Tết đến, và câu chuyện muôn thuở: 

Năm nay mình quyết định thay đổi phong cách bằng việc ngồi lên kế hoạch dọn và sau đó mới bắt tay vào việc.
ĐẦU TIÊN LÀ LÊN KẾ HOẠCH
Đúng 1 tiếng đồng hồ, mịnh ngồi phác qua sơ đồ mọi thứ trong nhà, liệt kê toàn bộ các không gian trong nhà, từng thứ trong từng không gian và bắt đầu tư duy thứ tự làm việc và rút ra được một mẫu số chung: Lôi tất cả mọi thứ ra giữa phòng, quét từ trên cao quét xuống, cái gì cần rửa thì rửa, trong quá trình đợi những thứ khô thì lau những thứ chỉ cần lau, sau đó là sắp xếp tất cả mọi đồ đạc và cuối cùng là quét và lau sàn nhà. Mình sắp xếp thứ tự các không gian như sau 
1. Phòng ngủ cá nhân
2. Phòng ngủ của bố mẹ
3. Phòng khách
4. Phòng tắm
5. Phòng bếp
6. Phòng để đồ của bố
7. Sân trên
8. Sân dưới
9. Trang trí nhà cửa (nếu còn thời gian)
Tại sao mình lại sắp xếp theo thứ tự như trên?
Thứ nhất, mình thích dọn phòng cá nhân trước tiên và đi theo đúng kiểu từ trong ra ngoài :D
Thứ hai, nó đi theo mức độ được sử dụng và theo chính hoạt động của gia đình mình những lúc cận Tết. Phòng bố mẹ, phòng khách là phòng không có quá nhiều đồ và cũng dễ dàng lau chùi, nên là ưu tiên ngay sau phòng mình. Thường thì sau trưa 30 Tết thì nhà mình sẽ bớt nấu nướng lại nên trong khi đợi mẹ và chị làm cơm buổi sáng thì mình tranh thủ dọn phòng tắm luôn.
Còn sân trên, sân dưới, phòng để đồ của bố thì thường sẽ là bố mẹ dọn nên mình sẽ để cuối cùng, nếu còn gì thì mình sẽ phụ ba mẹ dọn.
Vậy là kế hoạch đã xong.
TIẾP THEO LÀ BẮT TAY VÀO DỌN!
Trước khi bắt đầu thì mình có đọc một chút về chủ nghĩa tối giản để xác định cách để/bỏ đồ, thông thường (và mình thấy bài nào mình đọc cũng thế) mọi người sẽ bắt tay vào việc tối giản đồ đạc trước, và mình cũng không phải ngoại lệ. Mình cũng đọc bài viết về dọn nhà của chị Chi Nguyễn (blogger The Present Writer) để định hướng đối với những món đồ mà mình không còn sử dụng nữa. Câu hỏi “Thứ này có THỰC SỰ cần không?” liên tục xuất hiện trong đầu, tư tưởng “Cái này sau này khắc dùng” đã được mình dần loại bỏ trong suốt quá trình dọn.
 1. Phòng ngủ, phòng tắm là hai cái gian mình ưng ý nhất vì đi theo đúng “lộ trình” mà mình đã đề ra, chưa kể được nghe cậu mình “quân sư”, thế là phòng mình đã sắp xếp lại hoàn toàn vị trí đồ đạc và nhìn vào thấy thoáng đãng hơn hẳn. Bao nhiêu đồ đạc đã được mình lên kế hoạch để tặng lại và thật may vì có người đã nhận, chỉ đợi sau Tết là khởi hành đi thôi.
  2. Phòng ngủ của bố mẹ, mình dự định là sẽ chỉ dọn trong một buổi nhưng chắc do mình vừa làm, vừa nghe nhạc nên năng suất có vẻ giảm. Một căn phòng nhỏ nhưng số lượng đồ thì không nhỏ chút nào, không vui lắm khi dọn gần xong rồi thì mẹ mình và mình có chút mâu thuẫn nhỏ về việc dọn dẹp cũng như để lại đồ. Mình thì muốn bỏ hết đi túi nilong, quần áo mẹ không dùng hoặc đã lâu không dùng, còn mẹ thì mọi người biết đó, những người trung niên trở lên và trước đó sống trong cảnh khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần, thường có xu hướng tiếc và đương nhiên lấy lí do là “Để sau này dùng”. Nên là chỗ dọn nhà, chưa vui là ở chỗ đó.
   3. Sân trên và nhà bếp, sân dưới và trang trí thì đã xong nên mình không làm nữa.
SAU CÙNG LÀ NHỮNG BÀI HỌC 
Kết thúc mọi thứ, đây là những điều mình rút ra được
1. Mọi thứ sẽ không diễn biến theo kế hoạch 
    Có thể thấy mình gần như ôm hết mọi thứ trong nhà lúc lên nhưng lúc làm thì cũng không hết, mình không trách bản thân ở chỗ đó, chỉ là nên thống nhất với anh/chị về việc dọn dẹp. Nhưng tại sao lại cần phải thống nhất? Chị dâu mình trước đó có quét chỗ học của mình, mình có nói là chị để đó chiều đằng nào em cũng dọn nhưng lại chưa dứt khoát lắm, kết quả là sau đó mình tổng dọn phòng mình thì thành ra, lại mất thời gian chị ấy quét 
2. Không thể đi theo đúng trình tự: lôi hết – quét – lau/rửa – sắp xếp
  Nghe thì rất hoàn hảo, nhưng khi áp dụng thực tế thì lại hơi khó. Ví dụ như phòng bố mẹ mình khá nhỏ, có một số tủ đựng đồ nhưng bên trong là một núi đồ khác, nếu để hết đồ ra ngoài thì cực kì ngồn ngộn luôn, nên mình chọn cách dọn từng phân khu. Ví dụ là phân khu giường, mình thực hiện tất cả các bước trên đối với riêng cái giường và sau khi giường ngon nghẻ, mình tiếp tục dọn phân khu khác. Đương nhiên là mình đã quét ở trên cao xuống hết rồi để trong quá trình dọn các khu khác không ảnh hưởng tới phân khu đã dọn. Mình đã áp dụng cách này đối với phòng bếp ngay sau đó.
3. Nên phân loại đồ từ sớm
   Nhà mình thì có bố làm sửa chữa, mẹ làm công việc dọn dẹp nên “tích” khá nhiều đồ trong nhà mà có nhiều cái, lâu lắm rồi không dùng hoặc chưa bao giờ Dùng. Các cô đồng nát thì chỉ làm tới ngày 25 Tết, mà mọi năm mình hay dọn lúc 28-30 Tết nên những đồ thừa muốn bỏ/bán đi lại chẳng biết đi về đâu, thế là đành để gọn một góc nhà. Vậy nên tới những năm sau, nên phân loại đồ trước 25 Tết để lọc ra những thứ cần bán, dự định những thứ cần cho, rồi đến Tết trong nhà chỉ còn những gì cần dùng cho năm tới thôi.
-------------------------------------------------------
Giờ thì mọi thứ đã xong xuôi, mình chuẩn bị ăn mừng năm mới cùng gia đình, đi chúc Tết người thân rồi còn đi lễ chùa với mẹ nữa. Chúc cho những ai kiên nhẫn đọc tới đây và tất cả mọi người, một năm mới thật bình an.
      Happy new year <3