Đó là lúc bốn giờ chiều. Tôi như được nhấc bổng lên khỏi nỗi niềm phức tạp của những việc chưa hoàn thành. Nếu một ngày là một đời người, bốn giờ chiều chính là tuổi trẻ. Còn một hoàng hôn và một khuya muộn ở phía trước. Trong khoảnh khắc này tôi thấy tự do vô cùng, và vui vẻ nữa, đến mức khi đứa con của chủ nhà đi học về, khoanh tay chào tôi, tôi đã gật đầu chào lại - điều tôi không thường làm với nó.
Màu trắng như vì sao cúi đầu ngủ yên
Tiến Bộ là một quán rượu. Hà Nội đã không còn một quán rượu đúng nghĩa nào (tức là không tính đến những hàng ăn và bia hơi bán kèm rượu, hay quán bar theo kiểu phương Tây chỉ thích hợp với một nhóm người ngoại quốc). Bốn quán một thời được gọi đùa là Tứ trấn Thăng Long, một ở 27 Tạm Thương, một ở số 8 Thợ Nhuộm, một ở số 123 Nguyễn Khuyến và chiếc cuối cùng thì người cho rằng ở số 13 Lê Duẩn, còn người thì tin  nhất định nó là cafe Cuối Ngõ ở quận Cầu Giấy. Trước đây chúng giống nhau đều chằn chặn ở chỗ: đều là nhà cửa thấp bé, có phần tồi tàn, nhà vệ sinh dùng chung trong các khu nhà tập thể kiểu thập niên 1970, chủ quán thường là già cả và thực khách chủ yếu là những người đã quen mặt, say xỉn thường xuyên. Giờ đây thì chúng còn có một điểm chung mới: đều đã đóng cửa bởi không thể kinh doanh nổi với món đồ uống chết người mà rẻ tiền mang tên “rượu ta”.
Bây giờ thì chỉ còn đúng một quán, vốn trước kia xếp hạng B, giờ đã vươn lên làm cây cao bóng cả, mang tên Tiệm Tiến Bộ. Nếu như các quán cafe luôn sôi động những con người trẻ tuổi, ở quán rượu truyền thống ta chỉ thấy những người trung niên sống hoài niệm.  Hoặc đến để trốn đời, hoặc đến để tìm đời. Tôi thuộc vào số ít những hạng người ít tuổi nhưng tập tành làm nghệ sỹ phiêu diêu trong men lá. Và tôi thì đến để tìm đời: nếu chịu khó nhúng mình vào trong khói cay của Tiến Bộ, ta sẽ có hàng loạt nhân vật cho văn học. Ở tuổi của chúng tôi, trở thành nhà văn đồng nghĩa với việc trở thành Haruki Murakami, tức là sống ở quán xá, nhìn tất cả mọi người theo những bản sắc cá nhân, chứ không phải trong tổ chức đời sống của họ.
Nằm trong một phố cụt mang tên Lý Văn Phức, nơi mà chỉ cần đi bộ vài bước là đến sân vận động Hàng Đẫy, quán nằm lọt thỏm giữa khói nghi ngút của một phố đồ nướng kiểu trung hoa.  Tiến Bộ được đặt tên theo nhà máy in Tiến Bộ, một trong những nhà máy in giàu truyền thống ở Hà Nội sau khi Việt Nam thống nhất đất nước. Nhưng trước đó nó có một cái tên dài và avant-garde hơn: “Tương lai văn hoá văn nghệ nước nhà sẽ đi về đâu?”. Câu hỏi mỉa mai này trong suốt một năm trời đã khiến cho thực khách không nhớ nổi, và cũng làm phiền lòng đại diện chính quyền địa phương. Sau đó, quán rút gọn tên còn “Tương lai”, trước khi đổi sang “tiến bộ”. Với ý nghĩa tích cực là hướng về phía trước, đã đạt những thành tựu nhất định trên con đường hướng về phía trước xán lạn, cụm từ “tiến bộ” là một tính từ phổ biến của giai đoạn bao cấp. Khi Tiến Bộ ra đời, nó nhanh chóng trở thành động từ. Đừng lấy làm lạ nếu như bạn của bạn nhắn tin cộc lốc: “Tiến Bộ rồi nhé!” - thì không phải là đang động viên bạn đâu. Nó chỉ có nghĩa anh ta đang rủ bạn đi thi đấu tửu lượng tại Tiến Bộ. Nhưng “tiến bộ” không phải là thứ duy nhất được đem đến từ quá khứ: toàn bộ món ăn ở đây gợi nhớ những năm bao cấp, gồm khoai tây cả vỏ, phồng tôm chiên đắp thêm một chút pa tê, và  dưa ngâm muối với tóp mỡ…
Khi hoàng hôn đổ, bắt đầu người người tấp nập đến. Hôm nay đông hơn thường lệ vì đã có tin đồn loang ra từ khắp các nhóm chat kín. Hoàng Trinh - người chủ già của một trong bốn tiệm rượu nổi tiếng nhất Hà Nội đã xuất hiện, sau ngót năm năm rượu phố Tạm Thương đóng cửa. Một người bà lão bình thường, người nhỏ nhắn, sắc sảo và điềm tĩnh, là thần tượng của rất nhiều tửu khách ở Hà Nội.
“Anh không đi đón bà Trinh à?”
Tôi hỏi chủ quán, người còn đang mải ngắm đôi giày mới mua. Anh ta là một tiến sỹ ngành nhân học, có bằng cấp giá trị ở cả Việt Nam và Trung Hoa. Năm 2015, chúng tôi quen nhau vì chung một mối quan tâm hết sức ngựa non háu đá về các dân tộc xuyên biên giới. Anh cũng đã xuất bản được một vài nghiên cứu nho nhỏ với cụm từ khoá “giới tính tôn giáo”. Sau sáu năm trong vai nhà quản lý khoa học mẫn cán, tức làm những công việc hành chính và đốc công ở thư viện của viện nghiên cứu, đời anh chỉ còn quán rượu này làm ý nghĩa chính. Chẳng còn đề tài nào nữa ngoài sự thoả hiệp với cơm áo. Những người đến đây cũng giống như anh, thất bại ở lưng chừng, không chịu xuống chân núi, nhưng cũng không chịu leo lên. Họ đều là dân văn nghệ hoặc trí thức. 
“Tao cũng định nhưng mà bà ấy bảo sẽ tự đi”.
“Điên à mà tự đi? Từ Tạm Thương đến đây là gần mười cây số. Bà ấy đi một mình kiểu gì?”
“Có tám cây số thôi” - Chủ quán - tên Trung - cười mỉa, rồi lại gần bàn của tôi.
Tôi kéo ghế cho y. Thế là Phương - bạn rượu với tôi -có thêm  một thính giả. Phương là một gã rất thông minh: dường như trong đầu gã luôn có một bọn đua xe phân khối lớn. Một kiểu thông minh chỉ mang lại phiền toái, lắm khi cả nhục nhã cho thân chủ. Ngồi với Phương nghĩa là ngồi với hai người: một là thân xác đẫm rượu của hắn và hai là lý tưởng của hắn, ngồi ngay cạnh. Không biết ai say ai tỉnh
Phương mới xong bài thuyết trình về “chiến tranh và du lịch”, nhưng nhất định chưa đủ, còn kéo tôi đến quán rượu để nói tiếp. Mười năm, cuộc đời nghiên cứu của Phương xoay quanh bốn chữ “di sản đen tối”. Tôi theo dõi từ rất lâu, trong đám khách uống rượu, nhiều người có thể đi vào văn học, nhưng đứng đầu hàng, dẫn lối trước nhất, chắc là Phương. Là con trai của một giáo sư đầu ngành, anh yêu nước một cách cực đoan và đổ toàn bộ tuổi trẻ của mình vào rượu. Một gã trai Hà Nội đích thực, lánh mặt rất nhanh khỏi các cuộc đua chen, anh tự gọi mình là Hoàng trong cuốn tiểu thuyết “Cơ hội của chúa” (Nguyễn Việt Hà). Bài thuyết trình của Phương còn tiếp tục trong khoảng ba mươi phút thì đi đến chỗ tranh cãi. Chủ quán Trung cho rằng đã có thời người Việt Nam không hề ghét phát xít, bằng chứng là có mấy số báo trước năm 1945 có những lời lẽ ủng hộ Hitler - người đang cũng đánh Pháp như chúng ta. Đại loại như vậy, họ luôn tranh cãi về lịch sử. Những chuyện vụn vặt mà gai góc như thế làm cho mấy nỗi lo cơm áo hằng ngày trôi tuột đi theo hơi rượu.
Tiếng cười của tôi cứ bị dứt dần khỏi tai, vì phố ngoài kia đã ồn thêm, nhưng còn vì rượu đã bốc lên gáy. Tôi bắt đầu chào hỏi nhiều hơn những bàn ghế xung quanh. Trong một giây phút nào đó, tôi tự nhiên cảm thấy hạnh phúc vì đã quen biết họ, những người bạn của tôi, những người chẳng bao giờ cho chuyện gì là quan trọng, kể cả cuộc đời họ lẫn người thân yêu của họ.  Họ cần những tụ điểm, không đắt đỏ, không ồn ào theo kiểu các beer club, nhưng chấp nhận được con người thứ hai của họ khi buông bỏ những hào quang của nghệ thuật, của mũ áo, trở về với một cuộc uống rượu bản năng, say sưa mà không bị ai nhòm ngó, đánh giá. Tất cả họ đều quen biết nhau, nhưng không phải bằng vị thế của họ bên ngoài xã hội, mà bằng cái hô ứng trong tâm hồn nhau giữa những người mê rượu.
 Đây là tôi
Hạnh phúc nhất là khi đã có những người phụ nữ đầu tiên của buổi tối hôm nay. Chị đã bốn mươi tuổi, và rất đẹp. Hôm nay chị đi cùng một người đàn ông khác, một người luôn lặng lẽ ở một góc có thể uống một mình mà không nói gì,  hoặc cất giọng nhỏ nhẹ nhưng phóng khoáng, mà từ lâu tôi đã biết đó là con trai của nhà văn Nguyễn huy Thiệp. Chúng tôi chúc nhau sức khoẻ và uống hết thêm nửa chai rượu trắng nữa, trước khi chị hỏi một câu mà tôi không trả lời được ngay: “bà Trinh vẫn chưa đến à?”. Có một tiếng văng vẳng từ góc bàn khác: “ai gọi cô Trinh xem cô có đi được không, hay cần ai đón không”. “Chắc đang kẹt xe”. Đại loại như vậy.
Khi đèn lên, quán nhìn tựa như một không gian nghệ thuật dành cho những người ồn ào. Nhưng không phải phải là nơi trưng bày nghệ thuật: chính nó là tác phẩm nghệ thuật cao cấp nhất ở mức độ tổng thể. Hai mảng màu xanh sẫm và xám sáng bao phủ toàn bộ không gian, thoạt đầu nhìn có vẻ như không theo một quy luật nào, nhưng khi kết nối các đường viền uống lượn phân cách giữa chúng, người ta được một nét liền quệt qua tất cả các mặt phẳng, như thể được vẽ bằng một cây bút chì khổng lồ duy nhất tạo cảm giác như ấn tượng bẻ cong không-thời gian. Giữa gian phòng tầng một:  bốn chiếc bàn gỗ mun trơ trọi nằm chính giữa, sáu ghế ngồi, không đặt bất cứ vật thể nào lên phía trên. Vây quanh nó là một dãy dài những tờ nhạc của thập niên 1960, thời kì nước tôi vẫn gọi là Mỹ Nguỵ. Tất cả được thể hiện với độ tương phản rất cao và bóng rực một cách kỳ khôi, tựa như sống dậy từ phim Noir. Bước chân vào đây, tưởng như đã đi cách Hà Nội rất xa. Đấy là không khí mà các quán rượu cũ không có được.
Tôi bắt đầu thấy các bàn đã đổi chỗ khá nhiều. Bàn của Duy - một người làm việc tại Ban quản lý phố Cổ - gồm Duy và hai cô gái nữa. Cô Ngọc mới hơn hai mươi đã mang thân hình của một mụ nạ dòng lúc nào cũng như vừa nuốt nhầm mấy viên Seduxen, luôn tự hào về việc vượt qua vẻ ngoài xấu xí của mình bằng cách thức rất độc đáo là nói chuyện tục tĩu, khêu gợi và lên giường với bất cứ tay quáng gà nào. Cô thứ hai tên Hải, ở  cùng căn hộ nhỏ của Ngọc. Ngọc hào hứng kể rằng cô bạn cùng phòng mới của ả vừa mới bỏ ra ngoài tự lập. Thưa biết cái nhân sinh quan kiểu ai cũng có thể là người tình của ai khác từ miệng cô bạn, Duy ban đầu chẳng quan tâm lắm. Thế nhưng Duy, cũng giống như nhiều đàn ông lắm tiền (và yêu văn hoá) khác, yêu Hải từ lần đầu trông thấy. Ngồi trong không khí giai gái, tục tằn mà Ngọc cùng mấy cuộc gọi mạng của cô ta tạo ra, Hải như một cốc nước mát lành. Nàng yếu ớt, mềm nhũn, run rẩy như vừa được vớt lên từ một thuyền đắm.
Nhưng không hiểu sao Hải đã đến bàn của hai anh hoạ sĩ. Điều đó kéo theo Duy - với sự sốt ruột - tìm cách sang theo. Tình hình có vẻ căng thẳng. Tôi đã bắt đầu mệt và cần ngồi dựa vào tường. Rất ngẫu nhiên một giai điệu trong vỏ não dẫn tôi đến một hồi tưởng ngày xưa. Hồi còn nhỏ tôi đã từng mơ sống trong một căn nhà có khả năng bay lên. Chỉ có tôi với vài người bạn thân của tôi. Trong căn nhà bay, chúng tôi tách biệt với thế giới: chúng tôi có đủ lương thực cho mười năm. Một túi gạo và thịt không đáy. Xà phòng và dầu gội hữu hạn nhưng đủ cho cả đời. Một tình cảm kì quái dâng trào trong tôi, hệt như lúc người ta phát hiện ra một món đồ tưởng mất. Những người Hà Nội uống rượu là vì đó là cổng thời gian đưa họ đến thẳng quá khứ bùng nhùng của một thành phố biến đổi rất mau theo năm tháng. Uống để làm chùng những dây nối với xã hội và làm căng mảnh chỉ nối mình ngày xưa.
Rượu Việt Nam ngấm nhanh vào cơ thể, nhưng không khiến người ta chuếnh choáng, mà tạo ra một trạng thái lơ lửng kéo dài. Rượu thắp lên những mơ tưởng cũ, làm dậy về những tình cảm khuất chìm của dĩ vãng, và đánh tan những kỷ niệm vào với thực tại. Khi hoàng hôn buông xuống cũng là lúc tinh thần của người mê rượu bắt đầu đi lên. Còn cả một buổi tối dài trước mắt, và cái ban ngày hối hả kia đã nằm lại ở sau lưng. Chính vì vậy, tửu khách nào uống rượu từ chừng gần bốn giờ chiều, không tránh khỏi sẽ quá chén đến tối muộn, nhất là khi gặp phải người bạn hợp tâm hợp tính. Chúng tôi chính là một ví dụ ngày hôm đó. Bàn đằng sau thì đã ôm đàn, trong nhóm này có một tay trống từng chơi cho band Bức Tường. Ở bàn bên trái, những “thanh niên mãi mãi” đã cập bến. Họ thuộc độ tuổi sinh năm 1980, nhưng  không chịu già đi. Vì những trận say nửa đời người làm người ta quên cả cách để già. Như được lập trình, không Nirvana thì cũng Scorpion, ai cũng gầm gào bằng thanh quản của kỷ niệm cũ. Quên mất tuổi đời. Và quên mất rằng thật ra chẳng có gì đáng để gầm gào.  Một người trong số đó - người chơi guitar acoustic giỏi nhất - đã từng dành quãng đời tuổi trẻ của mình ở trong tù. Còn người chơi đàn classic khá nhất thì lại là tay trống lừng danh của ban nhạc Bức Tường, nghệ danh Bình Bát.
Được kì vọng sẽ trở thành màu sắc tươi vui của buổi tối hôm nay, Hải rụt rè cầm đàn lên. Nàng chuyển động nhẹ nhàng, ánh đèn rưới lên mái tóc xoăn nâu vàng một thứ mật óng ả. Ngọc hát tốt, có thể xử lý nhuần nhuyễn một ca khúc ngay khi nó vừa đến tai, có thể nhả chữ buông lơi, có thể nức nở da diết... Âm thanh của nàng như những chiếc thẻ tre đan nối, từng chữ một gãy gọn, độc lập nhưng liền mạch trong một chất giọng mảnh mai. Một giọng hát như thể nuốt những luồng hơi thừa thãi vào, và chỉ còn lại bề mặt ca từ tinh lọc. Nàng khác biệt. Chỉ có điều… nhà hàng xóm đã đến gõ cửa, yêu cầu chúng tôi thu gọn âm lượng: “Này các ông nghệ sĩ, để cho cháu nhà tôi ngủ”.
Bà Trinh vẫn chưa đến. Chúng tôi đã quên cả sự sốt ruột. Rốt cục chúng tôi hình như đang đợi godot. Mà tình trạng này diễn ra từ rất lâu rồi, trong đời chúng tôi.
Phương đã ngà say và bắt đầu nói về cái chết. Cái mực thước khoa học của anh bây giờ được thay vào bằng phong thái cuồng dại của một kẻ muốn tử vì đạo. Nhưng đạo nào thì tôi không rõ. Có thể Phương muốn chết trên thân thể một người khác, anh ta nói vậy, hoặc muốn chết vì đánh nhau với một người Hàn Quốc. Không hiểu sao Phương rất quả quyết rằng sự chết sẽ đến với anh ta như vậy. Mỗi lần Phương nói, Trung đều cười sặc sụa. Và cười thật lớn. Cười rung động. Hồn nhiên, vô tư, gần như đần độn. Trung chưa quên mình là một chủ quán.
Những hoạ sĩ vĩ đại của chúng ta không chịu nổi Duy. Khi tôi bước sang để kéo anh về, không mấy ai quan tâm đến tôi. Coi như tôi tìm được một chỗ ngồi mới, khỏi cuộc đụng độ vô nghĩa của Trung và Phương.
Trông Duy chơi đàn thì cứ như một kẻ tâm thần trợn trừng đang giết kiến liên tục trong nhiều giờ liền, và vào lúc ít ai ngờ nhất, anh bước lùi một đoạn dài theo bước nửa cung một, với tốc độ dệt vải lanh, những âm thanh cứ xô lệch về phía nhau, nhúm lại trước khi dội về đích đến cuối cùng: âm chủ. Một niềm xúc động không rõ nguồn gốc bật trào lên trong Duy, và cụ thể hoá bằng tiếng ợ hơi mà tôi ngửi thấy cả mùi bia Đức của buổi trưa nay. Rồi tất cả cùng đồng thanh. Tất nhiên, phải có một bài hát ở Việt Nam mới có thể khiến tất cả cùng đồng thanh hát, với đầy đủ những cảm xúc, khát khao, xen lẫn cả dục vọng; bài Cây Đàn Chapi của nhạc sĩ Trần Tiến, có những câu như: “Ai yêu tự do, yêu rừng xanh thì lên núi nghe đàn”. Đấy dường như là mặt nước phản chiếu ước mơ thầm kín của một thế hệ, đòi vượt thoát, trong một Việt Nam hướng ra các giá trị toàn cầu, bằng một nỗi tò mò rất trẻ thơ.
Hiện ra trong đêm tối, cái bóng của bà Trinh lững thững, rồi chậm lại, rồi đứng hẳn dưới gốc cây si già - cái cây đã choán ở cửa quán, từ lâu đã được cho rằng là vật cản kinh tế của quán. Không ai bảo ai, tất cả dừng đàn, dừng cuộc rượu. Người cả đời không rời phố Cổ Hà Nội, cuối cùng cũng đã đến đây. Bà đã vượt qua quãng đường mười, à không, tám cây số. Hoàn toàn bằng đi bộ, để đứng đây, cô đơn trước cánh cửa bóng loáng của một tiệm rượu kiểu mới, nhưng vẫn khách cũ, và vẫn rồi sẽ đóng cửa. Bà không biết lái xe, và không yêu cầu con cái - những người đã tách khỏi cuộc đời rượu chè - đưa bà đi đâu. Tất cả chúng tôi đều ra đón bà
Và bà có vẻ rất dễ chịu khi gặp lại tôi. Bằng quai hàm đã móm mém, bà nói câu gì cũng như dí dủm, nhưng lại nói rất chính xác về tôi: “Hát bài Mùa Thu Trắng rất ổn. Ai lần đầu nghe cũng thích”. Không ai nhớ được việc tôi đã hát bài Mùa Thu Trắng, có thể tôi đã từng hát hay hơn Hải, cho đến khi chính thức mất giọng do rượu tàn phá. Bà nhận ra từng người, thăm hỏi họ như những đứa cháu họ xa nhà. Câu hỏi chủ yếu là mọi người đã đến đời vợ thứ mấy? Bà bắt đầu gay gắt một chút khi tranh luận với Trung về mô hình hoạt động ở quán rượu. Đối với bà, một quán rượu tốt và có thể duy trì được trên hai mươi năm, luôn đến từ việc cắt giảm những thứ không cần thiết. Bàn ghế không được quá lớn, và không được quá mới, sao cho khách phải nhìn chén rượu và đồng thời thấy cả đôi chân mình trên mặt đất nhiều rác rưởi. Cũng đừng kì vọng nhiều vào đồ ăn: người ta đến quán rượu không phải để ăn. Và chủ quán phải cục mịch. Tôi không hiểu lắm chữ “cục mịch” là gì, nếu “cục mịch” là cãi nhau với khách, thì chắc Trung đang làm rất tốt, ở một quán mới. Giọng bà Trinh hào hứng hẳn khi “truyền dạy” những kinh nghiệm ấy, mọi người đều gật đầu lia lịa - có lẽ vì say sưa nhiều hơn vì hợp lí.
Riêng Trung sau cùng đã hưởng ứng, nói rất to: “Hôm nay cô Trinh là thượng khách. Cháu mời tất cả các bàn hôm nay, hoàn toàn miễn phí. Trung này tuyên bố chính thức”.
Bà Trinh không uống một giọt rượu nào từ thưở thiếu nữ. Không một ai trong gia đình bà có thói quen dùng hay nấu rượu. Nhưng hôm nay bà sẽ phá lệ chăng? Sự nghiệp phụng sự những đàn ông phố cổ say mất đời đã kết thúc. Giờ đây cái lời tuyên thệ chủ quán rượu không được say, đâu còn ý nghĩa gì. Nhưng trong ký ức đẫm cồn của tôi, dường như bà Trinh chỉ ngửi rượu chứ không uống. Bà cũng không nhận xét gì: đó là một con người tuyệt đối không biết gì về rượu, mà chỉ đơn giản là hiểu những người say rượu. Nhưng bà hạnh phúc.
Tuyên bố chính thức thứ hai của Trung đó là: hôm nay Trung sẽ đưa bà Trinh về đến nơi. Nhưng tất nhiên, nếu là tôi, thì sao nhỉ? Tôi sẽ không lên xe của một người uống rượu. Bà Trinh  cũng vậy, bà không bao giờ đi được taxi hay xe ôm, tức là không phải xe của những người con cháu. Tuyên bố không thành hiện thực. Mọi tống tiễn kia đều trật nhịp: với kỹ năng hai mươi năm thoắt ẩn thoắt hiện trong những đôi mắt ngà say, cụ bà nhỏ bé đã lướt đi rất nhanh trong vùng sẫm tối và ẩm ướt của con phố cụt bỏ quên.
Tôi không nhớ phần còn lại của đêm hôm ấy. Sáng hôm sau, tôi thức dậy một mình, vây quanh tôi là bốn bức tường xanh của Tiến Bộ. Một chút nắng đã le lói ngoài cửa. Và khi tôi mở cửa, đứa bé con chủ nhà bắt đầu đi học. Nó khoanh tay chào tôi.
Phiên bản tiếng Anh của bài viết do Sydney dịch
Substack của tôi: