Nguồn: Lock The Door
PHẦN 1: NHỮNG TỘI ÁC CHẤN ĐỘNG
Vào tháng 3 năm 2012, Eric McDavid, 29 tuổi, sống tại California đã bị kết án 235 tháng tù giam (gần 20 năm) trong quá trình thực hiện âm mưu đánh bom khu lâm nghiệp liên bang, tháp điện thoại và một số mục tiêu khác. Cùng lúc đó, hai đồng phạm của hắn là Zachary Jenson và Lauren Weiner cũng đã bị điều tra và sớm nhận tội.
Xuất phát từ những bất mãn về các chính sách khai thác tài nguyên môi trường, Eric McDavid và các đồng phạm của hắn đã âm mưu đánh bom Viện Di truyền Lâm nghiệp Hoa Kỳ, đập Nimbus, trại cá giống, tháp điện thoại di động và nhà máy điện- những nơi thực hiện hoạt động nông- lâm nghiệp trọng điểm của bang với mục tiêu tác động tới Chính phủ và các tổ chức có liên quan nhằm đạt được các thỏa thuận về vấn đề việc bảo vệ môi trường.
Tuy vậy, mục đích của những đối tượng này đã không thể thực hiện khi Eric McDavid bị bắt trong lúc đi mua nguyên liệu chế tạo bom. Kế hoạch của Eric McDavid đã bị phá sản trước khi hắn kịp hoàn thiện nó.
Hành vi của các đối tượng trên được Viện công tố mô tả là hành vi “khủng bố sinh thái” của những kẻ theo đuổi chủ nghĩa khủng bố sinh thái với âm mưu thực hiện các hành vi đe dọa tài sản, tính mạng người khác nhân danh quan điểm cực đoan của riêng họ. Có luồng quan điểm cho rằng những đối tượng này là phiên bản biến tướng của các nhà hoạt động môi trường, nhưng cũng có quan điểm cho ràng bản chất của họ là khủng bố, và các động lực khiến họ thực hiện tội phạm không làm thay đổi bản chất này.
Nguy hiểm hơn những kẻ khủng bố sinh thái mang tính cá nhân và nghiệp dư như trên còn tồn tại những nhóm khủng bố sinh thái mang tính tổ chức chuyên nghiệp, có thể kể đến Animal Liberation Front (ALF) - Mặt Trận Giải Phóng Động vật. Đây là một nhóm người đấu tranh cho quyền động vật một cách cực đoan và bạo lực, với lý tưởng giải phóng, ngăn chặn các hành vi thử nghiệm và giết hại động vật.
Nhằm hiện thực hóa các lý tưởng của mình, ALF thực hiện các hành vi đập phá trại giam để giải phóng động vật, tấn công và phá hủy các phòng thí nghiệm, trang trại động vật. Thậm chí, thực tế cho thấy nhóm người này sẵn sàng bắt cóc, hành hạ, làm nhục, đặt bom, giết người để đe dọa cơ quan chức năng phải thực hiện những yêu cầu của họ về việc bảo vệ động vật.
ALF đã bị FBI liệt vào nhóm khủng bố, và liên tục bị lên án về các hành vi vô nhân đạo như phá hoại, đặt bom,... Nhóm người này đã bị FBI ráo riết truy lùng và ngăn chặn, khiến cho việc phòng chống những đối tượng khủng bố hướng đến mục đích môi trường được quan tâm hơn bao giờ hết.
Và với rất nhiều vấn đề tồn đọng và gây tranh cãi, chủ đề đầu tiên Lock the door muốn mang đến trong tuần này chính là “eco-terrorism”, chủ nghĩa khủng bố sinh thái/ chủ nghĩa khủng bố vì môi trường.
Nhưng trước khi được định danh như vậy, vào thập niên 1820, khủng bố sinh thái đã là một vấn đề đáng báo động, khiến thế giới phải thực sự để tâm, nổi bật có thể kể đến vụ việc làm rúng động giới báo chí một thời có thể kể đến như Cuộc nổi dậy Demoiselles tại Pháp của nông dân nhằm phản đối các chính sách về khai thác môi trường do chính phủ ban hành. Sau đó, không chỉ giới luật gia ở Pháp mà trên khắp thế giới bắt đầu nghiên cứu về những đối tượng này, họ gọi những đối tượng này với rất nhiều thuật ngữ như “nhà hoạt động môi trường cực đoan” nhưng có vẻ như những thuật ngữ đó vẫn chưa thể hiện đúng những gì các nhà nghiên cứu muốn miêu tả về đối tượng này. Và đến năm 1960, thuật ngữ “eco-terrorism”, “eco terrorist” được ra đời, được sử dụng như một. Theo sau đó, cùng với sự phát triển ngày càng cực đoan, chủ nghĩa khủng bố sinh thái dần được đưa vào nghiên cứu trong khoa học pháp lý và tội phạm học.
Và với chủ đề này, những câu hỏi được hướng đến ở phần sau bao gồm: chủ nghĩa khủng bố sinh thái là gì, bản chất của chủ nghĩa khủng bố sinh thái là gì, chủ nghĩa khủng bố sinh thái dưới góc nhìn pháp lý như thế nào?
PHẦN 2: LÝ TƯỞNG CHIẾN ĐẤU CHO THIÊN NHIÊN
1 . Chiến đấu cho thiên nhiên
Việc đấu tranh cho môi trường đã tồn tại từ rất lâu, khi con người ta bắt đầu nhận thấy môi trường sinh thái đang bị tàn phá nghiêm trọng và có thể lắm, rằng vài trăm năm sau câu chuyện làm tình trên vũ trụ không còn là một câu bỡn cợt. Phong trào đấu tranh vì môi trường ngày một phát triển, sinh ra nhiều tổ chức vì môi trường như The Sierra Club và Greenpeace. Hai tổ chức này lần lượt được thành lập vào năm 1892 và 1971, là hai tổ chức hoạt động vì môi trường nổi bật đã gây áp lực đến các nhà lập pháp, tổ chức và cá nhân trong việc bảo vệ môi trường trong suốt quá trình tồn tại của họ một cách ôn hòa, bằng các phương tiện như truyền thông, báo đài... (và không bất ngờ, họ vẫn tồn tại đến ngày nay với quy mô càng lớn và không một sự ngăn cấm và truy lùng bởi chính phủ.)
Nhưng bên cạnh việc đấu tranh cho môi trường theo hình thức ôn hòa, các hình thức đấu tranh bạo lực cũng dần hình thành. Những hành vi quá khích của các nhóm người hướng đến mục đích bảo vệ môi trường bắt đầu từ những năm 1970 và dần đánh động đến toàn thế giới. Đơn cử như vào năm 1980, nhóm hoạt động môi trường cấp tiến mang tên Earth First! do bất mãn với chính sách khai thác gỗ của Chính phủ liên bang, đã đóng đinh vào những chiếc cây để ngăn chúng không bị chặt. Chưa bàn đến hậu quả của việc này có làm hại chính những chiếc cây đó hay không, việc làm này tiềm tàng nguyên nhân gây tổn thương nặng đến những người khai thác gỗ khi họ tiến hành chặt cây theo yêu cầu của chủ đầu tư. Và rõ ràng Earth First! đủ thông minh để biết rằng việc này có thể gây đổ máu, họ vẫn quyết tâm thực hiện hành vi của mình. Và không khó đoán rằng chính Earth First! là tiền thân cho nhóm khủng bố sinh thái lớn mạnh nhất Thế giới sau này.
Theo FBI, hành vi khủng bố sinh thái đầu tiên xuất hiện năm 1977. Sau đó, liên tiếp có các nhóm khủng bố sinh thái cực đoan ra đời và phát triển với vô số hành vi bạo lực đã trực tiếp hoặc gián tiếp làm tổn thương đến tài sản, con người, gây ra thiệt hại khổng lồ cho cả người và của.
FBI định nghĩa về chủ nghĩa khủng bố sinh thái (eco-terrorism) là việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng bạo lực có tính chất tội phạm, nhắm vào các nạn nhân vô tội, tài sản cá nhân hay tài sản công, nhằm đạt được những thỏa thuận về môi trường hay môi trường- chính trị theo mong muốn; hoặc nhắm đến các đối tượng ngoài mục tiêu nhằm đe dọa các mục tiêu mà chủ thể thực hiện hành vi muốn hướng tới. Những nạn nhân bị nhắm tới thường là con người- đối tượng bị cho là đe dọa đến động vật hay môi trường sinh thái mà chủ nghĩa khủng bố sinh thái đang cố gắng bảo vệ hoặc tài sản- đối tượng bị cho là sản phẩm của việc tàn phá môi trường.
Nhóm khủng bố sinh thái lớn mạnh nhất có thể kể đến Earth Libertion Front (Mặt trận Giải phóng Trái đất) hay ELF, được thành lập tại Bringhton, Anh vào năm 1992, khi một số thành viên của Earth First! cảm thấy những hoạt động họ đang làm là chưa đủ mạnh mẽ để tác động lên cơ quan có thẩm quyền, và cho rằng chỉ có đấu tranh bạo lực mới có thể ngăn chặn các chính sách khai thác và hủy hoại môi trường. ELF lan rộng ra phần còn lại của Châu u vào năm 1994 và được phân loại là mối đe dọa "khủng bố trong nước" hàng đầu ở Hoa Kỳ bởi FBI vào tháng 3 năm 2001.
Giống như các thành viên của ELF, khủng bố sinh thái được cho là những nhà bảo vệ môi trường kiểu mới, những người tin rằng Trái Đất của chúng ta đang bị giết chết bởi sự tàn phá của con người, và những cách đấu tranh ôn hòa và thỏa thuận truyền thống là không đủ tác động và không có tiến triển. Họ tin rằng muốn ngăn chặn con người tàn phá môi trường, không còn cách nào khác ngoài chính họ phải ra tay.
Những hành vi nổi bật của chủ nghĩa khủng bố sinh thái có thể kể đến phá hoại tài sản (như đập phá trụ sở công, đốt phá các nhà máy, vận chuyển và rải rác chất thải đến những nơi công cộng, phá hoại các phương tiện di chuyển, phá hoại tài sản…), sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt (đặt bom), bắt cóc con tin và đe dọa đàm phán. Về bản chất, chủ nghĩa khủng bố sinh thái không cố gắng hành hạ hay giết người để trả thù cá nhân hay thao túng chính trị; mục tiêu cốt lõi và duy nhất xuyên suốt là bảo vệ môi trường. Tuy vậy, thực tiễn cho thấy để đạt được mục tiêu của mình mà những đối tượng này sẵn sàng gây ra thiệt hại về tài sản hay tính mạng con người.
2 . Và những nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố sinh thái
Nạn nhân trực tiếp của phong trào này có thể kể đến nhóm tài sản công như bệnh viện, đường xá,... Chủ nghĩa khủng bố sinh thái tin rằng những tài sản công này là hệ quả của sự tham lam, độc chiếm của Chính phủ với Trái Đất, là kết quả của quá trình tàn phá môi trường đất, chặt cây, phá rừng, thải độc ra môi trường nước, xả CO2 ra môi trường khí... Vì vậy, họ căm ghét và khinh bỉ nhóm tài sản này. Đó là lý do vì sao tài sản công trở thành đối tượng bị nhắm đến trong rất nhiều cuộc khủng bố. Hành vi đập phá, hủy hoại tài sản công khiến cho những tài sản này mất đi hoặc giảm đi đáng kể về giá trị sử dụng đã gây ra thiệt hại khổng lồ về tiền bạc và công sức, thời gian trong việc tu bổ hoặc xây dựng lại những tài sản bị hư hại. FBI ghi nhận những kẻ khủng bố sinh thái gây thiệt hại tài sản 200 triệu đô la Mỹ từ năm 2003 đến năm 2008.
Cùng lý do, tài sản tư nhân cũng thường xuyên bị lọt vào tầm ngắm. Nhưng nếu với việc phá hoại tài sản công, sự hận thù của khủng bố sinh thái hướng đến Chính phủ hoặc các cơ quan có thẩm quyền và các chính sách (về khai thác tài nguyên hay xây dựng cơ sở vật chất…) mà họ đã ban hành thì với việc đập phá tài sản tư nhân, sự hận thù lại nghiêng về những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bị cho là có hành vi đe dọa đến môi trường (như xả rác ra môi trường, ngược đãi động vật…).
Hành vi này không chỉ trực tiếp xâm phạm quyền sở hữu tài sản của chủ sở hữu tài sản mà còn đe dọa đến an ninh trật tự xã hội. Mỗi loại tài sản sẽ được sở hữu bởi một hoặc nhiều chủ thể, và chỉ những chủ thể này mới có quyền chiếm hữu (nắm giữ, chi phối), quyền sử dụng (khai thác, hưởng lợi), quyền định đoạt (tiêu dùng,tiêu hủy,..) với tài sản đó. Khủng bố sinh thái hướng đến tài sản công hoặc tài sản của doanh nghiệp, cá nhân (như nhà máy, công viên, cầu đường…) nghĩa là không có quyền sở hữu với những tài sản họ phá hoại. Và việc họ tự ý phá hoại tài sản thuộc quyền sở hữu của người khác, gây thiệt hại cho người khác là hành vi sai trái và bị ngăn cấm bởi pháp luật. Bên cạnh đó, trong quá trình phá hoại tài sản, nhóm khủng bố sinh thái thường thực hiện những hành vi nguy hiểm như sử dụng chất cháy nổ, sử dụng hung khí có khả năng xâm phạm đến sức khỏe và tính mạng người khác một cách bất hợp pháp, gây ra nỗi ám ảnh lớn cho xã hội.
Con đường trong mơ ở Seattle (Seattle Street of Dreams), một khu vực được quy hoạch đẹp đẽ với những kiến trúc đắt giá ở Washiongton, là một nạn nhân điển hình của chủ nghĩa khủng bố sinh thái. Nó được nhắm tới như một mục tiêu đập phá, thiêu rụi để đạt được những thỏa thuận về môi trường của những đối tượng này. 4 căn biệt thự đã bị chìm trong biển lửa dưới bàn tay của khủng bố sinh thái vào năm 2008 và rất nhiều những cảnh quan xung quanh bị đập phá và thiêu rụi. Bởi vậy, nó sớm trở thành con đường ác mộng khi những ngôi nhà xinh đẹp đáng giá cả triệu đô biến thành đống tro tàn chỉ sau một cuộc oanh tạc. Rất lâu sau cuộc khủng bố, những người dân xung quanh vẫn chưa hết bàng hoàng về sự khủng khiếp của sự việc này.
Ngoài việc phá hoại tài sản, chủ nghĩa khủng bố sinh thái còn có những động thái mạnh mẽ hơn, là nguyên nhân lớn dẫn tới việc FBI đặt phong trào này là mối quan tâm hàng đầu trong một thời gian dài: bắt cóc nạn nhân và yêu cầu thỏa thuận. Nạn nhân bị nhắm tới thường là những người bị nhóm khủng bố sinh thái coi là có tội hoặc có sức ảnh hưởng với những người bị coi là có tội. Nạn nhân cũng có thể là những đối tượng điển hình như nhà báo, biên tập viên, những người được coi là có “vị thế” trong xã hội và dễ tác động đến truyền thông. Nhìn chung, khủng bố sinh thái sẽ hướng đến bắt cóc các nạn nhân, dùng họ như một công cụ để đe dọa hoặc thỏa thuận với cơ quan chức năng hay các doanh nghiệp, tổ chức để yêu cầu thực hiện hoặc hủy bỏ thực hiện những hành vi cụ thể. Trong quá trình bắt cóc và giam giữ, khủng bố sinh thái sẵn sàng thực hiện các hành vi gây tổn hại đến nạn nhân, tiêu biểu như sự việc xảy ra vào năm 1999, một nhà báo Anh bị tổ chức khủng bố sinh thái bắt cóc và đóng dấu ALF (Animal Liberation Front- tên một tổ chức khủng bố sinh thái) bằng sắt nung đỏ vào lưng.
3 . Pháp luật nói gì về chủ nghĩa khủng bố sinh thái?
Chủ nghĩa khủng bố sinh thái phát triển mạnh nhất ở Mỹ, và vì thế nên không lạ khi Mỹ là quốc gia phản ứng mạnh mẽ nhất với các đối tượng này.
Năm 1992, để ngăn chặn các hành vi khủng bố sinh thái, Đạo luật bảo vệ doanh nghiệp động vật năm 1992 (Animal Enterprise Protection Act of 1992) quy định các hành vi cố ý gây gián đoạn đối với hoạt động của doanh nghiệp động vật bằng cách cố ý đánh cắp, làm hư hỏng hoặc làm mất bất kỳ tài sản nào […] mà doanh nghiệp sử dụng sẽ bị coi là tội phạm liên bang và phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với tội danh này. Năm 2006, quy định này đã được cập nhật và đổi tên thành Đạo luật khủng bố doanh nghiệp động vật và cập nhật thêm một số quy định cũng như bổ sung các hình phạt cho hành vi này. Đây là một bước tiến lớn trong lập pháp vì sau tất cả những hành vi mà chủ nghĩa khủng bố gây ra, cuối cùng đã có một đạo luật nghiêm khắc để điều chỉnh và ngăn chặn.
Đại diện FBI, ông John E. Lewis, trong một bài phát biểu năm 2004, bày tỏ quan điểm của tổ chức này rằng họ coi chủ nghĩa khủng bố sinh thái là một trong những chủ nghĩa khủng bố trong nước nguy hiểm nhất, cần quyết liệt loại bỏ. Vào năm 2015, FBI cũng tuyên bố họ coi khủng bố sinh thái là nhóm khủng bố trong nước nguy hại nhất, là mối quan tâm hàng đầu.
Không chỉ Mỹ mà các nước Châu u như Pháp và Thụy Sĩ, những nơi bị các tổ chức khủng bố sinh thái hoành hành, cũng có những quy định riêng nhằm ngăn chặn và hạn chế các hành vi này.
Tại Việt Nam, do những điều kiện về luật pháp, môi trường và nhận thức mà chủ nghĩa khủng bố sinh thái vẫn còn là điều gì mong manh đến độ có vẻ như chưa thể phát triển. Vậy nên, pháp luật không quy định về khái niệm “khủng bố sinh thái” hay “khủng bố môi trường” cũng như không có quy định riêng để điều chỉnh hành vi này. Tuy vậy, những hành vi mà chủ nghĩa khủng bố sinh thái thực hiện, ở Việt Nam, có thể bị xếp vào Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (quy định tại điều 114 BLHS 2015) hoặc Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (quy định tại điều 178 BLHS) hoặc xét theo mức độ của hành vi mà nặng nhất có thể bị quy vào tội khủng bố (quy định tại Điều 299 BLHS 2015)...
4 . Vẫn còn nhiều tranh cãi trong giới hoạt động vì môi trường
Một số nhà hoạt động vì môi trường lên án kịch liệt các hoạt động của chủ nghĩa khủng bố sinh thái, họ lập luận rằng những hoạt động của nhóm đối tượng này là quá khích, quá cực đoan và để lại nhiều thiệt hại nặng nề.
Hậu quả lớn nhất họ nhận thấy là việc chính những kẻ khủng bố này lại gây hại cho môi trường trong quá trình đấu tranh của họ. Đơn cử như vụ khủng bố công trường xây dựng Superphénix bằng tên lửa chống tăng bởi khủng bố sinh thái không chỉ tàn phá tài sản, cảnh quan mà còn khiến môi trường nước và không khí xung quanh bị ô nhiễm một thời gian dài do vũ khí hạt nhân và bụi mịn. Bên cạnh đó, họ cho rằng các hoạt động khủng bố này khiến cho danh tiếng của những nhà hoạt động vì môi trường chân chính bị ảnh hưởng theo chiều hướng xấu, khiến việc thực hiện các chiến dịch bảo vệ môi trường trở nên khó khăn hơn.
Những người này cũng cho rằng thật ngu ngốc khi thực hiện những hành vi bạo lực và sai trái như vậy mà kết quả thu lại cũng chẳng tích cực: họ cho rằng khủng bố sinh thái không thể thay đổi bất kì chính sách hay hoạt động gây hại gì của con người với môi trường, cùng lắm chỉ là đẩy lùi chúng ở hiện tại và sẽ thực hiện tiếp trong tương lai gần.
Bên cạnh đó, cũng có những người có thiện cảm hoặc ít nhất là giữ lập trường trung lập với các đối tượng khủng bố sinh thái, vì họ cho rằng mục đích của những đối tượng này là hướng đến một môi trường sống trong lành, và điều đó suy cho cùng cũng là để phục vụ cho con người đến tận lâu dài.
Hơn nữa, họ cũng tin rằng chủ nghĩa khủng bố sinh thái không hướng đến mục tiêu giết người hay làm tổn thương con người ngay từ đầu. Vậy chẳng có gì xấu xa khi một nhóm người chỉ cố đem lại một bầu trời xanh thẳm với tầng ozone không bị thủng và những dòng sông không đen ngòm chất thải. Và họ cho rằng khủng bố sinh thái có thể là những hành vi gây hại, tuy vậy nó cần thiết để đảm bảo một thế giới tốt đẹp hơn trong thời gian lâu dài.
Cũng có những người tung hô chủ nghĩa khủng bố sinh thái, và cho rằng Thế giới cần những anh hùng sẵn sàng đạp lên những quy chuẩn giả tạo để chiến đấu cho một tương lai trong sạch và an toàn hơn.
Hiện nay, trên bề nổi, khủng bố sinh thái có vẻ như đã lắng xuống và bị đẩy lùi. Tuy vậy, vụ bắt giữ nhóm khủng bố sinh thái người Italia Il Silvestre tại Thụy Sĩ vào năm 2010 dấy lên nghi vấn về những nhóm khủng bố sinh thái kiểu mới, sử dụng nhiều vũ khí hạt nhân hơn, hiện đại hơn, tinh vi hơn. Trong năm 2020, The Hill đã báo cáo rằng FBI đang điều tra 41 vụ khủng bố sinh thái chỉ riêng ở bang Washington, bao gồm cả vụ trật bánh của một đoàn tàu dẫn đến 29.000 gallon dầu thô bị tràn ra ngoài.
Vậy câu hỏi được đặt ra là liệu chủ nghĩa khủng bố sinh thái có thực sự bị đẩy lùi không, hay chỉ đơn giản là gió lặng trước giông tố?