Lời tựa:
Thực sự mình đã khá vui đợt nghe nói bản tiếng Việt "Suy tưởng" của dịch giả Tiết Hùng Thái được phát hành, và còn giới thiệu với khá nhiều bạn trên Động. Vậy nên khi chính bản thân được đọc bản tiếng Việt ấy tự nhiên thấy có lỗi với các bạn quá, không chỉ vì bản dịch khá trúc trắc, mà quan trọng hơn là nó không làm bật lên được cái yếu tố tinh thần, thứ với mình là viên ngọc quý nhất trong cả tác phẩm. Chỉ khi ngồi lại và ngẫm, và cảm nhận cái quyết tâm, sự nghiêm túc của một vị hoàng đế La Mã trong việc rèn luyện triết, và hướng tới trở thành một con người theo đúng nghĩa "con người" - thì mình nghĩ bạn mới hiểu được con đường ý nghĩa và vinh quang này công bằng với tất cả mọi người.
Điểm quan trọng thứ hai: đây hoàn toàn là những lời tự nhủ, tự ngẫm, tự viết cho bản thân của Marcus, và ông hoàn toàn không có ý định để lại cho hậu thế. Thậm chí ông còn nhờ những người xung quanh mình đốt nó đi (lý do được nhiều người đoán là vì ông ngượng khi bản thân vẫn cần những lời tự nhủ ấy mới có thể sống tốt). Vậy nên mình tin bản dịch cũng phải cố gắng bỏ qua được tính giáo điều như thể Marcus đang nói hay viết cho người đọc, vì chỉ như thế chúng ta mới có thể thấm được những lời tự nhủ này mà thôi.
Vì những lý do đó, thôi thì lại 'nhấc mông lên và dấn bước' vào một hành trình dài, với cuốn nền tảng thứ hai của Stoicism.
Rất mong mọi người sẽ tiếp tục đón nhận, ủng hộ và góp ý cho mình nhé!
Andy Lương

Quyển 4 (1)

1. Sức mạnh bên trong ta, khi nó thuận theo tự nhiên, sẽ phản ứng trước hoàn cảnh bằng cách thích nghi với bất cứ sự kiện nào có thể xảy đến - và thực sự xảy đến cho nó. Nó chẳng cần bất cứ một thứ vật chất cụ thể nào. Nó theo đuổi những mục tiêu của nó khi hoàn cảnh cho phép; và biến chuyển những trở ngại thành nhiên liệu. Như cách ngọn lửa tràn lên và thiêu cháy cả những thứ có thể dập tắt một ngọn đèn hay nến nhỏ. Thứ được vứt lên trên đám cháy rồi sẽ bén lửa, bị tiêu thụ bởi ngọn lửa - và khiến ngọn lửa càng bốc cao hơn.
2. Không hành động tuỳ tiện bừa bãi, hay hành động không dựa trên những nguyên tắc.
3. Người ta thường cố gắng tránh xa khỏi tất cả (mọi lo toan) - tìm đến vùng ngoại ô, bãi biển, hay những ngọn núi cao. Ta cũng đã luôn mong muốn điều đó cho mình. Thật ngờ nghệch: ta có thể “trốn đi” bất cứ lúc nào ta muốn.
Bằng cách hướng vào bên trong tâm mình.
Không nơi nào bình yên hơn - tự do hơn khỏi những phiền toái - hơn là trong chính tâm hồn ta. Đặc biệt khi ta có trong mình những suy nghĩ mà chỉ cần thấy chúng là ngay lập tức ta có được sự bình thản tuyệt đối. Và ta nhắc lại: sự bình thản chẳng là gì khác ngoài một tâm trí được sắp xếp ngăn nắp gọn gàng.
Vậy nên hãy cứ tránh xa khỏi những lo toan - theo cách ấy. Làm mới bản thân mình. Nhưng hãy làm một cách nhanh gọn và đơn giản. Một sự viếng thăm chớp nhoáng trạng thái ấy là đủ để ta vượt trên mọi <…> (muộn phiền), và nó sẽ đưa ta về lại với thực tại một cách sẵn sàng để đối mặt với tất cả những gì đang chờ đợi mình.
Có điều gì ở đó mà ta phải phàn nàn? Với cách hành xử xấu xa, sai lầm của người đời? Nhưng hãy thử cân nhắc lại xem:
_ Rằng những cá thể có lý trí hiểu rằng chúng ta tồn tại vì nhau.
_ rằng việc có thể hành động đúng đắn đôi khi đòi hỏi sự nhẫn nại
_ rằng không ai lại làm điều sai trái một cách cố ý
_ và số người đã nuôi hận thù, và ganh ghét, và căm hận, và đấu đá nhau, và chết, và đã bị chôn vùi
... và hãy giữ im lặng.
Hay ta đang phàn nàn về những thứ mà cuộc đời đưa đến cho ta? Nhưng hãy nghĩ đến hai nguồn gốc của chúng: hoặc là Thượng đế hoặc là phân tử. Và mọi tranh luận về việc nhìn nhận cả thế giới như một thành phố.
Hay đó là cơ thể ta? Hãy ghi nhớ rằng khi tâm trí có thể tự tách rời và nhận ra được bản chất của nó, thì nó sẽ chẳng còn gì để làm với cuộc sống đời thường này nữa - dù là khó khăn hay trôi chảy, bất cứ trạng thái nào. Và nhớ rằng mọi thứ ta được dạy - và đã chấp nhận, thâu suốt - về sung sướng hay đau khổ.
Hay đó là thanh danh đang khiến ta muộn phiền? Nhưng hãy nghĩ đến việc chúng ta sẽ sớm bị lãng quên thế nào. Vực thẳm thời gian vô tận sẽ nuốt trôi mọi thứ. Sự trống rỗng, vô nghĩa của những tràng vỗ tay tán dương. Những người ca ngợi ta - họ thất thường, hay thay đổi đến thế nào. Và phần thế giới nhỏ bé mà mọi thứ đang diễn ra với ta. Trong khi cả thế giới cũng chỉ là một điểm trong không gian - và phần lớn cái điểm nhỏ bé ấy thậm chí còn chẳng có người sinh sống. Có bao nhiêu người sẽ ngưỡng mộ ta, và họ là những ai? Vậy nên hãy ghi nhớ nơi nương tựa này: con đường quay trở lại với bản thân ta. Trên tất cả, không quá gắng sức, không căng thẳng. Hãy luôn thẳng thắn. Nhìn nhận mọi thứ như một người đàn ông, như một con người, như một công dân, và như một cá thể với cuộc sống hữu hạn. Và giữa những thứ ta để tâm trí mình chú ý tới, hãy nhớ hai điều:
i. Rằng những thứ đó không thể tác động đến tâm hồn ta. Chúng nằm đó bất động, bên ngoài tâm hồn. Sự náo động thực ra đến từ bên trong - từ nhận thức của chính ta.
ii. Rằng mọi thứ ta nhìn thấy sẽ sớm thay đổi và rồi chấm dứt sự tồn tại. Nghĩ đến bao nhiêu thay đổi ta đã thấy trong đời. "Thế giới không là gì khác ngoài những thay đổi. Và cuộc đời chúng ta chỉ là nhận thức mà thôi"
4. Nếu khả năng tư duy là thứ chúng ta chia sẻ, thì lý trí cũng vậy - thứ khiến chúng ta được coi là giống loài lý trí.
Nếu chấp nhận điều ấy, thì thứ lý trí chỉ cho ta cái gì cần làm và cái gì cần tránh, chúng ta cũng chia sẻ nó.
Và nếu vậy, chúng ta chia sẻ những luật lệ chung.
Vậy nên, tất cả đều là những công dân.
Và công dân của một cộng đồng to lớn hơn.
Và trong trường hợp đó, cộng đồng to lớn ấy chính là thế giới. Còn cộng đồng to lớn nào khác mà toàn thể con người thuộc về nữa? Và từ đó - từ cái tổng thể mà chúng ta chia sẻ - xuất hiện khả năng tư duy, lý trí và luật lệ.
Chúng còn có thể đến từ đâu khác? Đất tạo nên cơ thể ta cũng từ mặt đất, nước từ một vài thành tố khác, không khí từ nguồn của nó, nhiệt và lửa cũng từ nguồn riêng của chúng - vì không gì xuất hiện từ hư không, hay trở về với hư không.
Vậy nên tư duy cũng phải đến từ một nguồn nào đó khác.
5. Cái chết: thứ gì đó tương tự như được sinh ra, một điều kỳ diệu của tự nhiên, khi các thành tố hoặc là phân rã hoặc là kết hợp thành.
Không phải một thứ đáng hổ thẹn. Cũng chẳng phải là một sự chống đối, đi ngược lại với lý trí, hay bản chất tự nhiên của chúng ta.
6. Kiểu người như thế sẽ phải hành động như thế. Nếu ta phật lòng với những thứ như thế, thì ta cũng sẽ phải phật lòng với cây vả vì đã ra trái ngọt. (Dù sao đi nữa, sớm thôi cuộc đời của cả ta và người đó cũng kết thúc - cái chết đến và mọi thứ sẽ sớm đi vào quên lãng)
7. Chọn cách suy nghĩ rằng mình không bị hại - và ta sẽ chẳng còn cảm thấy như kẻ bị hại.
Không cảm thấy như kẻ bị hại - và ta sẽ không thể bị hại.
8. Một thứ chỉ có thể huỷ hoại đời ta nếu nó có thể phá huỷ những phẩm cách của ta. Nếu không thì nó sẽ không thể làm hại ta - cả bên trong lẫn bên ngoài.
9. Mọi thứ xảy ra đều để hướng tới sự tốt đẹp nhất có thể. Vậy nên Tự nhiên không có lựa chọn nào khác ngoài để chúng xảy ra.
10. Rằng mọi sự kiện xảy ra đều là đáng xảy ra. Nhìn thật kỹ và ta sẽ thấy điều đó. Không chỉ là đáng xảy ra một cách chung chung, mà là chúng cần phải xảy ra. Như thể có một người nào đó đã thực sự cân đo đong đếm chúng với một cái cân vậy.
Hãy cứ nhìn nhận một cách kỹ càng như vậy, và kết hợp, thể hiện nó trong những hành động của ta: lòng tốt - thứ làm nên một con người tốt đẹp.
Hãy nhớ điều đó trong mọi việc ta làm.
Bản tiếng Anh
Mình dùng chính bản của Gregory Hays, mình tin chính là bản ông Tiết Hùng Thái dùng cho bản dịch tiếng Việt của ông.
Tuy nhiên mình có tham khảo bản của Penguin và Oxford (hình như được dịch bởi George Long nhé):
Bạn nào có tâm muốn ủng hộ mình, chỉ xin ủng hộ Spiderum là mình vui rồi :)
Trần Việt Anh - STK: 0451000364912 (Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội)