Cứ mỗi lần một sản phẩm âm nhạc mới xuất hiện tại thị trường V-Pop, thì đó lại là dịp để cư dân mạng bàn tán và mổ xẻ. Và dạo gần đây, có một cụm từ mà tôi hay chứng kiến đó chính là dễ dãi.
Đây là cmt mà tôi chụp được trong một hội nhóm hay bàn luận về âm nhạc
Đại khái thì đây cũng không phải là cụm từ quá mới, và không chỉ âm nhạc, dù ở bất cứ lĩnh vực hay chủ đề nào, bạn chắc chắn cũng từng nghe qua ít nhất một lần. Nhưng trên news feed của tôi thì cụm từ này dạo gần đây xuất hiện nhiều hơn thường lệ. Thú thật thì tôi từng rất ghét nhạc Việt vì những tai tiếng do người đời đồn thổi, nhưng vài năm trở lại đây, tôi thấy được sự đi lên nhất định của nền âm nhạc nước nhà, và chính bản thân tôi cũng thay đổi để tiếp nhận mọi thứ với tinh thần khai phóng hơn. Những tranh cãi thì chưa bao giờ chấm dứt, nhất là khi những bài hát mới được ra mắt và gây được tiếng vang lớn. Lúc này, người ta bắt đầu đặt dấu hỏi về chất lượng lẫn những vấn đề xung quanh bài hát. Mỗi cuộc tranh luận thì bất kỳ ai cũng sẽ có lập trường để bảo vệ ý kiến của riêng mình, và lý do tôi viết bài này vì tôi cũng thực sự muốn có câu trả lời cho những câu hỏi mà mọi người đang có như về việc đạo nhạc, cái tâm của một nghệ sĩ hay cách mà khán giả Việt thưởng thức âm nhạc. Ok, đến với bài viết thôi nào.

Đạo nhạc

Sơn Tùng Mtp
Không ngoa khi nói rằng Sơn Tùng Mtp là nghệ sĩ có sức ảnh hưởng lớn nhất đối với V-Pop hiện tại. Nhưng kèm với đó đương nhiên là những thị phi. Có một cụm từ xuất hiện xuyên suốt sự nghiệp của anh ta, đó là đạo nhạc. Nhưng đối với tôi, những nhận định đó vô cùng chủ quan, vì sao?
Điều gì tạo ra âm nhạc?. Đó là sự kết hợp giữa nhạc cụ, giọng hát và nốt nhạc. Tất cả những điều đó sẽ tạo ra thứ gọi là giai điệu, và khi kết hợp với lời bài hát, lúc đó ta mới có một bài hát hoàn chỉnh. Đó là còn chưa kể đến cách hát, thông điệp hay cảm xúc của bài hát. Nhưng những thứ trên vẫn có giới hạn như việc chỉ có 7 nốt nhạc hay việc mỗi dòng nhạc sẽ có số lượng nhạc cụ nhất định. Mọi thứ sẽ chỉ nên được phán xét khi ta có một số bằng chứng cụ thể (phải thuyết phục), và đối với tôi, thời điểm tuyệt vời nhất để đánh giá là khi thực sự xảy ra một vụ kiện hoặc có sự lên tiếng của người trong cuộc. Còn nếu không, tôi e là tất cả chúng ta cũng chỉ như những con ếch ngồi dưới đáy giếng mà thôi.

Thị trường âm nhạc

Có một câu nói của Touliver mà tôi rất ấn tượng đó chính là thị trường âm nhạc Việt Nam đang thiếu một bảng xếp hạng uy tín. Bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần và nên có một cá nhân hoặc một tổ chứng đủ kiến thức và đủ sự tin cậy để đánh giá và xếp hạng. Vì thiếu điều đó, nên đa số khán giả Việt chỉ có thể đánh giá các sản phẩm qua views hay top thịnh hành Youtube. Một sản phẩm nhiều views không đi đôi với chất lượng, top thịnh hành cũng tương tự, nó chỉ chứng minh độ thịnh hành chứ không có nghĩa đó là một sản phẩm tốt. 
Cách sản xuất âm nhạc cũng là một vấn đề đáng nhắc tới vì khác với Hàn Quốc, chúng ta không có những công ty giải trí mọc lên như nấm. Vì không có một tổ chức để đầu tư và làm nhạc lâu dài, nên các nghệ sĩ rất cân nhắc khi sản xuất một mv hay một album. Nên như bạn thấy, mọi sản phẩm của nghệ sĩ Việt đa phần là single. Ở thị trường V-Pop, khán giả rõ ràng là một phần rất quan trọng góp phần vào sự thành công của sản phẩm lẫn danh tiếng của những người làm nhạc.

Thế nào là một nghệ sĩ có tâm?

Ngoài những người được đào tạo bài bản, thì có một cơ số những người đi lên bằng cách tự thân vận động. Và một trong số đó là những hot girl đi hát. Ở đây, để đánh giá sự có tâm trong việc sản xuất âm nhạc, tôi sẽ lấy 3 người mà theo tôi là nổi bật bao gồm Chi Pu, Phương Ly và Phí Phương Anh. Họ đều có xuất phát điểm giống nhau, nhưng tài năng và công sức họ bỏ ra lại một trời một vực. Nếu Phương Ly ý thức được việc xây dựng hình ảnh sạch của một nghệ sĩ, thì Chi Pu và Phí Phương Anh lại chọn cách dùng tai tiếng làm bàn đạp. Dù có ở thời đại nào đi nữa, thì việc cầm mic lên đã là ca sĩ vẫn là một việc nực cười. Vì khi thốt ra câu nói đó, nó đã trực tiếp chứng minh sự thiếu tôn trọng với những đồng nghiệp lẫn chính ngành nghề này.
Đối lập với hot girl đi hát đương nhiên là những nghệ sĩ đã có chuyên môn nhất định. Nếu ở thời điểm hiện tại thì 2 cái tên hot nhất đương nhiên là Jack và Sơn Tùng. Dù nhận về những lời mỉa mai không hay, ta vẫn có thể thấy được sự đầu tư và chỉn chu về cách họ giữ hình tượng hay cách họ đầu tư vào những sản phẩm của bản thân. Và như tôi đã nói ở đầu bài, đánh giá một sản phẩm là đạo nhái là một việc rất chủ quan. Đó là lý do, tôi vẫn có một sự tôn trọng nhất định dành cho họ (dù vậy, nếu chuyện đạo nhạc là có thật, và tiếp tục xảy ra trong tương lai, chắc chắn tôi cũng sẽ không ủng hộ và sẵn sàng tẩy chay).

Sự đón nhận của khán giả

Có một điều mà tôi rất ghét ở khán giả Việt là họ rất ngại thay đổi cách họ đón nhận một sản phẩm. Sự đi lên của V-Pop trong vài năm trở lại đây đồng nghĩa với việc những dòng nhạc mới dần dần du nhập. Không chỉ còn là những bản tình ca ballad nhạt nhẽo nữa. Rap, Rock hay EDM đã xuất hiện. Nhưng không phải ai cũng chịu khó đổi mới tư duy và đón nhận nó, thay vào đó, họ bắt đầu chỉ trích, gọi đó là thứ âm nhạc thị trường vô nghĩa. 
Ngoài ra, văn hoá tay nhanh hơn não cũng rất phổ biến khi có một số bộ phận khán giả rất hay phỉ báng những điều mà họ không hiểu. Đây là điều chúng ta thua kém những nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản. Nếu Trung Quốc biết cách tận dụng Tik Tok để mang những bài hát nội địa ra thế giới, Hàn Quốc có một chiến lực dài hơi cũng như biết cách marketing khiến cho những bài hát trở nên viral, thì Nhật Bản cũng khiến khán giả quốc tế chú ý đến những OST của họ qua các bộ anime.
Nói tóm lại, những ông lớn của Châu Á rất biết cách khiến bạn bè năm châu phải để ý. Và đây là điều chúng ta thực sự đang thiếu.

Đạo đức của một nghệ sĩ

Như tôi đã nhắc lại rất nhiều lần ở trong bài viết này, việc ăn cắp chất xám trong nghệ thuật là điều đáng tẩy chay. Nhưng theo ý kiến của riêng tôi, phần đông chúng ta chưa thực sự đủ kiến thức nhạc lý để khẳng định một bài hát có phải là đạo nhạc hay không (những bạn có chuyên môn thì tôi không nói tới ở đây nhé). Nếu mọi chuyện chỉ dừng lại ở những câu hỏi, thì rõ ràng ta không thể quy chụp những nghệ sĩ mà ta cho rằng đã đạo nhái là những người thiếu đạo đức được. Một nửa của sự thật không bao giờ là sự thật, và việc vu khống hay lăng mạ chỉ chứng minh rằng chúng ta mới chính là những kẻ không hiểu chuyện và dân trí thấp. Về độ văn minh trên mạng xã hội, chúng ta thừa biết cư dân mạng Việt tệ như thế nào. Chúng ta thay vì dành thời gian để nâng cao tri thức lẫn kiến thức, khiến ta trở thành một người dùng mạng xã hội thông thái hơn thì ta lại lấy thời gian đó để vào trang cá nhân người khác và lăng mạ.
Nếu bạn thực sự muốn đóng góp một chút gì đó cho nền âm nhạc nước nhà với tư cách là khán giả, thì bạn có thể đón nhận những dòng nhạc mới bằng cách tìm hiểu thêm về nó. Bạn không cần phải trở thành một chuyên gia, nhưng việc hiểu những thứ cơ bản sẽ giúp bạn biết đâu là một sản phẩm thực sự chất lượng.
Bỏ qua những thứ không rõ ràng, nếu nghệ sĩ đó không làm ảnh hưởng đến người khác về mặt thể xác (đánh khán giả), tinh thần (cổ xúy những tệ nạn), kinh tế (lừa tiền) hay danh dự (lăng mạ khán giả), thì đối với tôi, việc ủng hộ nghệ sĩ đó là hoàn toàn có cơ sở.

Vậy khán giả Việt có thực sự dễ dãi?. Điều đó có khiến nền âm nhạc Việt Nam đi xuống?

Nói thật thì tôi chả là ai để gọi người khác là dễ dãi khi thưởng thức âm nhạc cả. Vì lập trường của tôi âm nhạc là để kết nối, chứ không là để chửi nhau (trừ những cuộc beef hay battle trong rap). Nhưng theo quan sát của cá nhân tôi, rõ ràng phần đông người Việt đang nghe nhạc theo cảm xúc (nhắc lại là quan sát của riêng tôi nhé). Vậy thế nào là nghe nhạc theo cảm xúc?. Là khi chỉ cần một bài hát đủ lọt tai, thông điệp khiến họ cảm thấy bản thân mình trong đó, họ đã dễ dàng chấp nhận và coi đó là một sản phẩm tốt. Tôi đồng ý là âm nhạc suy cho cùng cũng chỉ để là giải trí, và việc nghe nhạc theo cảm xúc chả có gì là sai cả. Nhưng nó khiến cho những sản phẩm âm nhạc liên quan tới cuộc đời như của Huấn Rosie, Khá Cool hay Phú Lê đại bàng được chia sẻ rộng rãi, dù rõ ràng chất lượng của nó là không tốt nếu đem ra để cho những người có chuyên môn phân tích. Nếu điều đó xảy ra trong một thời gian dài, nó sẽ dần được coi điều bình thường, và đương nhiên nó sẽ ảnh hưởng tới suy nghĩ và cách nghe nhạc của khán giả Việt. Đó mới là cốt lõi có thể khiến một nền âm nhạc đi xuống.

Kết luận

Dù là ai đi chăng nữa, thì việc bị ghét cũng là điều không thể tránh khỏi. Và điều đó còn lớn hơn khi bạn là một người nổi tiếng. Kể cả những ngôi sao quốc tế, có khoảng thời gian dài hoạt động trong nghề cũng sẽ từng dính phải tai tiếng. Nhưng đây cũng là lúc bản lĩnh của một người tâm huyết với nghề trỗi dậy, vì khi càng vượt qua nhiều khó khăn, họ sẽ càng nhận thêm được nhiều sự kính trọng từ khán giả. Nếu bạn đang lo lắng rằng nền âm nhạc nước nhà đang đi xuống vì những nghệ sĩ không đủ tốt, thì tin tôi đi, xã hội đang phát triển nhanh hơn bạn nghĩ. Dù hiện tại, những vấn đề liên quan đến cách hành xử và đón nhận những sản phẩm âm nhạc của nghệ sĩ trong nước chưa được cải thiện (và tôi cũng khá chắc là không phải trong tương lai gần). Nhưng cái kim giấu trong bọc cũng sẽ có ngày lòi ra, khán giả vẫn đang cố gắng tiếp thu những kiến thức mới hằng ngày, và nếu các nghệ sĩ thực sự làm những chuyện vô đạo đức như ăn cắp chất xám, sớm muộn gì cũng sẽ bị tẩy chay. Vì khán giả họ không ngu tới nỗi sẽ mãi đi ủng hộ những điều xấu. Và đó cũng là mấu chốt quyết định thành bại của một nền âm nhạc. Vậy còn bạn, bạn nghĩ sao về vấn đề này, hãy để lại ý kiến vì tôi thực sự muốn biết thêm nhiều góc nhìn mới hơn nữa. Peace!