những ngày đầu tiên trong khu cách ly sẽ không ngon

Chỗ ngủ lạ, cộng thêm tâm lý không ổn định của những ngày đầu tiên tại khu cách ly sẽ khiến bạn khó lòng nào chìm vào giấc ngủ ngon như lúc ở nhà. Đó là chưa kể, nhằm đảm bảo thông thoáng không khí, các phòng cách ly sẽ chỉ cho phép sử dụng quạt thay vì máy lạnh. Thật khó để có thể ngủ ngon trong thời tiết nóng bức, đúng không? Song, cái nóng đó có là gì so với cái nóng mà các “chiến sĩ áo trắng” đang phải chịu đựng. Cố gắng lên, vì tương lai con em chúng ta.

5 – Hãy từ bỏ ý định đem theo cặp vợt cầu lông

Không như những ngày đầu chống dịch, giờ đây, hầu hết các khu cách ly đều quy định người cách ly phải hạn chế tối đa việc bước chân ra hành lang (huống chi là xuống sân!). Chính vì vậy, những hoạt động thể dục thể thao mang tính chất tập thể và đòi hỏi phải vận động ngoài trời như đánh cầu lông sẽ không được hoan nghênh trong những ngày này đâu. 
Mình đinh ninh là sẽ chạy bộ mỗi sáng tại khu cách ly, trước khi rời khỏi nhà khoảng 15 phút, mình còn lật đật “hốt” đôi giày sneaker bỏ vào trong vali. Thế nhưng, mọi ý nghĩ đều bị “tan tành theo mây khói” sau khi nghe chú phụ trách khu cách ly phổ biến những quy định tại đây. 
Thế nên, nếu có ý định tập thể dục tại khu cách ly tập trung, bạn nên tìm hiểu trước những bài tập tại chỗ (và không ảnh hưởng đến những người xung quanh).

6 – Tự mình bảo vệ mình

Không phải bất kỳ ai vào khu cách ly tập trung rồi cũng có ý thức “chống dịch”. Đừng tưởng rằng bạn ở chung phòng với “ông này, bà nọ” thì mức độ an toàn của bạn sẽ được đảm bảo. Sai lầm rồi! Thực tế, có một số người dù là “sếp của người ta” vẫn mặc nhiên không đeo khẩu trang khi ở trong khu cách ly lẫn bước chân ra ngoài hành lang. Đó là chưa kể, họ còn ho khù khụ (không khẩu trang, again!).
Là bạn, bạn sẽ làm gì?
Đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay khử khuẩn, giữ khoảng cách tối thiểu 2m, thấy đám đông là né ngay? Đúng, nhưng chưa đủ. Trường hợp này, nếu nhịn thì bạn chỉ có thiệt thòi. Alo gọi ngay cho quản lý khu cách ly để phản ánh tình trạng này! Gấp! Gấp!  

7 – Những phiền hà (có thể) sẽ xảy ra

Hãy nghĩ đến những rắc rối mà bạn có thể gặp phải khi ở tập thể, bởi đó cũng có thể là những trường hợp bạn sẽ gặp phải khi ở khu cách ly tập trung: tiếng trẻ con khóc, đùa giỡn, quấy khóc; mùi thuốc lá, mùi cơ thể chẳng hạn.
Điều bạn nên làm lúc này là chuẩn bị trước một cặp tai nghe (nếu bạn không muốn sự ồn ào làm phiền bạn) và một chai khử mùi ổn áp nhất (để mùi hương của bạn không làm phiền người khác). Khẩu trang, dĩ nhiên rồi! Không chỉ có tác dụng phòng chống lây lan bệnh tật, trong trường hợp này, chiếc khẩu trang còn có thể giảm bớt level “mùi lạ” giúp bạn.
Danh sách chưa dừng lại ở đó vì vẫn còn tùy thuộc vào mức độ ý thức của “hàng xóm” ở chung phòng/khu vực với bạn. Một số trường hợp dở khóc dở cười nhất mà mình từng nghe kể lại và từng gặp đó là: bị người bên ngoài đổ nước giặt vào chân khi đang tắm, nam vào toilet nữ (để dỗ con đi tè – tự nhiên như ở nhà vậy đó), đi vệ sinh (nặng và nhẹ) mà không dội bồn cầu, hay xả giấy không đúng nơi quy định…
Tùy vào mức độ nặng nhẹ, khả năng chấp nhận mà bạn nên tìm kiếm cho mình phương án giải quyết tốt nhất. Song tốt nhất thì, hãy lên tiếng, đừng im lặng. Vì nếu im lặng thì chỉ có bạn là người chịu thiệt thòi mà thôi!

8 – Ăn uống

Trong khu cách ly, bạn sẽ được ăn ngày 3 bữa. Bạn sẽ không có nhiều sự lựa chọn trong việc chọn món đâu. Thực đơn nơi mình ở cũng chỉ xoay quanh những món quen thuộc: thịt kho, gà kho, gà chiên, chả cá…
Nếu khu cách ly của bạn còn nằm trong khu vực “có thể đặt Grab” thì xin chúc mừng! Lúc này, bạn có thể thoải mái “trong khuôn khổ” (ý là trong khung giờ quy định) để đem đồ ăn từ bên ngoài vào. Tuy nhiên, điều này cũng tùy thuộc vào quy định của mỗi khu cách ly. 
Hơn hết, hãy ưu tiên mức độ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì nếu như trúng thực trong lúc đang cách ly thì khá là phiền phức đó – phiền cho bạn mà còn phiền cho các nhân viên tại khu cách ly nữa. Vậy nên, có đặt ngoài thì hãy ưu tiên những món nào cần thiết nhất thôi. Quay trở lại ý số 3 – sức khỏe là trên hết! 

9 – Trợ giúp ‘gọi điện cho người thân’

Nếu như cảm thấy bị đơn độc, căng thẳng và lo lắng quá thì nên nhớ, bạn không một mình. Cuộc chiến chống Covid-19 là cuộc chiến không của riêng ai. Trong phòng cách ly, bạn vẫn có những F1 đồng cảnh ngộ với bạn. Ngoài phòng cách ly, bạn vẫn có những “áo trắng – áo xanh” đang tận tâm hết mình, chạy đua với thời gian, làm việc không ngơi nghỉ, bất chấp những nguy hiểm để bảo vệ bạn và những người xung quanh bạn. Bạn vẫn còn có gia đình, bạn bè và người thân yêu ở nhà trông mong tin tức từ bạn, sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ cùng bạn. Alo gọi ngay cho họ để phản ánh trạng thái chênh vênh này! Gấp! Gấp!  
Chúc bạn bình an! Mong chúng ta sẽ sớm chiến thắng đại dịch.