Chắc hẳn đôi lúc bạn vẫn luôn cảm thấy áp lực học tập thật nặng nề? Đến nỗi nhiều lúc bạn muốn bỏ học đi luôn cho nó lành? Stress là một phần không thể thiếu trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Và tại sao có một số người dù chịu áp lực học tập nặng nề nhưng họ vẫn vui vẻ? Trong khi đó một số khác thì mặt mày thiếu sức sống và cảm thấy cuộc đời không nhiều ý nghĩa cho lắm?
Điểm mấu chốt nằm ở cách chúng ta ứng phó với căng thẳng và áp lực. Vậy thì hãy cùng nhau tìm hiểu cách để làm bạn và vui sống với stress thôi nào bạn thân mến!
Trước khi tìm hiểu về cách đối diện với stress thì chúng ta phải trr lời hai câu hỏi lớn trước. Đó là “Bản chất stress là gì?”"Đâu là những nguyên nhân chính dẫn đến áp lực học tập?”. Đầu tiên thì stress có thể hiểu như là một trạng thái tinh thần bị căng thẳng của con người khi chịu đựng một hoặc một số những áp lực nào đó.
Về nguyên nhân gây áp lực học tập thì theo mình quan sát và trải nghiệm thì có hai nguyên nhân chính: Bài vở quá nhiều và áp lực đến từ cha mẹ. Và tiếp theo mình sẽ phân tích sâu hơn về từng nguyên nhân cũng như đưa ra những giải pháp khả thi.
Nguồn thiết kế: Canva
Nguồn thiết kế: Canva
Vấn đề về việc bài vở hay deadline quá nhiều dường như đã trở thành một chuyện bình thường như cơm bữa đối với học sinh (nhất là khi lên phổ thông hoặc đại học). Và việc chúng ta biết cách ứng phó với chúng sẽ đóng một vài trò vô cùng quan trọng trong thang đo hạnh phúc của mỗi người.
Đa số chúng ta khi đối diện với một đống bài vở và deadline thì đều cảm giác mệt mỏi, chán chường và bất lực. Cảm giác ấy kéo dài trong một thời gian dài khiến chúng ta cảm thấy kiệt sức, dẫn đến cảm giác của chúng ta với việc học giống như là một công việc nhàm chán chúng ta buộc phải làm hằng ngày vậy.
Vậy thì hãy cùng đến với ba bước để giải quyết thôi nào.
Bước 1: Công nhận những cảm xúc tiêu cực
Khi cảm giác mệt mỏi về học tập thì cứ công nhận chúng. Bạn không cần phải sợ hãi và chối bỏ những cảm giác này vì chúng rất bình thường và bất kể ai cũng sẽ có lúc cảm thấy như vậy cả. Điều đó hoàn toàn ổn thôi. Khi chúng ta chấp nhận thì mới có thể vượt qua được những đợt sóng của cảm giác tiêu cực.
Bước 2: Nghỉ ngơi/Giải trí trọn vẹn
Khi cảm thấy quá áp lực và mệt nhoài thì nếu có thể, hãy cho bản thân một khoảng thời gian để lấy lại tinh thần hoặc sạc đầy năng lượng. Dù gì thì khi học với một tinh thần vui vẻ và nhẹ nhàng vẫn luôn luôn hiệu quả hơn mà phải không.
Thật ra mỗi khi thấy quá áp lực thì bạn chỉ cần dành tặng chính mình một ‘break time’ nho nhỏ cỡ tầm 20 phút thôi. Trong khoảng thời gian này thì hãy chọn những hoạt động nhẹ nhàng để thực hiện. Bạn có thể hít thở sâu hoặc thiền để giúp bản thân bình tĩnh lại và nhìn nhận những cảm xúc tiêu cực.
Hoặc bạn cũng có thể chọn đi bộ bên ngoài công viên để hít thở không khí trong lành. Các nhà nghiên cứu cũng chứng minh được rằng trong 1 tuần chỉ cần bạn dành 30 phút ở với thiên nhiên cũng đủ để tăng hormone hạnh phúc rồi đấy.
Hay một lựa chọn tuyệt vời nữa là hãy dành thời gian cho những hoạt động mình yêu thích: Nhiều khi chúng ta đắm chìm trong cảm giác bất lực và tuyệt vọng thì việc tìm đến với những sở thích của bản thân là vô cùng cần thiết. Sở thích của mỗi người rất khác nhau và không có cái nào là không nên cả.
Bất kể bạn thích vẽ, hát, tập thể dục, đọc truyện, xem live, lướt Tiktok hay chơi game thì mỗi ngày hãy cứ dành tầm 30 phút cho những sở thích này. Đặc biệt là hãy giải trí trọn vẹn: Khi bạn đang xem phim, chơi game hay vẽ tranh thì hãy tập trung hoàn toàn vào công việc đó mà không cần quan tâm đến những bài vở còn chư hoàn thành xong.
Và mình tin rằng bạn sẽ thấy tràn đầy năng lượng đến bất ngờ. Bất kể làm việc gì nhưng chỉ cần là những việc bạn thích thì chắc chắn những cảm giác tiêu cực hay stress cũng sẽ lùi đi xa trong một khoảng thời gian. Đối với những ai đang cảm thấy stress nặng nề thì một khỏang thời gian ngắn như vầy là cũng quá đủ rồi.
Những lúc mà stress ập đến thì cảm xúc của chúng ta rất bất ổn và dẫn đến năng lực tư duy logic cũng sẽ bị giảm. Nên việc chẳng giải được bài tập nào dù bản thân đã rất cố gắng là chuyện có khả năng cao sẽ xảy ra.
Vậy nên cách ứng phó tốt nhất là dùng những hoạt động mà bạn thích hay những hoạt động nhẹ nhàng như thiền, ngủ, viết lách,… để có thể tạm thời quên những cảm xúc tiêu cực này đi. Lúc đó thì tự thân cảm xúc chúng sẽ trôi đi một cách tự nhiên nhất. Đương nhiên lúc đó thì não bộ chúng ta cũng được ‘khai sáng’ rồi đó.
Bước 3: Lên kế hoạch hoàn thành deadline
Thông thường thì trong 1 năm học sẽ có những tuần chúng ta cực kỳ rảnh mà cũng có những tuần chúng ta bận không thấy mặt mũi đâu. Vì lẽ đó nên việc sắp xếp kế hoạch để hoàn thành bài vở, bài thuyết trình,.. đúng hạn là vô cùng cần thiết. Với những tuần bận rộn thì hãy nhớ 4 chữ này “Ưu tiên công việc” - Những việc nào quan trọng và cần gấp thì ưu tiên trước.
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc có những ngày chúng ta càn phải bỏ việc giải trí như xem phim, chơi game hay cày truyện qua một bên để có thể hoàn thành được một mớ bài tập thầy cô giao. Nhưng nếu đã làm sấp mặt mà vẫn không hoàn thành được thì sao? Lúc đó bạn có hai lựa chọn: Thức đêm làm bài cho xong hoặc chọn một vài môn để học.
Lựa chọn như thế nào là tùy vào cá nhân mỗi người nhưng nếu gấp lắm thì hãy thức đêm hoàn thành deadline còn bình thường thì chúng ta vẫn nên ngủ sớm thì hơn. Bởi vì giấc ngủ ảnh hưởng đến tâm trạng của con người rất nhiều và bạn sẽ để ý là những ngày ngủ đủ thì hôm sau bạn tự nhiên cảm thấy khỏe khoắn cả người nên tâm tình cũng tốt hơn hẳn.
Vì vậy những lúc mà nhiều bài tập, deadline thì mình khuyên bạn hãy cố gắng đảm bảo đa số mỗi tối bạn ngủ đủ 7-8 tiếng. Vì khả năng rất cao rằng khi ngủ đủ giấc thì não bộ chúng ta sẽ hoạt động minh mẫn và nhanh nhẹn hơn nên do đó những bài tập mà thức đêm nghĩ mãi không ra thì hôm sau ngủ dậy cái tự nhiên ‘giác ngộ’.
Nguồn thiết kế: Canva
Nguồn thiết kế: Canva
Qua 3 bước trên thì mình tin rằng việc nhiều bài tập hay deadline các kiểu cũng không làm kiệt sức bạn nữa rồi. Có thể bạn sẽ vẫn cảm thấy khá áp lực nhưng nếu thực hiện các bước trên thì bạn đã biết cách vượt qua những cảm xúc tiêu cực của bản thân đồng thời hoàn thành đầy đủ bài tập. Quá tuyệt rồi phải không nào?
Cùng đến với trường hợp thứ hai là áp lực đến từ cha mẹ. Đa số học sinh chúng tư đều ít nhiều sẽ phải chịu những áp lực về điểm số từ bậc phụ huynh. Cha mẹ thì đa số sẽ có xu hướng đặt kỳ vọng rất cao ở con cái trong việc học hành và thi cử, đặc biệt là những môn quan trọng như Toán, Văn, Anh.
Thật ra việc cha mẹ đặt kỳ vọng ở con cái là chuyện rất đỗi bình thường nên việc chúng ta nên làm không phải để cha mẹ không hy vọng gì nữa mà là để họ có những kỳ vọng vừa mức.
Với mình thì kỳ vọng vừa mức có nghĩa là không bắt buộc con cái phải giỏi hết hay điểm cao trong tất cả các môn học. Vì đó là những kỳ vọng rất vô lí bởi năng lực và thời gian là hữu hạn thì làm sao có thể mà chuyên hết 13 môn học được chứ. Để cha mẹ biết được điều đó thì chúng ta nên trò chuyện với họ, một cách tử tế.
Nhịp sống hiện nay thì ngày càng hối hả và những cuộc trò chuyện giữa cha mẹ và con cái cũng theo đó mà trở nên thưa dần, nhạt dần đến nỗi chỉ còn là những câu nói bâng quơ như:
“Hôm nay trong trường có gì vui không con?”
“Không ạ”
Lâu dần cả hai bên đều đóng cánh cửa lòng với đối phương và bạn có cảm giác như rằng khoảng cách giữa bạn và bố mẹ bạn đang ngày càng rộng dần? Mình nghĩ rằng có rất nhiều người đang đối mặt với tình huống này và họ nhận thức được điều đó. Nếu bạn nhận ra điều đó thì hãy nhớ rằng “Nhận thức là bước đầu của sự thay đổi” và chúng ta nhận thức để sửa đổi.
Vậy bạn có thể mở lòng ra mà trò chuyện với ba mẹ về chuyện trường lớp, về những bài kiểm tra mà bạn tự hào cũng như sở thích và ước mơ của bạn. Đối thoại chính là cầu nối giữa người với người.
Chúng ta trở nên thân thiết với nhau thông qua những cuộc trò chuyện bình thường hằng ngày. Nên lần tới khi bố mẹ hỏi “Hôm nay con học như thế nào?” thì bạn có thể thử suy nghĩ về những điều tốt đẹp của ngày hôm đó mà chia sẻ với họ.
Dần dà bạn có thể thẳng thắn nói với bố mẹ bạn những môn mà bạn thích hay những môn mà bạn ghét, học mãi chẳng vô nổi. Khi bạn đã ngả bài với họ thì ít nhiều gì họ cũng sẽ điều chỉnh kỳ vọng của bản thân sao cho phù hợp với năng lực của bạn.
Nguồn thiết kế: Canva
Nguồn thiết kế: Canva
Đương nhiên cũng có những phụ huynh rất cố chấp chỉ muốn con cái phải học cái này, cái kia và làm theo ý muốn họ nhưng số lượng vẫn là rất ít nên mình sẽ không đề cập đến những trường hợp này. Vì mình thấy đa số bố mẹ nào cũng đều rất mực thương yêu con cái dù rằng đôi khi họ sẽ dọa nạt kiểu “Mày mà điểm thấp lần kiểm tra này là ra khỏi nhà luôn nha con”.
Sau bài viết này thì chắc hẳn bạn cũng đã có sơ sơ khái niệm về cách để đối diện với stress đến từ bài vở cũng như những bậc phụ huynh rồi. Và đừng quên thử ứng dụng và nói cho mình biết kết quả nhé. Bài tiếp tới chúng ta sẽ cùng nhau bàn về cách để học mà chill như chơi.