Xin chia sẻ với các bạn vài đoạn ghi chú trong nghiên cứu khoa học của một chàng trai 30 tuổi về tình yêu. Đây là những nỗ lực vô cùng nghiêm túc của anh nhằm xây dựng hình tượng một người đàn ông trưởng thành, chín chắn, đáng tin cậy trong tình yêu, với hy vọng thoát ế trong 2 3 năm tới!

Do rất nhiều lý do khác nhau nhưng quy lại là vì ngại, chàng trai xin phép được giấu tên. Chỉ hy vọng những kiến thức này có ích cho các bạn, đặc biệt là các bạn vẫn ấp ủ hy vọng tự tìm được cho mình người bạn đời lý tưởng.

Phần 1: Tại sao cứ gặp gái là lại đơ - Hay những rắc rối tâm lý ở zai ngoan trong buổi đầu gặp mặt


Có lẽ không nói ai ế cũng biết buổi gặp mặt đầu tiên luôn là khoảng thời gian vô cùng thử thách và cực kỳ dễ dẫn đến thảm họa. Nhưng có chắc mình đã hiểu đúng tại sao lại có những lệch tông chệch nhịp, cu đơ, hay những phút giây cứng, vụng, thẳng như gỗ đến như vậy? Và liệu có cách nào để cải thiện điều ấy hay không?
Đừng hỏi câu chuyện có thể ... đến mức nào khi tâm trí 'cu đơ'
Trong cuốn "The Theory of Moral Sentiments" của Adam Smith có một kết luận khá hay về giao tiếp giữa hai người khác giới, đó là: tự nhiên đã ngầm quy định rằng khi giao tiếp với người khác giới, ta sẽ phải nhẹ nhàng, mềm mỏng và mang nhiều thái độ quan tâm hơn. 
Hẳn nhiên, điều này không phải là trở ngại đối với hầu hết các bạn nữ, khi nó trùng hợp với đặc điểm tự nhiên và những gì bạn được dạy dỗ từ nhỏ: là phụ nữ, phải mềm mỏng, nhẹ nhàng, và biết quan tâm.
Tuy nhiên, với đàn ông con trai thì hoàn toàn ngược lại. Là đàn ông, ai cũng mong muốn mình trở nên mạnh mẽ, cứng rắn và độc lập (ngay chính phái nữ cũng muốn các anh như vậy). Nhưng chính sự hằn sâu trong tiềm thức của lối suy nghĩ này lại trái ngược với phản ứng tự nhiên đòi hỏi ở anh ta khi nói chuyện với phụ nữ. Và mình tin mâu thuẫn ấy khiến cho bất cứ người con trai nào cũng sẽ cảm thấy khó khăn ở bước tiếp cận đầu tiên với người con gái mình thích. Lưu ý, mình nhắc lại: mình tin rằng bất cứ người con trai nào cũng sẽ cảm thấy như vậy, chỉ là mức độ và khoảng thời gian mà mâu thuẫn ấy có thể kiểm soát tâm trí của mỗi người sẽ khác nhau. Tuy nhiên, có thể khá chắc chắn là với zai ngoan thì nó thường làm chủ toàn bộ tâm trí anh ta, khiến anh ta trở nên cứng đờ, không thể quan tâm đến đối tượng, và khiến cho câu chuyện hoặc là cực kỳ vô duyên hoặc là thường xuyên đứt đoạn.

Tệ hơn nữa, ảnh hưởng của phản hồi (feedback loop) khiến đàn ông, đặc biệt là zai ngoan rất khó vượt qua được trở ngại này. Tức là khi không thể kiểm soát được mâu thuẫn ấy, và buổi hẹn trở nên vô cùng đáng quên (còn kết cục nào khác khi anh ta cứng đờ, không thể quan tâm cảm xúc của đối tượng), thì anh ta lại càng nhớ nó và càng khẳng định sự kém cỏi của bản thân, và từ đó dần sinh ra ngại giao tiếp với phụ nữ. Cứ thế, ánh sáng cuối đường chắc hẳn là bố mẹ người thân giới thiệu dẫn mối hay cưới một cô bạn học đã quá quen với nhau mà thôi (tất nhiên điều này tốt hay xấu có trời biết được).
Tuy nhiên, điểm đáng tiếc chắc khó ai có thể phủ nhận là hai người không thể hiểu đúng về nhau. Người con trai tốt bụng không thể hiện được hình ảnh thật của mình (thường lại là ấm áp và rất quan tâm chăm sóc phụ nữ), và người con gái cũng có thể sẽ bỏ mất cơ hội với một người thực ra hợp với mình mà mình không biết.
Chính vì vậy mà cụ Cần đã viết trong "Thuật yêu đương":
"Người đàn bà đoan trang, bình thường đối đãi với người đàn ông rất tự nhiên và thân mật, mà đến khi họ cảm thấy tình yêu nổi lên, là họ thay đổi liền thái độ và tỏ vẻ lạnh nhạt thờ ơ. Chính tình yêu sâu đậm lại làm người đàn bà trở nên e lệ và đây là khía cạnh đặc biệt nhất của tâm hồn người đàn bà Đông Phương".
Mình đã khá bất ngờ và ấn tượng khi đọc đoạn này trong sách của cụ. Vì trước giờ mình thường mặc định người phụ nữ thời trước thường rất kín kẽ đoan trang, và sẽ không cởi mở. Nhưng càng nghĩ mình càng thấy đó mới chính là cách giải quyết vấn đề: một cách tự nhiên, khi mới gặp, chính người con gái nên là người chủ động, như những gì mà cụ Cần đã viết. Họ nên là người hỏi han, dẫn dắt câu chuyện, để người con trai vượt qua được cảm giác mâu thuẫn ban đầu. Điều này có vẻ giờ đây đang bị hiểu sai, khi mình thấy nhiều bạn gái thường không dám tỏ ra cởi mở trong buổi hẹn đầu tiên.

Tuy nhiên, không phải vì vậy mà người con trai không cần làm gì để cải thiện tình hình. 
Khi cái mâu thuẫn ấy là không thể tránh khỏi, việc cần làm là phải tập cho quen với nó, để tâm trí có thể nhanh chóng thoát ra khỏi tình trạng mâu thuẫn ấy, và không bị đóng băng cứng đờ trong lúc quan trọng. 
Nhìn cũng biết não chàng đang khá linh hoạt :|
Và chỉ có một cách duy nhất, là tự ép mình phải có nhiều hơn những buổi gặp mặt và nói chuyện với gái.
Chỉ có điều: rất ít zai ngoan thực sự hiểu và làm được điều này!

P.s. Bài sau sẽ đưa ra lời giải thích cho vế sau trong câu trích của cụ Cần: Tại sao đến khi người con gái cảm thấy tình yêu nổi lên, là họ sẽ thay đổi liền thái độ và tỏ vẻ lạnh nhạt thờ ơ :)