CHUYỆN CHƠI ĐÀN (Kỳ 4): NẾU MỘT MAI TA LỠ ĐÁNH MẤT ANH BẠN CAPO YÊU DẤU THÌ SAO?
Cái tiêu đề ở trên đặt tình huống vậy thôi, chứ thực tế thì có khá nhiều chuyện lớn nhỏ phát sinh giữa chúng ta (tức người chơi đàn)...
Cái tiêu đề ở trên đặt tình huống vậy thôi, chứ thực tế thì có khá nhiều chuyện lớn nhỏ phát sinh giữa chúng ta (tức người chơi đàn) và cái Capo cúng cơm của chúng ta. Biết luôn, thông thường nhất vẫn là việc Capo chặn dây kém hẳn đi sau một thời gian sử dụng và gây ra các hiện tượng tẹt note/tịt note/rè note…vân vân mây mây. Mất capo thì không còn gì để nói nữa rồi, nhưng có bao giờ bạn cảm thấy khó chịu hoặc thấy không thoải mái, tù túng, chán phèo phèo kiểu gì ấy…mỗi khi dùng đến Capo không? Nếu bạn có đủ sự tinh tế và cầu toàn để nhận ra điều đó, bài viết kỳ này có lẽ sẽ hợp với các bạn.
Thực chất, cái Capo nó không hề có tội tình chi cả. Nó vẫn là một công cụ hữu ích để hỗ trợ cho việc chơi đàn Guitar của chúng ta, là giải pháp tình huống nhanh nhất có thể để xử lý cho các trường hợp bắt lợn ngang xương trong một buổi diễn/đám tiệc nào đó, và là cứu cánh giải phóng bớt gánh nặng cho ngón trỏ tay trái khỏi việc chặn quá nhiều. Chính vì nó toàn đem đến sự tiện dụng nhanh chóng nên chúng ta lại để cho Capo “gánh team” thay mình trong nhiều việc mà đáng lý ra bạn phải tự mình vượt qua được.
Nếu nói thẳng ra thì là: có rất nhiều bạn, đặc biệt là người mới chơi, đang mắc phải cái bệnh lạm dụng Capo quá độ. Nếu còn trong giai đoạn phát triển và còn phải rèn luyện nhiều thứ để hoàn thiện ngón đàn của mình thì xin phép khuyên chân thành luôn: các bạn đừng nên quá lệ thuộc vào Capo. Thay vào đó, hãy vận dụng các kiến thức cơ bản để chơi nhạc sao cho chủ động hơn.
Theo cái cách im lìm như một nhẫn giả, mình có xem qua clip nhiều bạn chơi đàn trên các page/group giao lưu về guitar. Cảm nhận ban đầu là cách các bạn rải/quạt điệu & sử dụng hợp âm phần lớn khá giống nhau, nhiều khi còn y xì boong luôn, chỉ khác ở việc đặt Capo ở các ngăn khác nhau tùy theo giọng hát của mình. Các bạn hầu hết đều sử dụng chùm hợp âm của 4 giọng/âm giai cơ-bản-bà-cố-luôn đó là C, G, Am & Em; và sau cùng thì các bạn kẹp capo ở các ngăn rất cao nếu chẳng may tone ca sỹ gốc khác xa với âm vực của chất giọng của bạn. Kể cả khi solo hoặc fingerstyle, hình ảnh cái capo nằm chình ình ở các ngăn trên cũng rất thường xuất hiện.
Tại sao lại thế? Vì các bạn chỉ quen xài các hợp âm của 4 giọng/âm giai cơ-bản-bà-cố-luôn & các bạn chưa biết, hoặc chưa tập cách sử dụng hợp âm của các giọng khác chứ còn gì nữa (biết luôn). Đây chính là vấn đề mà cái Capo đang tài tình bao che cho các bạn đấy. Một đặc điểm có thể xem như là “lợi bất cập hại” của Capo đó là càng kẹp lên ngăn càng cao thì tiếng đàn chúng ta tạo ra sẽ ngày càng mỏng lại. Chức năng của Capo đóng vai trò như là một thanh ngựa nẹp phím đầu đàn di động có thể làm tăng cao độ của tiếng đàn tùy theo mục đích sử dụng, cứ kẹp lên mỗi ngăn đàn sẽ tăng thêm ½ đơn vị cao độ (cung). Tuy nhiên, việc thu hẹp độ dài cần đàn của Capo sẽ làm giảm đi tần số dao động của dây đàn & ảnh hưởng đến sự cộng hưởng với bên trong thùng đàn trong việc tạo nên tiếng đàn, rõ ràng nhất là ở các âm bass sẽ bị yếu hẳn đi. Càng kẹp Capo lên cao, tiếng đàn sẽ càng mỏng do độ dài cần đàn bị thu hẹp cũng như khoảng cách từ dây đến mặt cần đàn (action) ngày một xa hơn ở các ngăn trên nên tạo áp lực lớn hơn lên Capo, dẫn đến Capo không chặn chặt gây rè, tẹt tiếng đàn.
Sự giao thoa trong âm vực là đặc tính rất quan trọng của đàn Guitar, tức là các dây đàn đánh ra phải cộng hưởng vào nhau, “quyện” vào nhau để tạo nên độ hài hòa (Harmony) tối ưu nhất. Mọi sự mất cân bằng sẽ làm giảm sút đi chất lượng của tiếng đàn, trong trường hợp này thì đó là việc âm đàn bị mỏng, âm bass bị mất đi do kẹp Capo. Theo kinh nghiệm mình thì kẹp đến Capo ngăn 5 trở lên là giống như rải nốt chay rồi, mất bass trụi lủi. Trừ khi bạn tuning các dây bass thấp xuống hoặc sử dụng “đồ chơi” để lấy hiệu ứng khuếch mạnh lên tiếng bass thì còn chữa cháy được, nhưng đâu mấy khi chúng ta mất công chỉnh tới lui đến vậy? Chẳng lẽ cứ mỗi lần dợt đàn là chúng ta lại phải è cổ ra setup, rõ rồi nhỉ :)
Về khía cạnh tinh thần, chúng ta đang bỏ lỡ cơ hội được khám phá thêm nhiều điều thú vị về cây đàn Guitar nếu cứ phó mặc sự đời cho cái Capo. Rõ ràng nhất là như trong tiêu đề của chuyện kỳ này: nhỡ bạn quay vào ô “mất Capo” thì sao? Thì nghỉ khỏe hay sao? Hay gặp mấy bài có tone khác với 4 giọng/âm giai cơ-bản-bà-cố-luôn là bấm bụng skip thật à? Theo mình thấy thì đây không hoàn toàn là lỗi ở người học, mà nó giống hơn là lỗi hệ thống và được lấp liếm bởi cơ số ngộ nhận trong tầm nhìn, cách truyền đạt và hướng dẫn của lứa tiền bối dành cho các đàn em theo học đàn. Mình còn nhớ ngày xưa còn đi học bập bẹ có nghe thầy mình càm ràm rằng mấy tone A major, E major…hợp âm khó lắm và thầy hướng dẫn mình cách sử dụng Capo ngay sau đó. Một số trung tâm/lớp học sau này mình được biết thì họ cũng chỉ dạy cho học trò của mình cách bấm các loại hợp âm thông dụng, và cho các bạn tập qua một loạt các ca khúc soạn trên 4 giọng/âm giai cơ-bản-bà-cố-luôn, và OK mission success – bạn tốt nghiệp khóa học luôn, 30 ngày trôi qua nhanh như lật miếng bánh tráng. Rất may mắn là sau khi biết được mình cảm âm khá tốt & có vốn nhạc phong phú thì thầy đã chỉ thêm cho mình kiến thức cũng như cho thực hành trên các giọng khác nữa. Và đó chính là điểm then chốt để giải quyết câu chuyện với anh bạn Capo lần này đấy.
Ý mình muốn ám chỉ đến, đó là kiến thức về cao độ của giọng & cách dịch chuyển hợp âm giữa các giọng khác nhau.
Ta lấy ví dụ cụ thể luôn đi, một ca khúc nhịp 4/4 sương sương có vòng hợp âm như sau:
Dm7 – G7 – Cmaj7 – Am7
P/s: cái đống này là thuộc giọng Đô trưởng – C major nhé (đừng thấy Dm7 nằm chình ình đầu tiên lại phán ngay giọng Rê thứ - D minor là phải bổ túc lại đấy).
Bây giờ mình muốn dịch lên giọng Mi trưởng – E major & tui nói mình lỡ làm mất cái Capo rồi đấy, bạn sẽ xử lý thế nào bây giờ?
Chúng ta hãy nhớ lại những ngày xưa yêu dấu, khi mới bắt đầu với 7 nốt nhạc xinh xinh là: C – D – E – F – G – A – B. Chúng ta được biết là về mặt cao độ: D hơn C 1 cung, E hơn D 1 cung, F hơn E ½ cung, G hơn F 1 cung, A hơn G 1 cung, B hơn A 1 cung & C (thuộc quãng 8 cao hơn) hơn B ½ cung. Ông nào làm thầy mà không dạy cái này cho trò ngay từ đầu là sống lỗi rất lỗi luôn nhé, mình nói thật. Từ đó, hiểu theo quy tắc bắt cầu, E sẽ hơn C 2 cung, C + 2 đơn vị cao độ = E. Cứ như thế, các hợp âm cũng sẽ áp dụng công thức tính cao độ giống vậy. Đây chính là quy tắc dịch giọng.
Quay trở lại với ví dụ:
Dm7 – G7 – Cmaj7 – Am7 sau khi dịch giọng (lên 2 cung chẵn) sẽ trở thành: F#m7 – B7 – Emaj7 – C#m7.
Nếu không quen thì các bạn có thể tính nhẩm từ từ từng chút một cũng được, không sao cả, sau này quen rồi thì tự nhiên chúng ta sẽ tính rất nhanh thôi. Và với cách này, chúng ta sẽ không cần phải kẹp Capo ngăn 4 nữa mà sẽ chiến trên dây buông. Bass vẫn dày mà nghe vẫn hay :)
Tương tự ngược lại, nếu muốn dịch lùi từ giọng C major sang A major (giảm 1.5 cung), chúng ta cũng làm theo cách tương tự, và: Dm7 – G7 – Cmaj7 – Am7 sau khi dịch giọng sẽ trở thành Bm7 – E7 – Amaj7 – F#m7
Thế là chúng ta cũng sẽ không cần kẹp Capo đến ngăn…9 để lấy chùm C major nữa.
Có lẽ đến đây sẽ có người la làng lên rằng dịch giọng sang nhiều hợp âm chặn quá sẽ mỏi tay lắm. Ừ thì, mỏi đấy, nhưng mà làm gì có vụ chơi Guitar mà không phải chặn nhỉ. Nhạc cụ nào thì cũng phải cố gắng với đôi tay của mình cả thôi. Với tình thế buộc phải sử dụng hợp âm chặn thì để tránh phải đau khổ, các bạn hãy nên nghĩ đây là cơ hội tốt để các bạn tôi luyện ngón trỏ của mình cho cứng cỏi hơn nữa. Đừng tự thồn quá nhiều ý nghĩ sợ đau sợ khó để rồi bỏ cuộc luôn.
Còn một điểm nữa các bạn nên lưu ý để dịch giọng cho nhanh, đó là quy luật thế tay của các hợp âm. Một cách đơn giản, các bạn hãy thử di chuyển thế bấm của mình lên ngăn cao hơn thử xem, đó là bạn đã dò ra được hợp âm mới có cao độ cao hơn so với hợp âm bạn từng biết rồi đấy. Chẳng hạn như F (tọa độ 133211) dịch lên 2 ngăn sẽ thành G (355433), bạn nào thích quạt chả chắc cũng hay thấy người ta thường làm vậy cho nhanh. Hoặc là Bm (x24432) dịch lên 1 ngăn thành Cm (x35543) hay dịch lên 3 ngăn thành Dm (x57765). Đây là một mẹo nho nhỏ để tăng tốc độ dò hợp âm nhanh chóng hơn.
Sau khi trở nên thành thạo với việc dịch giọng rồi, mình tin rằng các bạn sẽ chỉ cần dùng đến Capo ngăn 2 là hết số de rồi, không cần phải chặn cao hơn nữa đâu. Ở đây, ta chỉ sử dụng đến Capo để đối phó khi giọng của nhạc gốc rơi vào các giọng thăng/giáng (ví dụ như C#, F#, Bb…). Ở mấy giọng thăng/giáng này thì gần như là chúng ta phải chặn 100% rồi, nên ta sẽ cần Capo để giảm tải cho tay bấm của chúng ta. Việc chặn Capo ở các ngăn thấp sẽ không ảnh hưởng nhiều đến âm vực của đàn, thế nên chúng ta có thể tối ưu được tiếng đàn & có hy vọng sẽ enjoy giai điệu của mình trọn vẹn hơn.
Tóm lại thì: ở bài viết này, mình lấy câu chuyện về cái Capo ra mổ xẻ để mong các bạn nên chơi đàn sao cho linh hoạt hơn nữa, chủ động hơn nữa & đừng để mình bị khựng lại với cái tư duy “học vậy đủ rồi”. Chỉ đơn giản vậy thôi, take it easy easy bro. Xét về mặt sư phạm, người ta hay dùng giọng C major (Đô trưởng), hợp âm của C major, scale của C major…để minh họa cho các kiến thức tổng quát vì nó là âm giai cơ bản nhất trong vũ trụ nhạc lý xoay quanh chúng ta, là âm giai với các nốt cơ bản rất gần gũi với chúng ta từ hồi lôm côm học hát nhạc trên ghế nhà trường, không có dấu hóa thăng giáng trên khuôn nhạc nên chúng ta nhìn vào đó sẽ không bị nhiễu bởi các quy tắc/ký hiệu cao độ, và sau cùng là chúng ta có thể tự suy ra, liên hệ với các giọng cao hơn từ giọng C major. Có lẽ vì ta nói về C major nhiều quá nên chúng ta có thể ngộ nhận rằng biết về C major là coi như biết tất cả, nhưng trên thực tế thì không hoàn toàn vậy đâu.
Nếu theo lối đệm hát, ta phải căn cứ vào giọng của ca sỹ và tự điều chỉnh đàn mình để follow theo ca sỹ họ (vì giọng hát một người không thể biến đổi như tắc kè hoa mà chỉ có thể xử lý trong một phạm vi cao độ nào đó thôi, kêu mấy ông giọng nam trầm hát tông nữ chắc chớt mất :v).
Nếu theo lối solo/fingerstyle, ta phải xét đến yếu tố thực dụng nữa, đó là sắp xếp sao cho mình có thể sử dụng được các kỹ thuật để tạo điểm nhấn cho bản nhạc, và chạy ngón/rải nốt/xử lý tiết tấu, phần giai điệu lẫn bass tiện nhất có thể. Có một điều thú vị mà mình đúc kết được sau một khoảng thời gian tương đối dài chơi fingerpicking là: tone C major chơi trên guitar lại không tiện lắm đâu, lắm lúc đánh đoạn nhạc có nốt D3, F3 vướng phải tiếng bass mỏng chết dở & phải choãi tay nhiều để lấy các hợp âm nâng cao cũng cực. Chẳng phải tự nhiên mà mấy bản Blues/Funk của các tiền bối thường hay soạn trên giọng E major (Mi trưởng) đâu; họ có ý đồ hẳn hoi cả đấy vì họ muốn tận dụng dây bass buông sẵn có (dây 6) để đánh dày bass lên, bớt đi một ngón tay trái khỏi phải bấm nốt (như trường hợp ta dùng ngón nhẫn để bấm bass C ở dây 5) để có tay chạy ngón nhiều hơn, nhanh hơn, tiện dụng hơn.
Ngoài ra thì với riêng mình, càng sử dụng nhiều nốt dây buông cũng càng khỏe khi mình có thể rảnh tay để dò các loại hợp âm nâng cao để giúp cho hòa âm tạo ra thêm phần lung thị linh hơn. Đó là lý do mà mình rất thích chơi nhạc theo các giọng D major, E major & A major chứ không phải là C major. Về điểm này mấy vị bên Hàn Quốc có thể bảo chứng, sure luôn.
Hy vọng là sẽ có hơn nữa nhiều bạn nghĩ giống mình, và chủ động hơn với việc chơi đàn của mình, góp phần làm giá Capo ở mấy shop đàn không bị đội lên :)
Âm nhạc
/am-nhac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất