CON ĐƯỜNG GIÁC NGỘ - CON ĐƯỜNG THOÁT KHỔ
Vốn dĩ đây là ngôn ngữ nhà Phật, nhưng đối với tôi, ở tại thời điểm này, đây là ngôn ngữ của khoa học, khoa học về tâm thức, một phương pháp được chứng minh dựa trên một bộ não phi thường của Ngài Đức Phật Gautama.

Chùa Đồng - Núi Yên Tử
Vốn dĩ đây là ngôn ngữ nhà Phật, nhưng đối với tôi, ở tại thời điểm này, đây là ngôn ngữ của khoa học, khoa học về tâm thức, một phương pháp được chứng minh dựa trên một bộ não phi thường của Ngài Đức Phật Gautama.
Ở lúc thuở thiếu thời, tôi hay tin vào những chuyện kì bí và tâm linh, nhưng đến giai đoạn hiện tại, tôi lại tin vào khoa học, cũng chẳng biết sự thay đổi này đến từ đâu, tôi chỉ bất giác nhận ra tôi thích đọc những cuốn sách về khoa học, đôi lúc nó cũng chưa rõ ràng, những lúc ấy tôi lại đặt cho mình khá nhiều câu hỏi chất vấn trong đầu.
Và Vipassana đã dẫn tôi đến với Ngài, đến phương pháp Thiền của ngài, để rồi tôi nhận ra đây một ngành khoa học, được thực chứng dựa trên sự giác ngộ của Ngài. Và tôi xem Ngài như một người Thầy của tôi, trên con đường thoát khổ.
Tôi biết Thiền Vipassana từ cách đây gần 10 năm, tôi đã tham gia khóa thiền 10 ngày lần đầu tiên vào năm 2016, khi ấy tôi 27 tuổi. Một cái tuổi, mà đối với tôi còn khá là ngô nghê về cuộc đời, mà đôi lúc tôi nghĩ rằng, tại sao mình lại ngô nghê lâu đến như vậy. Ở thời điểm này, khi nhìn vào những năm tháng 20 ấy, tôi nhận ra thời điểm ấy, luôn có một bức màn che phủ tâm trí tôi, mà khi nghĩ lại tôi vừa yêu, lại vừa sợ những năm tháng 20. Với đầy sự sai lầm, không hề nhận ra, nhưng cũng với đầy tình yêu thương thuần khiết, mà cho dù cuộc đời có vùi dập bao nhiêu, tôi cũng vẫn yêu cuộc đời.
Khóa thiền Vipassana đầu tiên, tôi vẫn không nhận ra sự thay đổi nào trong tôi, chỉ có một chút vỡ òa, khi những nỗi đau mà tôi cố chôn vùi rất sâu, rất sâu lại trỗi dậy. Nhưng đó cũng là lúc tôi bắt đầu tha thứ được cho những người gây ra nỗi đau đó cho tôi.
Và tôi lại tiếp tục tham gia khóa thiền lần 2 năm 2018, lần 3 năm 2021 và lần gần đây nhất là tháng 3/2025 này. Tôi cũng vừa mới trở về sau khóa thiền 10 ngày ở tuổi 36, tôi nhận ra bức màn tâm trí tôi ngày một sáng tỏ hơn bao giờ hết, tôi nhận ra tâm tôi nhạy bén hơn bao giờ hết. Và tôi cũng vỡ òa khi hiểu được con đường của Đức Phật chỉ dạy cho tôi, rõ ràng hơn bao giờ hết.
Tôi không phải là một con nhà Phật, tôi nghĩ vậy, vì tôi chưa bao giờ thật sự đọc một cuốn kinh điển nhà Phật, hay quan tâm đến những bài kinh trong nhà Phật. Tôi đến với nhà Phật bởi vì sự tò mò cộng sự ngưỡng mộ Đức Phật Gautama, mặc dù tôi không thể nào hiểu hết được những gì Ngài nói. Nhưng ở góc độ nhìn thấy hàng tỷ người trên thế giới này ngưỡng mộ Ngài, sùng kính Ngài, thì đó cũng là điều mà tôi phải đi tìm thật sự, họ ngưỡng mộ Ngài vì điều gì?
Và có thể tôi đã tìm ra câu trả lời của riêng gì, tôi nghĩ không biết câu trả lời này có đúng cho hầu hết mọi người hay không? Nhưng đối với tôi đây là câu trả lời rõ ràng nhất, thực tế nhất và cũng vĩ đại nhất.
Tôi sẽ nói bằng ngôn ngữ và theo cách tôi hiểu và chứng thực trên bản thân mình, tôi không dùng ngôn ngữ nhà Phật, hay chèn những câu nói Ngài. Nên quý bạn đọc, hãy đọc theo góc độ của tôi, để hiểu một con người bình thường như tôi đã nhận ra được điều gì.
Phần 1: Khổ từ đâu mà ra?
Mọi khổ đau đều xuất phát từ những cảm giác trong tâm ta, tại sao lại như vậy, vì khi một biến cố trong cuộc đời xảy ra với ta, lúc ấy tâm trí ta sẽ ngập tràn trong những cảm giác đau khổ. Ví dụ, cùng 1 chiếc xe máy có giá trị 40 triệu, người A tích góp cả năm mới mua được, người B thì chỉ cần bỏ tháng lương ra là có thể mua hoặc người B có cả 20 tỷ trong tài khoản. Khi sự việc người A, và B đều mất chiếc xe 40 triệu ấy. Chúng ta dễ thấy rằng người A sẽ đau khổ nhiều hơn người B hay người B chỉ cảm thấy một chút mất mát rồi thôi (đây là một ví dụ sơ bộ, các bạn đừng đi sâu quá vào vấn đề). Vậy sự việc mất chiếc xe 40 triệu không gây ra đau khổ, và việc tiếp nhận vấn đề ấy ở mức độ cảm giác trong tâm, sẽ gây đau khổ cho ta (trước khi phản bác tôi, hãy quan sát trong thân và tâm mình).
Phần 2: Làm thế nào để khoát khổ?
Ta đã biết khổ là xuất phát từ cảm giác bên trong ta, vậy ta
chỉ cần khi bất kỳ cảm giác nào xuất hiện trong ta, tâm ta đều đón nhận nó với một tâm quân bình, một tâm an lạc, một tâm yên tĩnh. Khi ấy, ta sẽ đủ sáng suốt để có thể hiểu và giải quyết mọi vấn đề. Còn nếu khi cảm giác tức giận xảy ra, cảm giác đau khổ xảy với một cái tâm mất kiểm soát, với một cái tâm hỗn loạn, tâm trí ta sẽ bị chế ngự, dẫn đến những hành động mất kiểm soát, cái khổ này sẽ dẫn đến đến khổ khác.
Phần 3: Vậy làm cách nào để có thể có một cái tâm quân bình, khi có bất kỳ một cảm giác nào xảy ra?
Chúng ta phải luyện tập, phải thực hành mỗi ngày, nhiều ngày, nói như ngôn ngữ nhà Phật, là nhiều kiếp. Vì thói quen hành động theo bản năng của con người đã tích lũy khổ đau từ đời này, đến đời khác, đến nỗi tâm ta chất chứa những đau khổ rất sâu. Chúng ta có thể thực hành bằng cách quan sát tất cả các cảm giác trong thân và tâm ta, với một cái tâm quân bình. Thì đến một lúc nào đó, nó sẽ trở thành thói quen trong tâm ta (các bạn đã nhận thấy khoa học ở đây chưa, muốn thay đổi một hành động, phải luyện tập thói quen đúng, như trong cuốn sách 7 thói quen để thành đạt).
Phần 4: Phương pháp thực hành thói quen của tâm
Đó là phương pháp Thiền Vipassana, mà được gọi là Thiền Quán, “Quán” ở đây là quan sát. Mà theo như những gì ghi chép lại, thì Thiền Vipassana được truyền thừa một cách nguyên gốc nhất từ Đức Phật Gautama (các bạn có thể nghiên cứu vấn đề này, nhưng đứng ở góc độ của riêng mình, khi bắt đầu luyện tập thiền và hiểu được phương pháp này, mình mới nhận ra chỉ có bộ não phi thường như Đức Phật mới có thể tạo ra một phương pháp tuyệt diệu này).
Tại sao lại là Thiền Quán (Thiền Vipassana)? Khi bạn luyện tập Thiền Vipassana, bạn sẽ quan sát các cảm giác của mình trên mức độ thân và tâm, ở mức độ sâu sắc nhất của Thiền, vì khi bạn nhắm mắt lại, bước vào trạng thái thiền, thế giới đó của bạn, tâm bạn lúc ấy sẽ ở mức độ sâu sắc nhất, tùy vào từng người. Khi quan sát cơ thể ở mức độ sâu sắc, tâm bạn đón nhận cảm giác ở mức độ sâu, thì cũng là lúc bạn luyện tập cho sự nhạy bén của tâm, cùng với các cảm giác khác nhau. Luyện tập tâm quân bình, tâm không phản ứng ở các cảm giác khác nhau của thân, thì đến một lúc nào đó, tâm chúng ta sẽ quân bình, sẽ yên tĩnh với bất kỳ cảm giác đau khổ nào ngoài kia. Các bạn, có thể nhận ra, đôi lúc trong cuộc sống, chỉ vì một câu nói bâng quơ của khác, hoặc một hành động bâng quơ của người khác, cũng làm ta nổi đóa lên, đó là sự nhạy bén của tâm. Vì vậy, chúng ta phải luyện tâm ở mức độ nhạy bén nhất (Đây là nội dung mà tác giả trải nghiệm khi luyện tập Thiền Vipassana, tác giả không phải là một thiền sư Vipassana, chỉ là một thiền sinh, vì vậy nội dung này không đại diện cho toàn bộ phương pháp Thiền Vipassana, các bạn muốn hiểu hết về Vipassana, xin vui lòng thực chứng trên thân tâm mình ở các trung tâm thiền Vipassana).
Đó là 4 phần, cũng như 4 bước, mà Ngài đã vẽ để giúp con người thoát khỏi khổ đau, thật ra ta nhìn phương pháp thì rất rõ ràng và dễ hiểu. Nhưng để đạt được sự giác ngộ giống Ngài, đó là cả một quá trình luyện tập, kèm trí tuệ và sự chăm chỉ trên thân và tâm mình. Mà các bạn biết vì sao nó lại đơn giản và dễ hiểu vậy không? Vì nó được tạo ra bởi bộ óc phi thường, chỉ có những bộ óc phi thường mới biến những thứ gần như không hiểu nổi, thành những điều đơn giản nhất mà ai cũng có thể hiểu được.
Cảm ơn các bạn đã dành thời gian để đọc bài viết của mình.
Đọc thêm các bài viết khác của mình tại Substack:
Ann Lê

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này