CHUYỆN CHƠI ĐÀN (Kỳ 5): HỢP ÂM 7 (Seventh Chord) – MÀU MÈ SƯƠNG SƯƠNG
Bài viết này sẽ dành cho người mới, những người đã tọng hợp âm cơ bản (trưởng & thứ) ngán đến tận họng rồi và đang có mong muốn những...
Bài viết này sẽ dành cho người mới, những người đã tọng hợp âm cơ bản (trưởng & thứ) ngán đến tận họng rồi và đang có mong muốn những gì mình chơi ra sẽ bắt đầu đa dạng hơn nữa. Mà phải xác định tinh thần là “chiến đấu” đến cùng nhé, vì đây mới chỉ là cái nấc cơ bản nhất của lối chơi thiên về hòa âm/cảm âm mà thôi.
Tính ra thì hợp âm 7 vẫn xếp vào loại “hợp âm cơ bản” chứ chưa hẳn đã là hợp âm màu mè nâng cao gì đâu. Nói ra có vẻ hơi tủi nhỉ, tuy nhiên hãy nghĩ theo cách khích lệ hơn rằng nếu các bạn sử dụng tốt được hợp âm 7 tức là bạn nằm trong số khoảng 30% người chơi đàn đã dũng cảm bứt phá lên khỏi số còn lại rồi đấy. Gắn bó được với cây guitar từ khoảng 1 - 2 năm trở lên, có thừa tâm huyết và thực sự yêu âm nhạc thì suy nghĩ muốn được gỡ rối khỏi mối luẩn quẩn rằng "sao mà cứ toàn mấy cái C, Am, Dm, Em, F, G...đánh qua đánh lại thế này" nó có thể khiến chúng ta thao thức suốt đêm luôn ấy chứ? Trong vai trò founder của 1 câu lạc bộ fingerstyle guitar thì mình đã được nghe lời tâm sự khá nhiều rồi, câu chuyện mấy bạn không biết phải làm gì tiếp theo sau khi chinh phục được các hợp âm cơ bản, các điệu cơ bản & các bài hát siêu cơ bản. "Thì tiếp tục chơi thôi, nhưng ta sẽ cần chơi giống hơn nữa với các nhà làm nhạc" mình toàn trả lời như thế, vì nhạc sỹ (thực thụ) họ có thể sử dụng được rất nhiều hợp âm, tiến trình hợp âm để xây dựng nên bản sắc âm nhạc của họ. Mình có thể không phải là nhạc sỹ, nhưng mình cũng có xúc cảm của riêng mình, và chỉ khi bạn thể hiện ra được giai điệu có thể tỏ bày tròn trịa nhất cảm xúc trong lòng mình thì lúc đó, bạn mới thực sự tận hưởng được việc chơi đàn. Ngược lại, cảm xúc bạn có dạt dào như nước lũ tràn bờ đê mà giai điệu đàn ra nó quá lệch pha hoặc nông cạn, hời hợt thì nhiều khả năng bạn không thể thỏa mãn được và chán đàn đẽo dần dần, thật ý chứ chẳng đùa đâu :)
Hợp âm 7 rất hay sử dụng trong nhạc Hàn, thế nên có thể bạn sẽ bị thiên hạ gán cho cái mác là đồ sính ngoại, fan cuồng K-pop này kia... Cá nhân mình cũng bị chê là học-đòi-Hàn-Xẻng chỉ vì hay sử dụng hợp âm 7, thế nên mình sẽ không khuyến khích sự tự hào dân tộc ở đây nhé. Hợp âm 7 chẳng thuộc kiểu của nước nào cả, nó chỉ là tiền đề cơ bản nhất để ta thử “gieo” sự biến đổi âm sắc cho một bản nhạc mà thôi.
Trước khi đi vào trọng tâm, ta cần nhắc lại một số khái niệm cơ bản nhất về âm giai. Nôm na là khi nói ra nốt này nốt bậc mấy, nốt kia là nốt bậc mấy, hay một hợp âm gồm những nốt bậc nào thì ta phải biết ngay được. OK chứ?
- Âm giai (thang âm, scale, gamme): là tập hợp các nốt nhạc được xếp theo chiều tăng dần về mặt cao độ, bắt đầu từ chủ âm (key note) tăng cho đến khi về lại chính chủ âm đó ở mức cao hơn 1 quãng 8 (octave).
- Khi đánh lần lượt các nốt trong âm giai, chúng ta sẽ cảm giác các nốt này kết hợp lại thành một đoạn giai điệu có ý nghĩa, và cao độ nốt sẽ đi lên từ từ chứ không có vụ đang lên cao mà sụp cái rụp đâu nhé.
- Một âm giai có 8 nốt. Mỗi nốt thành phần trong âm giai thường sẽ được xếp bậc và ký hiệu bằng số La Mã, tính từ chủ âm (bậc I) cho đến chủ âm cao hơn 1 quãng 8 (bậc VIII).
- Cách gọi bằng tiếng Anh cho lần lượt các bậc của âm giai/hợp âm trong âm giai: bậc I – Tonic, bậc II – Supertonic, bậc III – Mediant, bậc IV – Subdominant, bậc V – Dominant, bậc VI – Submediant, bậc VII – Leading Note. Ví dụ như trong bài hát có giọng Đô trưởng (C major), hợp âm Son trưởng (G major) sẽ là Dominant Chord. Các bạn lưu ý nếu như có nghiên cứu các tài liệu/video hướng dẫn bên ngoài. Có thể sẽ có những cách gọi khác nữa, nếu có thì mình sẽ bổ sung thêm vào bài viết này.
- Như vậy cấu tạo của hợp âm trưởng sẽ là một bộ ba (triad) của 3 bậc nốt: I – III – V. Ví dụ như C major là C – E – G; hay D major là D – F# – A.
- Tương tự, cấu tạo của hợp âm thứ sẽ là triad của 3 bậc nốt: I – III♭ – V (cái ký hiệu giống chữ b kia là dấu giáng, không biết auto bổ túc lại nha :v ). Ví dụ như C minor là C – E♭ – G, hay D minor là D – F – A.
So với bộ 3 bậc nốt của hợp âm cơ bản (trưởng/major & thứ/minor) thì, hợp âm 7 chỉ đơn giản là “thả” thêm một nốt bậc 7 (VII) vào nữa thôi. Thế là hợp âm đó sẽ thành một bộ 4 chứ không còn bộ 3 nữa.
Với nguyên lý này, ta sẽ tạo ra các loại hợp âm 7 như sau:
- Hợp âm 7 (ký hiệu *7, * là tiền tố âm giai chủ): I – III – V - VII♭
- Hợp âm major 7 (*maj7): I – III – V – VII.
- Hợp âm thứ 7 (*m7): I – III♭ – V – VII♭.
- Hợp âm thứ major 7 (*m(maj7)): I – III♭ – V – VII.
(Riêng dim7, m7♭5 thì ở bài viết sau về hợp âm diminished sẽ nói sau nhé)
Do bài viết kỳ trước lỡ cà khịa vụ lúc nào cũng chỉ diễn giải trên âm giai/hợp âm C, nên mình sẽ lấy ví dụ trên âm giai D major như sau:
- D7 cấu tạo sẽ gồm các nốt: D – F# - A – C (tọa độ bấm: xx0212 hoặc x57575)
- Dmaj7: D – F#– A – C# (tọa độ bấm: xx0222 hoặc x57675)
- Dm7: D – F – A – C (tọa độ bấm: xx0211 hoặc x57565)
- Dm(maj7): D – F – A – C# (tọa độ bấm: xx0221 hoặc x57665)
Đối với hợp âm 7 ở các giọng khác thì các bạn cứ áp dụng tương tự vì đây đã là công thức chung rồi. Một số tài liệu khác người ta mô tả cấu tạo hợp âm theo quãng (interval) nhưng theo mình thấy nó khó nhớ hơn nên cứ ghi ra bậc như vậy cho dễ đếm. Chỉ cần bạn thuộc lòng quy tắc cao độ là có thể suy ra hết, rất đơn giản. Cả thế bấm của nó cũng là những thế bấm có quy tắc & gần giống nhau, bạn chỉ cần dịch lên/xuống ngón tay một chút là sẽ đổi sang một hợp âm 7 khác mà không cần phải thả hết cả tay trái ra.
Sau khi biết cấu tạo thế nào rồi, ta sẽ nói tiếp về công dụng của hợp âm 7 – thứ cũng quan trọng không kém. Đôi khi là quan trọng nhất cũng nên, vì khi chúng ta nhồi kiến thức vào mồm, à nhầm, vào đầu thì chúng ta cần phải thấu hiểu rằng kiến thức đó sẽ dùng để làm gì chứ không học rồi để đó như hồi còn bé. Còn nhớ bài viết kỳ 1 của mình không? Học hợp âm chính là lúc các bạn sẽ phải cố gắng lắng nghe được âm sắc của nó như thế nào, cảm giác của mình phản ứng lại khi nghe những nốt nhạc đó như thế nào, và đối chiếu giữa các loại hợp âm lẫn nhau để biết khi nào sẽ cần đến. Cảm âm là đây chứ còn gì nữa :)
Quay trở lại với ví dụ phía trên về hợp âm 7 của D, trước tiên, các bạn hãy thử rải lần lượt D – Dm – D7 – Dmaj7 – Dm7- Dm(maj7) nào. Mình sẽ để cho các bạn tự cảm nhận sự khác biệt chứ không lấy cảm giác của bản thân bon chen vào cách hiểu của các bạn đâu, nhưng nói trước là mấy hợp âm này sẽ cho ra âm sắc khác nhau đấy. Nếu nghe mà không nhận ra được thì cần phải luyện tai thêm nữa, cho đến khi cảm ra được sự khác biệt ấy.
Vượt qua được màn khởi động rồi thì công dụng của các loại hợp âm 7 sẽ như sau:
- Hợp âm 7: thông dụng nhất vẫn là thay thế hợp âm bậc V của một bản nhạc. Ví dụ như 1 bài đi chùm Canon có hợp âm kết thúc vòng là G đi, ta sẽ có thể thay thế G bằng G7 trong một số trường hợp mà âm sắc của G7 nghe thấy phù hợp hơn với bản nhạc. Tùy trường hợp thôi chứ không phải là tất cả đâu, lưu ý nhé. Theo kinh nghiệm của mình thì những bài có tiết tấu chậm và đều (kiểu Valse, Slow Rock chẳng hạn) thì dùng hợp âm 7 thấy có vẻ hợp hơn là nhạc trẻ điệu 4/4. Ngoài ra hợp âm 7 còn sử dụng để làm passing chord nữa, như mình hay dùng liền sau một hợp âm m7♭5 phía trước để tạo cảm giác thoáng buồn khá hiệu quả. Và đặc biệt nếu bạn có chơi Blues thì phần lớn sẽ toàn chơi trên nền hợp âm 7 thôi, cả khi đệm hay tỉa nốt theo scale của hợp âm 7.
- Hợp âm maj7: dùng để thay thế cho các hợp âm trưởng trong bản nhạc. Theo mình thì, âm sắc của hợp âm maj7 sẽ đem đến cảm giác lãng mạn, thư thái và dịu dàng hơn nhiều so với tính tươi sáng có phần thái quá mà hợp âm trưởng mang lại. Nếu bạn đang thể hiện một bản nhạc tình mùi mẫn nào đó, bạn hoàn toàn có thể thay thế tất cả hợp âm trưởng bằng hợp âm maj7 để đem đến hiệu quả rõ rệt hơn nhiều. Cũng theo kinh nghiệm bản thân nữa, thì hợp âm maj7 nếu chơi quạt nghe không rõ cho lắm, nhưng nếu chơi rải/đập (Surf, Bebop, R&B, Bossa Nova...) thì nghe thấm vô cùng. Các bạn có thể xem các clip mà nghệ sỹ bên Hàn họ chơi acoustic để cảm nhận rõ hơn.
- Hợp âm m7: chức năng tương tự như maj7, nhưng ở đây sẽ dùng để thay thế cho các hợp âm thứ. Bạn không nhất thiết phải thay thế hết tất cả bằng hợp âm m7 mà sẽ căn cứ vào âm sắc của đoạn nhạc nó như thế nào để tự quyết định cho phù hợp. Nói về âm sắc thì hợp âm m7 sáng hơn một chút & tạo cảm giác sẽ dẫn dắt đến một hợp âm trưởng hơn chứ không “rặt” màu trầm buồn như hợp âm thứ bình thường. Nếu một bản nhạc sử dụng gần như là toàn bộ các hợp âm 7 (vòng hợp âm lùi như “Loving You”, “Hongkong1”, “Mặt trời của em”…chẳng hạn) thì tính dẫn dắt về hợp âm chủ (key chord) sẽ tốt hơn nhiều nếu ta dùng hợp âm m7.
- Hợp âm m(maj7): không được sử dụng nhiều cho lắm. Phần nhiều thì nó có chức năng nhấn mạnh hơn cho một hợp âm thứ hoặc m7 trước đó. Ví dụ như một đoạn nhạc yêu cầu đánh Bm7 cho hai nhịp 4/4 liên tục thì để cho đỡ nhàm chán, bạn có thể chơi Bm7 cho nhịp 4/4 thứ nhất & chơi Bm(maj7) cho nhịp 4/4 còn lại. Nó cũng có thể sử dụng trong Passing Chord nhưng mình thấy không nhiều người xài lắm.
Tóm lại thì chuyện kỳ này là 1 bài viết không dài mấy, và sắp tới cũng có thể sẽ như vậy vì bây giờ chúng ta đang đi vào chuyên môn chứ không còn động viên mến thương như những bài đầu. Sau khi giải thích nãy giờ thì mình tin rằng lý thuyết hợp âm 7 vẫn đủ dễ hiểu để đi vào đầu các bạn rồi nằm lại luôn chứ không bay đi mất. Ở đây thì không gian mạng cởi mở, không có học phí ràng buộc nên mình không ép uổng các bạn đâu, chủ yếu là chúng ta cần vững tin vào ứng dụng thực tiễn của kiến thức nhạc lý hơn nữa. Nhất định nó (hợp âm 7 ý) sẽ xài được khỏe re nếu ta hiểu được nó & chấp nhận thể nghiệm mỗi khi có thể. Thay đổi thói quen, giữ vững lập trường trước các luồng ý kiến bảo thủ hoặc bàn lui/không giúp ích gì cho việc cầm đàn của chúng ta. Và như thế, đàn cho nó “màu mè sương sương” chỉ còn là chuyện sớm muộn mà thôi. Tâm phải vững, để còn tiếp tục nhồi thêm các loại hợp âm nữa nhé :)
Bonus:
Video giới thiệu về hợp âm 7 mà mình đã tham khảo để viết bài này: https://www.youtube.com/watch?v=eC8GxmOXKXo
Ứng dụng về bản nhạc toàn có hợp âm 7, các bạn có thể tham khảo một số ca khúc do chính tay mình soạn ra hợp âm trên trang HAC: https://hopamchuan.com/profile/v/MellowSkypiea
Âm nhạc
/am-nhac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất