Mình là 1 trai thẳng, đã có vợ con nên chủ đề này là thứ mình ít nghĩ tới. Bởi nó quá ư là tự nhiên và dễ dàng với mình. Nhưng khi đọc bài viết của 1 bạn trên spiderum (là nam) hỏi về cách để nói chuyện với 1 đứa con trai thì mình chợt nghĩ sâu hơn về điều này. Tự hỏi chính mình rằng làm thế nào để có thể bắt chuyện, tiếp chuyện 1 đứa con trai khác được? quá trình ấy bắt đầu thế nào và diễn biến ra sao để có thể phát triển 1 mối quan hệ bạn bè cùng giới được tốt hơn? Cũng đáng để tìm hiểu và suy ngẫm đấy chứ.
Và mình khái quát ra được một số đặc điểm dựa trên kinh nghiệm bản thân như sau:

1. Không phải cứ cùng là con trai thì dễ bắt chuyện

Mình đã gặp vài người mà mình không thể nào nói chuyện được. Ngay cả nói vài câu đầu đã thấy khớp và không thể tiếp tục. Vậy nên điều đầu tiên là không cần phải cố gắng bắt chuyện, phát triển mối quan hệ bạn bè với bất cứ đứa con trai nào cũng được. Mục đích của việc bắt chuyện, làm quen trong đối tượng cùng giới (nam giới) thường là:
- Mối quan hệ làm ăn: đối tác, khách hàng... hướng tới mục tiêu sinh lợi.
- Mối quan hệ đồng nghiệp: cùng nơi ở, học tập, làm việc... hướng tới mục tiêu giải quyết công việc chung và sự thoải mái, an toàn trong môi trường sống, sinh hoạt, làm việc.
- Mối quan hệ khác: không có mục đích cụ thể ngay từ đầu mà có thể vì bất kỳ điều gì như chung sở thích, nhờ vả nhau 1 điều đột xuất, hoặc tình cờ gặp qua 1 người trung gian mà không báo trước...
Nhưng khẳng định lại là không phải cứ có mục đích rõ ràng thì sẽ bắt chuyện được đâu nhé. Nó chỉ giúp bạn có động lực hơn và thực hiện nó một cách dễ dàng hơn thôi, nhờ có sự chủ động kết bạn. Còn vẫn phụ thuộc vào 2 người có hợp nhau không nữa.

2. Cách mở lời với người khác

Vì mục đích kết bạn khá là thoải mái và không khiến đối phương ở vào thế bị tấn công (mà ở thế hợp tác bình đẳng) nên việc mở lời cũng dễ dàng hơn. Quan trọng nhất là bạn cần thể hiện rõ tinh thần hợp tác và bình đẳng trong mối quan hệ này.
- Bạn không thể chủ ý bắt chuyện một đứa trong phòng thi chỉ để mong nó nhắc bài cho bạn được. Nó sẽ vênh mặt lên và mặc kệ bạn, không phải bởi nó không muốn kết bạn, mà bởi nó không muốn bị lợi dụng và ảnh hưởng tới quá trình thi của nó. Trừ khi nó cũng có ý định giống bạn, là lợi dụng nhau kiểu: mày làm được câu nào thì nhắc tao, tao được câu nào thì nhắc mày => như thế lại rất dễ để bắt chuyện và kết bạn về sau.
- Bạn mới vào công ty và không thể chủ động bắt chuyện với 1 tiền bối (người vào làm trước bạn) để mong anh ta để ý nâng đỡ cho bạn được. Muốn bắt chuyện với họ, thường là bạn phải làm gì đó có lợi cho họ mà việc đó không phải là việc phải làm của bạn trong công ty. Kiểu như chỉnh lại một bảng tính excel mà anh ta gặp vướng mắc, dù bảng tính ấy không phải do bạn làm ra.
- Bạn không thể làm quen với thằng bạn cùng phòng kiểu bắt ép nó phải thế này, phải thế kia khi ở cùng phòng với bạn. Nó sẽ ngay lập tức tỏ vẻ khó chịu khi bị áp đặt. Bạn cần thể hiện ra bạn chủ động đặt ra một số quy tắc và tự thực hiện nó trước, để đảm bảo không gây ảnh hưởng tới nó. Như thế nó sẽ thực hiện theo bạn để tránh xung đột. Tất nhiên là thứ bạn đặt ra ngay từ đầu phải cân bằng chứ không lấn chiếm quyền lợi của nó được.
Như vậy việc bắt chuyện với người khác (cùng giới) thường xuất phát điểm là "lợi ích cá nhân". Khi bạn muốn tiếp cận đối phương, bạn phải đảm bảo không xâm phạm tới lợi ích của họ, đồng thời nếu có thể thì làm gia tăng lợi ích đó một cách rõ ràng, không vòng vo, úp mở hứa hẹn mà phải có thật và có một cách tức thì. Hiểu lợi ích cá nhân của họ, biết mục đích của mình, bạn có thể cân đối hai thứ đó và dễ dàng tiếp cận họ. Nguyên tắc là không vụ lợi, mà là cùng có lợi, hoặc chí ít là không gây hại, không làm giảm đi lợi ích ban đầu của họ.
Không vụ lợi tức là khi tiếp cận 1 người, mình chỉ muốn có người trò chuyện, chia sẻ những gì mình biết, mình muốn nói thôi, không vì 1 lợi ích nào cả. Nhưng dù cho mình có nghĩ như vậy thì không có gì đảm bảo là đối phương cũng vậy. Do đó họ sẽ thường có tâm lý phòng vệ kiểu: Không biết tên này làm quen có ý đồ gì? Tâm lý này là để bảo vệ lợi ích của họ thôi (tránh bị xâm phạm). Nên kể cả không vụ lợi về mình thì vẫn phải cân nhắc, đánh giá để không ảnh hưởng tới lợi ích của họ. Như thế mới phát triển mối quan hệ lên được.

3. Cách phát triển mối quan hệ

Cũng chưa cần nghĩ xa xôi kiểu sau bao lâu thì trở nên thân thiết. Việc mở lời được với đối phương, có 1 câu chuyện để có thể chung tiếng nói là đã thành công bước đầu rồi. Điểm mấu chốt của phát triển mối quan hệ là "không kỳ vọng".
Nó cũng gần giống như không vụ lợi, tức là mình không kỳ vọng đối phương sẽ trở thành 1 người bạn sau này. Trở thành bạn để làm gì? Để mình có người giúp đỡ khi khó khăn ư? hay trở thành người trò chuyện lúc ta buồn chán ư? Đấy cũng là 1 kiểu "lợi ích cá nhân" mà ta muốn thôi. Nếu giữ tư tưởng này thì khó trở nên thân thiết và lâu dài được. Ngược lại, nếu họ cũng không muốn như vậy thì chẳng phải mình bị thất vọng, đâm ra trách họ thì đúng là sai quá sai.
- Giúp họ lần này thì ta cũng thôi không nghĩ chuyện họ phải giúp lại. Ta chủ động giúp và ta tự nguyện với điều đó. Dẫu họ có mở lời nhờ thì cũng là ta lựa chọn đồng ý hay từ chối cơ mà. Nên khi đã đồng ý giúp đỡ người khác thì không nên tính toán kiểu coi như cho họ mắc nợ.
- Nói chuyện với họ cảm thấy hợp cũng chưa chắc là do 2 người hợp nhau, mà có thể họ là người khéo léo, biết cách dẫn dắt và nói chuyện mà thôi. Đặc biệt trong lần giao tiếp đầu tiên thì việc này càng dễ xảy ra khi người ta thường cố tạo ấn tượng tốt trước người lạ (thường là tốt hẳn hoặc xấu hẳn). Nên cần giao tiếp vài lần để kiểm chứng rõ hơn. Không nên kỳ vọng quá nhiều trong lần gặp đầu tiên.
- Việc giao tiếp giữa người cùng giới (là con trai) thì các chủ đề khá đa dạng, kể cả những chuyện nhạy cảm cũng nói được. Tuy nhiên không phải ai cũng như ai, mà thường mỗi người có 1 gu riêng. Gu của họ sẽ thể hiện qua cách ăn mặc, đồ uống, chủ đề họ chọn để nói. Có 1 số đặc điểm như thế này (đánh giá chủ quan từ cảm nhận bản thân):
+ Không cầu kỳ, chải chuốt (đặc biệt là đầu tóc, sau đó là đến giày dép, phụ kiện đeo trên người, cuối mới là quần áo) thì họ là người hướng nội, ít nói. Chủ đề họ thường quan tâm là về game, truyện, phim, cờ, gái (gái thì có ở tất cả các dạng nên thôi, nhắc 1 lần là đủ). Nhóm này nói chuyện nhạt toẹt lúc mới gặp, nhưng hợp cạ thì họ rất lắm mồm. Họ không thích kết giao nhiều bạn bè nhưng nếu hợp cạ thì họ sẽ hướng tới bạn bè thân hơn là bạn xã giao.
+ Những người hay chải chuốt, nhìn bóng bẩy và sáng láng: họ hướng ngoại, thích tạo quan hệ nên dễ nói chuyện. Nhưng câu chuyện của họ có xu hướng khoe khoang về bản thân nhiều hơn là tìm hiểu đối phương (ngược với hướng nội là thích tìm hiểu đối phương chứ không kể nhiều về bản thân). Chủ đề họ nhắc tới thường về ăn nhậu, đi chơi, kiếm tiền, chăn gái, quần áo thời trang, thể thao. Chủ đề của họ rất rộng và họ chém gió rất kinh. Nói chuyện với họ khá là vui nhưng họ thường trú trọng vào việc kiếm lợi từ mối quan hệ hơn là làm bạn thân không vụ lợi. Không phải người chải chuốt bóng bẩy nào cũng là hướng ngoại, mà do họ có vị trí, địa vị nên thể hiện mình phù hợp với địa vị đó thôi. Nhưng chính vì giữ mình ở địa vị đó khiến họ đề phòng hơn, bảo vệ lợi ích cá nhân hoặc tìm kiếm lợi ích cá nhân để củng cố địa vị nhiều hơn là một mối quan hệ tình cảm bạn bè không vụ lợi.
+ Người tỏ vẻ cứng nhắc, khó gần: thường họ có những suy tư riêng và không muốn nói cho người khác, hoặc chỉ nói với người thật sự tin tưởng. Vậy nên việc tiếp xúc ban đầu thường mặc kệ họ và chỉ join vào cái mà họ quan tâm, thổ lộ chứ không nên nói rộng hoặc đào sâu. Họ có thể thích nghe nhưng không thích nói. Nhưng hạn chế nói nhiều trước mặt họ, bởi những người này thường có chiều sâu và họ có thể cho rằng bạn lắm mồm, nông cạn, khó tạo sự tin tưởng. Giải pháp tốt là thăm dò 1 số chủ đề, rồi chỉ nói về thứ họ quan tâm. Lôi kéo họ vào một số hoạt động hoặc môi trường để họ thoát ra khỏi vỏ bọc khô cứng, lúc ấy sẽ dễ nói những đề tài khác hơn.
+ Người tỏ ra nhiều tiền hoặc thoáng trong việc chi tiền: họ là người rất welcome các mối quan hệ mới. Nhưng họ không thuộc dạng tiêu tiền cho bản thân như nhóm chải chuốt, mà họ dùng tiền để tạo tính cách thu hút người khác (tỏ ra là kiểu người dễ đem lợi cho người khác). Họ thường không đủ sâu sắc, cũng có đời sống riêng tư khá nhạt. Họ thường dựa vào người khác để sống. Họ sẵn lòng giúp đỡ người khác đến bất ngờ, bởi họ thường kỳ vọng vào việc "cho đi để nhận lại". Họ kỳ vọng nhiều vào các mối quan hệ nhưng mức độ sâu sắc không cao trong hầu hết các mối quan hệ.
...
Việc đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài tạo ra 1 góc nhìn ĐÁNH LỪA bản thân, nhưng nó lại rút ngắn thời gian tìm hiểu đối phương. Nó có thể khiến ta đánh giá sai về đối phương, tạo ra sự đánh đồng và quy chụp, dập khuôn trong cách tiếp cận người khác. Do đó khi phát triển mối quan hệ, cần sớm loại bỏ đi suy nghĩ ban đầu này. Tức là lần giao tiếp đầu tiên, khi chưa biết gì về họ thì có thể tận dụng đánh giá trên để nhanh chóng tiếp cận họ, có một số hướng tiếp cận chủ động để không bị 'khớp' khi mới tiếp xúc lần đầu. Nhưng ở lần giao tiếp sau đó, phải loại bỏ đi đánh giá ban đầu về họ, mà dựa trên những gì có được ở lần trước để xây dựng một góc nhìn mới về họ => xem họ có đúng như nhận định ban đầu không, nếu khác thì khác ở điểm nào => khai thác sâu hơn những điểm khác biệt đó để vẽ nên chân dung họ được chính xác hơn => lúc ấy cách duy trì mối quan hệ sẽ khác và phù hợp hơn, chứ không máy móc, quy chụp, bất biến về 1 đối tượng.
---
Trên đây là một số góc nhìn của mình thôi. Nếu bạn cảm thấy khó khăn trong việc tiếp cận người khác thì có thể tham khảo. Còn bạn nào không gặp vấn đề thì đọc cho vui thôi. Bài viết mang tính chém gió là chính, không phải dạy đời gì đâu nha. Nếu có ném đá xin nhẹ tay. Thân!