Tại sao phải học làm thơ?

Chắc chắn là không có quy định nào bắt buộc bạn phải học làm thơ rồi nhưng mình thấy trong cuộc sống, đôi khi những dòng thơ nhẹ nhàng, bay bổng có thể giúp bạn nói ra những lời bạn muốn nói một cách chân thành và rất dễ đi vào lòng người nghe.
Như khi mình muốn kể những cái khó của ngôi nhà mình đang ở với chồng mình đang ở, nếu nói thẳng ra thì nghe có vẻ sẽ rất là khó khăn, nhưng khi trình bày bằng thơ, mình vẫn truyền đạt đủ những lời mình muốn nói mà chồng mình nghe xong lại còn thấy rất hay :D.
Như khi 2 chị em mình muốn gửi lời cám ơn đến bố mẹ, nhưng để truyền đạt hết những suy nghĩ của chúng mình thì thật sự không biết nói thế nào. Sau đó, 2 bài thơ đã được chúng mình gửi đến bố mẹ, không những bố mẹ rất vui và tự hào vì bọn mình mà còn vui vì có thể kể cho những người khác nghe về tình cảm của bọn mình dành cho bố mẹ.

Cách làm thơ dành cho người không chuyên.

Là một người theo học chuyên toán từ bé và ngôn ngữ tiếng Việt của mình phải nói là cũng không được giàu có cho lắm, mình xin khẳng định là mình không có tố chất gì để làm thơ cả. Nhưng nếu khi nào mình muốn viết một bài thơ đơn giản về một chủ đề nào đó, mình chắc chắn sẽ làm được.
Hôm nay mình xin chia sẻ một vài hướng dẫn nho nhỏ để bất cứ ai cũng làm được một bài thơ đơn giản như của mình.

Bước 1: Niêm luật của thơ

Nếu bạn lên google tìm kiếm là sẽ hiện ra rất nhiều trang viết về quy luật của thể thơ: thơ lục bát, thơ bốn chữ, thơ tự do,…Mình mới tìm hiểu thể thơ lục bát nên bài này mình chỉ chia sẻ về quy luật thơ lục bát.
Có 2 niêm luật cơ bản trong thơ lục bát:
Niêm luật 1: Luật về thanh Bằng Trắc
Câu (6): x Bằng x Trắc x Bằng Câu (8): x Bằng x Trắc x Bằng x Bằng
Tức là chữ thứ 2,6 ở câu Lục (câu 6 chữ) thì sẽ là thanh Bằng, chữ thứ 4 là thanh Trắc. Chữ thứ 2,6,8 ở câu Bát (câu 8 chữ) sẽ là thanh Bằng, chữ thứ 4 là thanh Trắc.
Trong đó:
Thanh Bằng gồm những chữ không dấu (ai, mưa) và những chữ có dấu huyền (hiền, viền, miền)Thanh Trắc gồm những chữ còn lại, hay những có có dấu gồm Sắc, Hỏi, Ngã, Nặng (Bé, chả, nghĩ, chậm)
Niêm luật 2: Luật về cách gieo vần
Chữ cuối của câu trên (tức câu 6) phải vần với chữ thứ sáu của câu dưới (tức câu 8).
Chữ cuối của câu trên (câu 8) phải vần với chữ cuối của câu dưới (câu 6)
Ví dụ:
Cuộc đời mẹ có long đong Sớm hôm tần tảo trên đồng lúa xưa Lại còn bán cá xuyên trưa Nắng vương mái tóc, lúc mưa ào ào

Bước 2: Một số công cụ hỗ trợ

Một trong những điều có lợi nhất ở thời của mình bây giờ so với các cụ ngày xưa là mình có thêm một số công cụ hỗ trợ mình trong quá trình làm

1. Website hỗ trợ tìm âm tiết theo vần:

Ví dụ bạn đang có từ “tràn” mà không nghĩ ra được từ nào vần với từ này thì mình có thể vào website này, gõ từ “Tràn” vào và tìm kiếm những từ có cùng âm tiết, sau đó lựa chọn từ nào có thể sử dụng được:

2.Website hỗ trợ check kiểm tra niêm luật (luật bằng trắc và vần của bài thơ)

Nếu bạn chưa quen với niêm luật của thơ và muốn chắc chắn đúng với thể thơ lục bát thì khi làm xong câu nào bạn có thể gõ luôn (copy, paste) và website này để họ kiểm tra giúp xem là bạn có đang làm đúng niêm luật của bài thơ không.
Cái này thì hơi mất công nên mình nghĩ chỉ nên dùng khi đang gõ trên máy tính, chứ không nên dùng trên điện thoại. Khi viết bài thơ Mẹ, mình cũng không kiểm tra trên đây. Sau này check lại thì có hai chỗ sai luật bằng trắc nhưng mình thấy bài nói chung vẫn có vần điệu và nên mình không sửa đổi gì cả.
Ngoài ra, mình thấy khi làm thơ, mình thấy đôi khi có thể phá luật một chút cũng sẽ không ảnh hưởng đến nhịp điệu bài thơ.

Bước 3: Một số bước cơ bản để triển khai bài thơ

Mình sẽ nêu kinh nghiệm đơn giản của mình khi mình viết bài thơ “Mẹ”.

B1: Tìm chủ đề và ý tưởng

Chủ đề: Mẹ
Ý tưởng: Mình nên suy nghĩ trước về ý tưởng triển khai bài thơ để bài thơ được mạch lạc và rõ ràng hơn.
Mình có rất nhiều điều muốn viết về mẹ mình, nhưng để bài thơ đơn giản và dễ triển khai, mình dự định sẽ chia thành 4 đoạn thơ nhỏ. Đoạn đầu là mở bài nói về suy nghĩ của mình với mẹ. Đoạn 2, đoạn 3 triển khai theo mốc thời gian: Đoạn 2 sẽ là thời ngày xưa và Đoạn 3 sẽ nói về thời hiện tại. Ban đầu mình dự kiến sẽ có đoạn 4 là kết bài và viết một lời chúc của mình dành cho mẹ nhưng trong quá trình làm, mình thấy mẹ hiện tại đã rất tuyệt vời, mình cứ mong mẹ vui vẻ được như này (đã nói ở đoạn mở bài) nên mình không làm đoạn 4 nữa.

B2: Viết câu thơ đầu

Viết câu thơ đầu rất dễ, mình cứ viết một câu bất kì mình muốn nói, miễn là đúng luật Bằng - Trắc của thể thơ lục bát.

B3: Viết các câu thơ còn lại và kết bài

Các câu còn lại thì ngoài luật Bằng - Trắc, mình còn tìm cách gieo vần cho đúng. Khi không nghĩ được từ nào vần với câu trước, mình có thể sẽ tìm từ vần trên website hỗ trợ tìm vẫn mình đã giới thiệu ở trên. Đôi khi khó quá, mình sẽ tìm cách sửa lại từ ở câu trên để dễ làm câu tiếp theo hơn.
Cứ như vậy cho đến khi kết thúc bài thơ của bạn.