Hài kịch trước giờ luôn được coi là bộ môn nghệ thuật trình diễn mang lại niềm vui và tiếng cười cho khán giả. Thế nhưng, trong tình cảnh giãn cách nối tiếp giãn cách hiện nay, thị trường hài kịch đang "sống còn" ra sao? Những người làm nghề lấy cảm hứng ở đâu trong khi chính bản thân cũng đang rơi vào cảnh bí bách?

NGUYÊN LIỆU CỦA HÀI KỊCH

Hài kịch, hay bất kỳ một ngành sáng tạo nào khác, đều được khơi nguồn từ cảm hứng. Đó có thể là từ một điều mà bản thân đã trải nghiệm, hoặc một sự việc mà mình quan sát được, hoặc dòng suy nghĩ bất chợt làm lóe lên trong đầu những bóng đèn ý tưởng... Tất cả đều có một điểm chung, đó là sự "hấp thụ" thông tin xung quanh qua lăng kính cá nhân của chính tác giả. Hãy thử lấy ví dụ là một chủ đề không hề xa lạ: hẹn hò! Cùng một chủ đề nhưng lăng kính cá nhân chính là yếu tố quyết định khiến Whitney Cummings, Taylor Tomlinson và Jen Kirkman có những phần biểu diễn khác nhau trong video dưới đây.
Whitney Cummings, Taylor Tomlinson và Jen Kirkman nói về chuyện hẹn hòNhư vậy, nói một cách toán học, chúng ta có công thức: QUAN SÁT + LĂNG KÍNH + BIỂU DIỄN = HÀI KỊCH. Ở Việt Nam, công thức này được sử dụng nhiều hơn trong những năm gần đây cùng với sự du nhập của các thể loại hài bắt nguồn từ phương Tây như: hài độc thoại, hài ứng tác,.. Điểm chung của những thể loại này là sự đa nhiệm nhất quán: một người vừa viết kịch bản, vừa biểu diễn, thậm chí vừa làm các công việc kĩ thuật khác như quay, sắp đặt ánh sáng, dựng,.. nhằm tối ưu hóa và thống nhất cái hài theo ý tưởng của một người duy nhất.
Xu hướng cá nhân hóa của hài kịch tưởng như sẽ rất hợp với bối cảnh giãn cách xã hội như hiện nay. Thế nhưng, đây chỉ là một góc rất nhỏ của một vấn đề. Bởi lẽ, khi người nghệ sĩ hài phải ở trong nhà quá lâu, phần QUAN SÁT sẽ không được thỏa mãn, LĂNG KÍNH cũng bị mờ đục đi vì liên tục tiếp nhận những thông tin tiêu cực của dịch bệnh, còn phần BIỂU DIỄN cũng mất đi rất nhiều ý nghĩa vốn có khi nghệ sĩ không còn được tiếp xúc với khán giả trực tiếp. Vậy những người làm hài phải làm sao để xây dựng sự "bình thường mới" trong hoàn cảnh này?

KHI XUNG QUANH LÀ BỐN BỨC TƯỜNG

Bài viết này chẳng những không phải để than thở, mà ngược lại, còn nhằm tôn vinh sự nỗ lực của cộng đồng hài kịch Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Tất cả các ngành nghề đều đang tìm một lối đi mới cho mình để thích nghi với hoàn cảnh và hài kịch không phải ngoại lệ. Đơn giản là vì nếu không thích nghi thì sẽ không thể tồn tại. Thế nên, khi xung quanh là bốn bức tường...

... thì màn hình trở thành "cánh cửa thần kỳ"

Mùa dịch này, bạn đã bấm theo dõi thêm bao nhiêu kênh YouTube, tìm bao nhiêu phim trên Netflix, lướt bao nhiêu video TikTok, chia sẻ bao nhiêu meme (ảnh chế) rồi? Thế giới vốn đang trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, việc "mình ta với màn hình" trong nhà lại càng thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ nội dung của con người. Những người làm hài cũng đang chuyển mình không ngừng, cập nhật, đồi mới các cách thức giao tiếp qua màn hình để phục vụ khán giả một cách hiệu quả nhất. Một ví dụ điển hình ở Việt Nam là kênh YouTube hài độc thoại của Saigon Tếu. Mỗi diễn viên đều rất đầu tư công sức để tối ưu kỹ thuật ghi hình như âm thanh, ánh sáng, máy quay.
Kênh YouTube của Saigon Tếu với thiết kế bắt mắt

... thì nghệ sĩ buộc phải tìm ra cách mới để sáng tạo trong giới hạn

Vươn lên, hoặc là chết. Trong những bài viết gần đây, không biết bao nhiêu lần Haha Hanoi đã lấy Bo Burnham và show Netflix special mang tên INSIDE của anh làm ví dụ. Đây là một trong những sản phẩm sáng tạo xuất sắc - kết hợp giữa hài và âm nhạc - được ra mắt khi Trái Đất đang nằm im chờ qua cơn bệnh. Về mặt kỹ thuật, tất cả đều do Bo tự sáng tác, tự thu hình tại nhà, tự đạo diễn, tự làm hậu kỳ... trong vòng một năm. Những sắp đặt về âm thanh, ánh sáng, trình tự các chi tiết đảm bảo cho người xem một trải nghiệm rất nghệ thuật, không hề có sự thừa thãi, xuề xòa, không viện cớ hoàn cảnh để coi nhẹ chất lượng của khâu BIỂU DIỄN.
Vươn lên, hoặc là chết. Trong những bài viết gần đây, không biết bao nhiêu lần Haha Hanoi đã lấy Bo Burnham và show Netflix special mang tên INSIDE của anh làm ví dụ. Đây là một trong những sản phẩm sáng tạo xuất sắc - kết hợp giữa hài và âm nhạc - được ra mắt khi Trái Đất đang nằm im chờ qua cơn bệnh. Về mặt kỹ thuật, tất cả đều do Bo tự sáng tác, tự thu hình tại nhà, tự đạo diễn, tự làm hậu kỳ... trong vòng một năm. "INSIDE" thể hiện sự thay đổi trong cả cách sản xuất (một người làm tất cả mọi khâu) lẫn cách khán giả tiếp nhận hài kịch (tại nhà) và đây chắc chắn sẽ là xu hướng mới của hài kịch nói riêng và ngành giải trí trong thời gian tới. Đặc biệt, khi mà khán giả ngày nay đang ngày càng kĩ tính thì các sản phẩm đều phải được làm chỉn chu. Giống như cách Bo làm "INSIDE": mọi khâu từ sắp đặt về âm thanh, ánh sáng, trình tự các chi tiết đều được tính toán cẩn thận, đảm bảo cho người xem một trải nghiệm rất nghệ thuật, không hề có sự thừa thãi, xuề xòa, không viện cớ hoàn cảnh để coi nhẹ chất lượng của khâu BIỂU DIỄN.
Bên cạnh đó, nếu nhìn kỹ vào mặt nội dung, bạn sẽ còn ấn tượng hơn nữa. INSIDE của Bo Burnham lia LĂNG KÍNH vào thế giới để QUAN SÁT những gì đang diễn ra theo một cách thực đến mức trần trụi. Những vấn đề tưởng như "nhạy cảm" để đem ra đùa như sức khỏe tinh thần trong mùa dịch, cảm giác bị mắc kẹt, sự mất kết nối với những người xung quanh đều được Bo khai thác đến tận cùng. Qua những bài hát, câu chuyện của Bo, ta bắt gặp cái lằn ranh mỏng manh giữa thật và đùa, hài và bi, đăm chiêu và nhởn nhơ.
Welcome to the Internet - Bo Burnham

... thì khán giả vẫn không hề quay lưng

Nghệ thuật nào đi chăng nữa thì cũng đều cần có khán giả. Những tưởng khi các sự kiện văn hóa nghệ thuật bị xếp vào đoạn cuối danh sách xếp hạng "ngành hàng thiết yếu", những người làm nghề đã khó khăn sẽ càng thêm phần chật vật vì thiếu khán giả. Nhưng thực tế không phải vậy. Nếu trước đây khán giả và nghệ sĩ gặp nhau trực tiếp ở các buổi biểu diễn thì giờ đây khi không còn nhìn thấy nhau trực tiếp, các sự kiện online lại là "cứu cánh".... LẨU ỨNG TÁC tối thứ Sáu hàng tuần của Haha Hanoi may mắn được đón nhận một cộng đồng những người diễn hài và khán giả yêu hài kịch, thậm chí còn rộng mở hơn trước với sức mạnh của internet, khoảng cách không còn chỉ giới hạn ở một thành phố. Không chỉ tới tham gia, một số khán giả còn mở lời sẵn lòng hỗ trợ về mặt kỹ thuật, hoặc có những hôm mọi người đều nán lại sau khi chương trình đã kết thúc để chia sẻ cho nhau về việc những hoạt động như vậy có ý nghĩa như thế nào với mỗi người trong mùa dịch.
Đặc biệt, những buổi online còn cho thấy sự thay đổi bản chất của hài kịch. Các người nghệ sĩ lẫn khán giả tìm đến LẨU ỨNG TÁC không phải để quên đi thực tế giãn cách xã hội và dịch bệnh ngoài kia. Ngược lại, cái hài trở thành công cụ để mọi người "bình thường hóa" những vấn đề quá đỗi "bất thường". Dịch bệnh khiến chúng ta không thể gặp gỡ nhau trực tiếp. Nhưng ở khía cạnh nào đó, đây cũng là câu chuyện chung mà tất cả chúng ta có thể đồng cảm cùng nhau, thậm chí cùng cười về nó.
LẨU ỨNG TÁC #14 với sự tham gia của 3 đầu cầu HCM, Đà Nẵng, Hà Nội
LẨU ỨNG TÁC #14 với sự tham gia của 3 đầu cầu HCM, Đà Nẵng, Hà Nội

SỰ "LẠ" VÀ SỰ "THẬT"

Hài kịch vốn được xây dựng dựa trên tư duy "lạ" về sự "thật". Nhưng khi tất cả nhịp sống xung quanh bị đảo lộn, cái "lạ" giờ đã trở thành cái "thật" thì việc đảo ngược cách nhìn, xem cái "lạ" qua đôi mắt "thật" đã trở thành phương pháp để những nghệ sĩ hài hô biến những điều tiêu cực, khủng hoảng trong thời kì dịch bệnh thành câu chuyện hài.
Bản tin Đá đểu tuần qua #12 được thực hiện trong thời gian giãn cách
Dịch bệnh tệ thật đấy. Nhưng dù có tệ thế nào, ta vẫn tìm ra cách để cười mà, bạn nhỉ?
Bài viết được thực hiện bởi Lê Kim Thanh - Chỉ đạo Nghệ thuật và Phạm Đức Minh - Biên tập, Biên kịch của Haha Hanoi.