CHIẾN BINH CẦU VỒNG - REVIEW
Review sách là thứ mình muốn làm, đã từ lâu rồi, nay mới bắt tay vào viết. Vì cái đầu ngốc nghếch đọc xong lại quên, cứ chần chừ mãi...
Review sách là thứ mình muốn làm, đã từ lâu rồi, nay mới bắt tay vào viết. Vì cái đầu ngốc nghếch đọc xong lại quên, cứ chần chừ mãi vì không biết viết thế nào, viết cái gì. Thôi thì viết lại cảm xúc và bối cảnh. Cũng không hẵn là review, chỉ là ghi chép lại những cung bậc cảm xúc cuốn sách mang lại cho mình. Viết vì mình, trước là vì mình, sau vì ai thì chưa rõ.
Học tập là cao quý, là ca tụng nhân bản, là niềm vui khi được cắp sách tới trường và là ánh sáng văn minh.
Chiến binh cầu vồng được viết bởi một tác giả người Indonesia. Trước đã có rất nhiều bình luận về quyển sách kiểu như: “cuốn sách bán chạy nhất”, “tiêu biểu cho nền văn học Indo”, “biểu tượng của Indo”, “câu chuyện cảm động lòng người”,… Cơ may gặp được quyển sách cũng là do một người bạn giới thiệu, cậu biết mình sắp đi tình nguyện ở Indo nên đã bảo mình đọc đi, hay lắm. Quyển sách đã đốt lên trong lòng cậu tình cảm sâu sắc với đất nước vạn đảo này, đặc biệt là đảo Belitong, nơi xảy ra câu chuyện. Cuối cùng, do số phận thế nào, từ Jakarta cậu đã có cơ hội đặt chân đến Belitong một cách ngoạn mục (ngoạn mục với một kẻ không tiền như cậu). Vâng, kẻ thích sách như mình đây tất nhiên không thể nào làm ngơ trước cái gọi là “một trong những đại diện xuất sắc nhất của văn học Indonesia hiện đại” nhất là khi mình sắp có một chuyến đi dài tới Indo, lại càng mong được hiểu.
Trước giờ đọc sách, nhất là truyện, không cần biết thể loại gì, mình đều cảm nhận được dư vị bồi hồi, sự chênh vênh trống trải khi đọc đến đoạn kết câu chuyện. Cứ như mình là nhân vật trong câu chuyện và đang hồi tưởng lại quá khứ. Kiểu như cơn gió ký ức vừa thổi qua mặt, cướp đi ý thức về thực tại và chừa lại nỗi trống vắng cô đơn. Cũng không thể định nghĩa được, cảm giác như người bị bỏ lại. Một mình, với những kỉ niệm, cùng nỗi day dứt. Kỉ niệm dù vui dù buồn, nhưng vẫn mang đến cho người sở hữu nó cảm giác bất lực, lưng chừng, đau vì không tài nào giữ được.
Chuyện kể về nhóm học sinh nghèo ở vùng đảo xinh đẹp Belitong. Nói nghèo cũng chưa đúng, phải là best nghèo. Xuất thân từ mọi loại ngành nghề cực khổ nhất: culi, ngư dân, giao báo, nông dân,… Background cực kì khắc khổ, chuyện đi học là điều cao vời. Nhưng (trong mọi câu chuyện luôn có chữ nhưng) các cậu bé vẫn đấu tranh cho việc được đi học. Ngôi trường làng bé nhỏ, số học sinh vỏn vẹn 10 em, 1 cô giáo, 1 thầy hiệu trưởng, và 0 nhà vệ sinh. Xuất hiện tới tận 2 thiên tài. 1 là Litang cột trụ thứ nhất bên trái đại diện cho nhóm khoa học. 2 là Mahar cột trụ thứ hai bên phải là đại biểu của trường phái nghệ thuật. Litang dạy nhóm biết ước mơ, nâng cao giá trị bản thân, là ngọn lửa soi sáng con đường hướng đến nền văn minh của cả lớp. Mahar làm cuộc sống thú vị, trở nên chất thơ trong vô vàn khó khăn cơ cực của cuộc sống hiện tại. Mỗi người một khí chất. Vậy mới nói, ngọc xuất phát là cát giấu mình trong trai đến ngày tỏa sáng, kim cương hình thành từ sự khổ đau trong nhiệt độ cao để đạt tới cấu trúc phân tử rắn rỏi nhất hành tinh, thiên tài cũng qua chui rèn mới có thể tỏa sáng và ánh sáng cơ bản là có thể xuất phát từ bất cứ nơi đâu dù sang trọng quyền quý hay dơ bẩn đen đúa nghèo nàn. Tụ chung lại, cùng nhau xoay quanh ánh sáng của văn mình nhân loại.
Thầy Hafar chia sẻ “Học tập là cao quý, là ca tụng nhân bản, là niềm vui khi được cắp sách tới trường và là ánh sáng văn minh”, “học thức thể hiện lòng tự trọng, rằng giáo dục thể hiện lòng sùng kính đối với tạo hóa”, “rằng học tập không phải lúc nào cũng buộc chắc với những mục tiêu như lấy được bằng cấp hay trở nên giàu có”. Thầy đã cống hiến đến hơi thở cuối cùng cho sự nghiệp giảng dạy và chết dưới sàn nhà do kiệt sức. Cái chết của thầy không vô nghĩa, cuối cùng cũng chính Ikal (là 1 trong 10 em học sinh năm ấy) đã kể lại câu chuyện về thầy, công sức của thầy có ngày cũng được đền đáp. Từ đời nọ tới đời sau, tên thầy có lẽ vẫn bị quên nhưng quan điểm học tập của thầy nhất định sẽ lan rộng ra khắp tận cùng của cõi địa cầu. Trước mắt là đã tới em, một cô gái ờ Sài Gòn xa xôi.
Cũng có dáng dấp của tình yêu. Tình yêu đầu đời của Ikal và A Ling. Rồi sự chia ly. Sự vỡ vụn. Nhưng một lần nữa. Nhờ sách, nhờ Herriot (1 thiên tài Ikal ngưỡng mộ), đã vực Ikal dậy. Vẫn nhờ vào quyền năng của ánh sáng văn minh nhân loại. Đúng là tri thức mạnh kinh khủng, chúng đủ sức mang những kẻ đang đau khổ vì tình yêu, những kẻ khờ dại, những kẻ cơ cực, mọi thể loại về lại với thế giới huyền bí của vũ trụ, thế giới lãng mãn của thơ văn ở đó có các ông tổ như Issac Newton, Dercarte, Arristole, Shakespeare,… Suy cho cùng tình yêu cũng là cảm giác thăng hoa, miễn điều gì đó mang cho ta khoái cảm như vậy là đều có thể che mất ánh sáng huy hoàng của tình yêu, trong trường hợp này là “tìm kiếm tri thức”.
Khép lại câu chuyện, vẫn có bi đát, và cũng không gì nổi bật lắm về số phận của những nhân vật trong chuyện. Cuối cùng Litang không thực hiện được giấc mơ trờ thành nhà khoa học, bị chói cuộc đời với công việc tài xế. Trapani bị chứng thần kinh ám ảnh phụ thuộc. Mahar vẫn chênh vênh chưa thể trở thành pháp sư ngay được. Có Kuchai là trở thành chính trị gia như chính cậu mong muốn. Tác giá, Ikal đi du học Châu Âu, không tồi. Vẫn là câu chuyện thực, có một chút kì ảo về pháp sư biết tuốt, vài pha vượt qua sông đầy cá sấu để tới trường, một chút điên khùng của tình yêu đầu đời, nhưng kính nể nhất là ý chí không bao giờ chịu khuất phục của các học sinh trường MuhammaYialla. Vượt qua bao nhiêu khó khăn ngôi trường vẫn đứng vững cho tới lúc Litang nghỉ học do định mệnh. Thật nể phục trước ý chí quật cường của những con người nhỏ bé sẵn sàng đương đầu mọi khó khăn để cứu vớt sự học. Tinh thần hy sinh lớn lao vì giáo dục “mất một học sinh cũng như mất một nửa linh hồn” của cô Mus và thầy Hafar. Một bức tranh đẹp. Đẹp vì tấm lòng ở mỗi nhân vật trong chuyện. Một làng gió nhẹ ngày mưa. Đến cuối cùng mọi chuyện cũng đã qua. Có cố gắng thật nhiều, có thành công, có đấu tranh. Nhưng vẫn không thể thắng nổi số phận. Số phận tàn nhẫn thì ta cũng đành bó tay. Vấn đề là phải biết lựa chọn, nếu chọn gia đình thì mất học. Nếu chọn học thì là kẻ bất hiếu. Đấy là nỗi đau của Litang. Một thiên tài không gặp thời. Không hẵn là sinh ra nhầm chỗ, nhầm thời điểm. Nhưng nói một cách tích cực, cảm ơn cậu đã cho tớ biết, dáng dấp của sự học đẹp đến nhường nào. Ý chí học tập của cậu đã tiếp thêm sức mạnh để tớ có thể tiếp tục theo đuổi đam mê của mình. Có lẽ số phận tớ không nhọ như cậu, hoặc cũng có thể nhọ hơn. Nhưng tớ, ở nơi đây, ngay hiện tại, mong được chia sẻ nỗi đau ngày ấy, cùng cậu.
Mùa Xuân năm 2018
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất