Đây là nội dung bài thuyết trình nhóm môn "Tâm bệnh học phát triển" của mình. Vì rất thoả mãn về bài thuyết trình và thấy những kiến thức này có ích, nên mình muốn chia sẻ ở đây.
Lưu ý: Ngôn ngữ được sử dụng trong bài khá kỳ lạ nếu không quen với phân tâm, nhiều khái niệm là những thuật ngữ xưa cũ với định nghĩa khác với hiện đại, và tất nhiên không được kiểm định khoa học (trừ Bowlby), cần phản biện khi đọc.
"Garden of Saint-Paul Hospital, The"; Vincent van Gogh, 1889

Mối quan hệ mẹ-con sớm

Mục lục
I - Khởi nguồn từ Freud
II - Melanie Klein & Anna Freud
III - Thuyết quan hệ đối tượng
IV - Sự kiện chia tách
V - Vai trò của người mẹ
VI - Từ quan hệ mẹ-con sớm đến các mối quan hệ sau này
VII - Nguy cơ tâm bệnh lý trong giai đoạn quan hệ mẹ-con sớm

I - KHỞI NGUỒN TỪ FREUD

Mặc dù Freud không nghiên cứu nhiều về trẻ em. Nhưng phân tâm học và hệ thống khái niệm của ông lại là tiền đề cho cuộc tranh cãi giữa Melanie Klein và Anna Freud, tạo nên một truyền thống sâu rộng nghiên cứu về mối quan hệ mẹ-con sớm.
        Sự phát triển tâm lý của một đứa trẻ được Freud ví như là một sự tái hiện lại quá trình tiến hoá ý thức của loài người. Xung đột giữa bản năng và văn minh, tính chất hai mặt của cảm xúc, cơ chế đầu tư libido, tính toàn năng của tư duy (đồng nhất hoá phóng chiếu) đều là những đặc điểm thời kỳ đầu của đứa trẻ. (“Vật tổ và cấm kỵ”; Freud, 1913).
        Mọi đứa trẻ khi sinh ra đều là những kẻ “ái kỷ nguyên thuỷ” với đặc trưng là sự thống trị của cái Ấy (Id) và tính “tự kỷ” (với nghĩa cũ của phân tâm). Dần dần đứa trẻ phát triển tri giác, từ đó hình thành nên cái Tôi (Ego), bắt đầu phân biệt được mình và người khác - thoát khỏi tính tự kỷ & bắt đầu biết cân nhắc thực tế - thoát khỏi tính ái kỷ. (“Về ái kỷ”; Freud, 1914).
        Giai đoạn tâm tính dục đầu tiên của trẻ là Môi miệng (Oral stage), trẻ hoàn toàn phụ thuộc và người mẹ để được cho ăn và chăm sóc. Đây là gắn bó cảm xúc đầu tiên của trẻ, tạo nên hình ảnh về bản thân trong suốt cuộc đời sau này.
        Đây là những đóng góp quan trọng của Freud làm tiền đề cho Melanie Klein, Anna Freud và cuộc tranh cãi giữa hai người.
“Này chớ nhầm lẫn. Tôi là Freudian, chứ không phải Anna Freudian” - Melanie Klein.

II - MELANIE KLEIN VÀ ANNA FREUD

Mâu thuẫn giữa Melanie Klein và Anna Freud xuất phát từ tranh cãi xem cái Siêu Tôi xuất hiện từ khi nào. Anna Freud quyết tâm bảo tồn quan điểm của cha mình, cho rằng cái Tôi chỉ xuất hiện sau khi đứa trẻ chia tách với người mẹ, đánh dấu sự ra đời của đời sống tâm lý cá nhân, và một thời gian sau khi cái Tôi xuất hiện thì cái Siêu Tôi mới xuất hiện. Còn Melanie Klein cho rằng cái Siêu Tôi đã xuất hiện từ khi mới lọt lòng, cùng với cái Tôi (thực tế) và cái Ấy (các xung năng), đồng kiến tạo nên các “huyễn tưởng vô thức”. (Đọc thêm: “Daughters, Fighting For Freud's Mantle”; The New York Times, 1986)
        Melanie Klein xây dựng thuyết “Quan hệ đối tượng” (Object-relations) dựa trên bài viết của Freud năm 1917 về tình trạng bi kịch của cá nhân: mâu thuẫn giữa bản thân và hình ảnh người khác được nội hoá bên trong mình. Theo Klein, khi đứa trẻ chưa vượt qua được hai giai đoạn “Hoang tưởng-phân liệt” và “Trầm cảm”, nó không thể tương tác với người khác như những con người thực sự, mà phóng chiếu các Đối tượng có tính biểu tượng (trong vô thức) lên người khác, và chỉ tương tác với các huyễn tưởng bên trong mình.
        Anna Freud thì đặc biệt chú trọng vào “Sự kiện chia tách” giữa đứa con và người mẹ. Sự kiện này diễn ra khi đứa trẻ thoát khỏi tình trạng “tự kỷ”, tức là khi phân biệt được bản thân nó là một cá thể độc lập với thế giới, độc lập với bà mẹ. Sự kiện chia tách này có vai trò rất quan trọng. Nếu được diễn ra suôn sẻ sẽ giúp đứa trẻ thoát khỏi tình trạng lệ thuộc cảm xúc mà trở nên độc lập. Nếu không được diễn ra suôn sẻ sẽ gây lo hãi cho đứa trẻ, làm rối loạn sự hình thành cái Tôi.
        Những nhà phân tâm học trẻ em cùng thời và sau này đều dựa trên nền tảng của Klein và Anna Freud, và đều có khuynh hướng hài hoà cả hai trường phái. Nhìn chung, có 2 khái niệm quan trọng trong quan hệ mẹ-con sớm là: “Quan hệ đối tượng” và “Sự kiện chia tách”.

III - THUYẾT QUAN HỆ ĐỐI TƯỢNG

Melanie Klein, Karl Abraham, Margaret Mahler, Donald Winnicott là những người có đóng góp quan trọng cho học thuyết quan hệ đối tượng. Lý thuyết quan hệ đối tượng đặt nền móng trên khái niệm “huyễn tưởng vô thức”.

1. Huyễn tưởng vô thức

Huyễn tưởng vô thức là mọi hình ảnh tâm trí sử dụng để lý giải thế giới bên ngoài. Đứa trẻ phát triển các huyễn tưởng vô thức từ khi mới chào đời. Thành phần của huyễn tưởng vô thức bao gồm cả xung năng tính dục (libido) và xung năng huỷ diệt (thanatos) bên trong và những tương tác giữa đứa trẻ với các đối tượng (objects) bên ngoài.
        Lúc đầu huyễn tưởng vô thức đậm chất thế giới bên trong của đứa trẻ, không liên hệ với thực tế. Theo quá trình phát triển, huyễn tưởng vô thức phải được cái Tôi kiểm định với thực tế và làm cho trở nên đúng hơn với thực tế.

2. Giai đoạn Hoang tưởng-Phân liệt

Đứa trẻ sinh ra với những huyễn tưởng vô thức có rất ít liên hệ với thực tế, nên Melanie Klein gọi giai đoạn này là “Hoang tưởng-Phân liệt”, với hai đặc điểm chính: (1) Phân tách 1 đối tượng thành 2 đối tượng, tương ứng với 2 loại xung năng đối lập (libido & thanatos); (2) hiện tượng “toàn năng của tư duy” với cơ chế “đồng nhất hoá phóng chiếu”.
        Về đặc điểm thứ nhất, khi mới lọt lòng thì thứ đứa trẻ tiếp xúc đầu tiên là bầu vú của người mẹ - đây là đối tượng đầu tiên tương tác với đứa trẻ. Nó sẽ phóng chiếu hai loại xung năng đối lập lên bầu vú.
        Ngay từ ngày mới chào đời, đứa trẻ cảm nhận được những truy hại đầu tiên - khi ở trong bụng mẹ, không có gì đe doạ nó; nhưng khi ra đời, đầu tiên, nó phải đối diện với những đe doạ từ bên ngoài như cơn đói và cơn khát, rồi nó phải đối diện với tình trạng bất lực không thể tự bảo vệ và chăm sóc bản thân, nhưng hơn cả thế là những xung năng huỷ diệt bên trong nó luôn muốn phá huỷ mọi thứ. Ở cực ngược lại, những xung năng tính dục (từ bên trong) và sự yêu thương của người mẹ (từ bên ngoài) đóng vai trò như nguồn sức mạnh giúp đứa trẻ chống lại những lo hãi trên. Sự yêu thương của người mẹ được thể hiện trước hết là qua việc cho bú.
        Để luôn cảm thấy được an toàn, đứa trẻ học cách hằng định bầu vú của bà mẹ thành 1 hình ảnh lý tưởng và hoàn toàn, luôn sẵn có mỗi khi nó cần. Nhưng thực tế không được như vậy. Sẽ có những lúc bầu vú chậm trễ và làm nó lo hãi cũng như tức giận. Đứa trẻ không thể hiểu được sự mâu thuẫn này, nên phân tách bầu vú của bà mẹ thành 2 đối tượng: “bầu vú tốt”“bầu vú tốt”. Bầu vú xấu thì luôn xấu, còn bầu vú tốt thì luôn tốt và bảo vệ đứa trẻ khỏi bầu vú xấu. Mối quan hệ của đứa trẻ với bầu vú tốt càng mạnh mẽ bao nhiêu, thì nó càng có sức mạnh chống lại sự truy hại của bầu vú xấu.
        Để đứa trẻ cảm thấy an toàn và phát triển bình thường, thì những trải nghiệm với bầu vú tốt phải chiếm ưu thế so với những trải nghiệm với bầu vú xấu (nghĩa là người mẹ nhạy cảm với nhu cầu được bú mút của đứa con). Ngược lại, khi bầu vú xấu chiếm ưu thế (người mẹ thường xuyên cho bú chậm trễ), đứa trẻ kích hoạt xung năng phá huỷ một cách bất thường, hoặc háu ăn quá mức hoặc chán ăn. Tuy vậy, trẻ phải trải nghiệm đủ cả bầu vú tốt lẫn xấu, cả yêu thương bầu vú tốt lẫn cắn xé bầu vú xấu, thì trẻ mới phát triển bình thường được.
        Về đặc điểm thứ hai, để khám phá thế giới bên ngoài, đứa trẻ cần đồng nhất hoá với các đối tượng thực tế bên ngoài thành các huyễn tưởng vô thức bên trong, thông qua cơ chế nội hoá. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, cái Tôi của đứa trẻ (tức tri giác) chưa phát triển đầy đủ, nên đứa trẻ có xu hướng đồng nhất hoá với thế giới bên ngoài thông qua cơ chế phóng chiếu, gọi là “đồng nhất hoá phóng chiếu”. Nôm na nghĩa là: thay vì biến cái thực tế thành những hình ảnh bên trong tâm trí, thì đứa trẻ làm ngược lại, biến những hình ảnh bên trong tâm trí thành cái thực tế. Freud gọi hiện tượng này là “tính toàn năng của tư duy” - phổ biến trong người cổ đại, trong các tục lệ mê tín, và được tái hiện lại trong trẻ sơ sinh.
        Nghĩa là, một bầu vú là xấu hay tốt, không hoàn toàn phụ thuộc vào sự kịp thời và nhạy cảm mà nó sẵn có để phục vụ đứa trẻ, mà phụ thuộc nhiều vào cái hiện trạng xung năng mà đứa trẻ đang có. Khi xung năng phá huỷ đang chiếm ưu thế, thì bầu vú trở thành bầu vú xấu; đứa trẻ cắn nghiến bầu vú và cho rằng bầu vú cũng đang cắn nghiến nó. Khi xung năng tính dục đang chiếm ưu thế trong đứa trẻ, thì bầu vú trở thành bầu vú tốt; đứa trẻ yêu thương bầu vú vô hạn.
        “Tính hai mặt” và cơ chế “đồng nhất hoá phóng chiếu” là hai đặc điểm chính của giai đoạn Hoang tưởng-Phân liệt. Đứa trẻ cần phải vượt qua giai đoạn này để có thể nhìn nhận 1 đối tượng với đầy đủ tính chất tốt-xấu của nó, cũng như nhìn nhận đối tượng như 1 đối tượng thực tế chứ không phải một hình ảnh phóng chiếu mà nó gắn lên đối tượng.

3. Giai đoạn Trầm cảm

Vượt qua giai đoạn Hoang tưởng-phân liệt, trẻ phải đạt được: (1) thống hợp cảm xúc và tri giác của mình về 1 đối tượng (bầu vú của mẹ) và (2) huyễn tưởng vô thức mang nhiều màu sắc thực tế hơn (bắt đầu thay phóng chiếu bằng nội hoá).
        Nhưng quá trình thống hợp dẫn đến cảm xúc tội lỗi, khi đứa trẻ gắn những cảm xúc căm ghét và phá huỷ lên đối tượng mà nó yêu thương nhất (thống hợp bầu vú tốt và bầu vú xấu). Quá trình thực tế hoá dẫn đến sự mất đi của một hình ảnh bầu vú tốt lý tưởng và hoàn hảo, dẫn đến lo hãi trầm cảm.
        Giai đoạn trầm cảm này là cần thiết, và nó chỉ thuyên giảm đi khi đứa trẻ dần chuyển những lo hãi trầm cảm và cảm giác tội lỗi lên người mẹ - học được rằng mẹ có lúc tốt, có lúc xấu chứ không phải tại mình. Thông qua việc này, đứa trẻ cũng nhận thức được người mẹ như một con người thực sự, chứ không phải những hình ảnh mang tính biểu tượng mà nó phóng chiếu lên cho mẹ. Đây là tiền đề cho sự tương tác lành mạnh sau này.

IV - SỰ KIỆN CHIA TÁCH

Khác với Melanie Klein, Anna Freud cho rằng chỉ sau khi thoát khỏi tình trạng lệ thuộc/cộng sinh với mẹ, thì đứa trẻ mới bắt đầu phát triển cái Tôi, và mới có một đời sống tâm lý độc lập. Sự kiện chia tách này rất quan trọng đối với đứa trẻ, Anna Freud, Margaret Mahler và Donald Winnicott đều có những đóng góp quan trọng về mặt lý thuyết xoay quanh sự kiện này.

1. Trước và sau Sự kiện chia tách

        Anna Freud cho rằng đứa trẻ cần trải qua 2 giai đoạn: Giai đoạn cộng sinh - đặc trưng là sự “ái kỷ nguyên thuỷ” (sự thống trị của cái Ấy) và sự “tự kỷ” (không phân biệt mình với các đối tượng khác); giai đoạn này trẻ lệ thuộc vào mẹ, và bất kỳ sự chia cắt nào cũng gây ra lo hãi cho trẻ. Giai đoạn độc lập - Cái Tôi được hình thành, tách bản thân ra khỏi các đối tượng khác, bắt đầu hình thành đời sống tâm lý riêng của mình.
        Winnicott miêu tả trước và sau sự kiện chia tách này bằng 2 khái niệm “Sự toàn năng chủ quan”“Cái thực tế khách quan”. Trong giai đoạn cộng sinh với mẹ, trẻ được người mẹ chăm lo mọi nhu cầu, nó thấy mình có quyền lực vô hạn, hay ảo tưởng về sự toàn năng. Khi bà mẹ không còn nhạy cảm với nhu cầu của đứa con nữa, ảo tưởng của đứa trẻ bị thuyên giảm, đứa trẻ tiếp cận với cái thực tế hơn. Tuy nhiên, nếu quá trình này diễn ra quá sớm, đứa trẻ nhận ra sự bất lực của bản thân mình quá sớm, dẫn tới lo hãi và các triệu chứng.
        Margaret Mahler chia quá trình này thành 4 giai đoạn:
        Giai đoạn I (0-1 tháng tuổi): Tự kỷ thông thường. Không phân biệt được giữa mình và thế giới xung quanh.
        Giai đoạn II (2-3 tháng tuổi): Cộng sinh. Trẻ nhận biết được có một người chăm sóc mình, nhưng trẻ nghĩ rằng mình và mẹ là 2 phần của một cơ thể sinh vật.
        Giai đoạn III (4-14 tháng tuổi): Tách rời. Trẻ trải nghiệm nhiều hơn về chậm trễ của người mẹ trong việc đáp ứng mẹ. Sự ấm ức này giúp trẻ nhận ra rằng người chăm sóc là một con người riêng biệt, với những cảm xúc và khuynh hướng riêng biệt của họ ( giai đoạn phân biệt). Ở khoảng 8 tháng tuổi, trẻ bắt đầu bò và có khả năng di chuyển theo ý chí của mình. Trẻ bắt đầu khám phá thế giới xung quanh ngoài mẹ.
        Giai đoạn IV (14-26 tháng tuổi): Quan hệ với người khác & Củng cố tính cách cá nhân. Khoảng 2 tuổi, trẻ bắt đầu có những suy nghĩ biểu tượng, giúp trẻ ý thức rõ ràng về tính dễ bị tổn thương của mình, và vì vậy lo sợ chia tách (Ví dụ: "nếu tôi đi xa quá, tôi có thể bị lạc"). Cùng lúc đó, trẻ thèm muốn sự độc lập và mối quan hệ giữa trẻ và cha mẹ có biểu hiện tính hai chiều (ambivalence): trẻ chuyển đổi giữa việc bám víu vào người mẹ và việc đẩy họ ra xa. Đây là lúc trẻ trải nghiệm người chăm sóc như là hai trạng thái khác biệt: bà mẹ “tốt” là người yêu thương, tốt bụng và bà mẹ “xấu” là người gây ấm ức, thất vọng.
        Giai đoạn cuối cùng trong quá trình chia cách-cá thể hoá (Separation-Individuation) khởi đầu bằng việc đạt được hằng định đối tượng cảm xúc. Giai đoạn này giống như giai đoạn Trầm cảm của Klein. Hằng định cảm xúc cho phép đứa trẻ hiểu được rằng người mẹ xấu đang làm mình tức giận này cũng đã từng yêu thương mình, hay người mẹ tốt đang yêu thương mình này cũng đã từng làm mình tức giận. Giống như Klein, Margaret cho rằng trẻ cần đạt được khả năng thống hợp này để có thể tương tác với người khác như con người thật sự với đủ loại hỷ, nộ, ái, ố.
        Erik Erikson cũng có nói đến tầm quan trọng của giai đoạn cộng sinh trước chia tách, và cả những thứ cần đạt được sau chia tách:
        Giai đoạn 1: (0-18 tháng). Tin tưởng & Nghi ngờ. Nếu bà mẹ đáp ứng đầy đủ nhu cầu được cho ăn của đứa trẻ, thì đứa trẻ sẽ phát triển niềm tin với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, trẻ cũng phải học được cách nghi ngờ thế giới bên ngoài, thông qua việc thất bại trong việc đáp ứng tức thời của bà mẹ. Tin tưởng và nghi ngờ kết hợp lại hình thành nên sức mạnh “hy vọng” cho đứa trẻ. Có thể xem đây là mục tiêu cần có trước chia tách.
        Giai đoạn 2: (18 tháng - 3 tuổi). Tự chủ và nghi ngờ, xấu hổ. Ở tuổi này, em bé bắt đầu khám phá ra những hoàn cảnh chung quanh xem chúng liên quan với mình như thế nào. Sự kiện quan trọng nhất là đại tiện đúng chỗ. Nếu trẻ được người chăm sóc ủng hộ và giúp đỡ trong việc này và trẻ làm thành công, đứa trẻ sẽ phát triển tính tự chủ và độc lập. Tuy nhiên, trẻ cũng cần phải  trải qua cảm giác nghi ngờ, xấu hổ. Hai cực đối lập tạo nên sức mạnh “ý chí” cho đứa trẻ. Có thể xem đây là mục tiêu cần đạt được trong và sau giai đoạn chia tách.

2. Trải nghiệm chuyển tiếp

Winnicott đóng góp hai khái niệm quan trọng “Người mẹ đủ tốt”“Đối tượng chuyển tiếp” là tiền đề cho một sự kiện chia tách thành công. Theo ông, trong sự kiện chia tách, đứa trẻ sẽ nảy sinh các lo hãi, đặc biệt là lo hãi trầm cảm (như đã được miêu tả trong giai đoạn trầm cảm của Klein). Vì vậy, đứa trẻ cần những đối tượng chuyển tiếp.
        Đối tượng chuyển tiếp có thể là một con búp bê mà đứa trẻ lúc nào cũng mang theo, một cái núm vú giả mà đứa trẻ lúc nào cũng ngậm, cũng có khi là bộ phận cơ thể của chính mình như ngón tay mà trẻ mút liên tục. Chúng là thứ thay thế cho bầu vú lý tưởng đã bị mất đi. Đối tượng chuyển tiếp là thứ kết nối đứa trẻ với người mẹ đã từng chăm lo mọi nhu cầu cho nó, nay ngày càng xa cách. Nhờ vậy, đứa trẻ vừa có thể cảm thấy an toàn, vừa có thể sáng tạo nên một cái Tôi độc lập cho mình.
        Cái Tôi độc lập này nếu được phát triển một cách đầy đủ, Winnicott gọi là cái Tôi thực (true-self); nó toàn vẹn, thống hợp, thoả mãn và có sức mạnh sáng tạo mạnh mẽ. Nếu thất bại trong việc phát triển một cái Tôi độc lập, đứa trẻ sẽ lớn lên với một cái Tôi giả (false-self); nó không ổn định, giả tạo, bắt chước, luôn tìm kiếm sự đồng thuận của người khác, và lo sợ.

V- VAI TRÒ CỦA NGƯỜI MẸ

Winnicott, người kết hợp cả Melanie Klein và Anna Freud, miêu tả “người mẹ đủ tốt” là thiết yếu cho sự phát triển lành mạnh của trẻ. Người mẹ đủ tốt là người vừa có thể đại diện cho đối tượng xấu, vừa có thể đại diện cho đối tượng tốt. Để đứa trẻ phóng chiếu được cả 2 xung năng sống và chết lên mẹ, từ đó phát triển khả năng thích nghi với cuộc sống thực tế.
        Trong giai đoạn “toàn năng chủ quan”, người mẹ phải đáp ứng hoàn toàn được đứa trẻ, cả về ý thức lẫn vô thức. Ở giai đoạn này thì tốt có bao nhiêu cũng không đủ, cần nhạy cảm hoàn hoàn với đứa trẻ, ôm ấp, cười nói, và cho đứa trẻ bú sữa. Bằng cách làm như thế này, người mẹ duy trì ảo tưởng toàn năng của trẻ, giúp trẻ cảm thấy an toàn và phát triển. Thất bại trong thời kỳ này có thể dẫn đến các triệu chứng loạn thần.
        Tuy nhiên, người mẹ cũng phải chủ động rời xa đứa con từng chút một. Winnicott miêu tả việc này là chủ động thất bại trong việc đáp ứng nhu cầu của trẻ. Nhưng quá trình này phải diễn ra từ từ, không được đột ngột; ví dụ như ngày càng kéo dài sự chậm trễ trong việc đáp ứng khi trẻ khóc. Bằng cách này, trẻ dần dần hiểu được mình và mẹ là hai đối tượng khác nhau, dần dần bước vào giai đoạn “thực tế khách quan”. Thất bại trong thời kỳ này có thể dẫn đến sự phát triển một cái Tôi giả của trẻ.
        Vậy đáp ứng nhu cầu của trẻ là sao? Việc đáp ứng giữa mẹ và con là một mối quan hệ 3 chiều giữa đứa con và người mẹ - Cung cấp đối tượng (Object Presenting), Sự sờ chạm (Handling), và quan trọng nhất là cung cấp một Không gian bao bọc (Holding Environment). Trong đó không gian bao bọc không chỉ nói đến sự ôm ấp vật lý, mà chỉ toàn bộ môi trường giữa đứa con và người mẹ, cung ứng toàn bộ nhu cầu của đứa con về mặt thể lý lẫn tâm lý, và đáp ứng mọi cử chỉ của đứa trẻ. Cung cấp đối tượng là cung cấp bầu vú cho đứa trẻ, cũng như những đối tượng khác trong quá trình phát triển. Cả 3 chiều kích này rất quan trọng trong việc tái tạo lại môi trường trong bụng mẹ cho đứa trẻ, giúp đứa trẻ duy trì ảo tưởng về sự toàn năng, từ đó cảm thấy an toàn. Trong quá trình phát triển của đứa trẻ, bà mẹ sẽ chủ động thất bại trong việc đáp ứng mối quan hệ 3 chiều này để giúp trẻ phát triển sự độc lập.

VI - TỪ MỐI QUAN HỆ MẸ-CON SỚM ĐẾN CÁC MỐI QUAN HỆ SAU NÀY

Bowlby chịu ảnh hưởng lớn từ Anna Freud, nên có thể thấy vấn đề chia tách sớm giữa đứa con và người mẹ đóng một phần quan trọng trong học thuyết của ông. Học thuyết của ông xoay quanh mối quan hệ mẹ-con sớm, ảnh hưởng của nó lên sau này, và lo âu chia tách.

1. Tiền đề trong học thuyết của Bowlby

Bowlby sử dụng những bằng chứng thực nghiệm và lý thuyết tiến hoá để đưa những kết luận quan trọng sau:
- Gắn bó là bẩm sinh và có giá trị sinh tồn.
- Sợ người lạ là cơ chế sinh tồn quan trọng.
- Từ 2 điều trên suy ra trẻ cần một “ràng buộc nguyên thuỷ” (monotropy) với một người chăm sóc.
- Trong ràng buộc nguyên thuỷ này, đứa trẻ thực hiện những hành vi “khởi động xã hội” (social releasers) để tương tác và yêu cầu người mẹ tương tác.
- Quan hệ gắn bó mẹ-con đóng vai trò là một nguyên mẫu (prototype) cho tất cả các mối quan hệ xã hội trong tương lai, vì vậy phá vỡ nó có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

2. Các giai đoạn gắn bó của Bowlby

        Giai đoạn 1: Ngay sau khi sinh. Em bé có một loạt ứng xử tìm kiếm sự gần gũi với người chăm sóc bất kể người đó là ai. Khoảng 2 tuần tuổi trẻ ưa thích giọng nói của con người hơn những âm thanh khác, khoảng 4 tuần tuổi trẻ thích giọng nói của mẹ hơn giọng người khác. Vào tháng thứ 2, trẻ bắt đầu giao tiếp mắt khi hướng về người chăm sóc, bắt đầu báo hiệu các như cầu một cách rõ ràng hơn. Đây là khởi đầu của sự gắn bó.
        Giai đoạn 2: 3 đến 6 tháng tuổi. Em bé bắt đầu biểu lộ sự vui thích trong quá trình tương tác thông qua “nụ cười xã hội” và có sự phân biệt lạ - quen, nhưng vẫn đón nhận bất kỳ người nào và không có phản ứng gì rõ rệt khi mẹ vắng mặt.
        Giai đoạn 3: 6 đến 7 tháng trở đi. Trẻ tìm cách bám gần mẹ, bắt đầu có sự lựa chọn và tập trung vào mẹ/người chăm sóc. Khi mẹ bỏ đi, trẻ có phản ứng ngay, cố tìm mẹ. khi đến một môi trường không quen thuộc trẻ sẽ càng bám mẹ hơn.
        Trẻ bắt đầu có một biểu tượng thống nhất về mẹ. Những trẻ không thiết lập được sự gắn bó với mẹ/người chăm sóc trong 6 tháng đầu tiên sẽ xuất hiện hội chứng vắng mẹ, trẻ sẽ chậm nói, chậm phát triển về tâm, vận động mặc dù vẫn được nuôi ăn đầy đủ.
        Giữa 6-9 tháng, trẻ ngày càng phân biệt được người chăm sóc với những người lớn khác, và sẽ thường dành cho người này phần thưởng đặc biệt bằng “nụ cười ưu ái”. Hai hiện tượng “lo âu chia cách” và “lo âu người lạ” là tín hiệu cho thấy trẻ có ý thức người chăm sóc có một chức năng và giá trị độc nhất.
        Giai đoạn 4: 12 đến 24 tháng tuổi. Việc biết bò và biết đi cho phép trẻ điều chỉnh được sự gần gũi hoặc khoảng cách với người chăm sóc, chủ động tìm kiếm sự gần gũi.
        Qua năm thứ 2, đặc biệt đến năm thứ 3, trẻ hình thành mối quan hệ gắn bó với một số người khác, thường là bố hoặc người gần gũi nhất với trẻ sau mẹ/người chăm sóc.

3. Ba giai đoạn tiến triển của căng thẳng đau khổ

Khi bị chia cách với người chăm sóc, trẻ sẽ trải qua 3 giai đoạn:
        Phản kháng (protest): Trẻ khóc, hét và phản kháng giận dữ khi cha mẹ rời khỏi. Nó sẽ cố gắng bám vào cha mẹ để ngăn họ đi.
        Tuyệt vọng (despair): Sự phản kháng của trẻ bắt đầu dừng lại và chúng dường như bình tĩnh hơn mặc dù vẫn buồn. Đứa trẻ từ chối những nỗ lực xoa dịu từ người khác và thường có vẻ thu mình lại và không quan tâm đến bất cứ điều gì.
        Thờ ơ (detachment): Nếu sự chia tách vẫn tiếp tục, đứa trẻ sẽ bắt đầu liên hệ lại với người khác. Trẻ sẽ từ chối người chăm sóc khi họ trở lại và thể hiện mạnh mẽ dấu hiệu tức giận.

4. Mô thức nội hạt

Mô thức nội hoạt (internal working model) là mô hình Bowlby sử dụng để mô tả cơ chế từ mối quan hệ gắn bó đầu đời tới các mối quan hệ gắn bó sau này. Mô thức nội hoạt này là một bộ khung nhận thức bao gồm những đại diện tâm trí (mental representation) giúp cá nhân hiểu về thế giới, bản thân và người khác. Mô thức nội hoạt định hướng sự tương tác của một người với những người khác, bằng cách giúp cá nhân đánh giá và hình thành những mong đợi trong các mối quan hệ.
        Khoảng 3 tuổi dường như mô thức nội hoạt của đứa trẻ đã được hình thành, trở thành một phần tính cách của đứa trẻ, và do đó ảnh hưởng đến sự hiểu biết của chúng về thế giới và các mối tương tác với những người khác sau này (Schore, 2000). Theo Bowlby (1969) người chăm sóc ban đầu hoạt động như một nguyên mẫu cho các mối quan hệ trong tương lai thông qua mô thức nội hoạt.
Có ba đặc điểm chính của mô thức nội hoạt:
- Mô thức về người khác là đáng tin cậy hay không.
- Mô thức về bản thân có giá trị hay không.
- Mô thức về bản thân có hiệu quả khi tương tác với người khác hay không.

5. Bốn loại gắn bó

Bowlby phân loại gắn bó thành 4 loại:
Loại 1: Gắn bó an toàn
        Trẻ có gắn bó an toàn có hướng khám phá môi trường một cách tự do và tương tác tốt với người lạ khi có sự hiện diện của người chăm sóc. Trẻ có thể bị khó chịu bởi chia cách và nếu có, trẻ sẽ có hành vi chống đối và giới hạn lại việc khám phá môi trường khi người chăm sóc vắng mặt. Trong lúc gặp mặt lại, trẻ đón chào người chăm sóc một cách tích cực và tìm kiếm tiếp xúc với người này và sẵn sàng được dỗ dành, trẻ cũng có thể quay lại chơi sau một lúc được tái nạp năng lượng cảm xúc. Hành vi của người chăm sóc được ghi nhận bởi sự nhạy bén với nhu cầu của trẻ. Đặc biệt là người chăm sóc đọc được các tín hiệu của trẻ một cách chính xác và đáp ứng một cách nhanh chóng, phù hợp và với một cảm xúc tích cực.
Loại 2: Gắn bó không an toàn - tránh né
        Trong gắn bó tránh né, trẻ dường như độc lập một cách sớm hơn bình thường. Trẻ dường như không dựa vào người chăm sóc để có được sự an toàn khi người chăm sóc hiện diện, trẻ khám phá căn phòng rất độc lập và đáp ứng với người chăm sóc và người lạ như nhau. Trẻ đáp ứng rất ít đối với sự vắng mặt của người chăm sóc, đôi khi trẻ thậm chí không nhìn theo khi người chăm sóc rời khỏi. Trong lúc gặp mặt lại, những trẻ này tránh né sự gần gũi với người chăm sóc, trẻ có thể quay đi, tránh giao tiếp mắt, và phớt lờ người chăm sóc.  Mặc dầu trẻ có vẻ thờ ơ nhưng khi đo lường các chỉ số sinh lý cho thấy trẻ thực ra có khó chịu. Hành vi của người chăm sóc được ghi nhận bằng sự xa cách và  thiếu vắng sự dỗ dành đi kèm với  khó chịu và giận dữ trong khi gần gũi. Người ta cho rằng né tránh là sự cố gắng của trẻ để đối mặt với nhu cầu của cha mẹ muốn cách xa bằng cách trẻ giữ đáp ứng thấp và kềm chế biểu lộ cảm xúc mà nó có thể gây ra sự từ chối của cha mẹ.
Loại 3: Gắn bó không an toàn - chống đối/hai chiều (thuật ngữ hiện đại: lo âu)
        Ngược lại với trẻ né tránh, trẻ có gắn bó chống đối luôn bận rộn với người chăm sóc, trẻ có khuynh hướng bám dính vào và hạn chế việc khám phá căn phòng hoặc từ việc tương tác với người lạ ngay cả khi có mặt của người chăm sóc. Trẻ dễ bị khó chịu khi chia cách, nhưng khi gặp mặt lại, trẻ cố gắng chống đối một cách giận dữ khi gần gũi và không dễ dỗ dành. Trẻ đáp ứng với mẹ bằng kiểu tìm kiếm gần gũi hai chiều và từ chối. Ví dụ, trẻ có thể đòi hỏi được bế ẵm rồi sau đó đẩy người chăm sóc ra xa một cách giận dữ hoặc trẻ có thể bám vào người chăm sóc nhưng lại ưỡn cong người ra ngoài và từ chối chấp nhận sự chăm sóc của mẹ. Hành vi của người chăm sóc được ghi nhận bằng khả năng không thể dự đoán được, đôi khi người chăm sóc gần gũi quá mức và lúc khác thì lại không liên hệ với trẻ hay khó chịu. Chống đối được xem như là những cố gắng của trẻ nhằm để có được sự chú ý của người chăm sóc, trong khi đó giận dữ lại đến từ việc ấm ức về sự chăm sóc không tương hợp.
Loại 4: Gắn bó không an toàn - rối loạn tổ chức
        Loại này mới được thêm vào sau này. Trẻ bị rối loạn tổ chức hoạt động theo một cách thức không tương hợp hay khác lạ. Những trẻ này có thể có một biểu lộ ngạc nhiên hay đi lang thang xung quanh không có mục đích hay sợ hãi và hai chiều trong sự hiện diện của người chăm sóc, không biết là trẻ tiếp cận với người chăm sóc để được dễ chịu hay tránh né để được an toàn. Nếu trẻ tìm kiếm sự gần gũi, trẻ làm như thế theo cách thức bóp méo như là tiếp cận với người chăm sóc ở phía sau hay bất thình lình lạnh lùng và nhìn chằm chằm vào khoảng không. Không giống như trẻ nhỏ có gắn bó né tránh và chống đối, những trẻ này dường như không phát triển một chiến lược ổn định để tiếp xúc với người chăm sóc. Khoảng 5% trẻ trong dân số bình thường có biểu lộ kiểu gắn bó này.

6. Mô hình Chiến lược tìm kiếm an toàn của cảm xúc

Từ mô hình mô thức nội hoạt của Bowlby, Bartholomew và Horowitz đưa ra mô hình “Chiến lược tìm kiếm an toàn của cảm xúc” (Security-based strategy of affect regulation).
Nguồn hình ảnh: Link

VII - Nguy cơ tâm bệnh lý trong giai đoạn quan hệ mẹ-con sớm

Có thể thấy mọi thuyết gia đều rất đề cao mối quan hệ mẹ-con sớm này. Nếu không cung cấp cho đứa trẻ một bà mẹ đủ tốt, nguy cơ lớn nhất là phá vỡ cấu trúc cái Tôi (theo Anna Freud), khiến đứa trẻ xuất hiện các triệu chứng loạn thần như rối loạn tư duy, ngôn ngữ, giải thể nhân cách; nhẹ hơn là duy kỷ quá mức và tự cao tự đại hoặc ngược lại là mặc cảm tự ti.
        Những nguy cơ lâu dài là hình thành cái Tôi giả (Winnicott), không thể tương tác với người khác như những con người thật sự (Klein), không có một chiến lược gắn bó khoẻ mạnh (Bowlby), không hình thành được sức mạnh cái tôi “hy vọng” và “ý chí” (Erikson).
        Cách bằng chứng thực nghiệm cũng cho thấy: trẻ bị tước đoạt người mẹ trong thời gian quá lâu có nguy cơ cao hơn trong: Phạm tội, Trí thông minh giảm, Tăng hung tính, Trầm cảm, Thái nhân cách vô cảm.
- Nhóm 2, VB2-K07, ĐHKHXH&NV, tháng 3 năm 2021
P/s: Hiện nay đang có phong trào xét lại, vì các lý thuyết cổ điển quá đề cao vai trò của người mẹ trong những năm tháng đầu đời mà phớt lờ vai trò của người cha.
Tham khảo:
1, Các bài dịch trên https://ngachphantam.wordpress.com
2, Các bài viết của B.sĩ Phan Thiệu Xuân Giang trên http://www.tamlyhocthankinh.com
3, Các bài chia sẻ của B.sĩ Nguyễn Minh Tiến trên Fanpage Đi qua màn sương
5, Nhiều nguồn và tài liệu khác