Bài viết không dành cho người hèn nhát chạy trốn sự thật và sợ hãi tiêu cực.
St. Catherine of Siena Besieged by Demons Painting by - Unknown Painter Reproduction (Internet)
Tại sao số đông con người chúng ta thường luôn giả vờ hạnh phúc?
Một câu không cũ nhưng luôn được sử dụng lại hiệu quả ở mọi bài viết, rằng thời đại mạng xã hội ngày càng phát triển với một tốc độ chóng mặt khiến cho mọi thứ xảy ra cũng có những mặt tiêu cực trái chiều. Chúng ta có thể đánh giá một nhân diện và tổng thể một con người chỉ cần một cái nhấp qua Facebook/IG, mạng xã hội nói chung của họ, không hơn, không kém.
Chuyện đánh giá một con người qua mạng xã hội để được 'chấm điểm' bằng những cái like, số lượng follow, những hình ảnh đẹp và rực rỡ dần dần thành một chuẩn mốc tiêu chuẩn của xã hội bây giờ và áp dụng thành công cho bất cứ lĩnh vực nào, tất nhiên, đó cũng là cách rất tương đối, không sai nhưng cũng chưa chắc là đúng. Không ai lại đi mời một KOLs làm đại diện một thương hiệu với số lượng like đếm trên đầu ngón tay cũng như không có sức ảnh hưởng với bất kì ai. Nhưng người quản lý hoặc nhà tuyển dụng có thể cân nhắc, cẩn trọng nhận một người có độ tương tác tốt trên mạng xã hội cho công việc họ đang ứng cử hơn là một ứng cứ viên không dùng mạng xã hội dù trình độ tiêu chuẩn là có, hoặc thậm chí là tốt.
Trong bức tranh vẽ thế kỷ 19 này của Tony Robert-Fleury (1838-1911), bác sĩ người Pháp Philippe Pinel đã giải thoát một người phụ nữ bị bệnh tâm thần khỏi xiềng xích của mình nhân dịp ông "cải tạo nhà thương điên". [Ảnh AKG / Thư viện ảnh De Agostini] - (Nguồn Internet)
Dần dần, lối sống văn hóa sống ảo và quên đi các giá trị cũng đang gần như lên ngôi. So với những tiêu chuẩn xã hội từ văn hóa vô hình này hình thành, con người chúng ta được hiểu như một giao ước ngầm với nhau về sự tích cực, tốt đẹp của chúng ta được đem lên trang cá nhân: "Tốt khoe xấu che".
Tốt - cũng là một thuyết tương đối với nhều người khác nhau trên mạng xã hội. Có những người tốt là được đi du lịch sang chảnh ở resort 5 sao; tốt là mua được nhiều tài sản như túi hàng hiệu, xe hơi, nhà cửa..; tốt là khi trong tay có cả một cơ ngơi, chủ doanh nghiệp mới thành lập: phao-đờ (founder) / hay xi-i-ô (CEO)...; tốt là có một anh bồ đẹp trai nhà giàu hay một cô bạn gái siêu đẹp chuẩn ba vòng mà bao người mơ ước với những lời có cánh "thanh mai trúc mã"; tốt là bạn bè với người nổi tiếng; tốt là khi một bài post có số lượng like ổn định; tốt là khi mình càng có nhiều thành công hơn mặt bằng chung; tốt là mình có những thứ mà người ta không có, hoặc ít ra "nhìn lên không bằng ai, nhìn xuống không ai bằng mình". Thậm chí có những trường hợp vay mượn, nợ nần, chỉ để hoàn thành nghĩa vụ đủ đầy trên mạng xã hội để minh chứng cho một cuộc sống hoàn hảo đầy mơ ước. Nếu những thứ "tốt" đấy mà không đủ, hoặc không có thì thật quá kém cỏi và không khác gì một kẻ thất bại trên cuộc chiến online chứng minh giá trị về nhân diện bản thân. 
Tích cực là gì? Là những sự "tốt" được hiện diện ra để khẳng định vị trí của mình cũng như là tiêu chí để những người chưa được "tốt" lấy làm chuẩn của động lực. Để từ đó chúng ta lại tiếp tục sản xuất ra những siêu phẩm con người với sự hoành tráng về cuộc sống online. 
Vậy còn tiêu cực là gì?
Đáng tiếc thay, tiêu cực lại chính là sự thật vả vào mặt những người thích "tốt". Cái gì càng thật, thì càng tiêu cực và khó nghe. Cơ chế tự vệ của con người vốn dĩ là tự động bảo vệ và né tránh khỏi sự tổn thương. Sự tổn thương ấy thì lại là sự thật. 
Khi bạn muốn nghe lời khuyên từ việc gì, nhưng đâu đó bạn đang van xin một sự cứu rỗi về mặt an ủi tinh thần với những điều dễ nghe và tích cực để làm động lực. Bạn chạy trốn những sự thật khó nghe để quá yếu đuối phải đối diện với sự tiêu cực đó. 
Ví dụ đơn giản dễ hiểu và thực tế nhất. Bạn hơi béo, nhưng bạn hỏi ý kiến bạn mình rằng chiếc váy hơi bó này có hợp với bạn không?  Nếu bạn gặp một người cũng hèn nhát và yếu đuối như bạn, họ sẽ trả lời "Cũng xinh ấy, nhưng tớ nghĩ cái kia sẽ xinh hơn" - nhưng thật tế là bạn đang hơi quá khổ với chiếc váy để người đối diện có cái nhìn dễ chịu, trừ khi, bạn là kẻ mặc kệ sự quan tâm của người khác mà chỉ làm những điều mình thích. Nhưng xin lỗi, những kẻ không quan tâm dư luận và làm những điều mình thích thường ít đi xin lời khuyên, vì họ biết họ cần gì và muốn gì hơn là quan tâm đến dư luận. Nếu bạn còn quan tâm đến dư luận và những người đối diện nghĩ gì, thì hãy nhìn vào sự thật. Cách trả lời của một người tích cực nghe thì có vẻ khéo léo, nhưng, sẽ không bao giờ làm bạn tốt hơn, mà chỉ là cả hai cùng hợp tác với nhau để che đậy đi sự thật mà ai cũng muốn chối bỏ hay ngại nói tới. 
Nếu một người nói sự thật họ sẽ bảo "Cậu hơi béo so với chiếc váy này, mặc vào chỉ thấy cậu béo hơn bình thường thôi, nhưng nếu cậu thích và không quan tâm người khác nghĩ gì, thì cứ thoải mái mặc nó". Chắc hẳn, câu nói này rất chi là tổn thương, nhưng, nó là sự thật. Khi đó cơ chế tự vệ của não sẽ bảo vệ bạn và sinh ra mâu thuẫn không tốt với người nói lên sự thật: rằng họ thật tiêu cực. Thậm chí bạn có thể sinh ra suy nghĩ họ đang có thể cố tìm khuyết điểm của mình để chê bai - "Rõ là mình thấy mình mặc chiếc váy này cũng khá là xinh mà, chắc nó ganh tỵ với mình thôi".
Narcissus by Caravaggio 
Vâng. Một điều rất rõ rành rành là không ai có thể chịu đựng được khi nghe những lời không tốt khó nghe về bản thân mình cả. Vậy nên, sự tiêu cực luôn bị chối bỏ ở mọi ngữ cảnh. 
Chúng ta cũng nên phân biệt rõ về sự tiêu cực ở đây đang đi cùng với sự thật. Không phải một sự cố tình để dèm pha hay đánh giá, hạ bệ người khác, hay thậm chí suốt ngày đi soi mói để tìm điểm yếu kém của người khác,.. đó là những hành động vay mượn sự tiêu cực để cảm thấy bản thân mình đỡ tệ hại hơn trong xã hội này thôi. 
Sự thật mãi mãi là sự thật. 
Nếu chúng ta tệ hại thì chúng ta sẽ luôn tìm cách để làm người khác tệ hại hơn mình. Nếu chúng ta không kém cỏi chúng ta sẽ không quan tâm đến ai đang kém cỏi trong xã hội này, mà thay vào đó là nói ra điểm mà họ kém cỏi ở đâu để khắc phục. 
Vậy rồi chúng ta đang sống quên đi biết giá trị của mình mà thay vào đó là tiêu chuẩn của xã hội tích cực nói chung. Vậy mẫu số chung đang mong muốn là gì? Là những sự tích cực hão huyền hay né tránh những sự thật tiêu cực để thay đổi?
El Tonto / The Fool (Tarot)
Nhưng đâu đó ngoài kia đang cũng có những mảnh đời trôi nổi lạc lõng trong vũ trụ giá trị online. Đó là những tâm hồn tiêu cực lay lắt nhìn vào sự thật. 
Họ thẳng thắn và can đảm. Dám nhìn vào bản thân mình và những sự thật đang tồn tại hiển nhiên ngoài kia mà không cần che đậy. Khi ta thẳng thắn đối diện với sự tiêu cực của mình, thì trực giác sẽ cho mình biết được mình đang muốn gì và cần làm gì. 
Bạn không thể trở startup một doanh nghiệp trở thành CEO với một lượng follow đông đảo trên mạng xã hội, những comment khen ngợi của mọi người, hay nền tảng là những món hàng hiệu khó săn. Nhưng khoan, vẫn được chứ. Trừ khi thế lực nhà bạn quá giàu rồi đưa tiền người khác làm tất tần tật và bạn chỉ đứng tên và điều còn lại là chỉ  cần diễn nét sang trọng của một người lãnh đạo, hoặc, một người yêu/bạn đời giàu có để đầu tư cũng là một cách. Còn không, bạn chỉ có thể trở thành những tấm gương thành công khi nhìn vào sự thật. Sự thật là bạn không thể startup một doanh nghiệp khi bạn không có kiến thức nền về kinh doanh, lĩnh vực chuyên môn, tiền và quan trọng là năng lực, sự cố gắng đối mặt với những sự thật tiêu cực phía trước đang xảy ra.
Hoặc đơn giản, bạn không thể nào được thăng chức, hay đòi hỏi tăng lương, khi năng lực chỉ dậm chân tại chỗ, không có ý thức trao dồi thêm về kỹ năng chuyên môn. Thay vì thời gian ngồi than thân trách phận rằng cuộc đời này bất công, dùng những thời gian còn lại để tìm kiếm sự tôn trọng trên mạng xã hội thì chúng ta lại bỏ quên mất giá trị thực sự của chính mình là gì.
Những câu nói self-help đầy động lực tích cực như "Follow your dream" hay "Believe yourself" chỉ xảy ra khi bạn có trang bị đầy đủ cho "yourself" mình những giá trị thực, để trở thành công cụ để đi đến "dream". Nhưng những câu nói self-help, hay những cuốn sách self-help ít khi rằng nói cho bạn sự thật, mà luôn những lời tích cực có cánh của người viết ra đã thành công rồi, còn trên đường đi giải quyết nó như thế nào, những con người đã thất bại đã đi về đâu hay có thực sự thành công ở đâu đấy không thì ít ai nói tới.
Do đó, chúng ta cần nên dũng cảm hơn để đối diện với những suy nghĩ tiêu cực của sự thật. Tiêu cực cũng sẽ có một vẻ đẹp riêng nếu chúng ta thực sự vượt qua, sử dụng tư duy và khảnăng nhận định mình để hiểu vấn đề đang diễn ra là gì. Con người chúng ta không có năng lượng siêu nhiên để có thể tiêu diệt những sự tiêu cực có khả năng xảy ra hiện hữu, nhưng, chúng ta được sinh ra vốn dĩ đã có khả năng sinh tồn để đối mặt với khó khăn.

Xây dựng thương hiệu cá nhân online trên mạng xã hội không có gì sai nhưng cách mình cố gắng gồng gánh giả tạo một cuộc sống ảo để thể hiện về mặt "online" so với giá trị bản thân của chính mình ở đời thật bằng "0" thì lúc đó chúng ta chỉ mãi là một công nhân đang chạy đua với những công hàng online không lương mà chính mình đang tự đặt hàng ra mà thôi.

Còn bạn, bạn đang nghĩ gì về sự thật?