---------------
Bài viết được mình dịch và tổng hợp từ các nguồn sau:
Ảnh minh họa: từ Internet.
Mọi sai sót trong việc chuyển ngữ hoặc cách hiểu, quan điểm chủ quan cá nhân, rất mong nhận được sự góp ý của mọi người.
Méo.
---------------

Một câu hỏi được đặt ra giữa chương trình, “Thung lũng Silicon đang lập trình các ứng dụng, hay lập trình con người ?”. Tristian Harris, chuyên gia về triết lý thiết kế, cựu giám đốc quản lý sản phẩm của Google, đã trả lời rằng: “Một cách không chủ tâm, và kể cả khi có muốn hay không, thì họ (các lập trình viên) cũng đang định hình suy nghĩ và hành động của người dùng”

Trong chương trình 60 phút phát sóng ngày 9 tháng 4 vừa qua, các khách mời đã được hỏi về cách mà các kỹ sư ở Thung lũng Silicon thiết kế ra điện thoại thông minh (ĐTTM), các ứng dụng và các nền tảng Mạng xã hội (MXH). Và người dùng được so sánh như những con cá mắc câu ! Các khách mời đã không phủ nhận một điều rằng, một số các ứng dụng di động được thiết lập để gây nghiện một cách có chủ đích. Mục tiêu của chúng là khiến người dùng dán mắt và màn hình và sẽ mở ứng dụng trở lại một cách thường xuyên nhất có thể. Tại sao ư ? Hơn 31 tỷ đô-la doanh thu từ việc quảng cáo trên MXH và các ứng dụng di động, khá là hợp lý.

“Bạn không phải tốn một xu nào khi sử dụng Facebook, vì đã có quảng cáo làm điều đó. Bạn được dùng nó miễn phí, đổi lấy việc bán rẻ nhãn cầu của mình trên màn hình.”

Điểm mấu chốt là, các lập trình viên biết được rằng họ cần phải làm gì để chúng ta trở nên nghiện các sản phẩm của họ - và họ đã làm chính xác như thế. Họ quá rành cơ chế tâm lý của não bộ để có thể tận dụng nó một cách triệt để; chỉ bằng vài trò mèo. Hẳn là bạn không thể ngờ rằng sự mất tập trung trong công việc hằng ngày không chỉ đến từ những thông báo tin nhắn hay e-mail; nó còn đến từ ngay bên trong não chúng ta. “Oh my Ding ding dong!”
Lướt Facebook để tìm đọc những post hoặc status thú dzị là một thí dzụ. Thừa nhận đi – bạn đã từng, hoặc đang nghiện làm điều đó. Về nguyên nhân, phải kể đến cơ chế sinh hóa của não bộ – đại khái là việc phụt ra thứ chất lỏng nào đó khi được kích thích bởi các nhân tố bên ngoài. Trong lúc cuộn màn hình, chúng ta trở thành kẻ đi săn – nhắm tới một “khoái cảm” sẽ đọc được điều gì đó hay ho hoặc xem một shot hình ảo lòi. Và khi status hay bức ảnh của chính mình được like hay comment, ta lại càng thấy sướng rơn. Còn gì thú hơn cái cảm giác truy đuổi, vồ lấy rồi cắn phập vào cổ con mồi, và cảm nhận máu nóng tràn qua kẽ nanh. Não chúng ta ngập ngụa trong dòng dopamine, một hợp chất kích thích thần kinh có tác dụng gây hưng phấn, được tiết ra và lan truyền khắp não bộ với nồng độ mỗi lúc một tăng trong khi chúng ta ngấu nghiến đếm like, mải miết quẹt và gõ lên màn hình. Đồng thời, nồng độ opiods cũng tăng lên, tạo nên cảm giác thư giãn. Ngoài ra còn có một số hợp chất khác cũng tham gia vào quá trình khoái lạc này. Càng nhiều máu, kẻ săn mồi lại càng hăng tiết và điên cuồng lùng sục con mồi tiếp theo. Các thụ thể trong não sau thời gian dài hút và high, như một lẽ thường, sẽ ngày càng lên đô – chúng muốn nhiều, và nhiều hơn nữa. Khi đó, việc liên tục tắt mở màn hình điện thoại không chỉ bởi những âm báo ting! ting! – mà còn bởi, và chủ yếu, là vì cơn đói của não. Kẻ săn mồi lại đang thèm khát vị thịt tươi, nhèm nhèm nhèm nhèm.

Harris dẫn lại lời tiến sĩ David Greenfield – chuyên gia tâm lý nghiên cứu về chứng nghiện công nghệ, chỉ ra sự tương đồng giữa việc sử dụng ĐTTM và chơi jackpot. Cứ mỗi khi sờ vào điện thoại, bạn lại háo hức thầm nhủ “Để xem mình có gì nào ?” Khi thấy đèn led lóe sáng - ta hấp tấp đặt ngón cái lên màn hình và làm động tác “slide to open”; ta đang có cùng tâm thế với một người cầm cần gạt máy jackpot. Chúng ta chờ đợi một phần thưởng: một lượt like trên Facebook, một upvote trên Reddit, hay một bình luận trên Instagram… Thật là khó cưỡng lại “vị ngon trên đầu ngón tay”.

Chuyên gia Tâm lý học thực nghiệm Larry Rosen đưa ra một lý giải khác về việc chúng ta tắt mở màn hình điện thoại mỗi 15 phút. Đó là bởi mối lo âu về việc duy trì “sự kết nối liên tục”. Các dữ liệu nghiên cứu của Rosen đã đưa đến kết luận rằng, người dùng sẽ có cảm giác lo lắng khi không nắm bắt được những gì đang diễn ra trên MXH. Sự lo âu này được gọi là FOMO – Fear of Missing Out. Dễ hiểu là chúng ta cứ liên tục ra vào Facebook chỉ để chắc rằng mình không trở thành kẻ đi sau thời đại hay người ngoài cuộc. Chúng ta không muốn bỏ lỡ những câu chuyện, những chia sẽ của bạn bè hoặc những tin tức trên các page mà chúng ta theo dõi. Nhiều lúc, bạn biết rằng chả có cái khỉ gì mới mẽ; nhưng bạn vẫn không thể dừng việc cứ hết đóng rồi lại mở ! Tiếp tục với ví dụ ở trên, sau khi đã trở thành con nghiện, việc đặt điện thoại xuống sẽ gây cho người dùng một sự bồn chồn, bứt rứt khó tả. Khi lên cơn đói, não sẽ đánh tín hiệu tới tuyến thượng thận để tiết ra hormone cortisol, dẫn đến trạng thái lo âu, và cảm giác này sẽ ngày càng gia tăng. Nó khiến chúng ta lại muốn mó vào điện thoại – như tìm đến một liều thuốc giải độc; thế là bạn lại mở rồi đóng ! Sẵn tiện, việc tiết cortisol là một cơ chế mang tính sống còn đã có từ thời nguyên thủy. Sự lo âu mà nó gây ra đặt một Homo Sapiens vào trạng thái cảnh giác cao độ với môi trường xung quanh và sẵn sàng chiến đấu – “Nam, lấy cho tao cây giáo. Có thể có một con sư tử đang rình mò quanh đây”. Một lần nữa, thứ thúc giục chúng ta ấn nút mở màn hình không đến từ cái máy đang rung, mà đến từ “tiếng gọi trong đầu” chúng ta.

Ramsay Brown, từng nghiên cứu về khoa học thần kinh trước khi trở thành đồng sáng lập Dopamine Labs (vâng, DOPAMINE) - một start-up chuyên về coding - đã buông 1 câu xanh lè:

“Một lập trình viên hiểu được cách mà não làm việc sẽ viết được những dòng code điều khiển hoạt động của não.”

Thôi thôi, bỏ qua những cơ chế phức tạp và hormone gì gì đó đi. Hãy xem thử thứ gì đó thực tế hơn một chút, tác hại của việc sử dụng smartphone quá đà chẳng hạn. Đầu tiên, bạn sẽ không nỡ rời xa điện thoại quá 50m; dung lượng pin điện thoại trở thành thanh máu của bạn; và không có wifi đối với bạn thật là như ác mộng – hừm, cũng thường thôi. Chà, việc trở nên lệ thuộc vào các thiết bị điện tử 24/7/365 không khiến bạn bận tâm à ? Ok, kế tiếp là ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ – xùy, sáng vẫn dậy đi làm đi học đúng giờ cơ mà. Uh, chúc bạn làm việc vui vẻ cùng với một bộ não có chức năng điều hành bị suy giảm: dễ mất tập trung; xử lý vấn đề, đưa ra quyết định và tư duy kém; mất kiểm soát trước những cảm xúc bốc đồng; và cảm giác lo âu thường trực. Nhớ cái chất cortisol gì đó không ? Ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử là một trong những yếu tố kích thích tiết ra cortisol. Mà cortisol thì lại ức chế việc sản sinh melatonin, chất có tác dụng điều hòa chu kỳ ngày – đêm và thức – ngủ của cơ thể. Chính thế mà Tổ chức Nghiên cứu Giấc ngủ Hoa Kỳ (hình như chính là tổ chức đã công nhận kỷ lục ngủ của Nobita thì phải) đã đưa ra lời khuyên về việc tắt các thiết bị điện tử 1 giờ trước khi ngủ. Nghiên cứu chỉ ra rằng người thường xuyên đọc e-book cần nhiều hơn 10 phút để rơi vào giấc ngủ, chuyến bay chở melatonin của họ bị delay tới 90 phút, và lượng melatonin tiết ra bị giảm chỉ còn 1 nửa, so với người đọc sách giấy truyền thống. Ngoài ra, giấc ngủ REM (Rapid Eye Movement sleep, giai đoạn ngủ sâu, lúc não hoạt động tổng hợp thông tin tích cực nhất và sản sinh ra các giấc mơ) của họ cũng bị rút ngắn. Nói đến suy giảm khả năng tập trung, lại có sự góp mặt của cortisol. Người lạm dụng ĐTTM có thời gian hành sự khá ngắn, họ nhảy từ việc này sang task khác mỗi 3 – 5 phút. Sự nhảy cóc liên tù tì này khiến họ chẳng làm gì ra hồn – thế là stress – lại bơm cortisol; một cái vòng lẩn quẩn. Rồi họ lại khó ngủ và dễ tỉnh giấc giữa đêm. Tỉnh thì làm gì – check điện thoại… 

Tác hại lớn nhất của việc lạm dụng smartphone chính là tác động tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ, từ đó kéo theo vô số hệ lụy khác. Sự ảnh hưởng về lâu về dài khi giấc ngủ không được đảm bảo, mình xin phép không bàn nữa. À mà, Alzheimer là cái gì quên mất rồi nhỉ… Thôi mặc kệ nó, mình phải lướt FB tí đã.

Đọc thêm:

Cai nghiện smartphone, cũng như MXH hay bất cứ chứng nghiện nào khác, đều liên quan đến việc giảm dần tần suất sử dụng. Cách thức thì nhiều vô số, nhưng quan trọng là liệu người dùng có thể thoát khỏi những cám dỗ của công nghệ hay không. Dù sao thì, có một vài tips và lời khuyên để làm theo cũng vẫn sẽ tốt hơn việc đăng status “Các mày ạ, từ hôm nay tao sẽ lock FB. Có gì cần thì lên Twitter tìm t nhen.”:
  • Hãy tắt thông báo ứng dụng, hoặc ít nhất là đặt thời gian biểu kiểm tra thông báo một số lần nhất định trong ngày. Hãy hạn chế tối đa việc bị ảnh hưởng bởi những thông báo này. Mỗi khi nghe một tiếng ting!, bạn lại nháo nhào lao về phía điện thoại – có chút liên tưởng thú dzị nào không ?
  • Không sử dụng điện thoại trước khi ngủ ít nhất một tiếng. Nếu cần thiết, hãy giảm độ sáng màn hình và để nó cách xa mắt tối thiểu 35-40 cm. Khi thức dậy, đừng khởi đầu ngày mới bằng việc check điện thoại, một tá e-mail ăn kèm bữa sáng sẽ làm bạn bội thực mất.
  • Xa mặt cách lòng. Giấu biệt cái điện thoại đi nếu bạn có thể. Dễ hiểu mà đúng không, tránh khỏi đồ ngọt càng xa càng tốt nếu bạn đang muốn giảm cân.
  • Game và các ứng dụng không cần thiết - gỡ sạch, ngay và luôn.
  • Cuối cùng và quan trọng nhất, vẫn là sự tự chủ của bản thân mỗi người. Hãy luôn nhớ rằng ĐTTM cũng chỉ là những công cụ để phục vụ con người, và chúng ta không nên quá lệ thuộc vào chúng.
Ái chà, mình phải đăng ngay bài này lên Facebook, Zalo, Twitter để cảnh báo mọi người mới được. Có khi lại còn phải chụp ảnh màn hình post lên Insta nữa…

“Chúng ta chỉ là những con chuột lang thôi sao ?”

“Đúng thế, chính xác là những con chuột lang bị nhốt với một cái nút bấm hấp dẫn. Chuột ta cứ nhấp nhiệt tình – để đôi lúc nó sẽ được thưởng 1 like. Và đó là cách mà họ giữ con chuột ở yên trong lồng”