Bạn 10 tuổi. Bạn thân của bạn sống bên kia đường. Thật ra, cửa sổ  phòng ngủ của hai bạn đối diện nhau. Đêm nào cũng vậy, sau khi bố mẹ bắt bạn đi ngủ vào cái giờ sớm sủa chả hay hớm gì như thường lệ, bạn vẫn còn cần phải trao đổi nào là những suy nghĩ, những quan sát, bí mật, thọc mạch, chuyện đùa và cả những giấc mơ nữa. Ai có thể trách bạn được khi khát khao giao tiếp là một trong những bản chất của loài người.
Trong khi đèn ngủ vẫn còn sáng, hai đứa bạn có thể vẫy tay cho nhau  từ cửa sổ và sử dụng cử chỉ để ra dấu hay ngôn ngữ hình thể đơn giản để truyền đạt một vài suy nghĩ. Nhưng việc truyền tải những thứ phức tạp có vẻ khó. Và một khi phụ huynh của bạn ra lệnh “Tắt đèn ngay!” thì tình thế dường như vô vọng.
Làm sao để nói chuyện tiếp đây? Điện thoại có khả thi? Bạn có một  chiếc điện thoại bàn trong phòng khi mới 10 tuổi không? Thậm chí nếu có, thì ở bất cứ đâu cuộc gọi nào cũng sẽ bị nghe lỏm. Nếu máy tính cá nhân gia đình bạn được nối với đường dây điện thoại thì có thể đỡ ồn hơn nhưng một  lần nữa nó lại không ở trong phòng bạn.
Những gì hai đứa bạn có chỉ là những chiếc đèn pin. Mọi người đều  biết đèn pin được phát minh để cho tụi trẻ đọc sách trong đêm; đèn pin dường như cũng hoàn hảo cho việc giao tiếp sau khi trời tối. Chúng chắc chắn là đủ im lặng, có tính định hướng cao và có lẽ sẽ không lọt qua khe cửa phòng ngủ để đánh thức ông bà già đa nghi nhà bạn.
Đèn pin dùng để nói chuyện được không? Hoàn toàn đáng để thử đấy chứ. Bạn đã học được cách viết chữ và từ trên giấy hồi cấp một, vậy nên chuyển đổi kiến thức này sang đèn pin có vẻ khả thi. Tất cả những gì bạn cần làm là đứng ngay cửa sổ và vẽ các chữ cái bằng ánh sáng. Với chữ O, bạn bật đèn pin, vẽ một vòng tròn trên không rồi tắt đèn đi. Còn chữ  I, bạn tạo một đường thẳng đứng. Tuy nhiên, bạn sẽ nhanh chóng phát hiện  ra cách này đơn giản là không dùng được. Khi xem những đường ngoằn ngoèo bằng đèn pin của cậu bạn mình, bạn nhận ra thật khó để mà tập hợp  vào óc cả đống đường ấy cùng với nhau. Những đường sáng ngang dọc này  không đủ rõ ràng.
Có một lần, bạn xem một bộ phim trong đó có một đôi thủy thủ ra dấu  với nhau trên biển bằng ánh sáng nhấp nháy. Trong một bộ phim khác, một gián điệp đong đưa một cái gương để phản chiếu ánh sáng mặt trời vào một  căn phòng nơi có một gián điệp khác nói dối tù nhân. Có thể đó là giải pháp. Vì vậy đầu tiên bạn phát minh ra một kỹ thuật đơn giản.  Mỗi chữ cái trong bảng chữ cái ứng với một chuỗi nháy đèn pin. Chữ A là 1 nháy, B là 2, C là 3 và cứ thế cho đến 26 nháy là Z. Từ BAD là 2, 1 và 4 nháy với khoảng nghỉ ngắn ở giữa các chữ cái để bạn không phải nhầm thành chữ G với 7 nháy. Bạn sẽ dừng lâu hơn một tí cho các từ đơn.
Nghe có vẻ hứa hẹn ha. Tin tốt là bạn không còn phải vẫy qua vẫy lại  cái đèn pin trên không nữa; tất cả những gì bạn phải làm là nhắm và  bấm.  Còn tin xấu đó là thông điệp đầu tiên bạn muốn gửi (“How are  you?”) hóa ra lại cần một con số to đùng, 131 nháy! Hơn nữa, bạn đã quên  mất các dấu câu, nên bạn không biết phải cần bao nhiêu cái nháy để ứng  cho dấu chấm hỏi.
Tuy vậy bạn đã tiến gần tới đích rồi. Bạn nghĩ, chắc mẩm, trước đây  hẳn ai đó đã gặp chuyện này rồi và hẳn là bạn đúng rồi đấy. Với ánh nắng  ban mai và một chuyến nghiên cứu ở thư viện, bạn khám phá ra một phát  minh kỳ diệu được biết đến là mã Morse. Nó chính xác là những gì bạn hằng  mong đợi, mặc dù giờ bạn phải học lại cách “viết” tất cả ký tự trong  bảng chữ cái.
Điểm khác biệt nằm ở chỗ: Trong cái hệ thống bạn đã phát minh ấy, mỗi ký  tự của bảng chữ cái là số lần nháy nhất định, từ 1 cho A tới 26 cho Z.  Trong mã Morse, bạn có hai loại nháy – nháy ngắn và nháy dài. Điều này  làm mã Morse phức tạp hơn, hẳn nhiên, nhưng trong thức tế nó trở nên rất  hữu hiệu. Câu “How are you?” giờ chỉ cần 32 nháy (vài cái ngắn, vài cái  dài) so với 131 nháy và đã gồm cả mã cho dấu chấm hỏi.
Khi bạn về mã Morse, người ta không nói là “nháy ngắn” và “nháy dài”.  Thay vào đó, họ nói tới “chấm (dots)” và “gạch (dashes)” bởi vì đó là  cách tiện lợi để trình bày mã trên bản in. Trong mã Morse, mỗi ký tự  bảng chữ cái ứng với một trình tự ngắn những dấu chấm và gạch , như bạn  có thể thấy trong bảng sau.
capture


Mặc dù mã Morse hoàn toàn không liên quan gì tới máy tính, nhưng làm  quen với bản chất của mã là sự chuẩn bị cần thiết cho việc hiểu thấu  đáo ngôn ngữ ẩn và cấu trúc bên trong của phần cứng và phần mềm máy  tính.
Trong sách này, từ mã (code) thường mang nghĩa là một hệ  thống truyền tải thông tin giữa người và máy. Nói cách khác, mã cho phép  bạn giao tiếp. Đôi khi chúng ta nghĩ mã như là một thứ bí mật (vì mình hay kêu là mật mã mà ;))).  Thế nhưng hầu hết mã không phải như vậy. Thật ra, đa phần mã phải được hiểu tường tận vì chúng là nền tảng giao tiếp loài người.
Trong phần đầu của Trăm năm cô đơn, Gabriel Garcia Marquez gợi lại một khoảng thời gian khi “thế  giới lúc ấy còn ở buổi hồng hoang, chưa có tên gọi các đồ vật và để gọi  chúng cần phải dùng ngón tay chỉ đích vào từng cái một”. Những cái  tên ta gán cho đồ vật thường có vẻ tùy tiện. Dường như không có lý gì  cho việc tại sao lại gọi mèo là “mèo” mà không phải là “chó” và chó tại  sao lại không phải được gọi là “mèo”. Bạn có thể nói từ vựng tiếng Việt là một loại mã.
Âm thanh phát ra từ miệng để hình thành chữ là một mã dễ hiểu cho bất  cứ ai có thể nghe và hiểu ngôn ngữ ta nói. Ta gọi mã này là “chữ được nói (the spoken word)” hay “lời nói (speech)”. Chúng ta có những mã khác  cho chữ trên giấy (hay trên đá, gỗ, không khí bằng cách viết lên nền  trời (skywriting)). Mã này xuất hiện như là các ký tự viết tay hay được  in trên báo, tạp chí và sách, ta gọi nó là “chữ được viết (the written  words)” hay “văn bản (text)”. Trong nhiều ngôn ngữ, giữa lời nói và văn  bản có một sự tương ứng mạnh. Ví dụ trong tiếng anh, chữ cái và nhóm các chữ cái tương ứng (ít hay nhiều) với các âm được nói.
Với nhiều người không thể nghe hoặc nói, loại mã khác đã được phát  minh để giúp họ trong việc giao tiếp trực diện (face-to-face). Đây là  ngôn ngữ ký hiệu, trong đó các cử chỉ và sự chuyển động cánh tay và bàn  tay truyền đạt các ký tự đơn lẻ của từ hoặc cả từ và cả khái niệm nữa.  Còn với những người không thể thấy, các chữ được viết có thể được thay  thế với mã Braille, mã sử dụng một hệ thống dấu chấm nổi tương ứng với  các ký tự, nhóm ký tự, hay cả từ. Trong trường hợp những chữ được nói ra  phải được ghi chép lại rất nhanh thành văn bản, tốc ký hay viết tắt rất  hữu dụng.
Chúng ta dùng những mã khác nhau cho việc giao tiếp giữa chính chúng ta bởi vì một vài mã tiện lợi hơn số khác. Ví dụ, mã của các từ được nói ra  không thể lưu trên giấy được, thay vào đó ta dùng mã của những từ được  viết. Việc dùng giấy và lời nói để trao đổi thông tin im lặng trong tối  qua một khoảng xa là không khả thi. Chính vì thế, mã Morse là một sự  thay thế tiện lợi. Một bộ mã hữu ích nếu nó phục vụ cho một mục đích mà  không mã nào khác có thể làm được.
Như chúng ta sẽ thấy, một vài loại mã cũng được sử dụng trong máy  tính để lưu trữ và giao tiếp với số, âm thanh, nhạc, ảnh và phim. Máy  tính không thể giải quyết các mã của loài người một cách trực tiếp bởi  vì máy tính không thể sao chép cái cách  loài người dùng mắt, tai, miệng  và ngón tay. Tuy nhiên một trong những xu thế công nghệ máy tính vừa  đây đã cho phép máy tính cá nhân chụp, lưu, thực thi, kết xuất tất cả  các kiểu thông tin được dùng trong giao tiếp con người thành trực quan  (văn bản và ảnh), dạng có thể nghe được (chữ được nói ra, âm thanh và  nhạc) hay sự kết hợp của cả hai (hoạt ảnh và phim). Tất cả kiểu thông  tin này đều yêu cầu bộ mã cho riêng chúng, như là hội thoại thì yêu cầu  một nhóm các cơ quan này (miệng và tai) trong khi viết và đọc lại yêu  cầu nhóm các cơ quan khác (tay và mắt).
Ngay cả bảng mã Morse trình bày ở trang 4 chính nó cũng là một dạng  mã. Bảng đó chỉ ra rằng mỗi ký tự được đại diện bởi một chuỗi các dấu  chấm và gạch. Thế nhưng thật ra ta không thể gửi các dấu chấm và gạch đó được. Thay vì gửi chấm và gạch ta gửi đi các nháy.
Khi gửi mã Morse bằng đèn pin, bạn bật và tắt công tắc đèn pin rất  nhanh (một cái nháy nhanh) cho một chấm. Bạn để đèn pin sáng hơi lâu hơn  một chút (bật tắt nháy chậm hơn) cho một gạch. Để gửi chữ A, ví dụ,  bạn bật và tắt đèn pin rất nhanh rồi bật và tắt chậm hơn khi nãy. Bạn  dừng một tí trước khi gửi ký tự tiếp theo. Theo quy ước,  chiều dài dấu  gạch thường gấp ba lần dấu chấm. Ví dụ, nếu dấu chấm dài một giây, dấu  gạch dài ba giây. (Trong thực tế, mã Morse truyền đi nhanh hơn thế  nhiều.) Người nhận nhìn thấy một nháy ngắn, một nháy dài và biết đó là  chữ A.
Các khoảng nghĩ giữa chấm và gạch của mã Morse rất quan trọng. Khi  bạn gửi chữ A, ví dụ, đèn pin nên tắt giữa dấu chấm và gạch một khoảng  thời gian ngang với dấu chấm. (Nếu dấu chấm dài một giây, khoảng trống  giữa chấm và gạch cũng một giây.) Các chữ cái trong cùng một chữ được  tách bạch bởi một đoạn nghỉ dài hơn khoảng bằng chiều dài của một dấu  gạch (hay ba giây nếu đó là độ dài của dấu gạch). Ví dụ, đây là mã  Morse cho “hello”, minh họa các khoảng nghỉ giữa các chữ cái:
1

Các chữ tách riêng bởi một khoảng tắt dài cỡ hai dấu gạch (sáu giây nếu dấu gạch dài ba giây). Đây là mã cho từ “hi there”:
2

Độ dài thời gian đèn pin còn sáng hay tắt không cố định. Chúng phụ  thuộc vào độ dài dấu chấm mà tới lượt nó lại phụ thuộc vào việc công tắt  đèn pin được bấm nhanh như thế nào và người gửi mã Morse có thể nhớ mã  cho một chữ cái cụ thể nhanh ra sao. Dấu gạch của một người gửi nhanh  có thể bằng dấu chấm của người gửi chậm. Vấn đề nhỏ này có thể gây khó  khăn cho việc đọc mã Morse, nhưng sau một hoặc hai chữ cái, người nhận  có thể sẽ hiểu được cái nào là chấm và cái nào là gạch thôi.
Ngay từ đầu, sự định rõ của mã Morse – tôi nói định rõ ở đây nghĩa  là sự tương ứng của trình tự chấm và gạch với các ký tự trong bảng chữ  cái – ngẫu nhiên theo sự bố trí của máy đánh chữ. Song khi soi kỹ hơn,  thì thật ra không hoàn toàn như vậy. Các mã ngắn hơn và đơn giản hơn thì  được gán cho những chữ cái được dùng thường xuyên hơn, như E và T.  Những người chơi trò Scrabble và fan của Chiếc nón kì diệu có thể nhận ra  điều này ngay. Các chữ ít được dùng hơn, như Q và Z (chữ cái sẽ cho bạn  10 điểm trong trò Scrabble), có mã dài hơn.
Hầu hết mọi người đều biết một ít về mã Morse. Ba chấm, ba gạch và  ba chấm biểu thị cho SOS, tín hiệu nguy cấp quốc tế. SOS không phải viết  tắt của một từ nào cả – mà nó đơn giản chỉ là một đoạn mã Morse dễ nhớ.  Trong suốt thế chiến thứ hai, đài BBC (British Broadcasting Corporation)  mở đầu một vài bản phát thanh bằng đoạn đầu bản Fifth Symphony của  Beethoven – BAH, BAH, BAH, BAHMMMMM! – khi soạn bản nhạc này Ludwig có  biết đến ý nghĩa chiến thắng nằm trong đó đâu, vì nó tượng trưng cho mã  Morse của chữ V (Victory). =))
Một cái hạn chế của mã Morse đó là nó không có sự khác biệt giữa ký  tự viết hoa và ký tự viết thường. Nhưng có một điểm cộng là mã Morse  cũng gồm luôn mã cho các con số bằng cách sử dụng một trình tự năm dấu  chấm và gạch:
3


Những mã này, ít nhất, thì cũng trật tự hơn một tí so với mã chữ cái. Hầu hết các dấu câu dùng năm, sáu hay bảy chấm và gạch:
4


Những mã được bổ sung vào được dùng để đại diện cho các chữ cái có  dấu của một vài ngôn ngữ châu Âu và những chuỗi viết tốc ký cho những  mục đích đặc biệt. Mã SOS chính là một chuỗi tốc ký: một chuỗi được gửi  liên tiếp với chỉ một khoảng nghỉ một-chấm giữa ba chữ cái.
Bạn thấy rằng thật dễ làm sao để hai đứa chúng bạn gửi mã Morse cho  nhau nếu bạn có một chiếc đèn pin được đặc biệt làm ra cho mục đích này.  Còn với sự hạn chế của công tắc trượt, những chiếc đèn pin này cũng gồm  luôn một công tắc bấm mà bạn chỉ việc đơn giản nhấn và thả để bật và  tắt. Sau khi thử vài lần, có thể bạn sẽ đạt tốc độ gửi và nhận 5 hay 10  chữ trong một phút – tuy vẫn còn chậm hơn so với nói bằng lời (đâu đó  vào khoảng 100 chữ trong một phút), nhưng chắc là đã đủ cho hai bạn rồi.
Khi cuối cùng bạn và cậu bạn thân nhớ được mã Morse (vì đó là cách  duy nhất để bạn bá đạo trong việc gửi và nhận nó), bạn cũng có thể dùng  nó bằng tiếng để thay thế lời nói bình thường. Để đạt tốc độ tối đa, bạn  phát âm một dấu chấm là dih (hay dit cho dấu chấm cuối của chữ cái) và một dấu gạch là dah (ý  câu này là khi nói tiếng anh ta phải phát âm luôn cả âm cuối, như ở đây dot được đọc là đót-tờ, “tờ” này đánh lưỡi, vậy sẽ nhanh hơn nếu ta đọc dih vì nó không có âm cuối để khỏi phải đánh lưỡi). Tương tự như vậy mã Morse giảm tải ngôn ngữ viết thành chấm và gạch, phiên bản nói của mã giảm lời nói xuống còn hai âm tiết.
Từ khóa ở đây là hai. Hai kiểu nháy, hai âm tiết, bất kì cái  hai nào, thực tế, có thể truyền tải tất cả các kiểu thông tin với những  sự kết hợp hợp lý .

Dịch từ Chapter 1: CODE.
Charles Petzold.
Phần 2: