CHIẾN BINH CẦU VỒNG - KHI GIÁO DỤC HƠN CẢ KHÁT VỌNG VÀ ƯỚC MƠ
Sau mưa có phải lúc nào cũng có cầu vồng? Có phải giáo dục bao giờ cũng là con đường đúng đắn cho con người thay đổi số phận?
Được viết dựa theo thời thơ ấu của chính tác giả, Chiến Binh Cầu Vồng kể về ngôi trường Muhammadiyah, về thầy Harfan, cô Mus và lớp học chỉ vỏn vẹn 10 học sinh cùng hành trình đấu tranh gìn giữ trường lớp, nền giáo dục cho những đứa trẻ sinh ra trong các gia đình thuộc tầng lớp lao động thấp.
Tác phẩm chính là bức tranh tả thực về xã hội phân hóa giàu nghèo của Indonesia những năm 80, ý nghĩa đích thực của tình cảm bạn bè, tình thầy trò cao quý, tình cảm gia đình thiêng liêng và hơn hết là về khát vọng được học tập.
Nếu đang tìm một quyển sách truyền cảm hứng học tập cho mình thì bạn nên tìm đọc ngay Chiến Binh Cầu Vồng của tác giả Andrea Hirata.
1. Đôi nét về tác giả
Andrea Hirata sinh năm 1967, trong một gia đình nghèo tại hòn đảo Belitong, phía Đông Sumatra, Indonesia. Hirata học kinh tế tại Đại Học Indonesia, sau đó học thạc sĩ tại Châu Âu. Ông hiện là nhà văn Indonesia ăn khách nhất từ trước đến nay.
2. Chiến Binh Cầu Vồng - tác phẩm đầu tay của Andrea Hirata
Bằng những trải nghiệm thời thơ ấu, Andrea Hirata viết cuốn sách Chiến Binh Cầu Vồng vào năm 2005. Cuốn sách đã mang về thành công lớn cho ông khi đã được xuất bản hơn 5 triệu bản và dịch ra 26 thứ tiếng.
- Là tác phẩm có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất Indonesia
- Đạt doanh thu kỷ lục tại Indonesia và giành được nhiều giải thưởng lớn trong và ngoài nước
- Trở thành tác phẩm được chuyển thể thành phim điện ảnh, phim truyền hình và nhạc kịch
Điều gì đã khiến Chiến Binh Cầu Vồng đạt được những thành công đó?
Là bức tranh chân thực về xã hội Indonesia những năm 80
Nhắc đến Indonesia hiện nay là nhắc đến đất nước phát triển nhất nhì khu vực Đông Nam Á với hơn 10.000 hòn đảo lớn nhỏ - là nơi sinh sống của rất nhiều tộc người và là đất nước sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, Indonesia của những năm 80 lại hoàn toàn khác.
Mặc dù đã giành được độc lập nhưng trên nhiều phương diện, Indonesia những năm 80 vẫn chưa thật sự tự chủ. Điển hình là nơi tác giả sinh sống - hòn đảo Belitong, tuy là hòn đảo giàu có nhất thời bấy giờ nhờ sở hữu trữ lượng dầu mỏ lớn nhưng người hưởng lợi từ nguồn tài nguyên này lại là những chủ tư bản người nước ngoài. Trong khi đó, người dân bản địa tại đây lại đi làm culi cho PN - một công ty khai thác thiếc của nước ngoài trên đảo Belitong, hoặc đi biển dài ngày để đánh bắt cá với nhiều rủi ro như chuyện bố Lintang ra đi mãi mãi trong một chuyến đi biển.
Nên đối với những người dân thuộc tầng lớp lao động thấp lúc bấy giờ, việc để con em mình đến trường học con chữ không phải là việc cần thiết và có thể kiếm ra tiền được. Vì Belitong là:
“Nơi mà bọn con trai làm culi, đốn trầm hương còn mua được một chiếc xe đạp, trong khi thầy Harfan chật vật lắm cũng chỉ mua được ruột xe đạp mà thôi”
Chưa kể chỉ những đứa trẻ nhà giàu mới được học tại Điền Trang với cơ sở vật chất đàng hoàng tử tế, còn lũ trẻ con nhà nghèo chỉ được học tại Muhammadiyah - ngôi trường 120 năm tuổi, lúc nào cũng trực chờ đổ sập.
Điều đó giải thích cho việc vì sao buổi lễ khai giảng của trường Muhammadiyah chỉ có vỏn vẹn 10 học sinh nhưng cũng đã khiến thầy Harfan và cô Mus xúc động đến vậy.
Là câu chuyện của những người thầy, người cô tận tụy
Nếu việc yêu thương học sinh, đem hết tâm huyết đặt để vào trong từng bài giảng được gọi là tận tụy vì sự nghiệp giáo dục thì chắc chắn thầy Harfan và cô Mus là những người thầy, người cô cực kỳ tận tụy và những nhà giáo như thế chẳng dễ gì tìm kiếm được ở hòn đảo Belitong này. Vì mặc dù đã giảng dạy ở trường Muhammadiyah cả mấy chục năm rồi, thầy Harfan lại không nhận một đồng lương nào, phần lớn số tiền chi tiêu của gia đình thầy đều nhờ vào mảnh đất trồng hoa màu ở nhà. Còn cô Mus lại sẵn sàng bỏ cả tương lai xán lạn với một công việc tốt trong nhà máy để trở thành giáo viên tại Muhammadiyah.
Ngoài sự tận tụy, hết mình vì học trò, sự nghiệp giáo dục, thầy Harfan, cô Mus còn có những đức tính tuyệt vời khác mà không phải ai cũng có được. Cụ thể, họ không ngại khổ khi giảng dạy tại một ngôi trường cũ kỹ đến độ chỉ trực chờ đổ sập, gan dạ khi sẵn sàng đấu tranh chống lại những kẻ có quyền thế muốn đóng cửa trường Muhammadiyah. Suốt nhiều năm học tại trường, thầy Harfan, cô Mus trong mắt những học sinh như tác giả còn là người truyền lửa để khơi dậy, nuôi dưỡng những khao khát, mơ ước và hy vọng trong tim những đứa trẻ nghèo tại đảo Belitong - đó là một ngọn lửa không bao giờ tắt.
“Thầy Harfan và cô Mus nghèo khổ đã mang đến cho tôi tuổi thơ đẹp nhất, tình bạn đẹp nhất, và tâm hồn phong phú, một điều gì đó vô giá, thậm chí còn giá trị hơn những khao khát mơ ước. Có thể tôi lầm, nhưng theo ý tôi, đây thực sự là hơi thở của giáo dục và linh hồn của một chốn được gọi là trường học.”
Là ước mơ về một nền giáo dục bình đẳng
Như sự trái ngược giữa bầu trời trước và sau cơn mưa, điều kiện giáo dục mà những đứa trẻ nhà giàu được hưởng tại Điền Trang khác xa với những học sinh tại trường Muhammadiyah, ngay cả con đường đến trường cũng vậy. Để đến trường, cậu bé Lintang trong đội Chiến Binh Cầu Vồng do cô Mus đặt tên phải đạp xe 40 cây số và băng qua tất thảy 4 đầm lầy cá sấu, dù hiểm nguy là vậy nhưng em lại chưa bỏ học một ngày nào, mà còn trở thành một trong những học sinh ưu tú nhất lớp, chinh phục tấm huy chương của cuộc thi học sinh giỏi. Những đứa trẻ như Lintang hay tác giả rõ ràng đều xứng đáng có được điều kiện học tập tốt đẹp hơn so với hiện thực.
Nhưng hiện thực thì bao giờ cũng phũ phàng, xã hội Indonesia những năm 80 không cho những đứa trẻ có bố mẹ làm cu li trong công ty khai thác thiếc, đánh bắt cá hay trồng trọt hoa màu những điều kiện giáo dục mà các em xứng đáng có được. Có lẽ vì thương cho những đứa học trò nhỏ và không muốn các em từ bỏ việc học tập, khát vọng và giấc mơ thay đổi cuộc sống của mình, của dân lao động nghèo đảo Belitong, cô Mus đã đặt cho các học sinh của mình một cái tên thật đẹp - đội “Chiến Binh Cầu Vồng”. Vì mỗi học sinh của trường Muhammadiyah đều là một chiến binh mạnh mẽ, không bao giờ khuất phục trước hoàn cảnh, xã hội phân biệt đẳng cấp, các em sở hữu ý chí, tâm hồn và những giấc mơ đẹp đẽ, rực rỡ như cầu vồng. Những học sinh của trường Muhammadiyah năm ấy chính là cầu vồng của thầy cô, của bố mẹ và bạn bè xung quanh.
Sau mưa, có phải bao giờ cũng có cầu vồng?
Trước những cơn mưa trời thường u ám nhưng sau mưa không phải lúc nào cũng xuất hiện cầu vồng. Và cầu vồng đã không đến với tất cả những đứa trẻ ở đảo Belitong năm ấy. Muốn thay đổi xã hội, xóa bỏ lằn ranh giàu nghèo chưa bao giờ là dễ dàng và sự học cũng thế, cuối cùng thì những ước mơ của bọn trẻ đã bị dập tắt theo cách này hay cách khác. Tuy nhiên, các em đã trở thành những cơn mưa mát rượi tưới lên hòn đảo Belitong cằn cỗi bao lâu nay bởi sự cai trị của đồng tiền và quyền lực khi đứng dậy đấu tranh cho giáo dục, sự bình đẳng và quyền học tập của mình.
Kết lại
Xuyên suốt cuốn sách, chúng ta dường như thấy mình trong vai thầy Harfan, cô Mus để đi cùng và dõi theo sự trưởng thành của những đứa trẻ trong đội Chiến Binh Cầu Vồng - từ cái ngày khai giảng mà thầy Harfan đứng ngồi không yên vì chưa thấy đứa trẻ thứ 10 xuất hiện, lo sợ mái trường Muhammadiyah sẽ phải đóng cửa, cho đến khi nhìn thấy những đứa trẻ biết ê a đọc dòng chữ đầu tiên, thấy Lintang thực hiện lời hứa đầu tiên của mình, thấy những học sinh của mình đạt được thành tựu cho trường, thấy chúng đứng lên chống lại số phận và ngay cả khi khát vọng của chúng chẳng thắng được số phận và bị dập tắt - chúng ta vẫn dõi theo trong suốt 48 chương của Chiến Binh Cầu Vồng.
Để rồi khi trang cuối được gấp lại, chúng ta xót xa và tiếc nuối cho số phận những đứa trẻ năm ấy và phải giật mình nhìn lại bản thân vì so với những học sinh trường Muhammadiyah, mình đang hưởng một chế độ giáo dục quá đủ đầy. Liệu mình đã nỗ lực và khát khao đủ nhiều so với điều kiện tốt đẹp đang có?
Hãy dành thời gian để đọc câu chuyện về ngôi trường Muhammadiyah ở đảo Belitong, về thầy Harfan, cô Mus đã dành cả đời cống hiến cho giáo dục, và về những khát vọng, giấc mơ thay đổi số phận của 10 đứa trẻ trong đội Chiến Binh Cầu Vồng thông qua quyển sách này!
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất