Cái tôi lớn liệu có xấu không? Câu trả lời cho câu hỏi trên có lẽ phụ thuộc vào việc bạn định nghĩa “cái tôi” là gì, hoặc may mắn hơn thì phụ thuộc vào việc bạn đặt câu hỏi này cho ai và vào lúc nào.
Cái tôi, danh từ, là một phạm trù thuộc về triết học, và là cách gọi bình dân hơn của bản ngã. “Cái” và “Tôi”, không phải cái bàn, không phải cái ghế, nó là cái tôi, nghĩa là thứ làm cho tôi là tôi, không phải là bạn. Dù tôi có phẫu thuật chỉnh hình thành bạn, ở nhà của bạn, đi xe của bạn, sinh hoạt với gia đình bạn, bù khú với bạn bè của bạn, thì tôi cũng không thể là bạn, tôi là tôi. Một cặp song sinh cùng trứng, lớn lên cùng một môi trường thì với cái tôi, họ vẫn là hai cá thể riêng biệt.
Cái tôi là cội nguồn của tính cách, nhưng tính cách không làm nên cái tôi. Hai người có thể có nhiều điểm tương đồng trong tính cách, thậm chí tính cách hoàn toàn giống nhau, thì cũng không thể có chung một cái tôi. Thẳm sâu bên trong mỗi người, ngay trước khi chạm vào tiềm thức, đó chính là cái tôi, là cách mà tự bạn nhìn nhận về bản thân mình, là trong thâm tâm bạn hiểu (“hiểu” chứ không phải “nghĩ”) bạn là ai!
Xã hội hiện đại với chủ trương mang lại sự bình đẳng trên diện rộng có vẻ nhìn cái tôi với lăng kính khá tiêu cực. Ngay cả khi chuyển ngữ sang tiếng Anh (= “ego”) thì nhận định này cũng không sai lệch mấy. Chỉ bằng một thao tác tìm kiếm đơn giản bằng Google, bạn sẽ thấy được ngay người ta nghĩ gì về “cái tôi”. Ngày nay, việc có cái tôi lớn không được đánh giá cao, trừ khi người ta muốn mời bạn mua một món gì đó. Chúng ta được khuyến khích, thậm chí yêu cầu, là nên bỏ cái tôi sang một bên để hòa nhập vào xã hội hay một cộng đồng, nhóm người nào đó. Việc này kéo dài ngay từ khi còn đi học cho đến tận lúc trưởng thành.
Tôi cảm thấy rất buồn cười, thậm chí là mỉa mai, khi mà họ luôn hô hào chúng ta thể hiện cá tính, phải có chất riêng, nhưng lại không cho người ta được có cái tôi. Một người anh đồng nghiệp từng làm chung mà tôi rất kính trọng, thường bị phê bình là có một cái tôi quá lớn, bởi chính những người như vậy (dù cái tôi của tôi lớn hơn của anh nhiều). Như đã trình bày, cái tôi là cội nguồn làm nên cá tính, thế thì sao lại đòi hỏi người có cá tính dẹp cái tôi đi được, chẳng khác nào chê lửa nóng.
Những người theo chủ nghĩa tự do (liberals), theo tôi nhận thấy, là những người dị ứng nhất với việc ai đó có cái tôi quá lớn. Đáng buồn thay, cũng chính họ, lại yêu cầu người ta phải bỏ qua cái nhìn phân định giới tính bằng bản dạng. Tức là giới tính của một cá thể quy định bằng sinh học và di truyền học không quan trọng bằng việc một người nhìn nhận giới tính của mình là gì. Tôi hoàn toàn không có phản đối gì về việc đó, nhưng việc nhìn nhận đó không phải chính là xuất phát từ chức năng cơ bản của cái tôi hay sao?
Cái tôi lớn thực ra là một món quà. Bạn càng nhìn nhận bản thân rõ nét và mãnh liệt bao nhiêu, bạn càng ít bị ngoại cảnh tác động tiêu cực. Khi hiểu rõ bản thân mình là ai và chấp nhận bản thân như mình vốn là, với tất cả những tính cách vừa tốt vừa xấu, với tất cả những thiếu sót và dư thừa, với tất cả những ác niệm nhất thời lẫn lòng từ bi thoáng chốc, chúng ta càng có nhiều cơ hội sống bình tĩnh và thản nhiên, thay vì rơi vào khủng hoảng hiện sinh.
Có cái tôi đủ lớn, bạn sẽ không vì một lời khen có cánh mà tự huyễn hoặc về khả năng của mình, cũng không vì một lời chê bai ác ý mà nghi ngờ về tư cách của mình. Có cái tôi đủ lớn, bạn có thể bỏ ngoài tai mọi lời gièm pha của thế nhân để sống cuộc đời của mình, và càng không có nhu cầu xen vào cuộc đời người khác bởi bạn biết không ai có thể thay bản thân mình đối mặt với những vấn đề của chính mình cả.
Một người như thế nào chỉ có thể được thấu tỏ khi quan sát đủ gần, và không có điểm quan sát nào gần hơn chính bản thân người đó, hay chính là cái tôi. Ví như mặt trăng, từ ngàn xưa được người đời cho là biểu tượng của cái đẹp và sự lãng mạn, là đối tượng ngợi ca của thi nhân, được tôn kính vì ánh sáng tỏa ra soi đường cho nhân loại khi tối trời. Đó là vì người xưa quan sát mặt trăng ở quá xa. Để rồi khi nhìn được đủ gần, thậm chí đặt chân lên tới đó, loài người vỡ mộng vì đó chỉ là khối đá xù xì lồi lõm, thậm chí ánh hào quang kia cũng không phải của chính nó, mà chỉ là phản chiếu từ mặt trời. Nhưng bao năm qua mặt trăng vẫn là mặt trăng và vẫn luôn ở đó, nó không vì người đời đã thay đổi cách nhìn nhận về nó mà không còn là nó. Cái tôi đủ lớn cũng là như vậy.
Vậy theo bạn thì sao, cái tôi lớn có xấu hay không?