CU LI KHÔNG BAO GIỜ KHÓC NHƯNG CON NGƯỜI THÌ CÓ
Cu Li Không Bao Giờ Khóc là một bộ phim về ký ức, và cách chúng xói mòn, hình thành, và đôi khi giam cầm chúng ta.
Tác phẩm điện ảnh dài đầu tay Cu Li Không Bao Giờ Khóc của đạo diễn Phạm Ngọc Lân là câu chuyện trầm tư về ký ức, nỗi đau và những tổn thương âm ỉ liên thế hệ. Bộ phim đã vinh dự thắng hạng mục Phim đầu tay xuất sắc nhất tại LHP Berlin lần thứ 74.
Cu Li Không Bao Giờ Khóc đưa người xem theo chân bà Nguyện (thủ vai bởi NSND Minh Châu), một người phụ nữ trung niên từ châu Âu trở về Việt Nam với hành lý là tro cốt của người chồng ngoại quốc quá cố, một con cu li lạ lẫm, và nỗi tiếc nuối cuộc sống thân quen tại nơi từng là đất khách quê người. Hành trình về nhà của bà Nguyện mang đầy cảm giác lạ lẫm qua cách bà trầm tư vào đêm đầu tiên về lại ngôi nhà xưa: “Phố không ra phố. Nhà không còn nhà.” Hà Nội vẫn ở đó, nhưng tất cả dường như đã thay đổi. Máy quay lướt qua bồng bềnh trên những con đường vắng vẻ, những góc phố quen mà xa lạ, những công trình mới còn dang dở khiến người xem cảm nhận rõ rệt sự lạc lõng của bà. Dù mang trong mình nỗi nhớ quê hương, bà Nguyện lại thấy mình bơ vơ giữa lòng thành phố mà trước kia bà từng gọi là mái ấm.
Cu Li Không Bao Giờ Khóc là một bộ phim về ký ức, và cách chúng xói mòn, hình thành, và đôi khi giam cầm chúng ta. Sự trở về của bà Nguyện luôn bị ám ảnh bởi những ký ức về cuộc sống của bà ở Đức, nơi bà từng hy vọng tìm kiếm sự ổn định nhưng chỉ gặp thêm gian truân. Cuộc hôn nhân xa xôi của bà phản ánh một thời đại di cư và chia lìa; là một công nhân nhập cư, bà là dấu tích của thế hệ đã phải vật lộn để tìm thấy một mái ấm cả trong và ngoài Việt Nam.
Là một bộ phim truyện hoàn chỉnh và mở rộng hơn bộ phim ngắn Giòng Sông Không Nhìn Thấy, Cu Li Không Bao Giờ Khóc tiếp tục sử dụng hình ảnh dòng sông để ẩn dụ cho dòng chảy bất tận của thời gian, kéo theo nó là ký ức. Người đồng nghiệp cũ của bà Nguyện cho rằng con người có thể tắm hai lần trên một dòng sông bởi vì họ đã xây đập để chặn dòng sông đó lại rồi, như cách những người như bà mãi chấp niệm quá khứ tươi đẹp mà không cho phép bản thân trôi đến tương lai.
Thông qua những cảnh quay tĩnh, dài và bảng màu đơn sắc, đạo diễn Phạm Ngọc Lân khắc họa chất thê lương và gần như siêu thực của chuyến đi lang thang của bà Nguyện. Không gian sống của bà như ngưng đọng trong thời gian, thế giới của bà bị tước đi sắc màu khi bà bước qua những nơi chốn vừa quen thuộc vừa thay đổi sâu sắc. Nhịp độ chậm rãi của bộ phim làm nổi bật sức nặng của những ký ức của bà và sự bất lực trong việc hòa hợp quá khứ với hiện tại.
Bà gặp lại cô cháu gái Vân (Hà Phương) giữa thời điểm cô đang lạc lối và yếu đuối nhất. Khi chứng kiến Vân đang vướng vào những vấn đề của lối sống hiện đại của người trẻ, bà Nguyện như mắc kẹt giữa quá khứ và hiện tại, giữa những giá trị xưa cũ và một thế giới đang đổi thay. Mối quan hệ và sự xung đột giữa hai dì cháu khắc họa khoảng cách thế hệ đặc trưng trong xã hội Việt Nam. Vân là một người trẻ thích trượt băng, vui chơi và nhảy múa cùng học sinh của mình thuộc một thế hệ mới không bị ràng buộc bởi gánh nặng và nỗi đau lịch sử. Cô đang đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân và làm mẹ, vừa đối mặt với những bất an về tương lai mà dường như vẫn vô tư. Đối với bà Nguyện, cuộc sống và khát vọng của Vân có vẻ phù phiếm, xa rời khỏi những giá trị và hy sinh mà bà từng chịu đựng trong thời kỳ đất nước còn gặp nhiều khó khăn, đơn cử như bà không đủ điều kiện chữa căn bệnh viêm khớp từ thời trẻ khi mà gia đình còn thiếu thốn đủ thứ. Mối hôn nhân vội vàng và chắp vá do dính bầu của Vân và Quang (Ngô Xuân An) càng khiến bà âu lo và thất vọng cho tương lai của cô. Điều này không chỉ là sự khác biệt trong suy nghĩ, mà còn phản ánh một sự đứt gãy văn hóa, khi thế hệ đi trước thấy khó hiểu và thậm chí khó chịu trước những lựa chọn của lớp trẻ.
Đối với những người trẻ như Vân và Quang, họ còn có hiện tại và tương lai như cách người ta luôn rao giảng về lối sống trân trọng từng giây phút đang xảy đến với mình. Họ thiên vị hiện tại đến như vậy bởi vì hiện tại là thứ tạo ra quá khứ và dẫn đường đến tương lai. Song, đối với người ở độ tuổi của bà Nguyện, quá khứ là tất cả những gì bà có, là “hành lý” bà gom góp được sau cả đời người sinh sống ở nước ngoài. Vì thế, hành trình của bà Nguyện trong phim không còn là một cuộc đấu tranh với mục tiêu rõ rệt vì bà không còn gì để tranh đấu nữa. Thứ bà đang kiếm tìm là hành trình hòa giải nội tâm, nơi bà phải đối mặt với những điều cũ kỹ đã dần phai nhạt nhưng vẫn còn nguyên cảm giác đau đớn, được thêm phần phức tạp bởi con cu li lặng lẽ hiện diện – một sinh vật mang gánh nặng bí ẩn của riêng nó và có thể là cả ký ức về người chồng đã khuất của bà.
Sự giằng co giữa hai thế hệ như vậy đã mở rộng đối tượng khán giả của phim hơn là chỉ tập trung vào một nhóm người xem cụ thể như phần lớn các bộ phim Việt đương đại. Cả người già lẫn người trẻ đều có thể thấy mình trong Cu Li Không Bao Giờ Khóc. Khán giả trẻ có thể đặt tâm thế vào Vân và Quang, trong lối sống bấp bênh và đầy nỗi lo mang tính thời sự, còn những người đã làm cha mẹ, ông bà thì sẽ đồng cảm hơn với một nhân vật mang trong mình cảm giác bị thời đại bỏ quên như bà Nguyện hay các nhân vật phụ lớn tuổi khác trong phim. Đúng như NSND Minh Châu từng nhận xét đạo diễn Phạm Ngọc Lân “già hơn cả những người già,” một người trẻ như anh phải có lối tư duy già dặn thì mới có thể tạo nên một bộ phim đa chiều, đa cảm như Cu Li Không Bao Giờ Khóc.
Nằm trong chính tựa đề phim, con cu li nhỏ bé, lặng lẽ với đôi mắt to tròn như thể nhìn thấu tâm can của người đối diện. Đôi mắt ngây ngô này dường như chứa đựng những điều bí ẩn không lời, là bóng dáng quá khứ mà bà Nguyện không thể bỏ lại. Tương tự, đôi mắt đầy tiếc nuối của bà cũng luôn nhìn xa xăm vào hư vô để kiếm tìm một miền đất hứa nơi bà được trở về với tuổi trẻ của mình. Con vật này trông hiền lành nhưng không hề vô hại, nó không cắn nhưng nó vẫn để lại nhiều vết thương. Trong tiếng Việt, “cu-li” còn là từ chỉ những người lao động chân tay, nhắc bà Nguyện nhớ về cuộc sống của một công nhân nhập cư – những năm tháng bà phải chật vật để tìm một chỗ đứng, dù là ở Việt Nam hay nước Đức xa xôi. Con cu li là di sản của người chồng, của quá khứ và của cuộc sống bà đã đi qua. Bà Nguyện tìm thấy sự an ủi khi ở bên cạnh con cu li, như thể nó hiểu được nỗi cô đơn của bà.
Không chỉ con cu li, mà chính Hà Nội cũng là nhân vật đặc biệt trong phim. Thành phố này là chứng nhân thầm lặng cho những biến động trong cuộc đời bà Nguyện. Những cảnh quay chậm rãi, màu phim đen-trắng đơn điệu khiến thành phố như ngưng đọng, hiện ra dẫu biết là gần gũi nhưng lại toát lên vẻ vô cùng lạ lẫm. Hà Nội đã thay đổi, nhưng cũng như bà, vẫn mang nỗi hoài niệm về một quá khứ mà dù muốn hay không cũng không thể quên.
Là một người chỉ trông thấy nhịp sống thủ đô qua những bản tin thời sự và phim truyền hình VTV chứ chưa thực sự hòa vào làm một với nó, Hà Nội trong Cu Li Không Bao Giờ Khóc hiện lên dịu êm chứ không ồn ã, chậm rãi chứ không hối hả chứ không phải là Hà Nội tôi đã làm quen qua chiếc màn hình TV. Khi đặt một cái nhìn điện ảnh và thi vị lên một nơi chốn dù có quen thuộc như nào đi chăng nữa, nhà làm phim vẫn có thể khám phá ra một vùng đất mới lạ đang ẩn mình trong từng ngóc ngách của nơi đó như cách đạo diễn Phạm Ngọc Lân đã làm trong Cu Li Không Bao Giờ Khóc. Hà Nội trong phim dường như không có thật, mà nó chỉ là một mảnh tâm trí mộng mị đang giam cầm bà Nguyện giữ chốn không-thời gian.
Không chỉ riêng Hà Nội, sự xa cách giữa con người và mái ấm của họ nổi bật trong từng nơi chốn khác trong phim. Một ngôi nhà được dùng làm nhà trẻ với bầu không khí được lấp đầy bởi tiếng nô đùa của trẻ thơ nhưng lại không phải là của con cháu bà Nguyện và Vân; hay chiếc đập thủy điện hiện lên sừng sững với phong cách kiến trúc thuộc chủ nghĩa Thô mộc cùng tiếng gầm rợn người của dòng nước khổng lồ tương phản với con người nhỏ bé dành cả tuổi trẻ với nó. Tương tự với bộ phim ngắn Giòng Sông Không Nhìn Thấy của anh, đạo diễn tiếp tục đặt những con người tí hon trước những công trình khổng lồ như tuyến đường sắt đô thị còn dang dở, đập thủy điện Hòa Bình, hay bức tượng đài Bác Hồ nặng hơn 400 tấn nơi đây để gửi gắm vào đó những trăn trở về sự thay đổi trong cuộc sống người dân Việt Nam trước sự chuyển mình của quy hoạch đô thị và xây dựng những công trình mới, và cách nó lưu giữ ký ức của những con người từng đặt chân đến đó.
Cu Li Không Bao Giờ Khóc là một bộ phim chậm rãi nhưng không hề nhẹ nhàng khám phá chiều sâu về triết lý của ký ức, những tổn thương và cách mà con người phải học cách chung sống với quá khứ. Đạo diễn Phạm Ngọc Lân không chỉ kể một câu chuyện đơn thuần mà còn mở ra những suy ngẫm về sự liên kết giữa các thế hệ, về nỗi đau và cả cách chúng ta tập buông bỏ quá khứ. Kết của phim đột ngột và dang dở, tựa như cách cuộc đời đôi khi kết thúc. Nỗi lo âu và sự khó khăn sẽ không có hồi kết, nó chỉ được truyền lại cho thế hệ mai sau. Thế nhưng nó không phải là di sản duy nhất mà người trẻ được nhận, đó còn là lòng tốt và sự thấu cảm mà con người dành cho nhau.
---------------------------------------------------------
Nếu bạn thích các bài viết của mình, bạn có thể theo dõi mình tại: Trang Facebook cá nhân của mình: https://www.facebook.com/beatleshead/
Trang Facebook blog về điện ảnh của mình: https://www.facebook.com/day.dreamerDN/
Movie
/movie
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất