Làm việc với cơn giận
Trong chúng ta, bất kì ai cũng đã có những lúc nóng giận, không kiểm soát được bản thân. Đó là một cảm giác rất khó chịu và gây tổn...
Trong chúng ta, bất kì ai cũng đã có những lúc nóng giận, không kiểm soát được bản thân. Đó là một cảm giác rất khó chịu và gây tổn thương về lâu dài. Chúng tổn thương trước hết là đối với người giận, những người bị giận và xa hơn là với một cộng đồng mà nơi đó toàn sự hằn học, khó chịu. Do đó, một kỹ năng đặc biệt quan trọng để bạn tạo dựng những mối quan hệ lành mạnh, bền vững là biết cách điều chỉnh, chuyển hóa cảm xúc trong mình. Vậy làm thế nào để kiểm soát cơn giận tốt hơn? Trong phần đầu của bài viết, mình sẽ cung cấp một góc nhìn đúng đắn và tỉnh thức về thứ cảm xúc vốn thân thuộc này, để từ đó bạn có cách tiếp cận, giải phóng chúng một cách lành mạnh và sáng suốt. Ở hai phần tiếp theo, mình sẽ hướng dẫn bạn giải quyết cơn giận theo hai cách khác nhau.
Trước tiên, khi ta giận một ai đó, lí do không nằm ở người kia, không nằm ở thứ mà người đó nói hay hành động, mà nằm ở sự lựa chọn của ta. Hãy tưởng tượng thế giới như một mặt hồ phẳng lặng, ở nơi đó bạn nhìn thấy chính mình, nhìn thấy tất cả những tổn thương, nỗi đau bên trong mình. Khi bạn lựa chọn giận dữ với ai đó, không phải do họ, mà là do bạn muốn làm như vậy. Lấy ví dụ khi nhân viên phục vụ lỡ làm đổ nước vào một người, sau đó người khách kia ngay lập tức đứng dậy và quát tháo họ. Sự nóng tính ấy đến từ mong muốn được trút giận của người khách, có thể vì khi ở cơ quan, họ bị sếp chèn ép và từ đó dẫn đến việc họ muốn tìm một đối tượng khác để thể hiện sự chống đối hoặc uy quyền của mình - thứ mà họ đã không dám làm với những người được cho là “trên cơ”. Trong trường hợp khác, khi một người có những lời lẽ khó nghe nhằm chỉ trích và phỉ báng ta, dẫn đến sự tức giận bên trong. Thật ra những lời nói ấy độc địa như thế là đến từ cái tâm không bình an của họ và phản ứng giận dữ cũng đến từ những tổn thương, khổ đau trong ta. Không một yếu tố ngoại cảnh nào có thể tác động được đến cảm xúc của mình, tất cả đều là sự lựa chọn của tâm trí ta và sự lựa chọn ấy được hình thành theo thói quen nghĩ, từ những tổn thương cũ, từ những hình mẫu độc hại - ví dụ như những đứa trẻ phải chịu đựng hay chứng kiến bạo lực gia đình khi còn nhỏ thì khi lớn lên cũng sẽ được cài sẵn khuôn mẫu bạo lực hay chịu đựng nếu không có sự rèn dũa đúng đắn. Điều này cũng giải thích cho việc những người sẽ giận với những lí do khác nhau và ranh giới của mỗi người cũng khác nhau nữa. Ta dễ dàng nhận ra những vị thiền sư đã tu tập lâu năm sẽ hiền hậu và ít nổi nóng hơn, có những ứng xử nhân ái hơn so với người chưa qua chữa lành, chưa thấu hiểu bản thân. Vậy nên, để chuyển hóa được cơn giận, trước hết là tìm vào sâu gốc rễ, hiểu được nguyên nhân sâu xa của nó. Nhưng ta cần hiểu cơn giận không phải là ta, chúng chỉ là một phản ứng được kích hoạt chứ không phải là con người nguyên thủy, thuần khiết của ta.
Cách đầu tiên để xử lí nỗi giận là tách mình ra khỏi cái cơn ấy. Bạn hãy lựa chọn một khu vực an toàn, nơi mà bạn sẽ được ở một mình: đó có thể là căn phòng ngủ ấm áp, khu vườn nhiều cây xanh hoặc bờ biển,... Sau đó, nhắm mắt lại và quan sát cơn giận ấy. Hít vào, thở ra, bạn nhận diện những ý nghĩ trong đầu mình. Một suy nghĩ nổi lên, bạn gọi thành tiếng nó. Ví dụ, bạn bực mình vì bị sếp la mắng. Khi ngồi xuống, bạn thấy trong đầu mình như cuốn phim tua lại cảnh tượng bị chỉ trích ấy, và bạn nhẹ nhàng gọi tên những gì mình thấy. À, tôi thấy người sếp với khuôn mặt đáng sợ đang chỉ tay về phía mình và đôi môi thì không ngừng cử động này. À, tôi thấy hình ảnh mình cúi xuống và trông rất sợ hãi này. Bạn tiếp tục gọi tên và nhận biết những suy nghĩ khác của mình, và mỗi một lần quan sát, bạn hiểu rằng những suy nghĩ này là vị khách không mời mà đến, từ cái tôi chưa ở trong thực tại của mình phóng chiếu. Khi hiểu rằng tất cả chỉ là một vở kịch do tâm trí chiếu lại, bạn bắt đầu tách mình ra khỏi vòng xoáy của suy nghĩ, bạn cho phép mình là người ngoài quan sát những suy nghĩ, cơn giận đang nổi lên trong mình. Hoặc bạn cũng có thể tưởng tượng tâm trí mình là bầu trời, các suy nghĩ là những đám mây, có đám nhỏ, trắng, nhẹ, có đám đen xám, cuồn cuộn, đe dọa, nhưng tất cả sẽ trôi qua, chỉ có bầu trời ở lại. Nếu đôi lúc, trong quá trình quan sát, bạn thấy mình bị cuốn đi và chìm đắm trong những ý nghĩ độc hại hoặc bị cảm xúc xâm chiếm, bạn có thể tạm dừng lại và chỉ thở thôi. Chỉ đi theo, nhận biết hơi thở tự nhiên hoặc hít thở sâu nhiều lần để lấy lại sự bình tâm. Sau khi cơn giận đã lắng lại, bạn trở về ôm ấp chính mình, ôm ấp đứa trẻ bên trong của mình. Tưởng tượng có một em bé bên trong lồng ngực bạn và em bé đang cần sự vỗ về, an ủi. Bạn quay về với hình hài một người trưởng thành, ôm em ấy vào lòng và nói những khẳng định tích cực như: em giỏi lắm, em đã làm rất tốt, em tuyệt vời mà hoặc chỉ đơn giản là ở bên cạnh vỗ về em: không sao đâu, anh/chị đã ở đây rồi, anh/chị yêu em, anh/chị chấp nhận con người em như chính em là. Có thể thời gian đầu sẽ hơi khó khăn, nhưng khi có sự luyện tập dài lâu, dần dần bạn sẽ thấy trong mình ít đi sự hằn học, khó chịu mà thay vào đó là một tâm trí bình an, vững chãi. Bạn có thể thực hành sự nhận biết này kể cả khi không có cơn giận bằng cách nghe các bài dẫn thiền hoặc an trú trong khoảnh khắc hiện tại - vốn là sự nhận biết các hoạt động, ý nghĩ hiện có của mình.
Một cách khác để giải phóng sự giận dữ đó là hãy bộc phát chúng hết ra ngoài. Từ từ đã nào, bạn không đọc nhầm đâu, có lẽ bạn sẽ thấy nó khá độc hại nhưng hãy làm theo các bước sau để sự bộc phát ấy phát huy tối đa công dụng mà lại lành mạnh nhé. Đầu tiên, bạn cũng hãy tìm cho mình một nơi trú ẩn an toàn. Ở trong đó, bạn hãy viết hoặc ghi âm lại tất cả những ý nghĩ trong đầu, mình khuyên bạn nên ghi âm vì nó nhanh và sẽ giúp giải phóng luân xa cổ họng rất tốt. Bạn có thể thoải mái chửi bới, thể hiện sự phẫn uất của mình ra ngoài, tất nhiên là đừng nên có ai khác ở đó nhé. Sau khi phát các cơn ấy và thấy thoải mái hơn, bạn hãy hít thở thật sâu ít nhất 10 lần. Tiếp theo, hãy chọn một việc làm bạn cảm thấy được chữa lành, có thể đọc sách, tập thể dục hoặc đơn giản là xem phim, tắm nước ấm thôi cũng được. Bạn có thể làm việc ấy trong vài tiếng hoặc nếu cần, hãy dành ra 1 ngày trọn vẹn để yêu thương, chăm sóc lại cho bản thân. Và sau khi đã thấy thoải mái với vấn đề đó, bạn hãy đọc lại những gì mình viết hoặc nghe lại đoạn ghi âm. Sau đó, hãy tự mình suy tư vấn đề, bằng cách đặt ra các câu hỏi cho bản thân: Tôi đã hành xử như thế nào? Tại sao tôi lại hành xử theo cách ấy? Lần cuối cùng tôi giận như vậy là khi nào và sự việc gì đã khiến tôi giận như thế? Lần đầu tiên tôi có sự tức giận này là khi nào? Các lần đó khác và giống nhau như thế nào? Tôi có trưởng thành lên sau những lần ấy không hay vẫn hành xử như thế? Nếu được lựa chọn khác đi tôi có làm như thế không? Các câu hỏi trên chỉ là những câu gợi mở nếu bạn không biết phải brainstorm ra sao, bạn hoàn toàn có thể đặt ra những câu hỏi khác hoặc cứ viết mọi thứ ra trên giấy để suy nghĩ thật thấu đáo. Bộ não rất thông minh, chúng sẽ dẫn bạn đến gốc rễ của vấn đề nếu bạn chịu dành thời gian và cho nó cơ hội để thực sự tập trung vào sự việc. Làm việc này từ 1-2 tiếng hoặc 1-2 tuần cho đến khi bạn tìm ra, nhận biết được những xu hướng phản ứng của bản thân, những vòng lặp hay những mặc định sai lầm. Sau đó, hãy tự giáo dục lại chính mình như cách một người cha giáo dục con cái vậy, nghiêm khắc và cứng rắn để mình không đi theo khuôn mẫu ấy nữa. Việc này đặc biệt có hiệu quả bởi nó cho ta được đưa con giận ấy ra ngoài, có những người luôn chịu đựng, kiềm chế sự tức giận, bởi họ cho nó là xấu, thực ra nó chỉ là một cảm xúc và cảm xúc không phải là con người thật của ta. Nếu ta luôn đè nén nỗi hằn học, khó chịu trong lòng thì sẽ đến một lúc, khi một sự việc “kích hoạt” xảy ra, dù chỉ là vấn đề rất nhỏ như con cái khóc, bị hư xe, cũng sẽ làm cho sự bực tức bùng nổ, đến lúc ấy thì hậu quả khôn lường.
Cuối cùng, để thực sự làm chủ được cảm xúc của mình, bạn hãy đều đặn thực hành những việc để chữa lành, nâng cao tần số rung động của bản thân. Bạn có thể viết các câu khẳng định tích cực, những điều mình thấy biết ơn hoặc những điều mình sẽ tha thứ. Điều quan trọng là hãy duy trì và thực hành chúng một cách đều đặn để lần sau, khi có điều gì không may xảy đến, ta có thể nhìn chúng với con mắt tỉnh thức, bình an và sáng suốt để giải quyết vấn đề. Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này, cảm ơn bạn vì đã tự tìm cho mình một cách thức để nuôi dưỡng, tưới mát tâm hồn mình. Chúc bạn một ngày tốt lành, một đời an nhiên!
Bài viết được tham khảo từ cuốn sách “Giận” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và podcast “Sự tức giận - làm việc với bóng tối” của chị Chi de Papillon. Bạn có thể tham khảo đề có cái nhìn đa chiều, sâu sắc hơn.
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất